Cảm nhận sách

‘Giấc mơ trung thu’: Hương thơm của thơ ấu

Thời thơ ấu có một mùi thơm đặc biệt quyến rũ đối với mỗi con người, nó được lưu giữ bằng cảm nhận của đủ mọi giác quan.

Giống như trong một bộ phim của Vương Gia Vệ, ông có nói: “Ký ức là thứ có thể nhìn thấy nhưng không bao giờ chạm vào”, bằng nỗi luyến tiếc lớn lao, ký ức có cách hiện hữu của riêng nó trong tâm trí mỗi người.

Ở Giấc mơ trung thu, Anh Thư có cách chạm vào ký ức bằng những con chữ. Những con chữ phập phồng hơi thở của hoài niệm “của một thời và mãi mãi”, để ký ức một lần nữa được sống lại, dung dị nhưng lóng lánh.

Đọc Giấc mơ trung thu, độc giả sẽ được ngắm nhìn hình ảnh của một ngôi nhà cạnh dòng sông Châu. Dòng nước ấy đã vỗ về, ôm ấp tuổi thơ của biết bao đứa trẻ. Bên dòng sông ấy có những trò nghịch ngợm, những bữa cơm cá bống kho, những chiều hè tắm sông, những mùa bão về… Ở đó có những gương mặt người bình dị, với “ánh mắt pha lê”, hay “bàn tay với những ngón búp măng dài”… là những hình ảnh cứ mãi lưu giữ trong ký ức, như một dấu lệ đẹp mãi. Anh Thư đã gom góp tất cả những mảnh ký ức ấy, bồi đắp lên một dáng hình quê hương tuổi thơ bồi hồi, rạng rỡ mà thăm thẳm nhớ mong.

Những nhỏ bé ấy tạo cho thời thơ ấu một thứ mùi hương quyến luyến không dứt, nó khiến độc giả chìm vào mà hoài nhớ, hít hà mùi hương trong ký ức của riêng mình. Những trang viết về thời thơ ấu của Anh Thư đều nhẩn nha, trầm lắng, dường như cô vừa đứng thật gần để lắng nghe, lại vừa lùi xa để ngâm ngợi.

Trong cuốn sách nhỏ của mình, Anh Thư cũng dành nhiều cảm xúc cho những bé mọn của đời sống. Ấy là sự thưởng thức của một tâm hồn trìu mến cúi xuống, một nhành hoa trà, một đóa thược dược, một cánh violet, hay một gánh chuối dậy mùi thơm, một mâm ngũ quả ngày tết… đều đã làm cuộc sống của Anh Thư trở nên đầy đủ sắc màu. Vừa có cái rộn ràng của thanh âm, lại vừa đầy vẻ mềm mại của hoa lá. Anh Thư ngắm nhìn bằng mắt, và lưu lại hương đời ấy bằng sự nhạy cảm của một tâm hồn quý mến đời sống.

Cuốn sách mang hương thơm hoài vọng của quá khứ, đầy nhựa sống của hiện tại, của một kẻ ham mê ngắm nhìn, lại thêm chan chứa sự ấm áp của một người mẹ. Anh Thư viết nhiều về con gái, đặt con vào những giấc mơ đầy trăn trở, với niềm yêu thương tha thiết.

Trong tạp văn Giấc mơ trung thu, bằng con mắt đầy trìu mến của người mẹ, cô tỏ bày cảm thức thương con khi trung thu của con không con nhiều màu sắc, nhiều háo hức như những trung thu đã xa. Thương con không được ngắm một vầng trăng tròn vành vạnh, và rồi lại trầm buồn mà nhớ về kỷ niệm đã cũ. Cái chất đằm thắm của một người mẹ, Anh Thư gửi gắm nhiều trong những trang viết của tập sách nhỏ này.

Anh Thư không phải nhà văn, nhưng ở cô có cái rung cảm của “con người mang phẩm chất thi sĩ”, bởi thế nên “biết nâng niu câu chữ cuộc đời, luôn khao khát hướng về những khoảng sáng trong dòng đời nhiều bụi bặm bon chen”. Ấy là lời cô dùng trong một tạp văn về một người chủ quán hàng ăn nhưng có tâm tư thi sĩ. Cô viết Câu chữ cuộc đời để tặng anh, mà cũng có lẽ để dành tặng cho chính mình. Cô đi khắp thành phố, khắp ngõ ngách, dừng lại, ngắm nhìn và nhắc nhớ bằng tâm tư và mượn từ ngữ để giãi bày.

Đọc cuốn sách, người ta được thưởng thức thêm chút hương vị của cuộc đời. Một cuộc đời thật đơn giản, chậm rãi, và nhẹ nhõm. Lối viết của Anh Thư cũng là lối viết chân tình mộc mạc, là lối viết níu vào cái an ủi, bóc tách từ rất nhiều những điều nhộn nhạo của đời sống. Ở đây ngôn ngữ không phải là để luyến láy, để nhào nặn, ngôn ngữ là cách để tỏ bày một đôi chút về tâm tư về đời sống mình. Bởi thế ngôn ngữ mang gương mặt chân tình, như một nụ cười, như một ánh nhìn, và phảng phất hương thơm duyên dáng.

Giọng văn của Anh Thư cũng chất chứa một nỗi buồn dịu dàng. Nỗi buồn của một kẻ yêu thương quá nhiều, nhung nhớ quá nhiều, nên thành ra nhạy cảm với mọi điều bé bỏng. Chẳng thế mà, chỉ vì một câu chuyện ở bến xe khách, cô đã viết Câu chuyện mười nghìn, đầy trắc ẩn, đầy trăn trở và thấm thía.

Hay chỉ bắt gặp một đám lá vàng bay rải rắc trên phố, lòng đã ngập đầy ký ức về thời bé thơ đi quét lá, về một nỗi nhớ mẹ da diết… Có lẽ cũng bởi thế nên những điều Anh Thư viết thật dễ chạm vào tâm tư của người đọc.

Cuốn sách nhỏ nhắn, lưu níu rất nhiều những bé nhỏ mà ta dễ dàng bỏ trôi đi trong đời sống. Nhưng Anh Thư giữ lại, trân quý và thủ thỉ cùng ta bằng tấm lòng rất thơm thảo.

Thủy Nguyệt

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Bảy 20, 2017 | Lần cập nhật cuối: Tháng Hai 2, 2018

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button