Cảm nhận sách

Mùa thu vàng những câu đố Mát-xcơ-va

“Những câu đố Mát-xcơ-va” gồm 359 bài toán được tuyển chọn kỹ lưỡng công phu, với những hình minh họa trực quan sinh động, cùng lối kể chuyện lôi cuốn và đầy thú vị của tác giả.

Thuở nhỏ, trong nhà tôi có một tủ sách gia đình rất xinh. Đó là tủ sách mà bố tôi tự tay đóng tặng mẹ tôi, trong đó xếp đủ thứ sách của cả hai người. Tôi đã lớn lên với những tác phẩm Nga thật đẹp đẽ, giàu triết lý nhưng vẫn khoáng đạt và đặc biệt là đầy nhân hậu.

Giữa những Truyện núi đồi và thảo nguyên, giữa những Bông hồng vàng và bình minh mưa, giữa những Anh béo và anh gầy, giữa những Đêm trước cha và con, tôi đã lớn lên một cách đầy hạnh phúc.

Thời ấy hình như ai cũng yêu thích việc học toán. Và có vẻ ngày nay cũng vậy, không đứa trẻ nào lại không bắt đầu cuộc hành trình vạn dặm của mình với toán học bằng những bài toán đố, với hàng giờ đồng hồ loay hoay với những que tính, kéo và giấy, những viên bi, với thước thẳng và ê kê, thậm chí với cả những dụng cụ cơ học quái đản để vẽ ra những hình thù đẹp đẽ lạ lùng.

Tôi không thể nhớ chính xác mình đã biết câu đố logic với ba vị thần từ bao giờ, rằng Thần nói thật luôn nói thật, Thần nói dối luôn nói dối, và Thần hay đùa lúc nói thật lúc nói dối. Đứa trẻ con nào thời đó lại không biết tới những câu đố ấy. Vậy nên, đọc Những bài toán đố Mátxcơva của Kordemsky, tôi tìm lại được sự rung động không thể cưỡng lại được của các câu đố vui như vậy.

Cuốn sách Những câu đố Mát-xcơ-va của Boris Korrdemsky.
Cuốn sách Những câu đố Mát-xcơ-va của Boris Korrdemsky.

Toán học giải trí (recreational mathematics) đã dần dà trở nên giàu có và trù phú hơn bao giờ hết. Những câu đố của Sam Loyd mang sự trêu đùa trí óc trong ngôn ngữ huyền ảo như một đêm Ả-rập. Toán đố của Dudeney thoạt nghe qua thì dễ dàng mà thực sự tinh xảo và chính xác.Toán đố bắt đầu từ “Ông tổ” của các trò chơi Sam Loyd người Mỹ, tới “Nhà sáng chế” Henry Dudeney người Anh, “Người khổng lồ” Andrey Kolmogorov và giờ là “Thầy giáo làng” Boris Kordemsky cùng “Nhà ảo thuật” Martin Gardner.

Còn tác phẩm nổi Những câu đố Mát-xcơ-va của Kordemsky mà các bạn đang cầm trên tay bản dịch tiếng Việt sau 50 năm bản gốc ra đời, dù có thể thấy lại những bài toán quen thuộc của hai tác giả trên, vẫn có những nét rất riêng, vẫn chứa đựng vô vàn những ý tưởng đẹp đẽ đến bất ngờ.

Dù đều là các kho tàng đồ sộ, vẫn có sự khác biệt không nhỏ giữa phong cách toán đố của Kordemsky và Gardner. Tôi nghĩ điều đó đến từ cái được gọi là “tâm hồn Nga”.

Điều đó có thể cảm thụ như là một sự hòa hợp tuyệt đẹp giữa con người, thiên nhiên, các ý niệm và hiểu biết sâu sắc về thế giới, cùng với nhân sinh quan rộng mở, một điều rất dễ nhận ra nhưng không dễ định nghĩa cho thật rõ ràng được. Đặc biệt là nếu đặt trong sự so sánh với tư duy chính xác hóa quá mức của phương Tây mà cụ thể ở đây là Anh và Mỹ, thì vẻ đẹp ấy lại càng trở nên rõ ràng hơn nữa.

