Cảm nhận sách

Murakami, rất tiếc phải nói rằng ông đã sai

“Nếu mày chỉ đọc những cuốn sách giống mọi người, mày cũng chỉ nghĩ được như họ mà thôi”, nhiều người say sưa câu văn này của Haruki Murakami trong tiểu thuyết “Rừng Nauy”. Nhưng tôi tin điều này hơn: “Không có nổi hai người từng đọc một cuốn sách y hệt nhau” (“No two persons ever read the same book” – Edmund Wilson). Quan điểm thì nhiều nhưng chân lý chỉ có một.

Cần lưu ý câu văn của Haruki Murakami cũng chưa hẳn là quan điểm của ông, mà là của Nagasawa, một nhân vật khá lạ lùng về tư tưởng và lối sống trong “Rừng Nauy” (cũng có lẽ là nhân vật thú vị nhất). Kẻ nhìn đời bằng nửa con mắt với cái nhếch mép khinh miệt. Thông minh, quyến rũ và nhẫn tâm.

Câu nói trên do Nagasawa nói với Toru khi thấy người bạn đọc những cuốn sách khá “tân thời”, còn anh ta tuân thủ nguyên tắc chỉ đọc những cuốn sách mà “tác giả đã chết trên 30 năm”, vì “cuộc đời quá ngắn ngủi để tốn thời gian cho những cuốn sách chưa vượt qua thử thách của thời gian”.

Một tuyên ngôn ấn tượng về câu chữ (bằng chứng được chia sẻ vô số lần trên mạng xã hội qua các công cụ thiết kế trích dẫn) nhưng có quá nhiều lỗ hổng về lập luận và thực tế. Mọi câu văn mà một nhà văn viết ra đều được tính là trích dẫn của người đó. Và như vậy, người ta mặc nhiên coi đây là quan điểm của Murakami. Bài viết này cũng sẽ phản biện ông từ cách nhìn nhận này.

Khác biệt có đúng là khác biệt?

murakami-rat-tiec-ong-da-sai-1

Khi nói ra câu này, Nagasawa muốn chứng minh sự độc đáo của mình. Nhưng anh ta sẽ không đọc những cuốn sách mà bạn bè mình đọc ư? Tôi nghi ngờ điều đó, bởi chính xác anh ta và Toru trở thành bạn thân vì hai người có sở thích đọc sách tương đồng. Đồng điệu về tâm hồn chính là thứ khiến hai con người cực kỳ khác nhau về xuất thân và hoàn cảnh sống này sát cánh bên nhau.

Hơn nữa, khi Nagasawa bài bác những cuốn sách đương thời, chưa được “thời gian thử thách”, anh ta cũng khẳng định mình chỉ đọc những tác phẩm kinh điển. Mà tác phẩm kinh điển là gì? Là những cuốn sách mà ai ai cũng tìm đọc đầu tiên hoặc được giới thiệu đọc khi mới rèn luyện thói quen đọc sách. Chúng hay, chắc chắn rồi. Nhưng đồng thời cũng truyền tải những giá trị phổ quát của nhân loại – điều khiến chúng trở thành kinh điển. “Romeo và Juliet” hay “Những người khốn khổ” sống lâu đến vậy chẳng phải vì những triết lý nhân sinh vượt thời gian hay sao?

Vậy những người chọn đọc tác phẩm kinh điển, có thể khác biệt so với một nhóm nhỏ bạn bè mình, nhưng lấy gì làm khác biệt so với một đám đông quảng đại quần chúng yêu văn chương?

Để tránh đọc sách giống những người xung quanh, thì ít nhất nên chọn một dòng sách ít tính đại chúng (khoa học chẳng hạn), hoặc chịu khó (và dành thời gian – thứ mà Nagasawa khá tằn tiện) đâm đầu khám phá những đầu sách xa lạ, chứ không phải vùi mình trong đống sách kinh điển, nổi tiếng vốn là đích đến của đông đảo độc giả.
Không ai tắm hai lần trên cùng… một trang sách

Rất tiếc, Murakami, với những người thực-sự-biết-đọc, câu nói “hoành tráng” trên chẳng khác nào một trò đùa.

