Cảm nhận sách

‘Miếng ngon Hà Nội’ – Chuyện sành ăn của người trai xứ Bắc

Vũ Bằng là một nhà văn gốc Hà Nội và cũng là một con người cực kỳ sành ăn và kỹ tính. Cuốn bút ký “Miếng Ngon Hà Nội” giống như nỗi nhớ của kẻ xa xứ mơ về những thức quà xưa.

Hà Nội chưa xa đã nhớ, Vũ Bằng là vậy. Một nhà văn yêu Hà Nội đến nồng nhiệt, thiết tha. Dù hai mươi năm cuối đời sống ở Sài Gòn nhưng trong văn chương của ông lại luôn thấm đẫm những hoài niệm về xứ Kinh Kỳ mộng mơ.

Nỗi nhớ da diết ấy đã chuyển vào ngòi bút, trở thành nhiều câu chuyện hồi tưởng bé con thông qua cái bánh, chén trà, những món ngon mát lành chỉ có riêng và độc nhất ở Hà Nội. Hình ảnh xứ Bắc Kỳ cũ kỹ hiện rõ, chân thực và hóm hỉnh, giễu nhại đời trong Miếng ngon Hà Nội như một mình chứng rõ ràng.

Trong cuốn sách, Vũ Bằng viết lại về 15 món ngon nức tiếng tạo nên nét ẩm thực độc đáo của xứ Bắc Việt. Đó là phở, là rươi là các thứ bánh và không thể thiếu được món “mộc tồn”. Mỗi món ăn đều được miêu tả kỹ càng. Không chỉ nêu rõ nguyên liệu, cách bài trí, tác giả viết nhiều hơn đến cách ăn, cách thưởng thức của người dân ở vùng đất này.

Cuốn sách Miếng ngon Hà Nội.
Cuốn sách Miếng ngon Hà Nội.

Diện mạo ẩm thực hiện lên qua hình ảnh từng hàng người sẵn sàng xếp hàng dài chỉ để chờ mua một bát phở nóng hổi vào sáng sớm hay chấp nhận chui vào một quán xập xệ, bẩn thỉu, tối tăm trên lầu cao để thưởng thức món chả cá dậy mùi hương.

Thức quà nơi ấy dường như không dành cho những kẻ phàm phu tục tử, cách ăn sao cho trọn vị là quả một nghệ thuật phải bỏ công bỏ sức. Hà Nội trong mắt Vũ Bằng ngon là ngon từ cái dưa, quả cà trách mắm.

Hà Nội ngon là ngon từ bát canh hoa lý nấu suông, mấy cái trứng cáy chưng lên ăn với gạo mễ trì hay đĩa rau muống xào có gia thêm một chút mắm tôm. Rất nhiều, rất nhiều những thứ khác mà nhà văn không thể kể hết.

Nhắc đến Hà Nội là nhắc đến phở và cốm Vòng, hai chủ để được Vũ Bằng miêu tả rất kỹ và sâu. Nếu như cốm làng Vòng là thứ cực phẩm ngon lành duy nhất chỉ có riêng ở xứ Bắc Việt thì phở được ông miêu tả như tuyệt tác nghệ thuật đỉnh cao. Một bát phở ngon phải có nước dùng hạp miệng, bánh phở mỏng, trắng muốt, gia nêm vừa đủ dùng, ăn không bứ, không ngấy.

Thứ ngọc thực quý giá ấy đã đạt ngưỡng tuyệt đích của ẩm thực, muốn phá cách, muốn thay đổi cũng không được. Một sự thay thế nhỏ cũng khiến phong vị món ăn bị lai căng, biến chất.

Vậy nên con cháu sau này vẫn cứ mãi chỉ ăn món phở như vậy, quen theo lối thưởng thức xưa cũ của cha ông nhưng chắc chắn độ khó tính rất khó để bì lại.Người xứ Bắc sành ăn và kén ăn ghê gớm, họ dễ nổi giận nếu như món ăn không hợp miệng. Bởi vậy mà xoay quanh miếng ăn thôi cũng đủ thứ chuyện dở khóc dở cười.

Về cốm Vòng, Vũ Bằng viết: “Cốm Vòng là thứ quà đặc biệt nhất trong mọi thứ quà Hà Nội – đặc biệt vì mỗi khi thấy gió vàng hiu hắt trở về thì lại nhớ đến cốm…”. Người ta hay ăn cốm Vòng với chuối tiêu trứng cuốc… Nhưng nhà văn thì cho rằng, ăn như vậy là ăn chơi bời. “Muốn thưởng thức được hết hương vị của cốm phải ăn cốm không, và chỉ ăn cốm không thôi… nhai nhỏ nhẹ, từng hạt, từng hạt…”.

Nhiều người vẫn nói người sống ở Hà Nội vẫn hay hoài niệm, đi xa về nhớ, không chỉ riêng Vũ Bằng. Nhưng rồi ai cũng thay đổi không thể bám víu một quá khứ tươi đẹp mãi.

Ẩm thực xứ Bắc cũng biến chuyển và đổi thay để phù hợp hơn lối sống hiện đại nhưng nhiều món ngon vẫn còn lưu lại trên sách, đặc biệt, hấp dẫn và tươi mới như còn mới hôm qua. Miếng ngon Hà Nội là hương vị của kỷ niệm, là lý do nhiều khi làm cho ta yêu Hà Nội thấm thía, nhớ Hà Nội nao lòng, làm cho ta cảm giác ta là người Hà Nội hơn.

Gia Hạ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button