Cảm nhận sách

Oscar và bà áo hồng: Cuốn sách nhỏ chứa đựng sự kỳ diệu

Từng dòng chữ trong cuốn sách sẽ khiến người đọc phải nhìn cuộc sống với một lăng kính mới, vừa sinh động vừa lạc quan hơn rất nhiều.

Oscar và bà áo hồng là tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Pháp Eric-Emmanuel Schmitt. Cuốn sách được xuất bản lần đầu tiên tại Pháp năm 2002 và nhanh chóng gặt hái thành công với vô số giải thưởng như giải Chronos, giải Jean Bernard của viện hàn lâm Y học… Sách cũng được chuyển thể nhiều lần thành phim, kịch… và luôn được đánh giá cao. Tờ L’Express đã ưu ái nhận xét Oscar và và áo hồng là: “Táo bạo và hiệu quả hơn cả một luận án hay những diễn văn lời hay ý đẹp. Hãy để những ai đang, hoặc sẽ trên đường đến bệnh viện đọc được cuốn sách nhỏ bé nhưng kì diệu này”.

Ở Việt Nam, tác phẩm Oscar và bà áo hồng được giáo sư Ngô Bảo Châu và Nguyễn Khiếu Anh đồng dịch, xuất bản năm 2015. Cuốn sách tuy nhỏ bé nhưng khó có thể phủ nhận được đây là cuốn sách khá ấn tượng, truyền cảm hứng và niềm tin mạnh mẽ.

Sách gồm những bức thư gửi Chúa của nhóc Oscar – một cậu bé 10 tuổi có biệt danh là Sọ Trứng vì cậu có cái đầu trọc lóc – hệ quả của những đợt điều trị hóa chất do bệnh máu trắng. Oscar viết ra những sự việc và cả những mong ước của cậu trong 12 ngày có lẽ là cuối cùng của cuộc đời mình. Những lá thư ấy đã được bà Hoa Hồng – một tình nguyện viên đến chơi với các bênh nhi tìm thấy sau khi Oscar mất.

Chỉ vỏn vẹn gần 100 trang sách, Schmitt đã kể với chúng ta về nỗi buồn, nỗi đau, niềm hi vọng và cả tình yêu giữa con người với con người bằng giọng văn có sự ngây thơ của một cậu bé, có sự trải nghiệm của bà Áo Hồng và cả cảm xúc trước cái chết của rất nhiều người.

Oscar và bà áo hồng là cuốn sách khiến bạn không thể bỏ xuống nếu chưa đọc đến trang cuối cùng
Oscar và bà áo hồng là cuốn sách khiến bạn không thể bỏ xuống nếu chưa đọc đến trang cuối cùng

Cũng không phải ngẫu nhiên mà cuốn sách được độc giả Pháp bình chọn trong danh sách “Những cuốn sách đã thay đổi cuộc đời tôi” – một điều hiếm thấy đối với sách của một tác giả còn sống – đưa Oscar và bà áo hồng sánh ngang cùng Ba chàng lính ngự lâm hay Hoàng tử bé.

Cậu bé Oscar đã nhắc chúng ta rằng: Hãy yêu cuộc sống này nhiều hơn, bởi không phải ai cũng có cơ hội sống và thực hiện điều đó. Thế nên, nếu bạn có tình cảm với ai thì đừng ngại bày tỏ; có nỗi buồn chất chứa thì đừng ngại nói ra; và nhất định là nên thực hiện ngay, đừng trì hoãn cơ hội bày tỏ tình thương. Chính bà Hoa Hồng đã kể những câu chuyện cho cậu nghe, khuyến khích cậu làm tất cả những gì cậu muốn.

Vì vậy mà Oscar đã tỏ tình với Peggy Blue – cô bé cùng bệnh viện mắc bệnh da xanh; Oscar cũng chia sẻ suy nghĩ và thể hiện tình cảm của cậu với ba mẹ cậu và tất cả mọi người đều chấp nhận cả việc Oscar liều lĩnh trốn khỏi bệnh viện để đón những niềm vui cuối cùng của cuộc đời cậu bé trong không khí tươi vui và ấm áp với những người cậu yêu quý nhất.

Giáo sư Ngô Bảo Châu và hoa hậu Đặng Thu Thảo trong buổi ra mắt sách Oscar và bà áo hồng
Giáo sư Ngô Bảo Châu và hoa hậu Đặng Thu Thảo trong buổi ra mắt sách Oscar và bà áo hồng

Mỗi chi tiết trong tác phẩm đều truyền đạt những giá trị nhân văn cao cả. Tác giả để một cậu bé biết rõ mình mang căn bệnh ung thư, cũng biết rằng diễn biến bệnh của mình đã xấu đi nhiều lắm. Nhân văn ở chỗ vào giai đoạn khó khăn nhất, cậu bé ấy gặp được bà Áo Hồng, gặp được những người bác sĩ tận tâm và gặp được những người bạn đáng yêu nằm cùng trong bệnh viện.

Đặc biệt nhân văn hơn cả, đó là chi tiết tác giả để cho bà Áo Hồng kể với cậu bé về truyền thuyết: “Ở quê bà, Oscar ạ, có một truyền thuyết kể rằng trong 12 ngày cuối cùng của một năm, người ta có thể dự đoán được 12 tháng của năm tiếp theo sẽ như thế nào. Chỉ cần quan sát từng ngày một để có được bức tranh thu nhỏ của từng tháng… Đấy là truyền thuyết. Ta muốn bà cháu mình thử chơi trò đó, cháu và ta. Đặc biệt là cháu. Từ ngày hôm nay cháu sẽ quan sát mỗi ngày và tự nhủ là mỗi ngày tương ứng với 10 năm”. Truyền thuyết hư cấu này đã truyền trao hi vọng sống cho cậu bé, cũng là truyền trao niềm tin cho những ai yêu quý cậu.

Từ trang đầu tiên tới trang cuối cùng của cuốn sách, bối cảnh câu chuyện phần nhiều là ở bệnh viện. Những đứa trẻ còn quá nhỏ nhưng lại thông thuộc các thuật ngữ y học, những đứa trẻ thậm chí còn quen thuộc với những cơn đau đến mức nhắc đến nó rất bình thường, những đứa trẻ phải cậy nhờ Chúa để nuôi dưỡng niềm tin khỏi bệnh. Đến bức thư cuối cùng gửi Chúa, bạn đọc như chết lặng, bởi vì đó là bức thư của bà Áo Hồng viết tiếp những dang dở cho cậu bé Oscar. Cậu bé ấy còn quá trẻ để xa rời cuộc sống này.

Nguyễn Ngân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button