Cảm nhận sách

Nóng, Phẳng, Chật: Khi người Mỹ nói về tội lỗi của nước Mỹ

Một tác phẩm xuất sắc nữa của Thomas Friedman tập trung nói về các vấn đề mà nước Mỹ nói riêng và toàn thế giới nói chung, đang phải đối mặt.

Thomas Friedman là nhà báo nổi tiếng người Mỹ từng đạt giải Pulitzer. Các tác phẩm của ông đều là những cuốn sách xuất sắc, tổng kết và cung cấp cho người đọc góc nhìn mới mẻ về các vấn đề toàn cầu hóa, vấn đề ô nhiễm môi trường, sự phát triển của nền kinh tế, đánh giá và dự đoán xu hướng phát triển của thế giới hiện đại…

Các tác phẩm đáng chú ý của Friedman như Chiếc Xe Lexus và Cây Ô liu, Thế Giới Phẳng, Nóng Phẳng Chật, Từ Beirut tới Jerusalem, Từng là Bá Chủ… Trong đó, khi nhắc đến những vấn đề môi trường và năng lượng, có lẽ nên nhắc đến “Nóng, Phẳng, Chật”.

Như đã nói, đây là cuốn sách đề cập đến những vấn đề năng lượng của thế giới trong bối cảnh dân số đang ngày một tăng cao, các nước đang phát triển chiếm tỷ lệ lớn mà tài nguyên lại có hạn. Một phần nữa của cuốn sách đề cập và nói đến chính những thói xấu mà nước Mỹ đã làm trong hàng trăm năm phát triển của mình, về vị thế đang dần đánh mất và việc mà nước Mỹ phải làm để vực dậy vị thế đã từng đi đầu của mình.

Xem giá bán
Friedman mở đầu bằng câu chuyện những chuyến đi của ông, những gì ông thấy và trải nghiệm. Rằng sự phát triển quá nhanh của quá trình toàn cầu hóa, sự vươn lên mạnh mẽ của các quốc gia đang phát triển. Kinh tế các nước này đều có sự thay đổi rõ rệt nhưng đi kèm với nó là những tác hại môi trường mà toàn thế giới đang phải gánh chịu.

Nước Mỹ và các nước phát triển đi đầu trong việc kêu gọi bảo vệ môi trường sống, thay đổi cách thức hoạt động của nền kinh tế để bớt bẩn hơn, bớt gây hại hơn? Nhưng có lẽ họ không chịu nhìn nhận rằng, bản thân mình đã có hàng trăm năm phát triển như các nước hiện tại và gây ô nhiễm môi trường kinh khủng. Có lẽ họ chưa nói rõ ra việc sử dụng các công nghệ hiện đại, có ích với môi trường là đắt đỏ đến nhường nào. Có lẽ họ chưa nói mình sẽ ngừng thực hiện các cuộc “chuyển giao máy móc” gây ô nhiễm cho các nước ở thế giới thứ ba. Chính vì những lẽ đó mà nước Mỹ, tính cả sự kiện 11/9, đã tự hạ thấp vị thế dẫn đầu của mình trên trường quốc tế.

Ô nhiễm môi trường do hoạt động công nghiệp ở Trung Quốc

Friedman mang đến bức tranh vô cùng thực tế về hiện trạng phát triển kinh tế và môi trường. Dù hiện thực đó, người đọc cảm thấy có chút bất công và buồn, rằng những nước phát triển chỉ kêu gọi và chỉ trích những nước thứ ba, quên việc mình từng làm nhưng không quên lợi ích kinh tế. Vấn đề được đặt ra với tất cả những ai có trách nhiệm với sự phát triên ổn định của thế giới.

Mở ra vấn đề, nhìn nhận và đánh giá nó nhưng chính tác giả cũng đưa ra những giải pháp, ý tưởng xanh của riêng mình. Đó là việc thử thành lập một khu phố thử nghiệm, một cộng đồng sử dụng năng lượng sạch, những con chip thông minh điều hòa lượng điện sử dụng hay chỉnh hoạt động của các thiết bị trong nhà sao cho phù hợp nhất. Đưa những giải pháp này ra sử dụng rộng rãi sẽ khiến con người có ý thức hơn với môi trường, đồng thời hạn chế tối đa lãng phí và tiêu thụ quá nhiều năng lượng.

Tác giả cũng dẫn chứng và đưa ra việc ứng dụng và tìm nguồn năng lượng thay thế đang phát triển một cách mạnh mẽ ở Trung Quốc. Họ dành hẳn một ngân sách khổng lồ cho việc nghiên cứu năng lượng thay thế, họ có tỷ phú 4,5 tỷ đô làm trong ngành pin năng lượng mặt trời rồi… nhưng nước Mỹ thì chỉ mải miết rong ruổi trong những cuộc chiến tranh vô nghĩa.

Năng lượng sạch sẽ là giải pháp hữu hiệu cho vấn đề năng lượng của thế giới trong tương lai

Friedman muốn nước Mỹ hãy thức tỉnh và ý thức về vị thế của mình. Một nước Mỹ từng đi đầu trong việc phát triển kinh tế, một nước Mỹ từng được mệnh danh là vùng đất an lành đáng mơ ước, thu hút tất cả những nhân tài trên thế giới tụ về. Nhưng bây giờ nước Mỹ đang loay hoay và đang bị những quốc gia khác vượt mặt. Vậy phải làm sao?

Tất cả những ý tưởng của Friedman sẽ khiến người đọc ngạc nhiên. Cùng với kiến thức uyên thâm về toàn cầu hóa, trải nghiệm của chính bản thân ông, hành văn theo phong cách báo chí cùng hàng loạt dẫn chứng, ví dụ, con số cụ thể… sẽ hoàn toàn thuyết phục và đưa đến cho người đọc một tầm nhìn cao hơn, rộng hơn về cục diện phát triển của “thế giới phẳng” hiện nay.

Cuốn sách tuy không phải phù hợp với nhiều quốc gia, vì nó được viết và giải quyết vấn đề cho các nước phát triển, và những giải pháp mà Friedman đưa ra cũng đòi hỏi sự phát triển nhất định về khoa học kĩ thuật, công nghệ… Nhưng “Nóng, Phẳng, Chật” sẽ là tài liệu hữu ích với những quốc gia vừa muốn phát triển nền kinh tế song song với bảo vệ môi trường sống của chính mình.

Hoàng Hương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button