Cảm nhận sách

Mộng đổi đời: Xót xa câu chuyện vươn lên từ nghịch cảnh

Đông Tây như không chỉ mô tả cuộc đời trên trang sách, mà như cất tiếng nói cho cả một thế hệ những người dưới đáy xã hội nuôi giấc mộng đổi đời.

Đông Tây tên thật là Điền Đại Lâm, sinh năm 1966 tại Quảng Tây, Trung Quốc. Ông là nhà văn kiêm nhà biên kịch đương đại nổi tiếng, hiện giữ chức Phó Chủ tịch hội Liên hiệp Văn học tỉnh Quảng Tây, hội viên Hội nhà văn Trung Quốc và cũng là giảng viên của trường Đại học Dân tộc Quảng Tây.

Phong cách văn học của Đông Tây rất đặc trưng: tái hiện hình ảnh con người trong xã hội phát triển, hiện đại. Các tác phẩm nổi tiếng của ông từng được biết đến như Mộng đổi đời, Hối hận, Vành tai sáng loáng, Cuộc sống không có ngôn ngữ, Bố chúng tôi, Cứu mạng, Trận đấu đau đớn… Các tác phẩm của ông được dịch sang nhiều thứ tiếng khác nhau. Ông cũng liên tục nhận được nhiều giải thưởng danh giá như giải thưởng văn học Lỗ Tấn, giải cống hiến nghệ thuật… Nổi bật nhất, có lẽ phải nhắc đến cuốn tiểu thuyết Mộng đổi đời được chuyển thể thành phim truyền hình mang tên Yêu con trọn đời của Đông Tây.

Nhà văn Đông Tây
Nhà văn Đông Tây

Mộng đổi đời, ba chữ như gói gọn tất cả những đắng cay ngọt bùi của kiếp người. Với nhân vật chính là hai cha con Uông Trường Xích và Uông Hòe, vốn xuất thân là nông dân nghèo. Cái nghèo dù khác nhau, nhưng trong thâm tâm đều có một điểm tương đồng, đó là khao khát mãnh liệt muốn được thoát nghèo, được lột xác, được đổi đời hoàn toàn.

Cuộc sống thế nhưng khắc nghiệt hơn người ta vẫn tưởng. Con người như cha con Uông Hòe đó, mang trong mình “hạt giống” khát khao đổi đời cùng năng lực, nhưng cuối cùng lại gặp mảnh đất cằn cỗi mà không thể “nảy mầm” được. Uông Trường Xích thi đại học dư hơn 20 điểm so với điểm chuẩn nhưng không được tuyển đỗ khiến cha của anh rất bức xúc. Uông Hòe quyết tâm đòi công lý cho con nhưng kết quả lại lãnh về một thân tàn phế, phải ngồi xe lăn suốt cuộc đời. Bản thân Uông Trường Xích phải gác lại giấc mơ đổi đời để lên thành phố, lăn lộn kiếm sống.

Cuộc sống thành thị với những khó khăn chồng chất, mưu toan nặng nhọc tiếp tục đeo bám chàng thanh niên ngày nào. Tuổi thanh xuân, sức lực cũng như vợ con, bạn bè, niềm tin vào công lý và con người của Uông Trường Xích cứ thế bị bòn rút từng ngày một. Cuối cùng, giấc mơ đổi đời mà cha anh truyền lại năm nào, có còn được tiếp nối hay không? Uông Trường Xích đã đưa ra quyết định đắt giá để tránh cho đứa cháu giẫm chân lên con đường bế tắc mà ông nó đã từng đi.

"Mộng đổi đời" vẽ lên bức tranh về những con người nghèo khổ, cố gắng vươn lên nhưng lại vấp phải những rào cản khó khăn
“Mộng đổi đời” vẽ lên bức tranh về những con người nghèo khổ, cố gắng vươn lên nhưng lại vấp phải những rào cản khó khăn

Mộng đổi đời không chỉ là câu chuyện về một gia đình, một thế hệ mà là câu chuyện chung của tầng lớp thấp kém trong xã hội. Họ là những người nhận thức rõ nhất sự nghèo khổ và con đường bế tắc phía trước. Cách duy nhất để thoát khỏi đó là bằng mọi giá phải đổi đời, bằng học vấn, bằng việc lên thành phố mưu sinh. Nhưng dù có vùng vẫy cỡ nào, số phận và thời cuộc cũng áp đặt những bất công và gánh nặng lên vai những con người nhỏ bé đó.

Câu chuyện còn là bức tranh về một bộ phận con người và xã hội Trung Quốc. Những con người nghèo khổ vươn lên nhưng sự quan liêu trong bộ máy, sự mập mờ trong quản lý, các tệ nạn, sự phát triển nhanh chóng và đào thải một cách phũ phàng của đời sống thành thị. Tất cả hợp lại và quăng quật, cướp đi ước mơ đổi đời của những con người bé nhỏ. Sâu xa hơn, những yếu tố đó lấy đi niềm tin vào chính nghĩa, vào lẽ phải, vào cuộc sống của con người, biếm họ một lần nữa quay lại số phận trước kia của mình.

Giấc mơ đổi đời là một thứ “tài sản” gia truyền, từ đời này sang đời khác. Thế hệ này không thực hiện được, thế hệ sau sẽ tiếp nối. Và cuối cùng, để thực hiện được cú nhảy đổi đời quyết định, họ phải đánh đổi bằng một cái giá vô cùng đắt đỏ.

Đông Phương

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Mười 1, 2016 | Lần cập nhật cuối: Tháng Hai 6, 2018

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button