Cảm nhận sách

Thay đổi đời người: Thay đổi những thói quen xấu xí của người Việt

Nữ nhà văn Kiều Bích Hậu thẳng thắn bày tỏ quan điểm cũng như góc nhìn của mình về những mặt tiêu cực, xấu xí đang diễn ra đầy rẫy trong đời sống đương đại.

Sau các tập truyện ngắn: Đường yêu, Sóng mồ côi, Mây vàng, Theo dấu loa kèn, Dị mộng và tiểu thuyết: Xuyến chi xanh; mới đây, nhà văn Kiều Bích Hậu vừa có cuộc thể nghiệm với thể loại tản văn bằng cuốn sách Thay đổi đời người.

Không lãng mạn, đong đầy cảm xúc như vẫn thường thấy ở thể loại tản văn hay ở các cây bút nữ, 37 bài tản văn với dung lượng khoảng 1.000 chữ mỗi bài của Kiều Bích Hậu mang tính phản biện mạnh mẽ. Đó như là kết quả của quá trình sống và chiêm nghiệm về cuộc sống hiện tại của chị.

Ở Thay đổi đời người, bằng thể loại tản văn, Kiều Bích Hậu đã nói một cách trực diện về những điều mắt thấy tai nghe, về cả những điều xấu xí của người Việt trong xã hội đương đại.

So với nhiều nước, người Việt hoàn toàn không “kém cạnh”. Người Việt ở nước ngoài, không hiếm người tài ba thành danh như nhà toán học Ngô Bảo Châu, chính trị gia Philipp Rosler, vua đầu bếp Christina Hà, GS Đàm Thanh Sơn, ca sỹ Alice Cecilia Linh Svensson… “Nhưng nếu để được coi là có tầm ảnh hưởng lớn, góp phần trong nhóm người tinh tú chủ chốt đang xoay chuyển thế giới và được cả thế giới công nhận là số 1 trong lãnh vực mình hoạt động thì chưa một ai” – Kiều Bích Hậu khẳng định.

Vì sao người Việt khó vươn tới đỉnh cao nhất của nhân loại? Theo nhà văn Kiều Bích Hậu, lý do không gì khác ngoài gen “nông dân”. Chính cái gen này nó giằng kéo, giam giữ người Việt trong một “lũy tre làng” rậm rịt và bảo thủ, đồng thời nó cũng chia rẽ và phân tán năng lực của người Việt. Kiều Bích Hậu cũng đồng thời lý giải về hiện tượng “bản chất nông dân trỗi dậy”: “Có thể mạn phép lý giải, rằng do người Việt được ưu đãi quá nhiều từ thiên nhiên nên giống một đứa trẻ con nhà giàu, nó ỉ lại, ăn sẵn và không muốn suy nghĩ vươn lên nữa. Nó thờ ơ với những thứ có sẵn đầy ra đấy, chẳng phải khó khăn phấn đấu gian khổ mới giành được, nó đơn giản chỉ với tay lấy được. Nó sẽ ăn và nó sẽ phá”. (Bản chất nông dân trỗi dậy).

Những thót tật của con người cũng được chị bóc tách “trắng phớ”. Trong “Năm điểm yếu khó bỏ” khiến người Việt kinh doanh không giỏi, Kiều Bích Hậu đã thẳng thắn chỉ ra: 1) ham vui và không toan tính trong chi tiêu; 2) sĩ diện; 3) cả nể; 4) xuê xoa và không trọng chữ tín; 5) dễ thoái chí, chóng chán.

Bên cạnh đó, nhiều thói tật cũng được chị “kê khai” như thói sính ngoại, xài chùa, quyền được sai hay sự không thuận của lòng người. Thực tế từ các cuộc chiến đấu chống ngoại xâm, người Việt vẫn được ca ngợi ở tinh thần đoàn kết, đồng lòng. Tuy nhiên, thực tế đã khác xưa: “Khi nêu vấn đề hoặc khởi động một công việc, chúng mình có thể rất dễ đồng ý với nhau về mặt nguyên tắc, và đồng lòng bắt tay nhau rất chặt, cùng vỗ tay rất to, nhưng khi đến khâu thực thi lại cực kỳ kém về giải pháp và không làm thế nào kết thúc công việc hay dự án cho tốt đẹp. Hoặc đến thời điểm công việc chuẩn bị kết thúc, tới khâu “cam pu chia” lợi nhuận thì lại tan vỡ. Lòng người không thuận đã làm hỏng rất nhiều dự định, dự án tốt đẹp ban đầu”. (Nghịch lý lòng người).

Chị cũng chỉ ra “bản năng” che giấu sự thật xấu xí và thể hiện ra một vỏ bọc xinh xắn, để tìm đến sự an toàn. “Sự an toàn” ấy dẫn đến nguy cơ: “Đó là khi sự giả dối vờ vĩnh ăn sâu vào ta, khiến ta quen với nó, thỏa hiệp chung với nó, nó sẽ dụ dỗ ta trở thành một kẻ ăn cắp. Và chúng ta sẽ đi đến đâu nếu cả dân tộc vì sự “an toàn” ấy mà tha hóa thành những kẻ có bản chất ăn cắp? Ăn cắp tiền bạc, ăn cắp thời gian, ăn cắp quyền lực, ăn cắp tình cảm, ăn cắp niềm tin…” (Tại sao nhà văn Việt Nam chưa đoạt giải Nobel?).

Cuốn sách không dày, nhưng lại bàn đến nhiều vấn đề trên diện rộng. Kiều Bích Hậu chỉ ra những “thói hư tật xấu” của người Việt, không nhằm để “hạ bệ” người Việt, mà trên hết, chị mong muốn để thay đổi những thói quen xấu xí, những suy nghĩ xấu xí để hướng đến một tư duy tân tiến và tích cực. ““Non sông dễ đổi, bản tính khó dời” – câu tổng kết này không phải là chân lý muôn đời. Cái chính là mỗi chúng mình cần tu tỉnh hàng ngày, thậm chí hàng giờ”.

Nhà văn Kiều Bích Hậu sinh năm 1972, trưởng thành từ cuộc thi “Tác phẩm tuổi xanh” do báo Tiền phong tổ chức năm 1992. Chị cũng từng đạt giải Nhì truyện ngắn “Đợi đò” cuộc thi Truyện ngắn báo Văn nghệ 2006-2007; giải Khuyến khích truyện ngắn “Mùa sen”, “Nốt cuối của bản nhạc Jazz” cuộc thi Truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội 2008-2009. Hiện chị đang là Thư ký tòa soạn Tạp chí Dệt May – Thời trang Việt Nam.

Huy Sơn

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Năm 31, 2017 | Lần cập nhật cuối: Tháng Hai 2, 2018

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button