Cảm nhận sách

Tác phẩm thăm dò chiều kích phức tạp của tinh thần con người

TS Trần Ngọc Hiếu tâm đắc với sách “Lời nguyện cầu chín năm trước” bởi tác phẩm có kết cấu độc đáo, nói về một yếu tố cơ bản trong đời sống: nỗi buồn.

Tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu cho biết anh đã đọc hai cuốn sách của nhà văn Nhật Ono Masatsugu là Lời nguyện cầu chín năm trước và Tiếng hát người cá. Anh quan tâm đặc biệt tới Lời nguyện cầu chín năm trước, vì có kỹ thuật viết đặc biệt, buộc người đọc thăm dò, khám phá, ngẫm nghĩ về những chiều sâu trong đời sống tinh thần con người.

Tiến sĩ Ngữ văn Trần Ngọc Hiếu.

Không ai là ốc đảo

Khi đọc tác phẩm Ono Masatsugu, Tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu cho rằng, thế giới Nhật Bản, xứ sở Nhật Bản trong văn của Ono rất gần gũi với Việt Nam. Nó hơi khác so với hình dung của khá nhiều người khi nghĩ về Nhật Bản: những truyền thống văn hóa lâu đời, cổ kính của Nhật Bản được bảo lưu, hoặc cực khác đối lập, nó là cái gì đó rất u uẩn, bạo liệt, dữ dội.

Tập truyện Lời nguyện cầu chín năm trước mang tới cho người đọc hình dung về một vùng đảo Nhật Bản không khác gì với vùng miền trên đất nước chúng ta. Ở đó, nhịp sống diễn ra đều đặn, bình lặng, không có xung đột biến cố nào của thời đại nổi lên trên bề mặt.

Dường như các nhân vật trong tác phẩm này rất gần với con người xứ sở chúng ta. Ở đó họ có những tục lệ, tín ngưỡng, mê tín, như nhà nuôi chó sẽ không đẻ được con, hoặc mình phải cầu nguyện để vượt qua biến cố xảy ra trong đời.

Các nhân vật trong truyện phải đối mặt với rất nhiều định kiến. Chẳng hạn, một cô gái lấy chồng ngoại quốc, rồi làm mẹ đơn thân và đưa đứa con tự kỷ về làng quê của mình, phải đối mặt với sự ái ngại của chính gia đình mình…

Đó là một Nhật Bản không xa lạ, không thơ quá, nhưng cũng không quá bạo liệt.

Tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu cho biết, điều làm anh hứng thú nhất ở Lời nguyện cầu chín năm trước, là tác phẩm hứa hẹn nhiều bất ngờ trong sự đọc, bởi nghệ thuật của tác phẩm.

Không phải ngẫu nhiên khi xuất bản tại Việt Nam, tác phẩm không được ghi tên thể loại trên bìa sách. Một mặt ta có thể hình dung đây là một tập truyện ngắn, có thể đọc rời từng truyện.

Nhưng nếu đọc kỹ, ta thấy mỗi truyện đều liên kết với nhau, có một mạch ngầm xâu chuỗi lại. Có những truyện đọc rời, ta cảm giác như nhà văn đang bỏ lửng, đang treo ở đó. Ta sẽ bắt gặp câu trả lời ở phần tiếp theo ở truyện thứ hai hay truyện thứ ba trong sách.

Giống như khi đọc Nghìn lẻ một đêm, mỗi truyện ngắn đều treo lại ẩn dụ, đọc truyện tiếp theo ta mới có cơ sở giải đố. “Cho nên tôi muốn gọi tập này là một liên truyện. Một tác phẩm phá vỡ ranh giới giữa truyện ngắn và tiểu thuyết” – Tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu nói.

Nếu đọc kỹ, ta thấy kết cấu xâu chuỗi này đặc biệt, ở chỗ có một nhân vật hiện diện ở mỗi truyện như một nhân vật phụ, đó là nhân vật bị bệnh não.

Nhưng đọc tổng thể, sẽ thấy các nhân vật ở mỗi truyện soi chiếu cho nhau, như một kết cấu lồng gương. Nó là quan hệ giữa Sanae ở Lời nguyện cầu chín năm trước có phần đồng dạng với cô Mitchan trong bệnh viện. Bà Chioko sống đơn độc cũng đồng dạng với Sanae.

