Cảm nhận sách

‘Mộ phần tuổi trẻ’: Nơi những mầm hoa chìm trong tuyệt vọng

Tuổi trẻ là khoảng thời gian đẹp nhất của đời người. Nhưng chiến tranh giống như cơn cuồng phong cuốn phăng tất cả những gì tươi đẹp. Khi cơn binh lửa đi qua chỉ có tàn tro ở lại.

Người xưa có câu: “Thời thế sinh anh hùng”. Con người vốn là sản phẩm của thời đại. Dù chúng ta có thông tuệ hay mạnh mẽ đến đâu, cũng không thể thoát khỏi quy luật muôn đời ấy. Chiến tranh luôn là bi kịch lớn nhất của thời đại. Cơn binh lửa có thể sản sinh ra một vài người anh hùng, nhưng chắc chắn nó cũng gây ra hàng ngàn nỗi bất hạnh.

Việt Nam của năm nươi năm về trước là một thời như thế. Đất nước chúng ta những ngày tháng ấy, là bức tranh tang thương mang sắc màu của chiến trận. Nơi chỉ có máu, nước mắt và những tâm hồn tuyệt vọng không tìm thấy lối thoát. Nhà văn trẻ Huỳnh Trọng Khang đã tái hiện một cách tinh tế và đầy cảm xúc thời khắc ấy qua cuốn tiểu thuyết đầu tay Mộ phần tuổi trẻ.

Tác giả đưa chúng ta về miền Nam Việt Nam cuối những năm 1950, đầu những năm 1960 của thế kỷ trước. Nơi chiến tranh được châm ngòi bằng sự ra đời của một chính phủ mới. Chính phủ của những con người độc tài và tôn sùng quyền lực. Nếu phải đổi máu và chiến tranh lấy quyền lực thì đó vẫn là cái giá quá rẻ.

Nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết là con trai của một trung tướng cộng hòa. Từ nhỏ cậu đã sống trong bầu không khí đậm mùi chính trị và quyền lực. Nơi mà ngay cả trong bữa ăn, người ta cũng phải để tâm toan tính những điều đến những điều lớn lao. Là con nhà binh, nhưng từ khi còn là một đứa trẻ, trong tâm hồn non nớt ấy đã hằn lên nỗi sợ hãi chiến tranh.

Tiểu thuyết Mộ phần tuổi trẻ của Huỳnh Trọng Khang.

Không vào quân ngũ, cậu chọn trở thành một anh sinh viên ban Triết hiền lành để trốn tránh cuộc chiến. Nhưng chiến tranh vẫn không buông tha cậu. Sự khốc liệt của cơn binh lửa luôn hiện ra trước mắt. Một người anh trai chết trận, người anh còn lại chết trong sự dày vò đến cùng cực với những vết thương mang về từ cuộc chiến.

Chiến tranh là một con quái vật khủng khiếp, nó biết cách dọa dẫm bất kỳ ai, kể cả những kẻ không cầm súng. Chán trường trước hiện tại, chàng thanh niên trẻ với tâm hồn thánh thiện trốn chạy khỏi chiến tranh bằng cách chìm trong rượu và những cuộc truy hoan thể xác.

Nhưng những thứ ấy đâu cứu nổi linh hồn. Chỉ có tình yêu mới đủ sức kéo cậu ra khỏi vũng lầy tuyệt vọng. Tiếc rằng chiến tranh không có chỗ cho tình yêu. Những mối tình ấy dẫu chân thành, hay tràn đầy lãng mạn cuối cùng cũng trở thành hoài niệm như một lẽ tất yếu.

Một cuốn tiểu thuyết hay không chỉ là nơi diễn ra một câu chuyện, nó phải mang trong mình hơi thở của thời đại. Mộ phần tuổi trẻ là một tác phẩm như thế. Chiến tranh, sự cuồng tín đối với quyền lực và trên tất cả là sự tuyệt vọng của những thanh niên phải chôn vùi tuổi xuân trong bom đạn và thuốc súng… tất cả đều được tái hiện chân thực khiến người đọc lạnh người.

Từ một nhân vật chính chưa từng được gọi tên, con trai của trung tướng cộng hòa, Huỳnh Trọng Khang đã tái hiện nhiều nhân vật lịch sử gây ảnh hưởng lớn tới thời đại đó là: anh em Ngô Đình Diệm, Trần Lệ Xuân, Nguyễn Văn Thiệu… hay hòa thượng Thích Quảng Đức, anh hùng Trần Văn Ơn.

Cùng với sự xuất hiện của những con người tạo nên dấu ấn của thời đại ấy là bối cảnh mang đậm tính lịch sử với những sự kiện làm thay đổi cục diện cuộc chiến như: cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân hay Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không…

Bao trùm lên toàn bộ tác phẩm là sự tuyệt vọng đến hoang hoải của một chàng trai trẻ đã bị cướp hết tuổi xuân bởi chiến tranh. Không trực tiếp cầm súng nhưng trong cơn lửa đạn người ta đâu dám mơ ước cho riêng mình. Mọi ước mơ đều trở nên xa xỉ. Đến khi được sống trong thanh bình, chiến tranh vẫn như một bóng ma day dẳng, chập chờn trong ký ức.

Mộ phần tuổi trẻ được hoàn thành khi Huỳnh Trọng Khang vừa tròn 20 tuổi. Nhiều độc giả sẽ cảm thấy ngạc nhiên, bởi tác phẩm được xây dựng bởi một lối viết già dặn và giàu tính chiêm nghiệm nhưng tác giả lại rất trẻ về tuổi đời.

Viết về một giai đoạn lịch sử quan trọng của dân tộc, tác giả không chỉ tái hiện quá khứ mà còn thể hiện cái nhìn của mình về quá khứ. Việc thể hiện cái nhìn của hậu thế đối với lịch sử là cách để lịch sử luôn sống mãi và song hành cùng hiện tại.

Thụy Oanh

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Một 14, 2017 | Lần cập nhật cuối: Tháng Hai 2, 2018

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button