Cảm nhận sách

Lo. Lee. Ta.

Một cách ngắn gọn, có thể nói Lolita là tác phẩm bi kịch kinh điển của Nabokov.

Mặc dù có thể Lolita không phải là câu chuyện hay nhất mà Nabokov đã từng kể (như chính ông thú nhận), nhưng rõ ràng đây là một cuốn sách để lại ấn tượng mạnh cho người đọc. Hoặc là không gì cả. Đúng như cái cách H. H. gọi tên nàng: “đầu lưỡi lướt ba bước xuôi vòm miệng để vỗ nhẹ, tại bước ba, lên răng. Lo. Lii. Ta.”, Lolita là trò chơi câu chữ của Nabokov với ba phần rõ rệt – phần một nói về tình yêu ám ảnh của Humbert Humbert với các nymphet, trước là Annabel và giờ là Lolita; phần hai nói về tình yêu kiểm soát của H. H. với Lolita khi hai người du ngoạn khắp nước Mỹ nhìn ngắm các quang cảnh tự nhiên với những motel dừng chân bên đường, kết thúc bằng việc Lolita rời bỏ Humbert và sự trả thù của người đàn ông này với kẻ đã xui khiến nàng bỏ đi; và phần ba là sự ám ảnh của độc giả sau khi câu chuyện kết thúc.

Vậy nên, mặc dù đã đọc xong Lolita, tôi vẫn chưa thể kết thúc câu chuyện nếu không viết ra những dòng này.

Bỏ qua sự thiên tài của Nabokov trong việc sử dụng từ ngữ (ông rất hay chơi chữ và chơi chữ cũng rất hay), câu chuyện về Lolita được kể lại qua hồi tưởng của nhân vật nam Humbert. Có đôi lúc Humbert đưa ra những bằng chứng để thấy rằng quan hệ giữa ông và cô bé 12 tuổi Lolita là được chấp nhận trong một số xã hội tại những thời điểm lịch sử khác nhau, và toàn bộ câu chuyện được viết nên để cho độc giả – và cũng là những người trong bồi thẩm đoàn lắng nghe và phán xét. Tuy nhiên, cảm giác của tôi là Humbert viết ra không phải để biện minh cho hành vi sát nhân của bản thân mình, Humbert Humbert viết lại câu chuyện về Lolita chỉ với mục đích duy nhất là để người ta biết và hiểu rằng đã có một câu chuyện tình yêu như vậy từng xảy ra (sau đó thì Humbert đã chết trước khi được tuyên án và Lolita, cũng chết cùng năm đó, và việc cô bé nghĩ gì mãi mãi không có câu trả lời).

Thế nên, rốt cuộc là Humbert quyến rũ Lolita hay Lolita đã quyến rũ Humbert? Hay nói một cách tượng hình hơn, “nước Pháp già cỗi đã quyến rũ nước Mỹ tươi trẻ” hay ngược lại? Sẽ không ai biết.

Không phải tự nhiên mà Nabokov để cho Humbert bị xét xử với tội danh giết người (giết C.Q.), chứ không phải là quan hệ với trẻ vị thành niên, mặc dù xét về khía cạnh đạo đức (và cả pháp luật nữa) ở rất nhiều nơi, đó là điều không thể chấp nhận được, dù với bất cứ lý do gì hay ai quyến rũ ai và Lolita có tự nguyện hay không. Tuy nhiên, cái hay ở Nabokov là qua câu chuyện của Humbert và Lolita, người đọc thấy một câu chuyện khác. Phải chăng việc Humbert chỉ thích các nymphet nói lên thói ích kỉ của đàn ông (chỉ bị thu hút bởi sự tươi trẻ của các cô gái dù cho người đàn ông còn trẻ hay đã già, đã qua thời kỳ đẹp nhất) hay đó là nỗi ám ảnh của một người từng có một lần thất bại (với Annabel) và suốt cả đời chỉ chạy theo những ảo vọng của quá khứ? Nên nhớ Humbert là một người đàn ông rất hấp dẫn và tương đối thành đạt, việc phụ nữ chạy theo ông là không hiếm (mẹ Lolita là một ví dụ). Điều đó càng cho thấy một Humbert bi kịch của hiện tại khi cả đời chìm đắm trong một Humbert của quá khứ đã qua. Ngay cả trong mối quan hệ với Lolita, ngay từ đầu Humbert cũng đã xác định rất rõ mối tình đó sẽ kết thúc vào lúc nào (khi Lolita không còn là nymphet nữa – aka lúc cô bé lớn lên). Và nếu như mọi điều đều thuận lợi, biết đâu đấy, Humbert sẽ lại đi tìm một nymphet kế tiếp?

