Cảm nhận sách

Lễ hội của vô nghĩa: Đi tìm ý nghĩa thực sự của sự vô nghĩa

Lễ hội của vô nghĩa là tiểu thuyết mới nhất của Milan Kundera sau mười ba năm vắng bóng. Chỉ với 100 trang nhưng tác phẩm đầy ắp những tầng lớp ngôn từ nặng trĩu trăn trở, suy tư, hoài niệm, mơ tưởng, kiếm tìm – là những thứ vốn luôn luôn hiện diện trong các sáng tác của Kun.

Lễ hội của vô nghĩa là tiểu thuyết mới nhất của Milan Kundera sau mười ba năm vắng bóng.

Tác phẩm xoay quanh những trò đùa vô nghĩa, tiếng cười, sự tuyệt vọng, sự khêu gợi, và suy tưởng của năm người bạn: Ramon, Charles, Alain, D’Ardelo, và một người có biệt danh Caliban. Kun đặt họ trong những chồng chéo, rồi bằng ngòi bút tỉnh táo và sắc sảo của mình, ông để họ cất tiếng nói vô nghĩa, giãi bày về đời sống vô nghĩa của chính họ.

Đồng hiện giữa những câu chuyện diễn biến hàng ngày của năm người bạn chính là câu chuyện của Staline và các đồng chí của ông. Câu chuyện hài hước về hai mươi bốn con gà gô mà Staline đã kể cho các đồng chí của ông, nhưng không một ai cười. Người ta chỉ nghi ngờ ông nói dối. Kun để cho Staline kể đi kể lại trong mỗi cuộc họp của ông. Những đồng chí của Staline, những người đọc của Kun ngơ ngác. Để rồi đến cuối cùng kết lại, Staline nói rằng ông hoàn toàn chỉ kể một câu chuyện cười, không cố ý gắn nó vào một ý nghĩa triết lý nào.

Thoạt nhiên, câu chuyện của Staline khiến người đọc không khỏi bật cười, rồi lật giở, đọc lại, và bật cười. Nhưng sau nữa, người đọc không còn cười về câu chuyện mà Staline đã kể, mà cười vào không khí trang nghiêm mà các đồng chí của Staline đã biểu hiện ra khi lắng nghe câu chuyện vui đùa thực sự của Staline. Kun thực ra có ý tứ gì khi ông viết chương sách ngắn ấy. Hay chính Kun cũng chỉ đang kể một câu chuyện vớ vẩn?!

Một đoạn ngắn nữa thực sự gây phấn khích cho độc giả, chính là đoạn cuộc nổi loạn trong nhà vệ sinh. Cái cách Kun bỡn cợt, bằng sự khiêu khích khiến chúng ta sẽ phải phá lên cười.

Kun vẫn quá thông minh và sắc bén như vậy. Dù đã 86 tuổi, sống rất lặng lẽ, và luôn phải đương đầu với bệnh tật nhưng ngòi bút như dao của Kun vẫn luôn luôn nhạy bén. Nó đưa người đọc đến những cuộc cười vô nghĩa, rồi lại nhấn chìm người đọc trong những buồn bã ảm đạm. Nằm dưới những câu chuyện vô nghĩa, ấy là những suy tưởng cá nhân đậm chất Kundera.

Những nhân vật cười của ông tìm cách để sống vui tươi, nhưng tất cả họ đều có những đau đớn ẩn nấp bên trong. Alain bị ám ảnh bởi hình ảnh người mẹ mà anh chỉ được gặp duy nhất trong đời một lần. Trong nỗi ám ảnh ấy, anh đã tự dựng nên một cuộc tự tử, một cuộc giết người bất thành rồi tự biến mình thành một kẻ suốt đời đóng vai người xin lỗi. Roman rõ ràng là một người có kiến thức sâu rộng nhưng lại sống một đời sống cô đơn buồn bã và không việc làm. Chỉ có tuổi già cứ ngày một đến rất gần. Charles là kẻ dễ xúc động và không bao giờ ngừng lo lắng về mẹ mình.

Các nhân vật trong những tiểu thuyết nổi tiếng nhất của ông như Đời nhẹ khôn kham, Sự bất tử, Điệu vales giã từ hay Vô tri đều triền miên trong những đau khổ nghiệt ngã. Kun là một nhà văn cay nghiệt, cực đoan khi nhìn mọi thứ xung quanh bằng ánh mắt chẳng bao giờ có niềm vui. Có lẽ điều đó cũng phần nào bắt nguồn từ đời sống “không quê hương” của ông. Ông rời bỏ Tiệp Khắc sang Paris, được nhập quốc tịch Paris, được giới văn sĩ chào đón ở Paris, nhưng trong tâm trí ông, chỉ có hình ảnh một Tiệp Khắc xa xôi.

Không quá bất ngờ khi đọc Lễ hội của vô nghĩa của Kun bởi những gì ông mang lại cho người đọc không bao giờ nằm ngoài sự chờ đợi của họ. Và hơn cả sự tin tưởng, khi đọc xong trọn vẹn cuốn tiểu thuyết ngắn của ông, người đọc cảm thấy nhẹ nhõm. Ở tuổi 86, Kun đã không còn quá nghiệt ngã khi viết. Ông viết tưng tửng, dửng dưng nhưng cũng để chừa ra nhiều khoảng trống ấm áp (giống như cách Alain nhìn ra sự trìu mến của Staline).

Một đoạn trò chuyện tưởng tượng ngắn giữa Alain và mẹ cậu thôi cũng đủ khiến cuốn sách nảy ra vô vàn những trìu mến thứ tha. Nó làm nảy sinh ở người đọc ý nghĩ rằng, có lẽ Kun cũng đóng vai người xin lỗi và đang muốn giàn hòa với quê hương của ông. Dù nó chỉ là sự phỏng đoán cá nhân, nhưng nó phù hợp với trăn trở, ám ảnh cả đời của người đàn ông tha hương Kundera.

Ở Lễ hội của vô nghĩa, Kun quay về với lối viết bảy chương truyền thống của mình. Người ta vẫn thường ví Kun viết tiểu thuyết như soạn một bản nhạc giao hưởng, với những cuộn sóng dữ dội. Điều này ảnh hưởng từ tình yêu và sự gắn bó với âm nhạc từ nhỏ của Kun: ông được học piano từ nhỏ.

Thêm nữa, trong Lễ hội của vô nghĩa, người đọc cũng dễ dàng nhận ra những hình ảnh sắc nét, những chi tiết được đặc tả (như chiếc lông vũ, hay chai rượu quý…), những lắp ghép chất chồng quá khứ, hiện tại, thực thực, mơ mơ chính là vết dấu của thủ pháp điện ảnh trong tiểu thuyết của Kun. Nó khiến người đọc bị choáng ngợp, bị ngột thở, nhưng Lễ hội của vô nghĩa có nhiều khoảng thở dễ chịu. Nó là một sự trọn vẹn của “một tòa lâu đài không thể phá hủy của cái không thể quên nổi”(¹). Nên, mặc nhiên đây là tác phẩm hoàn hảo của Kun.

Cuối cùng, đời sống này, giữa những lễ hội này, trong sự giã từ này, ý nghĩa thực sự của sự vô nghĩa là gì?!

(¹): Định nghĩa về tiểu thuyết của Milan Kundera.

Phong Linh

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Hai 18, 2017 | Lần cập nhật cuối: Tháng Hai 2, 2018

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button