Cảm nhận sách

‘Nhẫn thạch’ – Một thiên bi kịch về người phụ nữ

Atiq Rahimi đã cởi trói cho đam mê nhục cảm từ lâu bị trói buộc bằng ngòi bút sắc lạnh tưởng chừng như vô cảm. Trong từng con chữ nỗi thống khổ của phụ nữ Hồi giáo như đang rỉ máu.

Tiểu thuyết Nhẫn thạch của nhà văn Atiq Rahimi được vinh danh tại Giải Goncourt, giải thưởng văn học lớn nhất của Pháp vì thứ văn chương tuyệt vời, đầy nhân tính, trần trụi, hết sức tự nhiên và không chút khiên cưỡng.

Trong 180 trang sách, nhà văn dùng ngòi bút để đòi công lý, tự do và khát khao yêu đương cho những người phụ nữ Hồi giáo. Họ là những con người tội nghiệp bị cầm tù bởi tôn giáo và tiết hạnh.

Nhân vật chính của tác phẩm là một người phụ nữ ngoài ba mươi tuổi, một mình phải chăm sóc cho hai con gái. Chồng cô, người đàn ông mạnh mẽ, mang trên vai trọng trách che chở cho gia đình giờ đây chỉ là người nằm bất động trên giường, sống đời sống thực vật vì một viên đạn đang nằm sâu trong gáy.

Công việc hằng ngày của người vợ tội nghiệp ấy là cầm cuốn kinh Coran cầu nguyện thánh Allah mong chồng sớm ngày tỉnh lại. Ngày này qua ngày khác người vợ chăm chỉ cầu nguyện nhưng vẫn vô vọng, người chồng không có chuyển biến.

Khi quân phiến loạn tràn tới và cướp đi cuốn kinh Coran, người đàn bà nhận ra rằng mình không thể tin vào Thánh Allah được nữa. Cô chỉ có thể tin vào bản thân mình. Người vợ đi đến một quyết định táo bạo và điên rồ.

Tiểu thuyết Nhẫn thạch do nhà văn Nguyên Ngọc chuyển ngữ từ tiếng Pháp.
Tiểu thuyết Nhẫn thạch do nhà văn Nguyên Ngọc chuyển ngữ từ tiếng Pháp.

Theo như huyền thoại của những người Ba Tư, họ tin rằng có một phiến đá ma thuật có tên là “nhẫn thạch”. Người ta sẽ đặt nó trước mặt mình, tâm sự hết những bi thương, thống khổ, những điều sâu kín không thể nói cùng ai. Và nhẫn thạch sẽ như một miếng bọt biển hút cạn tất cả những bí mật. Đến một ngày, khi hòn đá ma thuật ấy nổ tung, ta sẽ được giải thoát khỏi những đau khổ.

Giờ đây, người vợ coi người chồng đang hôn mê là “nhẫn thạch” của mình. Cô tâm sự cùng chồng tất cả những bí mật sâu kín nhất mà một người vợ có thể giấu trong lòng. Hơn mười năm sống cùng nhau, đây là lần đầu tiên cô cảm thấy gần chồng đến thế. Cô có thể nằm cạnh anh, lắng nghe từng nhịp thở, lướt ngón tay trên bờ môi anh, mặc cho những khao khát của nhục dục cứ thế cuộn lên trong lòng mà không phải e sợ sự khinh bỉ từ chồng.

Bí mật đáng sợ mà người vợ giữ kín trong lòng là gì? Đó là những câu chuyện về trinh tiết, thứ được xem như báu vật của đàn bà mà người đàn ông muốn chiếm đoạt và coi đó như một chiến lợi phẩm.

Là một cô dâu được mai mối, người vợ bước chân về nhà chồng mà không được biết mặt chồng. Cứ thế cô đợi chờ vò võ hàng năm trời vì người đàn ông của mình còn mải mê chinh chiến. Không giữ được trinh tiết, cô đã dùng mưu mẹo để lừa dối chồng. Cứ thế, mặc người chồng hả hê với sự chiếm hữu, người vợ tội nghiệp sống như một thứ búp bê tình dục.

Khi biết chồng bị vô sinh nhưng chính bản thân phải gánh chịu mọi tội lỗi, người vợ lại tiếp tục lừa dối để tìm kiếm cho mình cơ hội làm mẹ và thoát khỏi ánh mắt cay độc của mẹ chồng. Giữa thời chiến loạn, lo cho hai con gái và một người chồng đang lơ lửng giữa sống và chết quả thật chẳng dễ dàng. Để có tiền, cô phải chấp nhận bán mình. Với người đàn bà ấy, trinh tiết hay phẩm hạnh từ lâu chỉ là một thứ gông xiềng do đàn ông nghĩ ra để làm khổ phụ nữ.

Trên tất cả Nhẫn thạch, cuốn tiểu thuyết đầu tiên viết bằng tiếng Pháp của Atiq Rahimi là một bản án tố cáo những xiềng xích của tôn giáo đè nặng lên người phụ nữ. Không chỉ riêng Hồi giáo, mà ở bất kỳ tôn giáo nào người phụ nữ cũng không thể có được vị trí ngang bằng với người đàn ông. Họ phải đối mặt với nạn tảo hôn, ngược đãi. Đặc biệt trong chiến tranh họ có thể biến thành nô lệ tình dục của các nhóm phiến quân và bị giết hại dã man.

Nhà văn Atiq Ramihi.
Nhà văn Atiq Ramihi.

Là một đạo diễn Atiq Rahimi đã mang đến một tiểu thuyết giàu chất điện ảnh. Bằng một thứ ngôn ngữ miêu tả giản dị, chậm rãi mà tinh tế, nhà văn lột tả được một cách đầy đủ những cung bậc cảm xúc đa thanh của người phụ nữ tội nghiệp. Ở đó không chỉ có nỗi sợ hãi mà còn có cả sự hả hê. Người phụ nữ xem hành động lừa dối của mình như một chiến thắng. Để rồi sau đó, những nỗi đau được giấu kín sau tấm mạng che mặt được bung tỏa một cách dữ dội.

Nhà văn tái hiện một Afghanistan trần trũi và đầy hỗn loạn. Thế giới bên trong căn phòng mà người chồng đang dưỡng bệnh hoàn toàn trái ngược với quang cảnh bên ngoài tấm rèm. Bầu không khí đậm mùi chiến tranh với thuốc súng, đạn dược và những con người man rợ. Người vợ ở đó bên cạnh chồng, bên cạnh nhẫn thạch của chị, đối diện với nỗi sợ hãi từ nhiều phía và mong chờ cho mình một sự giải thoát.

Atiq Rahimi là người Pháp, sinh năm 1962 tại thủ đô Kaboul, (Afghanistan). Năm 1984, ông rời Afghanistan đến Pakistan vì lý do chiến tranh. Sau đó, Atiq Rahimi xin tị nạn chính trị tại Pháp. Tại đây, ông đỗ bằng tiến sĩ truyền thông tại Đại học Sorbonne. Ngoài viết tiểu thuyết, Atiq Rahimi còn là đạo diễn phim tài liệu. Năm 2004, bộ phim Đất và tro tàn chuyển thể từ tiểu thuyết của ông, do chính nhà văn làm đạo diễn đã được giải Hướng đến tương lai của Liên hoan phim Cannes.

Thụy Oanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button