Cảm nhận sách

‘Tiếng nói’ và cuộc tìm lại bản thân trong lưu đày của Linda Lê

Thoạt tiên, tôi muốn đọc thật nhanh “Tiếng nói” nhưng chần chừ vì tác giả là Linda Lê. Lướt qua một lần rồi gấp lại, để quên cho lần đọc thứ hai, vào hôm nay…

Nửa tiếng trong hương hoa sữa lâng lâng ngoài cửa sổ, đốt thuốc và để từng điếu đổ xác trong gạt tàn, cuốn tiểu thuyết được gấp lại lần thứ ba, và chấm dứt.

Tiếng nói (tựa gốc là Voix) dễ đọc hơn so với hai tiểu thuyết trước đấy là Vu khống và Thư chết. Nối dài sự truy vấn lương tâm về vấn đề xa xứ, những kinh hoàng và mất mát đến từ chiến tranh, liên quan đến người cha.

“Tôi ngồi trên chiếc ghế băng của một hành lang dài có đèn ống rọi sáng. Tôi không biết mình đang ở đâu…” dòng mở đầu của tiểu thuyết, thứ hiện thực không xác định luôn là không gian chính của mọi truyện ngắn/tiểu thuyết của Linda Lê. Rất khó để dàn ra một cốt truyện, một tứ chương hoàn chỉnh có thể kể, văn phong của người đàn bà Pháp gốc Việt này như những trận sóng của bóng tối, khi ngôn ngữ, cảm xúc, những hình ảnh dày đặc tư tưởng lồng thành một vòng hoa đầy gai nhọn.

Nối tiếp Thư chết, Tiếng nói hướng đến người cha, lần này Linda Lê đã cho phép ông trở về từ địa ngục, “trong tấm áo choàng bằng lửa”, tiểu thuyết là một cuộc trốn chạy không tại đâu không chốn nào, hết thảy diễn ra trong dòng suy nghĩ kéo dài từ quá khứ đến ác mộng. Tác phẩm chia nhỏ từng đoạn, dài ngắn khác nhau, và đấy đều là những âm thanh đầy hình ảnh của cái chết, của sự hành hình.

Các tiếng nói rối loạn, Tổ Chức truy đuổi, bắt nhân vật xóa đi quá khứ, “Xử tử, xử tử…” còn nhân vật tự truy vấn, kết án mình đã đốt đi những lá thứ viết cho người cha, điều khiến người cha chết thêm một lần (Virina Woolf từng viết: “Con người có hai đời sống, trong cuộc đời mình khi còn sống và trong cuộc đời người khác, khi đã lìa đời”) và không ngừng hiện đi hiện lại suốt tiểu thuyết “Mày đã giết cha.”

Trong cuộc trốn chạy khỏi Tổ Chức với những con chó săn khạc ra lửa, người con đi cũng là về sát hơn với ký ức với người cha. “…Tôi tìm ngôi nhà có những tấm cửa màu xanh. Chỉ còn một đống tro…Tôi đút tay vào, khuấy đống tro, một tiếng nói thoát lên từ đó, Mày đã giết cha.”

Trong cuộc săn đuổi, người cha như một chốn nương thân. Sự trở về của người cha cũng đem đến một cuộc chạy trốn khác, trong ký ức với nhiều dày vò. Tổ chức tuyên án xóa sổ lý lịch nhân vật, còn người cha tuyên một bản án với người con. “Cha xuất hiện bên giường, trong tấm áo choàng bằng lửa. Sao con không cứu cha.”

Nhà văn Linda Lê.

Linda Lê có bút pháp điên, cơn điên không đến từ phẫn nộ, thù hằn với lịch sử đã chia rẽ người với người. Nếu Trần Vũ viết văn như sự tường minh quá khứ, triết lý bằng một cái búa (Nietzche) hòng phá bỏ mọi hào quang mọi biểu tượng thì Linda Lê viết văn như một hình thức tìm lại lai lịch bản thân, trong “… sự lưu đày bản thân” (đề từ tiểu thuyết Vu khống).

Cơn điên của mất mát đầy đau khổ, đầy tuyệt vọng nhưng luôn chớm nở những le lói bình minh. Khác hai tiểu thuyết trước, cơn điên trong Tiếng nói dịu dàng, dễ thở hơn và cũng rối loạn hơn. Những âm vang được lồng ghép, hòng chi phối tiếng nói cá nhân không để lặp lại một quá trình mà để phá vỡ, biến sự thật của nỗi đau thành hư vô.

Một tiểu thuyết gọn gàng, mỏng, lượng chữ thưa trong một tiêu chuẩn về truyện dài nhưng chứa đựng một sức nặng, một quyền năng đầy phù thủy. Chủ đề vong thân chưa bao giờ là mới và chẳng cũ khi chúng được trút xuống giấy, với đầy chân thành, đầy móc sắc tua tủa như ngòi bút của Linda Lê, người tôi luôn chờ đợi cho đến khi có một sự chấm dứt đầy huy hoàng.

Tru Sa

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Mười Hai 26, 2017 | Lần cập nhật cuối: Tháng Hai 2, 2018

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button