Cảm nhận sách

‘Thích gì làm nấy’: Dễ hay khó?

Ra đời vào năm 2003, Thích gì làm nấy của nhà văn đương đại nổi tiếng Ryu Murakami đã tạo nên một tiếng vang rất lớn và trở thành hiện tượng xuất bản của Nhật Bản khi tính đến năm 2012, lượng tiêu thụ của cuốn sách này đã đạt con số 1,3 triệu bản.

Đồng thời, việc ra đời của cuốn sách này cũng tạo nên một nguồn cảm hứng rất lớn trong vấn đề lựa chọn công việc và học tập của học sinh Nhật Bản lúc bấy giờ. Với ý nghĩa đó, tác phẩm đã được biên dịch và xuất bản tại Việt Nam vào đầu năm 2017.

Khác với những cuốn sách hướng nghiệp thường thấy, ở Thích gì làm nấy, Ryu Murakami đã phác họa 400 nghề nghiệp trong nhiều lĩnh vực dựa trên những sở thích cá nhân của từng con người kèm theo những hình vẽ minh họa mang đầy tính ngẫu hứng. Điều này đã tạo nên sự nhẹ nhàng và sinh động cho bản thân cuốn sách này.

Tại buổi giao lưu ra mắt tác phẩm, bên cạnh việc nêu lên những cảm nhận, suy nghĩ của bản thân về cuốn sách này, hai khách mời là nhà báo Lê Hồng Lâm và blogger Đinh Hằng còn chia sẻ những câu chuyện, những trải nghiệm của cá nhân họ về nghề nghiệp, sở thích cũng như những khúc ngoặt trong quá trình định vị bản thân bằng chính những đam mê của mình.

Việc định vị bản thân cũng như vươn tới những đam mê, sống với đam mê là một hành trình dài mà để có thể bước đi một cách vững vàng trên con đường đó, mỗi người buộc phải nỗ lực, cố gắng không ngừng để gặt hái thành công cũng như đương đầu với những thử thách, những khó khăn đặt ra trước mắt.

Buổi giao lưu ra mắt sách Thích gì làm nấy tại TP.HCM.

Thông qua những chia sẻ đầy tính chân thật, các khách mời giao lưu cũng mong muốn các bạn trẻ hãy đi tìm câu trả lời rằng mình thực sự thích gì và mong muốn điều gì nhất cho bản thân để từ đó có thể xác định một hướng đi rõ ràng cho cuộc sống, tránh rơi vào những điều đáng tiếc như chọn sai hướng đi, làm những công việc mà mình không hề yêu thích hoặc không đúng với chuyên môn của mình.

Còn đối với những người còn chưa biết mình thích gì và mong muốn điều gì cho bản thân, lời khuyên dành cho họ là hãy tiếp tục tìm kiếm, suy xét bằng chính sự chú tâm trong suốt quá trình học tập, làm việc và giao tiếp trong cuộc sống hằng ngày. Suy nghĩ về những ưu điểm, khuyết điểm của mình để từ đó có thể tìm ra được một hướng đi tốt nhất, một công việc thực sự yêu thích để mang lại hạnh phúc cho bản thân.

Bởi vì “làm công việc mình yêu và yêu công việc của mình, thì đó chính là công việc mà ta không cần phải làm việc bất kỳ ngày nào.”

Cường Nguyễn

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Tư 3, 2017 | Lần cập nhật cuối: Tháng Hai 2, 2018

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button