Cảm nhận sách

Từng nổi loạn nhưng “Đừng tháo xuống nụ cười”

Có thể nói, cuốn sách là thước phim tua chậm của những tháng ngày sinh viên, đầy hoài bão nhưng cũng lắm chênh vênh.

Khải Đơn có lẽ là cây bút khá được yêu thích bởi những bài viết rất thật, rất trăn trở và gần gũi với những người trẻ tuổi. Quả thực, có từng đi qua quãng thời gian đầy “nổi loạn” như Khải Đơn mới thấm, mới hiểu được những suy nghĩ, nhức nhối và nỗi cô đơn quay quắt của người trẻ.

“Đừng tháo xuống nụ cười” chỉ là những bài tản văn ngắn, như những thước phim quay chậm lại cuộc đời sinh viên của Khải Đơn, cùng với đó là cảm xúc, nghĩ suy của chị khi nhìn lại quãng thời gian đó. Vừa bước ra khỏi ngôi nhà, tổ ấm đã cưu mang mình hơn 18 năm, ai cũng bất chợt cảm thấy chông chênh. Khải Đơn cũng vậy, chị ám ảnh ánh mắt của mẹ những buổi chiều tiễn chị lên Sài Gòn học. Nhưng chị cũng bơ vơ với những hoài bão của chính mình, với sự tức giận vô cớ, với những nỗi cô đơn không phải ai cũng hiểu mà cũng không dễ để nói ra…

Tuổi 20 đấy là những khi chúng ta mất phương hướng trong cuộc sống. Từng có thời gian chẳng muốn làm gì, chẳng muốn học, ước mơ tắc nghẽn, con đường phía trước mờ mịt. Là lúc chúng ta hi vọng vào những chuyến đi, hi vọng rằng sau đó sẽ gặt hái hay mang về một điều gì đó lạ lẫm. Hay ít nhất cũng khiến tâm hồn được thạnh lọc, những lo âu được gột rửa sạch sẽ.

Nhưng có lúc, mọi sự chẳng như ta muốn. Càng đi, càng trải nghiệm càng cảm thấy mình cô đơn, lẻ loi đến lạ. Những buổi học chỉ biết nằm và ngủ, tên thầy cô cũng không mấy ấn tượng, là những lúc kề cà lê la bên quán nhậu, kết bạn hay trò chuyện…

Khải Đơn trải qua tuổi 20 đầy nổi loạn như thế. Nhưng rồi chính chị tự nhận ra rằng, chỉ có bản thân chứ không ai khác mới giúp mình vượt qua được “bão tố” trong lòng, mới vượt qua được những chênh vênh. Bởi nhờ có những cảm xúc bất định đó, con người mới thực sự trưởng thành. Đó cũng coi như một kỳ thi sát hạch buộc mỗi người phải trải qua.

Chị nổi loạn rồi, chị đi và quay về. Chị quyết định học xong và lấy bằng. Cuộc sống và những chuyến đi đó giúp chị nhận ra nhiều thứ mà nhất là biết cách yêu thương, biết cách cảm thông và bỏ qua những giận dữ vô cớ trước kia.

Tác giả Khải Đơn

Ai rồi cũng bước qua những đầy đủ hương vị cảm xúc tuổi 20, cái tuổi mà người ta chưa hẳn là người lớn nhưng cũng chập chững đánh dấu bước trưởng thành của mình. Có lẽ, đây là giai đoạn mà người ta “lớn” nhanh nhất, bởi liên tục hi vọng, thất vọng, liên tục xoay vòng với cảm xúc bản thân và cuộc đời.

Như một người đi trước, “Đừng tháo xuống nụ cười” là cuốn sách để tâm tình, như một thước phim cho bạn xem trước về lứa tuổi mà mình sắp trải qua, hay cho những ai muốn nhìn lại một thời tuổi trẻ đầy sôi nổi, hào hứng, mơ mộng và đôi lúc cũng lắm dại khờ. Mà nhất là, dù có chuyện gì đi chăng nữa hãy vẫn tin vào sự tốt bụng của cuộc sống náy và “Đừng tháo xuống nụ cười” của chính mình.

