Cảm nhận sách

‘Mặt trời nhà Scorta’: Nỗi khát khao vĩnh cửu về hạnh phúc con người

Cuốn sách là một tác phẩm văn chương xuất sắc với tổng thể hoàn hảo của cây bút người Pháp Laurent Gaudé.

Mặt trời nhà Scorta viết về dòng họ được hình thành từ một hành vi tội lỗi, đáng khinh bỉ nhất. Đó là Luciano Mascalzone – kẻ mà khi nhắc đến, người trong vùng đều nhổ xuống đất mà gọi là “quân đầu trộm đuôi cướp” – sau 15 năm, quay trở lại ngôi làng Montepuccio. Tại đó, hắn gặp Filomena và bị ám ảnh bởi cô gái thanh bạch, danh giá này. Sau thời gian vào tù ra tội, gã du đãng chỉ còn một khoái cảm của báo thù, ước vọng được chiếm đoạt cô gái đó.

Rồi hắn đã gặp, đã thoả mãn, đã hài lòng chấp nhận để khi ra đường, mọi người nhận ra hắn, rồi giết hắn một cách tàn bạo nhất. Nhưng sự thật chua chát đã cho hắn ngay trước khi chết biết rằng người phụ nữ đó không phải là Filomena mà là em gái bà ta, Immacolat. Dòng họ Mascalzone bắt đầu từ đó, từ một nhầm lẫn, một ngộ nhận, từ một người đàn ông tay nhúng đầy tội ác và từ một người đàn bà chấp nhận sự dối trá một cách thản nhiên.

Immacolat có một người con và bà đặt tên nó là Rocco Scorta Mascalzone. Một cái tên đầy kiêu hãnh và ngạo nghễ. Rocco được cha Giorgio Zampanelli bảo vệ trước những suy nghĩ độc ác của dân làng. Hắn đã lớn lên ở một làng chài lân cận, để rồi khi hắn trưởng thành, hắn lại gieo rắc kinh hoàng cho người ở Gargano.

Dòng máu du đãng của người cha đang chảy trong huyết quản biến hắn trở thành một tên cướp đích thực. Nhờ những tài sản cướp được, Rocco trở thành người giàu có nhất vùng và có một cơ ngơi khổng lồ. Hắn đã nhờ cha Giorgio gíup làm lễ thành hôn với một cô gái vừa câm vừa điếc.

Cuộc hôn nhân diễn ra giữa những lời bàn tán cho rằng hắn làm vậy chỉ để thoả mãn bản thân và cưới cô gái đó chỉ vì cô không thể phản bội lại mình. Sau lễ thành hôn, vì cha Giorgio, Rocco đã không cướp bóc và giở những trò điên khùng của mình ở Montepuccio nữa.

Cây phả hệ của dòng họ Scorta tiếp tục nối dài với ba người con của Rocco chào đời, Domenico, Giuseppe và Carmela. Giống như cha chúng, đám trẻ bị dân làng hắt hủi và ghét bỏ, không có ai chơi với cùng nó ngoài Raffaele. Điều này cũng khiến Raffaele dần dần không được gia đình mình chấp nhận.

Cuộc sống cứ như vậy trôi qua, Rocco cảm thấy không còn sống được trên đời bao lâu nữa. Hắn đã có một giao ước ngầm với nhà thờ. Hắn sẽ dâng hiến toàn bộ tài sản khi nhắm mắt xuôi tay, biến tất cả vợ con thành lũ ăn mày và sống khốn khổ.

Nhưng bất cứ ai trong dòng họ Scorta khi qua đời đều phải được tổ chức một lễ tang thật trang trọng, như một ông hoàng bà chúa khiến dân làng Montepuccio phải khiếp sợ. Giao ước đó thành ăn sâu vào gốc rễ suy nghĩ, biến thành một biểu tượng, một nghi thức truyền thống của làng.