Việc cố tình chọn những cuốn sách khác người để đọc cũng chẳng còn nghĩa lý gì một khi thực tế đã chứng minh “Không có nổi hai người từng đọc một cuốn sách y hệt nhau”. Bất cứ ai cũng đọc một cuốn sách bằng tâm hồn của riêng mình, chịu tác động bởi trài nghiệm sống và bối cảnh sống của mình. Hoặc nói cách khác, người ta đọc một cuốn sách bằng toàn bộ cuộc đời của mình, kiến tạo nên tư duy bằng cả cuộc đời của mình. Tìm đâu ra hai cuộc đời giống hệt nhau đây?

Nói tóm lại: Trừ khi bạn tìm được hai người sở hữu hai tâm hồn giống nhau như đúc, cùng những trải nghiệm và bối cảnh sống “như hai mà một”, khi đó bạn sẽ có hai độc giả có khả năng “đọc cùng một quyển sách”, còn lại thì không bao giờ. Nếu có những người đọc xong một quyển sách và “thở” ra những lời bình luận y hệt nhau, thì đừng nghi ngờ gì cả, ở đây có kẻ đạo văn (hoặc chép nguyên xi cùng một bản giới thiệu từ nhà làm sách).

Câu văn của Murakami nhìn nhận con người như một cỗ máy tiêu thụ sách ở đầu vào và đầu ra là tư duy đồng bộ, hoàn toàn bỏ qua tố chất của mỗi người và trải nghiệm sống đa dạng phong phú mà họ gặp bên ngoài trang sách.

Phát triển từ ý “Không có nổi hai người từng đọc một cuốn sách y hệt nhau”, thực tế còn cho những người đọc sách hiểu rằng “Không ai đọc hai lần cùng một quyển sách” (“No one ever reads the same book twice” – Robertson Davies). Những người thực-sự-biết-đọc sẽ hiểu điều này hơn ai hết. Cùng một cuốn sách, khi đọc ở những thời điểm khác nhau trong cuộc đời, cảm nhận của ta có thể vô cùng khác biệt.

Ở tuổi 20, “Bắt trẻ đồng xanh” khiến ta say mê vì sự chán chường thánh thiện và trong trẻo của một tâm hồn còn vương vấn trẻ thơ ngơ ngác trước cuộc sống trưởng thành. Nhưng đến tuổi 30, rất có thể ta sẽ thấy nhân vật chính trong sách non nớt và thiếu bản lĩnh làm sao (?). Có thể lắm chứ, cùng một “Hoàng tử bé”, có ai chắc rằng mỗi lần đọc lại không day dứt một cảm xúc mới?

Và cả “Rừng Nauy” nữa. Trước đây, nó từng bị coi là cuốn sách khiêu dâm!!! Chỉ vì những trang sách táo bạo so với thói quen tiếp nhận của thế hệ độc giả Việt Nam khi đó. Và sau này, khi được phát hành bản dịch mới với đầy đủ những cảnh quan hệ xác thịt, cuốn sách lại được coi là khúc ca về những người trẻ tuổi chân thực đến vô ngần và không hòa hợp được với thời đại họ đang sống (lưu ý: đây cũng chỉ là một trong vô vàn cách cảm nhận mà thôi).

Cứ 7 người Nhật thì có 1 người đọc “Rừng Nauy”. Dân số Nhật cứ cho là khoảng 100 triệu vào thời cuốn sách ra đời, thì ai dám chắc 14 triệu độc giả của “Rừng Nauy” sẽ có cùng một suy nghĩ, một lối tư duy, khi cuộc đời của họ khác nhau như Nagasawa và Toru?

Trong khi câu trích dẫn của Murakami cố ép con người tìm kiếm sự khác biệt bằng cách né tránh tiếp nhận những thứ giống người khác, thì hai câu nói của Edmund Wilson và Robertson Davies vô cùng thống nhất trong một thông điệp: con người có thể tìm thấy sự khác biệt đó ngay trong chính bản thể của mình, và ngay khi họ đang tiếp nhận những thứ giống với bao người.

Nếu bạn cứ phải né tránh những thứ mọi người đang đọc, rốt cuộc sẽ chẳng còn bao nhiêu sách hay mà đọc. Hãy tự tin với những tố chất riêng biệt của mình để đọc những cuốn sách “giống người ta” mà vẫn tìm ra được một ý nghĩ khác biệt.

Mi Ly

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button