Cảm nhận sách

Nước mắt xanh từ thảo nguyên xanh

Tiểu thuyết “Nước mắt màu xanh thẫm” (*) là cuốn sách thứ hai của tác giả Nguyễn Văn Thiện, mang đến những ám ảm dai dẳng về thân phận con người của đồng bào Êđê nơi thảo nguyên xanh bát ngát.

Tôi không biết quỷ sẽ thay đổi thế giới này ra sao, tôi cũng không biết mai đây loài người sẽ phải sống trong kiếp gì? Nhưng hiện tại đớn đau, những phận người nhỏ bé sống lắt lay trên chính mảnh đất của mình khiến người ta thấy, kiếp này, chắc gì mình được làm người đúng nghĩa?

Tập tiểu thuyết không dày, nhưng khiến tôi mất ngủ suốt một tuần liền sau khi đọc, những nhân vật trong vùng lòng chảo của núi Chư Mang hiện ra, buôn làng hiện ra, đất hiện ra, nước hiện ra, tình yêu, tình người hiện ra. Mỗi con người mang lấy một số phận, đến cả chú khỉ Kra, một nhân vật tưởng như sung sướng nhất vì không phải gánh lấy nỗi đa mang của con người, lại là nhân vật có tình yêu nghiệt ngã nhất, đớn đau nhất.

“Nước mắt màu xanh thẫm” ám ảnh dai dẳng về thân phận con người, ở đó, tục nối dây của người Êđê tưởng chừng như là quyền lực của người phụ nữ, nhưng không, nó cũng gây ra bi kịch cho chính họ – những người phụ nữ Êđê vốn chịu nhiều nỗi đau của kiếp làm người.

H’Nhi vì thương ba đứa cháu cút côi mà đồng ý “nối dây” với người anh rể nát rượu, để rồi suốt cuộc đời còn lại số phận nàng lận đận long đong đến nỗi phải bỏ buôn bỏ làng mà đi, bỏ những đứa cháu không mẹ mà đi. Những tưởng cuộc đời mình có thể nương nhờ bóng tùng quân, thì trưởng đoàn hát đột ngột bị voi quật chết khi cô đang mang thai. Buôn làng bỏ nàng, đất bỏ nàng, nước bỏ nàng, người tình cũ cũng ghé vài hôm rồi cũng bỏ nàng mà đi. Chỉ có chú khỉ Kra, kiếp trước là một anh hùng của buôn làng, vì muốn sống cạnh người mình yêu mà chấp nhận làm khỉ, yêu H’Nhi trong đớn đau, yêu trong bất lực.

Đôi khi đọc mà thấy giận tác giả, H’Nhi của tôi, Kra của tôi, sao không để họ có một ngày thôi hạnh phúc bên nhau, sao không để H’Nhi nhận ra tình yêu của Kra. Đến gần cuối cuộc đời của chú khỉ tội nghiệp, mới được nằm trong vòng tay H’Nhi. Vậy mà Yàng phạt, những giọt nước mắt màu xanh của dân làng đều đổ tội lên đầu Kra sau khi y tế hay chính quyền gì đó đều né tránh. Phải chăng khi không thể tìm ra lỗi của ai, thì họ đổ tội lên đầu đứa bé nhỏ nhất, thậm chí không thể nói được tiếng người. Cuộc sống vốn dĩ như thế, phải không?

Thảo nguyên xanh thẳm phải nhường chỗ cho thủy điện, nhường chỗ cho dự án trồng rừng, những con người nhỏ bé bị đẩy đi như những con kiến con ong trước những trận cuồng phong bão tố. Phải tha hương trên chính mảnh đất của mình, phải ăn mày trên chính của cải của mình. Những con người yêu đời, tin vào trời vào đất, chẳng còn biết bám víu vào đâu, họ cứ cắm mặt mà sống, mà làm, mà ăn như thể chỉ cần vui chơi một ngày thì Yàng sẽ bắt họ phải trả giá!

Nguyễn Văn Thiện viết rất tự nhiên, không lên gân, không cần trau chuốt câu từ, anh cứ kể một cách tự nhiên đến mức thấy như hai người yêu nhau ngồi nói chuyện với nhau “mình kể ta nghe rằng…”. Nhưng những câu chuyện đó là câu chuyện về loài quỷ dữ, là những lời kể day dứt, ám ảnh.

Càng đọc càng thấy đau đớn cho những thân phận nhân vật, từ nhân vật lớn nhất đến những nhân vật thấp bé nhất, ai cũng có một số phận cho riêng mình, không ai xuất hiện thừa, không ai có mặt để làm “nền” kể chuyện về người khác. Thiện thương nhân vật của mình, o bế nhân vật từng chút một, đến nỗi cái cây, cái cỏ cũng như có linh hồn, cũng khiến người đọc thương hết từng câu từng chữ mà anh viết ra.

Sau tập truyện ngắn “Nắng trước cửa thiên đường” – NXB Hội Nhà văn (2012), Nguyễn Văn Thiện lần nữa khẳng định mình là cây bút viết về đồng bào Tây Nguyên, viết về núi rừng hay và đẹp không thể lẫn vào ai khác.

(*): “Nước mắt màu xanh thẫm”, tác giả Nguyễn Văn Thiện, NXB Hội Nhà văn ấn hành.

Anh Đào

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button