Bị dồn vào nước khốn cùng Domenico, Giuseppe và Carmela đã lựa chọn cách vượt biển, thoát ly sang Mỹ làm giàu. Những đứa trẻ chưa đầy mười tám tuổi hăng hái, với một quyết tâm đổi đời, nhưng chúng không hề hay biết phía trước còn muôn vàn dông tố đang chờ đợi…

Với Mặt trời nhà Scorta, tác giả Laurent Gaudé nói về gia đình của với những cá nhân mang số phận của những kẻ có nòi bị nguyền rủa, nhưng xuyên suốt câu chuyện là tình cảm gia đình thiêng liêng. Ba anh em nhà Scorta khi làm ăn xa trở về cùng với Raffaele đã tự tay đào xác mẹ mình lên từ cái huyệt công cộng, để được tôn vinh thi hài bà trong một mộ huyệt riêng. Bất chấp đó là một hành động phỉ báng.

Raffaele sẵn sàng từ bỏ tất cả để mang họ Scorta, sống cùng ba anh em Domenico, Giuseppe và Carmela như một gia đình. Anh ta đã làm những điều trái với luân lý, cũng vì quá yêu, quá thương những người dòng họ Scorta. Nghịch lý ở chỗ những kẻ bị nguyền rủa này lại mang một tâm hồn và bản tính hướng thiện rõ ràng hơn bao giờ hết.

Laurent Gaudé để cho dòng họ Scorta một cái vỏ xấu xí, từ đó toát nên tinh thần ưa lao động, ưa tự do của từng cá nhân. Rocco đã phá lời nguyền phủ lên đầu các con hắn bằng cách hiến toàn bộ tài sản. Buộc đám trẻ phải trưởng thành sớm, lăn lộn ra đời để kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Tinh thần ấy tiếp tục nối dài các thế hệ sau khi Domenico, Giuseppe và Carmela tự tay mở một cửa hàng thuốc lá ở Montepuccio. Họ không theo con đường tàn độc của cha mình, sẵn sàng đổ mồ hôi và công sức để lao động chân chính. Cây bút người Pháp đã thể hiện rất rõ quan điểm của mình xuyên suốt toàn bộ tác phẩm, “không gì quý hơn lao động, lao động là vinh quang”

Đạo diễn Trần Anh Hùng đã từng nói về tình cảm gia đình như một báu vật thiêng liên, thứ trường tồn luân hồi theo vòng lặp không gì có thể xóa bỏ. Ông chia sẻ “Sự vĩnh cửu ở đây, là việc đàn ông đàn bà gặp nhau, yêu nhau, va chạm, có những đứa con…”.

Còn với Laurent Gaudé sự vĩnh cửu đó được thể hiện dưới ngôn ngữ văn học đậm chất hiện thực. Đọc hết cuốn sách, ta thấy được một khát khao về hạnh phúc, về nỗi ám ảnh thoát ra khỏi nỗi nhục của gia đình, nỗi khổ đau về sự chịu đựng tình yêu bị kìm nén… tất cả không hiện ra rõ ràng, nhưng dai dẳng, đeo bám từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Dòng họ Scorta là vậy, chỉ được tạo ra từ mồ hôi, từ lao động thực sự, mỗi thế hệ không hề có sự liên kết tài sản. Tất cả là vô nghĩa. Cuối cùng họ chỉ còn hỏi về hạnh phúc. Cái hạnh phúc hiếm hoi chỉ tồn tại trong gia đình, trong những lúc cùng cực nhất. Văn phong nhẹ nhàng với kỹ năng đặc tả phong cảnh đến thành thục, Laurent Gaudé đã vẽ nên một bức tranh phong cảnh miền Nam nước Ý với những buổi chiều hoàng hôn đẹp rực rỡ. Nắng tưới vàng qua những rặng ô liu, đất đá như bị nung nóng trước cơn giận dữ sục sôi với muôn vàn nỗi căm hờn.

Mặt trời nhà Scorta, một tác phẩm văn chương xuất sắc, tổng thể chắc chắn, quá hoàn hảo để có thể nhận thêm bất cứ lời giới thiệu và khen ngợi nào. Đồng thời đây cũng là một tác phẩm mang đầy duyên nợ với chính tác giả Laurent Gaudé.

Gia Hạ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button