Cảm nhận sách

‘Ngọc lê hồn’: Một chuyện phong lưu

Suốt nửa đầu thế kỷ XX, tiểu thuyết “uyên ương hồ điệp” nói chung và tiểu thuyết của Từ Chẩm Á nói riêng đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu đối với tầng lớp thị dân.

Sức hấp dẫn của tiểu thuyết “uyên ương hồ điệp” xuất phát từ nội dung lôi cuốn với những cung bậc, cảm xúc của tình yêu nhưng cũng chứa đựng đầy đủ những vấn đề chuyển giao của thời đại.

Song, nếu chỉ dừng lại ở đó, tiểu thuyết “uyên ương hồ điệp” thật sự cũng chỉ là “một dòng chảy ngược” như các nhà văn sau thời kỳ Ngũ Tứ đã kết luận. Vì vốn dĩ, tiểu thuyết tình yêu đã phổ biến rất nhiều vào thời Minh Thanh, người đọc cũng đã quá quen với loại tình yêu môn đăng hộ đối, theo một công thức nhất định, và loại nhân vật không có tâm lý, nghìn người như một.

Điều đó tạo nên thách thức lớn không chỉ riêng đối với Từ Chẩm Á và các tác gia phái “uyên ương hồ điệp” mà còn đối với hầu hết các nhà văn Trung Quốc lúc bấy giờ. Vì vậy, vào năm 1912, sự ra đời của Ngọc lê hồn cùng hậu thân là Tuyết hồng lệ sử (năm 1914) đã đánh dấu cho sự xuất hiện theo một khuynh hướng sáng tác mới. Đó là khuynh hướng kết hợp từ nghệ thuật tiểu thuyết truyền thống Trung Quốc và phương pháp sáng tác phương Tây.

Tác phẩm Ngọc lê hồn của Từ Chẩm Á với bản dịch tiếng Việt xuất sắc của Nhượng Tống.
Tác phẩm Ngọc lê hồn của Từ Chẩm Á với bản dịch tiếng Việt xuất sắc của Nhượng Tống.

Từ Chẩm Á người Thường Thục (tỉnh Giang Tô), tên gốc là Giác, viết với nhiều bút danh, như Từ Từ, My Tử, Khấp Châu Sinh, Đông Hải Tam Lang, Đông Hải Giao Nhân… hay Thanh Lăng Nhất Điệp.

Năm 1914, sau khi tốt nghiệp trường Sư phạm Ngu Nam ở Thường Thục, Từ Chẩm Á dạy tiểu học ngay tại quê nhà. Từ năm 1909-1911, ông dạy trường tiểu học Hồng Tây ở Vô Tích dưới chân núi Hồng, tá túc gần nhà thư pháp gia nổi danh Thái Ấm Đình, nhân đấy nhận làm gia sư cho gia đình này.

Nhà họ Thái có người con dâu goá tên Trần Bội Phân, vốn giòng thư hương. Nàng Bội Phân có cậu con trai 8 tuổi là Mộng Tăng, theo học với thầy Từ Chẩm Á và Bội Phân trước vì yêu tài, mến đức mà sau tình cảm càng trở nên nồng thắm, thường ngầm trao đổi thư tín, thi từ qua lại qua trung gian cậu bé Mộng Tăng.

Vì lễ giáo đương thời, vì danh tiết của nàng và cũng vì tương lai của Mộng Tăng, Chẩm Á và Bội Phân đã không thể theo gương chàng Tư Mã Tương Như và nàng Trác Văn Quân khi xưa mà cùng nhau bỏ trốn. Trong hoàn cảnh nan giải ấy, để báo đáp tình yêu của chàng, Bội Phân nghĩ đến cách “tháp cành, ghép hoa” để Chẩm Á kết hôn với em chồng mình là Thái Nhị Châu.

Dẫu thế, sau khi thành thân với Nhị Châu và lên Thượng Hải làm báo, Chẩm Á vẫn không quên được Bội Phân mà còn treo cả một bức ảnh lớn của nàng trong phòng làm việc ở thư cục. Mối tình này được Từ viết lại thành tiểu thuyết Ngọc lê hồn, đăng nhiều kỳ trên phụ san của Dân quyền báo.

Tiểu thuyết Ngọc lê hồn vốn có cốt truyện đơn giản, xoay quanh câu chuyện tình tài tử giai nhân của một chàng trai hào hoa phong nhã, Mộng Hà, với một góa phụ tài sắc vẹn toàn, Lê Ảnh. Tình yêu của họ bị bủa vây bởi lễ giáo phong kiến, để rồi mãi mãi không đến được bên nhau mà chìm đắm trong đau khổ.

Tiểu thuyết Ngọc lê hồn là hiện tượng đặc biệt trong lịch sử văn học Trung Quốc hiện đại. Tuy chưa có thống kê đầy đủ, kể từ khi xuất bản thành sách năm 1912 cho đến nay, bộ tiểu thuyết này cùng với Tuyết hồng lệ sử đã được tái bản đến vài chục lần, nâng tổng số bản in của nó trong khu vực Hoa ngữ ước tính tổng cộng lên đến hơn triệu bản, một số lượng tiêu thụ khổng lồ chưa từng có trong lịch sử văn học cận – hiện đại Trung Quốc.

Nhượng Tống khi dịch Ngọc lê hồn mới ngoài hai mươi tuổi, nhưng bản dịch của ông đầy phong lưu, vừa mơ mang, vừa da diết lại đẹp đẽ u buồn. Ngọc lê hồn vảng vất câu chuyện về một cõi hồng lâu mộng mị, thì Nhượng Tống thực đã thâu hết những trang nhã của giấc mộng ấy trong bản dịch của mình.

Đọc Ngọc lê hồn, là đọc thong dong, chậm dãi, như thưởng trà, ngắm trăng, ngâm thơ. Cứ đọc, mà ngân lên niềm khoái cảm của tận hưởng ấy thôi. Suy tính nhiều quá âu lại làm mất đi cái nết văn chương uyên hồ.

Thủy Nguyệt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button