Cảm nhận sách

Là phụ huynh hay là bạn của con

46 bức thư từ một người cha sẽ giúp độc giả hiểu hơn làm phụ huynh là như thế nào.

Đời người là mục tiêu hay một quá trình? Nếu là một quá trình, thì giai đoạn nào cũng quan trọng như nhau, đều mang ý nghĩa riêng về sự tồn tại. Có nghĩa là, tuổi còn thơ ấu không nên chuẩn bị cho tuổi trưởng thành, tuổi thơ ấu không thể mất đi giá trị riêng của nó vì tuổi trưởng thành, những giá trị đó là sự vui vẻ và hồn nhiên.

Đời người phải trốn tránh thực tại hay thích nghi với thực tại? Nếu như vì trốn tránh thực tại thì việc bắt con lao vào làm bài tập, học tiếng Anh, học các loại kỹ năng nhằm nâng cao “sức cạnh tranh xã hội” có còn hợp lý?

Con người sống là để đạt được tiêu chuẩn nào đó hay sao? Dù những tiêu chuẩn này có vỹ đại hay đúng đắn cỡ nào, thì sứ mệnh của cuộc đời hoàn toàn không phải để đạt theo một tiêu chuẩn nào. Vậy tại sao phải đánh giá người thành danh và người thất bại, tại sao phải quyết định đời mình dựa theo ý kiến đánh giá của người khác?

Cuộc đời con trẻ thuộc về chúng hay thuộc về người khác? Dù người khác ở đây là cha mẹ hay là bậc thánh hiền, cuộc đời của con vẫn phải thuộc về con, người khác không nên và cũng không được sống hộ con.

Đừng coi cha là phụ huynh là 46 bức thư tình của một người cha viết cho con gái. Tác giả từng làm công tác giáo dục, và nhiều năm quan tâm đến lĩnh vực tâm lý học, nên có những kiến giải riêng và kinh nghiệm thực tế về vấn đề giáo dục gia đình.

Ông cho rằng, cha mẹ chính là gia giáo. Cha mẹ là người như thế nào, có tính cách thế nào, đối nhân xử thế ra sao, chính là sự dạy dỗ trực quan nhất, có sức ảnh hưởng nhất đối với con cái. Không ai bẩm sinh đã là bậc cha mẹ mẫu mực, mà cha mẹ trưởng thành theo sự trưởng thành của con cái. Cha mẹ nỗ lực hoàn thiện nhân cách hơn, sống bao dung hơn, làm việc tốt hơn, đó chính là sự dạy dỗ tốt nhất dành cho con.

Trong quan điểm của mình, tác giả Lý Bình cho rằng, con cái cần “tự do để trưởng thành”, chứ không cần quản giáo chặt chẽ, hãy để con tự quyết định làm những gì mình muốn, và tự chịu trách nhiệm. “Con có thể làm bất cứ việc gì, chỉ cần con suy nghĩ thật kỹ về cái giá mà con phải trả nếu làm việc đó và chắc chắn rằng con dám chấp nhận.” Đó là nguyên tắc cốt lõi trong phương pháp giáo dục của tác giả.

Dựa vào nguyên tắc này, tác giả chưa từng vất vả khổ sở vì phải kiểm tra bài tập về nhà của con, không phải theo dõi lịch sử QQ (phần mềm chat) của con, cũng không phải cuống lên khi thành tích của con gái lúc lên lúc xuống, và càng không có cấm túc hay chiến tranh lạnh, tất cả đều rất nhẹ nhàng bình thường.

Đương nhiên, tác giả cũng cho rằng, cha mẹ là thành lũy cuối cùng của con cái. Để con tự lập không có nghĩa là buông xuôi không quản lý, mà là con tự quyết định những việc mà con tự làm được, còn những việc cần cha mẹ chỉ bảo, thì cha mẹ phải chỉ dạy rõ ràng, điều này sẽ mang lại cho con cảm giác an toàn quý giá nhất.

Đừng coi cha là phụ huynh không nặng nề những triết lý giáo dục, chắc chắn sẽ không chỉ khiến bậc làm cha mẹ thấy đồng cảm trong cách chung sống với con, mà ngay cả những người con – dù ở lứa tuổi nào cũng sẽ hiểu hơn về những người sinh ra mình và thậm chí là cả bản thân mình.

Thanh Nguyễn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button