Có một cái gì đó có thể gọi là "phong cách Nga" trong những bài toán đố.
Có một cái gì đó có thể gọi là “phong cách Nga” trong những bài toán đố.

Người ta nói rằng toán đố là trò tiêu khiển để giết thời gian và luyện trí não, nhưng có lẽ không chỉ như thế, và nếu có là như thế đi chăng nữa, thì trò tiêu khiển này chắc chắn chưa bao giờ trở nên nhàm chán, và vẫn có những giá trị mà hiếm người có thể từ chối được.

Một trong số những tín đồ cuồng nhiệt của toán đố có lẽ không thể không nhắc tới nhà toán học John Conway, giáo sư Đại học Princeton, cha đẻ của “Trò chơi cuộc sống” nổi tiếng.

Conway không bao giờ ngồi trong phòng làm việc riêng mà suốt ngày ông chỉ ngồi ở sảnh chung, và “tóm cổ” tất cả những ai lơ đễnh đứng trong sảnh chung đó mà không đang nói chuyện với ai, để ông đố họ những câu đố ban đầu thì có vẻ hấp dẫn, nhưng càng về sau thì người ta càng thấy buồn cười vì tính trẻ con và sự háo hức đó của ông.

Dần dần mọi người đều trốn sạch vì các câu đố của Conway ban đầu nghe thì dễ mà giải thì quá khó, họ sợ bẽ mặt, còn trường Princeton thì cuối cùng cũng đành phải thu hồi văn phòng của Conway để dành cho người khác.

Về sau Conway đã xuất bản một bộ 4 tập sách dày tới mấy nghìn trang chỉ để diễn giải về các trò chơi mà ông tưởng tượng ra, những câu đố “hại não”, nhưng bằng cách nào đó lại có những ứng dụng đáng ngạc nhiên trong tự nhiên cuộc sống.

Không phải ngẫu nhiên mà hầu như ai cũng bị các câu đố cuốn hút, đặc biệt là các nhà toán học nói riêng và các nhà khoa học nói chung. Cứ sểnh ra là họ đố nhau, đố nhau trong giờ ăn trưa, trong lúc đi dạo, trong giờ uống cà phê, trong tiệc trà, bên hành lang hội nghị sự kiện.

Dần dần, tôi hiểu ra một điều là, các câu đố chính là thứ tạo nên cảm hứng cho trí tưởng tượng và sự tò mò của tất cả mọi người, đặc biệt là cho trẻ em trong lứa tuổi mà các em bắt đầu sự phát triển về trí lực của mình.

Albert Einstein từng nói rằng nếu như tính logic dắt ta đi được một đoạn đường đủ dài khả dĩ đáp ứng được hầu hết các mong muốn cơ bản, thì chính trí tưởng tượng mới có thể lại đưa ta đi được đến bất kỳ đâu ta mơ ước tới, cũng giống như việc Peter Pan chỉ có thể bay được khi anh ta có thể tưởng tượng ra (và tất nhiên là phải có niềm tin vào) việc mình đang bay vậy.

Tiếc thay, dường như đây lại đúng là điều mà nhịp sống hối hả của cuộc sống hiện đại đã khiến cho chúng không còn đất sống.

Với 359 bài toán được tuyển chọn kỹ lưỡng công phu chứa đựng trong gần 400 trang sách, với những hình minh họa trực quan sinh động, cùng lối kể chuyện lôi cuốn và đầy thú vị, Những bài toán đố Mátxcơva đã đem trở lại những giá trị truyền thống của toán học và giáo dục toán học.

Đặc biệt hơn nữa, cuốn sách giúp những bạn đọc thủy chung lại một lần nữa tìm lại tình yêu toán học, niềm hứng khởi của tuổi thơ, những bài toán thú vị mang đậm “chất Nga”, những làn điệu dân ca Nga dung dị mà vô cùng sâu sắc chứa đựng trong từng câu chữ, từng hình ảnh gần gũi, mộc mạc, thân thương.

Nguyễn Quốc Khánh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button