Cảm nhận sách

Du ký Nam Mỹ: Khi giấc mơ không còn là huyền thoại

Những câu chuyện thú vị, hành trình đáng nhớ được nhà báo Nguyễn Tập ghi lại trong sách “Từ rừng thẳm Amazon đến quê hương Bolero”.

Tôi vẫn không thể lý giải nổi cảm xúc của mình khi đọc xong cuốn du ký Từ rừng thẳm Amazon đến quê hương Bolero của nhà báo Nguyễn Tập. Cả quá trình đọc sách làm tôi liên tưởng đến đoạn hành trình đậm chất Nam Mỹ của các tác phẩm văn chương, cũng như mang mác nỗi buồn rừng thiêng của nhà báo Nguyễn Hàng Tình trong Giã biệt hoang vu.

Nếu Giã biệt hoang vu là nỗi buồn của rừng Tây Nguyên khi những gì còn lại của rừng đang bị con người dần khai phá, thì những dấu chân của Nguyễn Tập lại muốn vươn xa hơn, nơi rừng rậm Amazon đầy huyền bí với những tộc người thổ dân còn giữ được chút gì gọi là bản sắc hoang sơ.

Nhưng còn nơi nào trên thế giới mà không “ô nhiễm” văn minh? Có lẽ đó cũng chính là câu hỏi mà Nguyễn Tập đi tìm, từ rừng sâu đến đỉnh đồi hoang sơ, và dừng chân nơi quê hương bolero để nhớ về Sài Gòn, nơi dòng nhạc Bolero đã kết tình và tái sinh với những trái tim yêu nhạc, yêu đời và yêu người.

Tất nhiên, theo dấu chân Nguyễn Tập ta không khỏi có những thất vọng như tác giả đã thốt lên khi thấy những tộc người sống nơi rừng thiêng đã bắt đầu từ bỏ tập tục cổ sơ, biết cách làm du lịch và quảng bá những mặt hàng của mình để thu hút du khách. Điều đó không có gì lạ khi giờ đây mạng Internet đã phủ sóng toàn cầu, nhưng giữa những bộ lạc ấy, vẫn còn có người muốn giữ cho mình máu thịt của rừng đã lui về tận núi sâu như ông già Dunu của tộc người Matsés nơi rừng Amazon.

Chính chúng ta đôi khi cũng luyến tiếc những niềm vui thời thơ dại, khi mà công nghệ giờ đây đã kết nối thế giới lại gần hơn, hay đẩy con người xa nhau hơn? Ta hoàn toàn chưa khẳng định được. Nhưng cuộc đời luôn là những bất ngờ, như trên cung đường mình đi, Nguyễn Tập đã gặp được đồng hương, những người Việt xa xứ.

Cuộc đời phiêu bạt xa quê cũng vì kế sinh nhai, có lẽ vì vậy mà người ta thương hơn những con người nói tiếng nói của quê mình, của đồng bào mình. Nhờ sự giúp đỡ đó mà tác giả đã có được một chuyến đi đáng nhớ, đậm tình, để biết thêm một đất nước nghèo như Cuba lại có hệ thống y tế và giáo dục miễn phí được cộng đồng quốc tế đánh giá cao dù nơi đó con người vẫn sống như thời kỳ bao cấp tem phiếu ăn theo khẩu phần được chia ở Việt Nam.

Vậy chúng ta thử đặt lại câu hỏi liệu giàu có hơn có hạnh phúc hơn chăng?

Những túp lều nằm ẩn sau tán rừng xanh, những ngôi làng chênh vênh rìa chân núi hay thậm chí cuộc sống mưu sinh khắc khổ vẫn không lấy đi nụ cười của những con người còn giữ trong mình một phần hoang sơ đã là quá vãng. Đôi khi, cuộc đời cũng đơn giản quá phải không?

Gấp trang sách lại, tôi vẫn tự hỏi lòng có phải miền đất huyền diệu này với nhiều câu chuyện huyền thoại đã tạo nên một nền văn chương huyền ảo Mỹ Latinh với những nhà văn và tác phẩm nổi tiếng? Hẳn nhiên, văn chương là một phần của hiện thực, dù nó huyền ảo hay phi lý đi chăng nữa. Có bao giờ con người ta sống thiếu những giấc mơ dù biết cơn mơ nào cũng tan biến khi tỉnh thức? Vậy một giấc mơ về chuyến hành trình đến miền đất Amazon cũng chẳng có gì là huyễn hoặc nếu một ngày chúng ta muốn hoàn thiện những mảnh ghép đời mình.

Bên cạnh những thông tin bổ ích về chuyến hành trình trên đất Nam Mỹ, Nguyễn Tập còn ký họa những nét đặc sắc của người bản địa qua nét vẽ chân thực của mình cũng những bức ảnh ghi dấu ấn nhiều màu sắc trên đường anh qua.

Có thể nói Nguyễn Tập bước chân xa quê hương để hiểu thêm về nơi mình sinh ra, như những câu thơ rất hay mà nhà thơ nổi tiếng người Chilê Pablo Néruda đã viết:

“Nếu như tôi phải chết nghìn lần

Tôi nguyện chết ở quê hương tôi đó

Nếu tôi được nghìn lần sinh nở

Tôi nguyện sinh ở nơi đó quê tôi”.

Tác giả Nguyễn Tập chia sẻ về sách.

Chúng ta, dù giàu nghèo sang hèn nhưng sinh mạng chỉ duy nhất là công bằng với tất cả. Vậy sống nhiều hay ít, hạnh phúc hay khổ đau hoàn toàn do ta tùy chọn. Đôi khi hạnh phúc là những chuyến viễn du về miền xa thẳm, để trở về thấy mình sống nhiều hơn, thành thật hơn và yêu quý cuộc đời hơn. Và cũng có đôi khi, hạnh phúc và tình yêu được đong đầy nơi một quán vắng miền xa lạ, ta nhớ nhung quắt quay nơi ta được sinh ra. Không xa thì làm sao biết nhớ? Không đau thì làm sao biết yêu?

Thử đi xa một lần trong đời, rồi khi chập chững những bước chân trở về, bạn sẽ biết rằng tình yêu đôi khi chỉ là những bước thân quen.

Lâm Hạ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button