Nếu đọc riêng từng truyện, ta thấy các nhân vật rời rạc. Nhưng đọc trong tổng thể, các truyện xâu chuỗi lại, gợi liên tưởng tới một câu thơ của thi sĩ John Donne, được Hemingway dùng trong lời đề tựa Chuông nguyện hồn ai: “Không ai là một ốc đảo”. Tất cả các nhân vật trong tác phẩm này dù cô đơn, dù trơ trọi một mình nhưng không ai biệt lập, họ có liên kết với nhau. Nỗi đau người này phản chiếu trong nỗi đau của người khác.

Nghệ thuật tự sự trong tác phẩm có sự hấp dẫn với người đọc. Tác giả Ono hay đưa những ẩn dụ trong truyện. Ẩn dụ đó tạo thành mạch ngầm, nếu giải mã được nó ta hiểu được chiều sâu của tác phẩm.

Cả bốn truyện ngắn trong tập sách đều liên quan tới yếu tố tự nhiên. Ở truyện thứ nhất có chi tiết xác con khỉ, truyện thứ hai là đêm rùa biển, truyện thứ ba là câu chuyện con cá voi bị mắc kẹt, và truyện thứ tư là bông hoa ác. Ở đây các nhân vật hay liên hệ mình với thế giới tự nhiên như là cách lý giải cho những đau đớn, những biến cố. Chính cách ứng xử của con người với tự nhiên như thể là một cách lý giải vì sao ta phải chịu đựng nỗi đau này.

Nhưng ở đâycó một chủ đề cao hơn nữa ta cần nhắc tới: Tác giả Ono đề cao đến sự tồn tại hài hòa giữa con người chúng ta với thế giới này.

Nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật là một phương diện nổi bật của tác phẩm. Khi đọc truyện Lời nguyện cầu chín năm trước, có một khoảnh khắc khiến Tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu đọc đi đọc lại, đó là nhân vật Sanae trong khoảnh khắc say nắng, cô có cảm giác đứa con tự kỷ rời bỏ mình. Cô được giải phóng khỏi đứa con mà lâu nay trong hình dung của cô là “một con giun bị oằn xéo”.

Đó là kỹ thuật viết được gọi tên là “khoảnh khắc linh nghiệm”. Jame Joyce là bậc thầy của kỹ thuật đó. Cách miêu tả của Ono Masatsugu như một cú đặc tả quay chậm trong điện ảnh. Nó khai thác sự chuyển biến tâm lý con người.

Khoảnh khắc đó khiến con người đối diện với sự thật – cái sự thật mà bấy lâu nay người ta vẫn khỏa lấp, sự thật mà nhìn vào sẽ thấy khoảng tối trong lòng mình. Hóa ra lâu nay Sanae đã muốn dứt khỏi đứa con của mình, đứa con mà sinh ra dường như mang một gánh nặng cho cô.

Với độc giả chưa quen đọc tự sự hiện đại, có thể sẽ lúng túng khi đọc sách này. Vì Ono thường miêu tả tâm lý nhân vật từ khoảnh khắc nhớ lại xuất thần một ấn tượng vụt qua. Ví dụ trong truyện có chi tiết đi thăm bệnh, chỉ thoáng nhìn thấy cô gái ngoại quốc đi trên đường, ngay lập tức toàn bộ hồi ức nhân vật sống dậy. Hiện tại và hồi ức ở đây đan bện với nhau tương đối phức tạp.

“Đó chính là thứ tôi rất thích” – Tiến sĩ Hiếu nói. Anh lý giải, một trong những điều khiến văn chương có ý nghĩa nhất đối với đời sống của chúng ta, đó là nó từ chối nhìn đời sống một cách giản đơn. Nó là nỗ lực không ngừng thăm dò những chiều kích phức tạp của cuộc đời.

Thấu hiểu nỗi đau người khác là khía cạnh nhân văn của đời sống

Nếu thế giới chúng ta đang xảy ra rất nhiều câu chuyện lớn, ngày nào cũng cuốn theo những xung đột, mâu thuẫn đẩy đến độ căng, thì Ono là nhà văn của những câu chuyện nhỏ. Trong tác phẩm của anh, nhân vật có gì đó như tất cả chúng ta, những nhân vật bình thường, họ có lỡ dở, có vô tâm, có nỗi đau xót, phải đối diện với một thứ trừu tượng: “định mệnh dành cho mình”.

