Cảm nhận sách

Một lần sống cho ước mơ

Mượn nhân vật là một cô gà mái, nhà văn Hwang Sun-mi ngợi ca tình mẫu tử thiêng liêng, cao quý.

Đã quá “ngán” với những bộ phim truyền hình Hàn Quốc trước đây, nên khi cầm trên tay cuốn sách của tác giả có cái tên “đặc sệt” Hàn – Hwang Sun-mi, tôi đã định buông xuống. Nhưng nhìn bìa sách được thiết kế bắt mắt, dễ thương cùng những hình ảnh minh họa đẹp, sinh động; thêm vào đó, trên bìa sách còn có dòng chữ: “Bộ Giáo dục Hàn Quốc khuyên đọc”, vì thế tôi có thêm lý do để mua “Cô gà mái xổng chuồng”. Và tôi nghĩ mình đã có một quyết định đúng đắn vì đó là một cuốn sách hay và đáng đọc!

“Cô gà mái xổng chuồng” là một trong những tác phẩm thành công nhất của Hwang Sun-mi; truyện đã được xuất bản sang 9 thứ tiếng và được chuyển thể thành bộ phim hoạt hình Leafie, A Hen Into The Wild năm 2011 gây tiếng vang lớn tại nhiều liên hoan phim quốc tế.

Thành công của tác giả Hwang Sun-mi trong tác phẩm này chính là đã xây dựng được một nhân vật sống động cùng một câu chuyện hấp dẫn, lôi cuốn. Vốn là một cô gà mái công nghiệp, suốt ngày chỉ biết ăn cám rồi đẻ trứng giống như các cô gà mái công nghiệp khác; chỉ vì ghen tị với tán lá của cây hoa Mimosa nên cô đã tự đặt tên cho mình là “Mầm Lá” và xem đây là một bí mật thú vị của riêng mình.

Từ khi được đưa vào trại gà, Mầm Lá chỉ có một việc duy nhất là đẻ trứng, hoàn toàn không được đi lại, không được vỗ cánh, không thể thoát khỏi rào sắt và cũng chẳng được ấp ứng. Cô bắt đầu nhen nhóm ước mơ ấp trứng từ sau lần trông thấy một cô gà mái ấp nở ra gà con rất đáng yêu và dẫn chú bé đáng yêu ấy đi loanh quanh trong vườn.

Ngay từ đầu, Mầm Lá đã khiến người đọc bồi hồi với ước mơ giản dị nhưng không dễ để thực hiện bởi một lý do đơn giản: cô là gà công nghiệp. Mặc dù vậy, đó không phải là điều quan trọng với Mầm Lá và cô vẫn tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ của mình: “Lúc nào mình cũng muốn được ấp trứng, chỉ một lần duy nhất thôi cũng được, quả trứng của riêng mình, để con yêu nghe thấy được những lời thủ thỉ thì thầm của mẹ. Mẹ sẽ không bao giờ để con một mình đâu. Con yêu ơi, hãy nở ra đi nào. Mẹ muốn nhìn thấy con. Con đừng sợ…”

Không còn khả năng đẻ trứng, Mầm Lá đành chịu cảnh để người chủ mang đi “tiêu hủy”. Đây là một bất hạnh với Mầm Lá nhưng đồng thời cũng là cơ hội giải thoát mình ra khỏi trại gà nhàm chán của cô. Và chính từ cơ hội quý giá này, may mắn đã mỉm cười với Mầm Lá khi cô bắt gặp một quả trứng nơi bụi hồng dại. Đó hẳn nhiên là một món quà vô giá đối với Mầm Lá trong quá trình thực hiện ước mơ của mình. Chỉ có điều, quả trứng sau thời gian được ấp lại nở ra một chú vịt con lông vàng cùng chiếc màng dưới bàn chân. Đến đây thì câu chuyện đã chuyển sang mô-típ “mẹ gà con vịt” vốn quen thuộc với nhiều độc giả. Nhưng sức hấp dẫn không vì thế mà giảm đi.

Câu chuyện giữa Mầm Lá với Vịt Trời, sau này là với Đầu Xanh – là đứa con do Mầm Lá ấp thực sự là câu chuyện cảm động về sự sẻ chia, tình yêu thương vô bờ bến. Như lời của Vịt Trời từng nói với Mầm Lá: “Chúng mình tuy sinh ra có hình dáng khác nhau nên không thể hiểu hết ruột gan nhau, nhưng có thể yêu thương nhau mà”. Hay là lời Mầm Lá nói với con: “Không phải cứ cùng một dòng giống thì thương yêu nhau đâu. Điều quan trọng là hiểu và cảm thông cho nhau. Đó mới chính là tình yêu”.

Chính sự kỳ diệu của tình yêu đã tạo nên sức mạnh để Mầm Lá hoàn thành xuất sắc vai trò làm mẹ của mình. Vì tình yêu, cô đã không cản ngại những khó khăn, nguy hiểm để bảo vệ con, dù đứa con ấy chẳng phải do mình dứt ruột đẻ ra. Và cũng vì tình yêu, Mầm Lá sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình, trở thành miếng mồi ngon cho mụ Chồn để con được an toàn.

Sự hy sinh của Mầm Lá là bài học cao đẹp và thiêng liêng về tình mẫu tử. Và quan trọng hơn, giống như lời tâm sự của Mầm Lá: “Đúng là mình đã có một tâm nguyện. Được ấp trứng và chứng kiến gà con ra đời! Mình đã sống thật mệt mỏi nhưng cũng rất hạnh phúc. Nhờ có tâm nguyện đó mà mình đã sống đến tận bây giờ”.

Đến đây thì người đọc nhận ra: Hạnh phúc không phải là một cái gì đó xa vời mà là lúc mình được thực hiện ước mơ, tâm nguyện của mình. Giống như Mầm Lá, đã dám bứt mình ra khỏi những lề thói, những thói quen nhàm chán, lặp lại để sống với ước mơ, lý tưởng của mình. Dù sau đó, kết cục đau buồn là cô phải nhận lấy cái chết cho mình. Nhưng một lần được sống với mơ ước của mình rồi chết, hẳn nhiên là điều mà không phải ai cũng làm được.

Huy Sơn

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Sáu 4, 2017 | Lần cập nhật cuối: Tháng Hai 2, 2018

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button