Cảm nhận sách

Giận: Bí quyết sống an yên giữa cuộc đời

Giận là một cuốn sách hay của thiền sư Thích Nhất Hạnh, mở ra cho người đọc những khả năng kỳ diệu nhưng lại rất dễ thực hành để tự mình từng bước thoát ra khỏi cơn giận và sống đẹp với xung quanh.

Rất nhiều độc giả nhờ cuốn sách này mà điều phục được tâm mình, sử dụng ái ngữ lắng nghe để hòa giải với người thân, đem lại hạnh phúc trong gia đình và trong cộng đồng của họ.

Thiền sư định nghĩa: Hạnh phúc có nghĩa là ít đau khổ, nếu không chuyển hóa được đau khổ thì không thể nào có hạnh phúc. Rất nhiều người đã đi tìm hạnh phúc từ bên ngoài nhưng hạnh phúc thực sự chỉ có thể có được từ bên trong. Giận sẽ giúp độc giả vơi bớt những đau khổ và tìm kiếm những hạnh phúc thật sự trong cuộc sống mà có thể trước đó chúng ta không hề nhận ra.

250 trang sách chia làm 10 chương, xắp xếp logic và mạch lạc theo sự vận động tâm thức của con người, từ Tiêu thị sân hận, Dập tắt lửa giận, Tiếng nói của yêu thương chân thật đến Chuyển hóa, Ôm ấp cơn giận bằng chánh niệm và Phục hồi tịnh độ. Cuốn sách sẽ giúp mỗi chúng ta hiểu được bản chất của cơn giận và những cách thức để vượt qua cơn giận một cách thanh thản và nhẹ nhàng nhất. Mở rộng ra, điều chỉnh cơn giận chính là giúp ta điều chỉnh mối quan hệ với người vợ, người chồng, người con – những người gần gũi với ta nhất hay tất cả mọi người xung quanh.

Mỗi một chương sách lại đề cập đến một khía cạnh khác nhau của cơn giận và những phương pháp để xoa dịu cơn giận. Nếu như Tiêu thụ sân hận nói về cách xử lí và chăm sóc cơn giận: phải chú ý đến khía cạnh sinh hóa của sân hận như là cách chúng ta ăn và cả những gì chúng ta tiêu thụ qua mắt, tai và ý thức thì Dập tắt lửa giận lại nhắc mỗi người khi có cơn giận nên trở về với tự thân của chúng ta thông qua công cụ là hơi thở chánh niệm.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh ví việc tiêu tan sân hận giống như nấu chín đồ ăn. Ban đầu cơn giận “còn sống” thì không có gì vui nhưng nếu biết chăm sóc, ôm ấp cơ giận – nghĩa là nấu cho chin – thì năng lượng tiêu cực của cơn giận sẽ đươc thay thế bằng năng lượng tích cực của hiểu biết và thương yêu. Đó chính là cơ sở của quá trình Chuyển hóa.

Trong chương Ba – Tiếng nói của yêu thương chân thật nhắc chúng ta về cơ sở của truyền thông giữa người và người. Hòa bình bắt đầu từ chính trong mỗi người, khi hòa bình với bản thân thì mới có thể tái lập truyền thông với người khác thông qua sự lắng nghe mà không hề có phán xét. Còn Ôm ấp cơn giận bằng chánh niệm đã ví cơn giận như một em bé mà để đối trị với cơn giận, ta phải ôm ấp cơn giận như là bà mẹ ôm ấp con. Nếu biết thực tập hơi thở, nụ cười chánh niệm và bước chân chánh niệm thì chắc chắn ta sẽ phục hồi bình an trong vòng năm, mười, mười lăm phút mà thôi.

Cuốn sách không mang những triết lí quá cao siêu, ngược lại, những ví dụ mà Thiền sư sử dụng rất gần gũi, dễ dàng bắt gặp trong cuộc sống. Độc giả “thấy” được chính mình trong từng trang sách: khoảnh khắc giận dỗi – những ý niệm không hay về người khác – những tác hại mà cơn giận gây ra… để từ đó tự nhận thức về mình, điều chỉnh được thái độ và cảm xúc với cơn giận để tâm luôn từ bi và không làm tổn thương người khác, xây dựng một môi trường sống xung quanh an lành.

Điểm thú vị trong Giận đó là Thiền sư không chỉ nói lí thuyết mà còn hướng dẫn những phương pháp tu tập, chuyển hóa rất đơn giản mà mỗi cá nhân đều có thể thực hành được. “Hơi thở cánh niệm” là “Thở vào, tôi ý thức toàn thân tôi; thở ra, tôi ý thức toàn thân tôi”. Hay như việc nhận diện và ôm ấp các tâm hành bất thiện như là sân hận, ganh ghét khởi dậy, chúng ta phải trở về với tự thân, sử dụng hơi thở chánh niệm “Thở vào, tôi làm cho tâm hành trong tôi êm dịu; thở ra, tôi làm cho tâm hành trong tôi êm dịu”.

Quá trình chuyển hóa từ giận thành lành, từ tổn thương sang an yên ngỡ rằng rất khó khăn nhưng đôi khi chỉ cần chính sự ý thức bên trong của mỗi người là đã có thể tạo nên được sự đổi thay lớn lao trong hành vị cư xử.

Nguyễn Ngân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button