Cảm nhận sách

‘Lĩnh Nam chích quái’: Từ huyền thoại đến huyền sử

Bên cạnh việc gói ghém tâm thức, tình cảm của người xưa, tác phẩm này cũng để lại dấu ấn lớn lao trong những bộ sử truyền thống của Việt Nam.

Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, có thể nói, Lĩnh Nam chích quái là một trong những tác phẩm chiếm giữ vị trí quan trọng và có sức ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tinh thần của người Việt.

Ra đời vào khoảng cuối thời Trần, đúng như tên gọi Lĩnh Nam chích quái – Lựa chọn ra những câu chuyện kỳ quái ở đất Lĩnh Nam, cuốn sách là tập hợp 22 câu chuyện cổ tích hoặc huyền thoại trong dân gian mà tương truyền đã được Trần Thế Pháp, một danh sĩ của triều đại này đã sưu tầm và biên soạn.

Trong tác phẩm này, bên cạnh những truyền thuyết ở thời thái cổ kể về sự hình thành giống nòi, gầy nước dựng non hay sự tích về những nhân vật mà sau này vẫn được nhắc đến trong các cuốn sách sử thời trung đại; còn có những câu chuyện gắn liền với sự ra đời của những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc được bảo lưu suốt ngàn đời nay.

Tất cả đều được bao phủ lên mình một màn sương kỳ ảo của những phép thần thông, những điều huyền bí siêu hình, mà dường như, chất chứa từ sâu thẳm bên trong đó là những tự tôn nòi giống, ước mơ, tin tưởng về những điều tốt đẹp hiện hữu trong xã hội thế tục.

Những truyền thuyết và huyền thoại, đồng thời, cũng đã hun đúc nên những suy nghĩ, nếp sống tinh thần của bao nhiêu thế hệ sinh ra và lớn lên trên dải đất hình chữ S.

Không chỉ có thế, trải qua suốt gần 7 thế kỷ tồn tại với những lần nhuận chính công phu của hai danh thần dưới triều Lê Thánh Tông là Kiều Phú và Vũ Quỳnh, Lĩnh Nam chích quái cũng đã gây nên những ảnh hưởng không thể phủ nhận trong các bộ sách sử nổi tiếng của Việt Nam.

Trong quá trình biên soạn Đại Việt sử ký toàn thư, bộ quốc sử nổi danh ra đời vào năm 1697, sử gia Ngô Sĩ Liên đã tiếp thu thông tin từ các bộ sử đã được biên soạn từ trước như Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu thời Lý, Đại Việt sử ký tục biên của Phan Phu Tiên thời Lê Sơ cũng như tham khảo hình mẫu các bộ sử của Trung Quốc.

Tuy nhiên, nếu như ở hai bộ sử của Lê Văn Hưu và Phan Phu Tiên, việc ghi nhận lịch sử Việt Nam chỉ được bắt đầu từ nhà Triệu, tức từ sau khi Triệu Đà lập nước Nam Việt, thì đến Ngô Sĩ Liên, ông đã nối dài dòng chảy lịch sử đất nước khi đưa vào Đại Việt sử ký toàn thư thời Hồng Bàng và đưa chặng huyền sử này trở thành điểm khởi nguyên tiến trình phát triển của dân tộc.

Để thực hiện được công việc nêu trên, Ngô Sĩ Liên đã sử dụng nguồn tư liệu chủ yếu rút ra từ dã sử, những lời truyền tụng và chắc chắn không thể thiếu những truyện chỉ có mặt trong giai đoạn đó là Lĩnh Nam chích quái và Việt điện u linh tập.

Mặc dù là những tập hợp truyền thuyết và cổ tích, tuy nhiên, những tác phẩm này vẫn được Ngô Sĩ Liên sử dụng như một nguồn sử liệu chính thống. Và cũng chỉ đến thời điểm Ngô Sĩ Liên cho ra đời Đại Việt sử ký toàn thư, những dã sử, huyền thoại hay truyền thuyết trong Lĩnh Nam chích quái và Việt điện u linh mới được sử dụng lần đầu tiên với vai trò tư liệu để tạo lập nên một bộ biên niên sử.

Dưới triều Nguyễn, khi Quốc sử quán cho ra đời Khâm định Việt sử thông giám cương mục, công trình kế thừa đồ sộ của Đại Việt sử ký toàn thư, đoạn huyền sử này vẫn tiếp tục xuất hiện và giữ vị trí chủ chốt trong việc xác định nguồn gốc khởi nguyên của dân tộc và đất nước.

Những ảnh hưởng này sẽ còn tiếp tục kéo dài và hiện diện cho đến tận khi Việt Nam sử lược, bộ sử hiện đại đầu tiên của Trần Trọng Kim ra đời.

Mặc dù đã được biên soạn theo phương thức mới theo phong cách và ảnh hưởng của ngành viết sử phương Tây, tuy nhiên, Trần Trọng Kim vẫn tiếp tục đưa dấu ấn huyền sử vốn có từ các công trình cổ sử vào trong tác phẩm của mình.

Điều này, ở khía cạnh khoa học có thể coi là một hạn chế rất lớn, nhưng ở góc độ kế thừa, thì Việt nam sử lược của Trần Trọng Kim có thể coi là một chiếc cầu nối khéo léo giữa nền sử học truyền thống và tinh thần sử học hiện đại của phương Tây trong buổi giao thời.

Và nếu xét trên bình diện tinh thần và xã hội, trong thời điểm viết nên Việt Nam sử lược, tinh thần khoa học hiện đại vẫn chưa thực sự phổ biến trong xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Truyền thuyết hay thần thoại, với những yếu tố siêu hình vẫn giữ một vị trí xung yếu trong suy nghĩ và quan niệm của số đông dân chúng.

Đồng thời, cảm thức tự hào được gieo nên từ câu chuyện con Rồng cháu Tiên, hình tượng người anh hùng Phù Đổng Thiên Vương,… cho đến những bài học đạo lý rút ra từ những câu chuyện như sự tích bánh chưng – bánh dầy hay sự tích trầu cau,… đã duy trì nền nếp và lòng kiêu hãnh dân tộc của người dân nước Nam giữa những biến động đầy nhục nhằn của thời cuộc.

Với tất cả những tác động và ý nghĩa trên, Lĩnh Nam chích quái có thể được coi là một trong những tác phẩm có ý nghĩa rất lớn trong dòng chảy văn hóa Việt Nam. Đi từ huyền thoại đến huyền sử, những câu chuyện trong tác phẩm này đã góp phần xây dựng nên thế giới tâm hồn phong phú, cùng cách ứng xử và đạo lý của biết bao lớp người Việt từ quá khứ cho đến hiện tại, vượt qua những sóng gió và biến chuyển không ngừng mà bánh xe lịch sử đã tạo nên.

Và một điều chắc chắn, những ý nghĩa tốt đẹp đó rồi sẽ còn tiếp tục song hành với đời sống của dân tộc trên hành trình vươn ra biển lớn.

Cường Nguyễn

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Năm 30, 2017 | Lần cập nhật cuối: Tháng Hai 2, 2018

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button