Và thế là mối tình đó của Humbert, do đã xác định khoảng thời gian kết thúc ngay từ đầu, là mối tình đầy kiểm soát và tràn đầy gấp gáp. Bỏ qua những miêu tả về nhục dục (tương đối nhiều nhưng không hề thô lợm), có cảm giác Humbert muốn “tận hưởng” tuổi trẻ và sự thanh xuân của Lolita. Điều đó lý giải tại sao Humbert Kiểm soát lại nổi điên mỗi khi cô bé có những tiếp xúc với người khác giới và mối thù dành cho C.Q. khi giúp Lolita “trốn thoát” khỏi “cái lồng” giam cầm của Humbert. Có sự ngưỡng mộ của Humbert dành cho Lolita, nhưng đó là sự ngưỡng mộ dành cho cái đẹp, cho tuổi trẻ, cho nymphet. Tôi không cảm thấy một sự đồng cảm hay đồng điệu tâm hồn gì nhiều giữa hai nhân vật. Vậy nên khi Humbert tìm thấy Lolita-của-thời-không-nymphet, một Lolita “xấu xí và tàn tạ” (theo nghĩa không còn là nymphet xinh đẹp), và đề nghị cô đi cùng ông vì ông vẫn còn yêu cô, tôi hơi ngạc nhiên. Và rồi tôi chợt hiểu, Humbert mãi vẫn chỉ đi tìm một hình bóng Lolita của thời xa vắng, một hình ảnh nymphet mà ông đã mất, mất Annabel ông thay thế bằng Lolita, mất Lolita-nymphet ông thay thế bằng Lolita-đã lớn. Mãi mãi Humbert chơi trò cút bắt với chính cái bóng của mình. Tất nhiên, Lolita thì không, khi còn bé có thể cô thấy “trò chơi” với bố dượng là thú vị, nhưng khi đã lớn lên và có gia đình, đương nhiên cô sẽ phải chọn gia đình mình.

Đó là bi kịch của người đàn ông Humbert. Đó cũng có thể là bi kịch của bất kì ai trong chúng ta. Theo dịch giả Dương Tường, Humbert có âm phóng chiếu như “ombre” (“bóng tối” theo tiếng Pháp) và “hombre” (“người” theo tiếng Tây Ban Nha). Lolita, hay Dolores (tên chính) được phái sinh từ tiếng Latin “dolor” (đau buồn), thường chỉ Đức mẹ Đồng trinh Maria. Vậy nên, bi kịch của Humbert phải chăng là bi kịch của chính con người, khi cả đời tìm kiếm sự đau khổ và chỉ còn là cái bóng của chính mình?

Cuối cùng, việc Humbert chết trước khi được tuyên án có thể hiểu là gì? Humbert vô tội, hay vô số tội? Và Lolita nữa, việc hai người chết cùng một năm nói lên điều gì? Đây là hai mặt của một cá thể, có Humbert mới có Lolita và ngược lại, tình yêu giữa hai người là điều duy nhất giữ cho họ sống, hay đó chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên?

Tôi cũng không biết nữa.

lolita_nabokov_7396

Back to top button