Không ai muốn đứa con mình sinh ra tự kỷ, nhưng người mẹ phải sống với đứa con tự kỷ đó. Không ai muốn đứa con mình bị ung thư não, nhưng người mẹ phải chấp nhận điều đó như một sự thật. Không ai muốn mình đi lấy chồng, vô sinh, rồi người ta đồn đại rằng vì mình mà chồng tự vẫn…

Viết về nỗi đau, Ono không làm cho chúng ta cảm giác anh biến nỗi đau thành bi kịch nặng nề. Những biến cố được kể bằng một giọng điệu trữ tình, hiền lành.

Văn hóa truyền thống Nhật Bản có cảm thức mono no aware (cảm thức bi cảm). Tức là mọi thứ trong cuộc sống này rất vô thường, hoa nở hoa sẽ tàn, trăng lên trăng sẽ lặn. Bởi vậy, người ta cảm thấy nỗi buồn là bản thể của đời sống, của thế giới rồi.

Đôi khi ta cảm thấy cuộc đời là cái gì cay nghiệt với chúng ta. Vào một khoảnh khắc ta cảm thấy cuộc đời chỉ dồn vào ta những bất công. Ta căm phẫn nó, thấy nó vô nghĩa tuyệt đối.

Nhưng những nhân vật trong truyện Lời nguyện cầu chín năm trước được Ono Masatsugu phân tích tâm lý một cách sâu sắc. Tác giả lặp lại nhiều lần chi tiết bà mẹ níu lại đứa con tự kỷ gây cho mình bao phiền toái, nhọc nhằn. Khi người mẹ níu đứa con tự kỷ, khi mỗi lần nó nổi nóng, nó khóc rất đáng sợ, người đọc mới nhận thấy chúng ta không thể loại trừ nỗi đau ra khỏi cuộc đời này. Nỗi đau nó có vẻ đẹp của nó.

Nỗi đau là tất yếu trong tác phẩm. Tác giả Ono Masatsugu viết về nỗi đau khi nhận tin anh trai phải đối diện với cái chết. Nỗi đau đó được tác giả trải trên trang giấy, nghĩa là nỗi đau đó không mất đi, mà viết về nỗi đau như nào.

Dường như nỗi đau có ý nghĩa nào đó trong cuộc đời chúng ta. Quan trọng nhà văn ứng xử như thế nào với nó. Có nhà văn dạy chúng ta cách trải qua nỗi đau, có người khiến chúng ta thấy đó là điều tất yếu …

Ở Việt Nam có nhà văn Bảo Ninh cũng viết theo cách không kịch tính hóa nỗi đau. Tác giả kìm nén nỗi đau mà vẫn khiến người đọc cảm nhận nỗi đau, vẻ đẹp của nỗi đau. Truyện ngắn Xưa cũ của ông kể câu chuyện hai cha con nói chuyện vs nhau vào ngày Hà Nội mùa đông, trước ngày con lên đường nhập ngũ.

Họ nói chuyện từ tốn, người cha đủ hiểu con mình sắp lao vào một cuộc tàn khốc. Người con hiểu dường như chỉ tới thời điểm trước khi vào chiến trường anh mới nói chuyện được với cha. Chính thời điểm đó, nỗi đau đó họ cảm thông được nhau.

Một tác phẩm nữa là tiểu thuyết Và khi tro bụi (Đoàn Minh Phượng). Người phụ nữ trong đó cảm thấy cuộc sống của mình không còn ý nghĩa nào nữa khi chồng chết. Trong hành trình mang bình tro cốt của chồng đi chôn, đồng thời sau đó sẽ chấm dứt đời mình bằng một cái chết chủ động, chị nhận ra mình đồng hành cùng nỗi buồn…

Dù trong văn học Nhật Bản hay Việt Nam, tác phẩm viết theo lối nào, thì cảm thức bi cảm rất quan trọng. Nó dạy cho ta rằng nỗi buồn là một phần của cuộc sống, thấu hiểu nó cũng là khía cạnh nhân văn.

Thu Hiền (ghi)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button