Cảm nhận sách

‘Ra đời’ và thông điệp về tình yêu thương của con người

Tác phẩm của Aleksei Varlamov được đánh giá là một trong những dấu ấn nổi bật của văn học đương đại Nga.

Sự xuất hiện bất ngờ của sinh linh nhỏ bé nào hẳn cũng đều là niềm hạnh phúc của nhân gian. Thế nhưng, sự ra đời của “nhân vật chính” trong truyện vừa Ra đời không chỉ khuấy đảo, xáo trộn cuộc sống thường ngày một gia đình từ lâu đã lụi dần xúc cảm mà còn soi chiếu vào tận tâm can những thân phận người nhỏ bé trong cuộc đời với những vùng vẫy, tuyệt vọng, bế tắc và tha hóa đến trần trụi.

Mỗi số phận người trong Ra đời của nhà văn Aleksei Varlamov là một câu chuyện sống động đầy ám ảnh trong xã hội hiện đại. Là với đứa trẻ vừa mới hoài thai trong bụng mẹ, thế giới đã đầy thù địch, và trên con đường sống của sinh linh bé nhỏ ấy chỉ chực chờ những bất hạnh mà ngay cả tình thương của cha mẹ cũng không sao cứu vãn.

Là những người vợ người chồng dường như chỉ mải chìm đắm trong thế giới riêng, vật lộn với sự bình yên giả tạo để học cách thấu hiểu nhau. Là những người cha người mẹ phải đối mặt với sự ơ hờ, lạnh lẽo của những người xung quanh; thanh tẩy, nối kết tình người để nhen lên hơi ấm cho đứa trẻ mới chào đời.

Giờ thì hãy tự thay đổi tên nhân vật tùy ý, hãy thử đo ni cho câu chuyện của mình. Ai có thể nói chuyện này không xảy ra với chúng ta? Và không nhất thiết câu chuyện này chỉ ập đến khi một đứa bé chào đời, nó hoàn toàn có thể lặp lại trong bất cứ gia đình nào mà trong đó tình yêu đã nhường chỗ cho sự cam chịu thờ ơ…

Với lối tự sự nhẹ nhàng, không chút lên gân trong Ra đời, chúng ta không cần nhập vai để đồng cảm mà tự thân tâm trạng của nhân vật sẽ thấm dần trong chính chúng ta; và ngay từ những chương đầu, giọng văn điềm đạm nhưng đầy tinh tế của nhà văn Aleksei Varlamov như kéo tuột độc giả vào một hố sâu đen đặc với những cay đắng vấp váp, những sợ hãi hèn kém của lòng người chật hẹp, bế tắc.

“Cơn giận dịu xuống, và anh thấy rất buồn. ‘Trời ơi, tại sao chúng ta lại oán ghét nhau đến thế? Một người có thể căm thù người khác đến độ nào? Và vì cái gì?’ Anh nhớ lại đêm tháng Mười ấy, khi anh vào thành phố và gặp những người khác nhau, cũng đầy sự thù ghét ấy, và anh nghĩ, căm thù cũng lây lan, nó truyền từ người này sang người khác và dường như đã lây cả vào những nơi tưởng như cách xa khỏi những phân tranh ấy, như nhà hộ sinh, nơi lẽ ra phải đầy thương yêu”.

Tuyệt vọng bí bách là thế, nhưng càng đi về cuối truyện, chúng ta sẽ dần vỡ ra được tại sao Ra đời lại là một trong những tác phẩm nhân văn nhất của văn học Nga hiện đại, và cũng là cuốn sách có sức sống bền bỉ trong lòng độc giả đến như vậy.

Varlamov đã hoàn toàn thành công khi gieo vào lòng người đọc những hoài nghi, sợ hãi về một xã hội thờ ơ lạnh lẽo nhưng sau tất cả, cũng chính ông đã trao gửi một thông điệp đầy cảm thông và bao dung đến kỳ lạ trong tác phẩm của mình.

“Anh nghĩ, anh không đơn giản cần một đứa bé, không đơn giản cần một đứa con trai để nối dõi hay để thỏa mãn sự háo thắng của mình, mà anh cần chính đứa trẻ này, đứa bé mà anh đã yêu thương một tháng rưỡi qua, và dù cho việc gì xảy ra với bé, dù chuyện gì sẽ đợi bé trong tương lai, đau ốm hay khỏe mạnh, thì đó là con trai anh và anh sẽ không yêu thương ai như đang yêu thương chính nó”.

Aleksei Nikolayevich Varlamov là nhà văn, nhà chính luận, nhà nghiên cứu lịch sử Nga thế kỷ 20. Hiện ông là Tổng biên tập tạp chí Học văn, Hiệu trưởng trường viết văn Gorki của Nga và giáo sư thỉnh giảng Đại học Iowa, Hoa Kì.

Ông bắt đầu nghiệp viết lách với truyện ngắn Những con gián đăng trên tạp chí Tháng Mười (1987) và tiểu thuyết Ngôi nhà ở Ostozhie (1990). Năm 1995, tập truyện vừa Ra đời đã mang lại cho ông giải thưởng Antibooker danh giá. Và đến năm 2014, tiểu thuyết Sói suy tư của ông đã được các nhà phê bình nhận định là “một nỗ lực cá nhân khi nhìn về Thế kiỷ Bạc”.

Trong số rất nhiều giải thưởng cao quý trao cho Aleksei Varlamov, không thể không kể đến giải thường Solzhenhitsyn năm 2006: “bởi sự khắc họa tinh tế trong sức mạnh văn xuôi và sự mong manh của hồn người, cũng như số phận của họ trong thế giới hiện đại…”

Trịnh Dung

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button