Cảm nhận sách

Tìm về ký ức tuổi thơ với “Mùa trôi trên quang gánh”

Ký ức tuổi thơ luôn in đậm trong tâm trí, trở thành tài sản quý báu cho tất cả mọi người mỗi lần nhớ về…

Có lần đọc ở đâu đó, một nhà văn đã từng cho rằng: “Ký ức tuổi thơ là mảnh đất màu mỡ cho những sáng tác văn học”. Với Mùa trôi trên quang gánh của tác giả Hương Thị, tôi càng thêm tin điều đó. Tin vì 23 bài tản văn trong tập, đa phần được viết bởi những ký ức, những hoài niệm của những ngày xa xưa. Và bởi vậy, đọc xong cuốn sách này, người đọc không khỏi xao lòng như vừa được lên một chuyến tàu để trở về với tuổi nhỏ.

Ký ức tuổi thơ trong Mùa trôi trên quang gánh (Phương Nam và NXB Hội Nhà văn ấn hành) có gì? Đó là cái rét nàng Bân mà cùng với tiếng thở dài đầy não nề của mẹ đã in sâu vào tâm khảm: “Thế là rét nàng Bân đã về. Sớm hơn thì đã chả hỏng mùa hoa xoài, hoa vải”. Đó là những que kem “cứng toàn nước đá, mút mãi mới tan, thi thoảng còn có cả cục bột lổn nhổn vị khoai hà, vị sắn” mà nhớ mãi. Hay là món xôi sắn đầu đông đầy thơm thảo trong tình thương của mẹ…

Trong dòng hoài niệm về tuổi thơ của Mùa trôi trên quang gánh, nếu đọc kỹ người đọc dễ dàng nhận ra Hương Thị dành khá nhiều những trang viết về những món ăn mà bây giờ có nhiều tiền đến mấy cũng khó mà mua được. Có thể kể tới bánh khoai khô (Thương quá bánh khoai khô), bánh đa (Bánh đa quê trong cái lạnh đầu mùa), xôi sắn (Xôi sắn đầu đông), bún hến (Mùa đông bún hến)…

Dù không gọi tên ra để làm tiêu đề cho một bài viết nào đó, thì những món ăn của ngày xưa vẫn cứ thấp thoáng trong những bài viết của Hương Thị. Là chả nướng, nem rán, chân giò, mọc… mà mỗi năm chỉ được ăn một lần vào dịp Tết. Là những thức cây thức quả trong vườn: cây chua me đất, cây thòm bỏm, cây canh châu, cây nho dại, táo, mít…

Mỗi món ăn được Hương Thị “bày biện” trong cuốn sách của mình, dù không phải là cao lương mĩ vị thì vẫn là một thứ gì đó từng khiến người ta phải thòm thèm. Viết nhiều về các món ăn có lẽ một phần vì tác giả sinh vào những năm tháng bao cấp, chịu cảnh thiếu ăn thiếu mặc nên vốn dĩ những gì thiếu thốn càng khiến người ta khó lòng mà quên được.

Mùa về trên những đôi quang gánh, rồi cũng theo đó trôi đi.

Ký ức tuổi thơ trong Mùa trôi trên quang gánh còn là những trưa mùa hè với nhiều trò chơi vui nhộn, là những trái sim mềm và ngọt lịm, là chiếc áo mới được mua vào dịp Tết từ sự chắt chiu những đồng tiền mừng tuổi… Tất cả hiện lên trên những trang văn của Hương Thị, khiến người đọc vừa tủi nhưng cũng vừa thương.

Mùa trôi trên quang gánh được viết bởi một xúc cảm sâu đậm và nồng nàn cùng khả năng quan sát tinh tế. 23 tản văn giống như 23 mảnh ký ức, đồng thời cũng là những mạch nước ngầm trong vắt len lỏi trong tâm trí mỗi người. Những câu chuyện của Hương Thị giản dị nhưng lại đầy sức nắm níu với tất cả mọi người đã xa chuyến tàu trở về tuổi thơ. Xa, nhưng ký ức vẫn còn đó. Đó là sợi dây nối hiện tại và quá khứ, làm giàu lên trong tâm hồn của mỗi người.

Huy Sơn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button