Cảm nhận sách

Nhập môn các ngành khoa học bằng biếm hoạ

Cơ bản không đơn giản – Đơn giản là cơ bản. Đó chính là điều các tác giả và họa sĩ đã gửi gắm vào bộ sách biếm họa nhập môn nổi tiếng thế giới.

Vừa được ra mắt bạn đọc Việt Nam, bộ sách gồm các cuốn Làm quen Triết học qua biếm họa, Làm quen Thống kê học qua biếm họa, Làm quen Kinh tế học qua biếm họa- kinh tế vi mô và Làm quen Kinh tế học qua biếm họa – kinh tế vĩ mô.

Trước tiên, hãy làm quen với triết học qua biếm họa. Bằng lối kể truyện tự nhiên, dí dỏm của giáo sư triết học Michael F. Platton và phong cách vẽ minh họa hết sức thú vị của họa sĩ nổi tiếng Kevin Cannon, chúng ta được trải nghiệm một chuyến phiêu lưu kỳ thú trên dòng sông triết học thơ mộng, cùng người dẫn đường là triết gia Heraclitus.

Bộ sách nhập môn các ngành khoa học bằng biếm họa.
Bộ sách nhập môn các ngành khoa học bằng biếm họa.

Khởi nguồn của dòng sông triết học là Logic học, nghiên cứu về những lập luận thành công. Xuôi mái chèo qua vùng Nhận thức luận, ta đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi “Làm thế nào chúng ta biết điều chúng ta biết?”

Heraclitus lại tiếp tục dẫn dắt chúng ta đến những nghiên cứu về Trí óc để khám phá xem liệu “Trí óc của chúng ta chỉ là một sản phẩm phụ vô nghĩa của thế giới vật lý” hay không.

Ta được gặp gỡ David Hume, cùng suy ngẫm về lời ông nói: “Hãy là một triết gia, nhưng, giữa tất cả triết lý của bạn, hãy vẫn là một con người.” Để rồi ta băn khoăn tự hỏi có liệu mình có Ý chí tự do không, hay đơn giản là “Chúa đã làm thế”? Theo đó, Chúa (hay Thượng đế) là “căn nguyên đầu tiên cho toàn bộ chuỗi nhân quả” trong vũ trụ bao la này.

Điểm cuối của chuyến phiêu lưu là Luân lý học, một đĩa hạt phổ quát bao trùm gần như mọi quyết định lớn nhỏ mà chúng ta đã làm hoặc sẽ làm, đặt ra câu hỏi cơ bản “Chúng ta sống thế nào?”. Đây có thể được coi là một phương pháp luận quan trọng trong triết học nhưng “hầu hết mọi người chỉ xem đó là hành vi tọc mạch.”

Với cuốn Làm quen thống kê học qua biếm hoạ, ta học được cách làm thế nào để đưa ra quyết định đầy tự tin khi nguồn thông tin bị hạn chế. Và hơn hết, “dù chúng ta không biết hết mọi thứ, không có nghĩa là chúng ta không biết gì cả”.

Alan Dabney và Grady Klein đã mang đến một cách tiếp cận thống kê học bằng hình ảnh hoàn toàn mới mẻ, dễ hiểu, gần gũi, và có thể áp dụng ngay vào cuộc sống hàng ngày. Một chiếc bút chì, một tờ giấy, cùng với niềm ham mê học hỏi, đó là tất cả những gì cần thiết để làm quen với thống kê học.

50% chất xám, 10% chất nghệ, 50% chất hóm, đó là tiêu chí của bộ sách này.
50% chất xám, 10% chất nghệ, 50% chất hóm, đó là tiêu chí của bộ sách này.

Vậy liệu làm quen triết học và làm quen thống kê học có phải là một quyết định tối ưu xét về thời gian và tiền bạc hay không? Đối với những ai từng trăn trở những câu hỏi kiểu như thế, thì hẳn sẽ không bỏ qua 2 cuốn tiếp theo: Làm quen kinh tế học qua biếm họa – kinh tế vi mô và Làm quen kinh tế học qua biếm họa – kinh tế vĩ mô.

Kinh tế vi mô xem xét các vấn về Cá nhân tối ưu hoá để lần lượt đưa ra Tương tác chiến lược và Tương tác thị trường. Tìm hiểu Lý thuyết về tối ưu hoá, ta biết được “trong trường hợp nào thì tối ưu hoá cá nhân sẽ dẫn đến kết quả tốt đẹp cho tất cả mọi người” hoặc “trong trường hợp nào thì mọi người thực sự hành động như những cá nhân tối ưu hoá”.

Bên cạnh đó, Lý thuyết trò chơi sẽ đưa ra một câu trả lời hết sức xác đáng về tầm quan trọng của thông tin, bởi vì “thực ra câu trả lời nằm trong đầu bạn và trong đầu những người chơi khác.”

Một mặt, chúng ta có thể hiểu được vì sao “với bất cứ mức giá thị trường nào khác đều không hợp lý trong một thế giới đầy những cá nhân tối ưu hoá”, mặt khác sẽ thấy “Thuế là thứ mà chúng ta đóng cho một xã hội văn minh”.

Với Kinh tế học vĩ mô, Yoram Bauman và Grady Klein dẫn chúng ta đến với mục đích cơ bản của khoa học kinh tế vĩ mô là làm thế nào có thể đạt được ổn định trong ngắn hạn và tăng trưởng trong dài hạn thông qua lý thuyết về Nền kinh tế đơn lẻ, Ngoại thương và Kinh tế vĩ mô toàn cầu.

Các vấn đề cơ bản liên quan đến một nền kinh tế như thất nghiệp, tiền tệ, lạm phát, Chính phủ hay “tuổi trẻ kết thúc ra sao” sẽ lần lượt được đề cập một cách cụ thể. Chúng ta sẽ hiểu tại sao lại là Bộ ba bất khả thi trong khi “tiền chỉ là những mẩu giấy”. Tại sao lý thuyết về Thu nhập quốc dân GDP lại đóng vai trò hết sức quan trọng trong nền kinh tế vĩ mô.

Bên cạnh đó, chúng ta sẽ hiểu rõ tiến bộ công nghệ và thương mại về cơ bản là không thể tách rời, sẽ thấy được “điều khôi hài của kinh tế vĩ mô là câu hỏi vẫn luôn như cũ nhưng cứ mấy năm chúng ta lại thay đổi câu trả lời”.

50% chất xám, 10% chất nghệ, 50% chất hóm, đó là tiêu chí của bộ sách này. Với độ dày trên dưới 200 trang, nhiều hình và ít chữ, việc làm quen triết học, thống kê học, hay kinh tế học tưởng như rất khó khăn bỗng trở nên đơn giản hơn bao giờ hết. Nó khơi dậy trong ta niềm ham mê hiểu biết, cũng như gợi mở những ý tưởng tươi mới và sinh động.

Để kết thúc việc đọc bộ sách này sẽ không mất nhiều thời gian, nhưng chắc chắn một điều chúng ta sẽ không thể dừng lại được việc nghiền ngẫm chúng cho đến khi chúng ta dừng lại nhận thức về tầm quan trọng của câu hỏi “TẠI SAO?”

Latte N.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button