“Ở tuổi hai mươi, người ta chẳng có gì, ngoài một đôi chân rất khỏe mạnh và một trái tim ít sợ điều gì chưa đến. Đó là những ngày tháng tốt nhất để đi và học về thế giới.” – Khải Đơn

Đừng tháo xuống nụ cười – những câu chuyện dành cho người trẻ, và đã từng trẻ. Không ai sống trên đời này mà không trải qua những nỗi buồn. Với tuổi trẻ, nỗi buồn càng là một điều tất yếu, khi người ta không còn nhìn cuộc đời bằng tâm hồn ngây thơ của trẻ nhỏ nhưng cũng chưa đủ trầm tĩnh đến bình thản trước mọi thứ như tuổi xế chiều. Nhưng sau tất cả những buồn đau và hụt hẫng ấy, tuổi trẻ vẫn là tuổi đẹp nhất của đời người, cái tuổi mà người ta dám sống và dám yêu hết mình.

Mỗi câu chuyện trong Đừng tháo xuống nụ cười là một lát cắt của cuộc sống gửi tặng người trẻ. Hơn 50 bài viết được sắp xếp theo bốn chủ đề: Tuổi trẻ lộng lẫy, Người đi lạc, Không thể yêu mãi mãi, Con đường trước mắt… Ở đó, người đọc sẽ tìm thấy những câu chuyện, chiêm nghiệm về người trẻ, mơ ước, tự do, tình yêu, những hành trình, những hạnh phúc khó lý giải và cả những nỗi đau khó gọi tên. Ở đó, người đọc sẽ tìm thấy hình bóng của gia đình mình, của bạn bè, người yêu, những mối quan hệ đặc biệt, những góc nhìn vừa lạ vừa quen về giảng đường, về thành phố, về một xã hội còn nhiều điều ngổn ngang. Và cũng ở đó, người đọc sẽ chạm tới những cô đơn, hoang mang, hổ thẹn, khát khao, day dứt và ảo vọng của một thời tuổi trẻ chính mình.

“Năm hai mươi tuổi, tôi đứng ngoài hiên một quán café, đứng như vậy mãi, để nhìn một anh chàng vừa từ trong tiệm bước ra. Tôi chưa bao giờ chạy xuống để nhìn rõ anh và hỏi: “Bạn muốn thêm một ly café không? Tớ mời”. Tôi sẽ quên người ấy, nhanh thôi, dù hôm ấy anh mặc chiếc áo sơ mi trắng đến nhức mắt và tôi đã mất thì giờ nghĩ một lúc lâu vì sao Thượng đế lại có thể ban phát một chiếc áo trắng như vậy cho một anh chàng bình thường như thế. Nhưng tôi hao phí thời giờ cho sự suy luận, không để ý anh đã đi mất – không bao giờ trở lại. Chúng ta sẽ có hàng ngàn khoảnh khắc như vậy trong suốt cuộc đời mình: Những khoảnh khắc bỏ lỡ, dang dở vô cùng tận.”

Văn của Khải Đơn không khó đọc, nhưng sẽ có những đoạn viết hay câu chuyện mà bạn sẽ cần một khoảng thời gian kha khá để ngẫm ngợi được cho hết. Cũng giống như muôn vàn những thứ nhỏ bé trong cuộc sống này, có những điều tưởng như giản đơn nhưng lại ẩn chứa sau đó rất nhiều suy tư và triết lý.

“Người lớn thường lo nghĩ khôn nguôi, nhất là khi bạn cao mét rưỡi, mang giày thể thao màu đỏ, mê áo thun màu vàng cốm và muốn trở thành nhạc sĩ hát rong. Mẹ tôi nói: “Con hãy mặc đồ màu xám hay màu đen, như thế con sẽ giống người xung quanh, sẽ không có gì nguy hiểm xảy ra!” – Ai mà quan tâm chứ! Tôi sẽ chu du khắp thiên hạ với sự sặc sỡ độc nhất này. Thật là tuyệt!”

Đúng vậy, ai mà quan tâm chứ. Nếu buồn đau, cô đơn hay lạc lõng đã là điều tất yếu thì hãy coi đó là món quà mà tạo hóa đã dành tặng cho con người, không phải để dìm con người xuống tuyệt vọng và bế tắc, mà để người ta biết trân trọng hạnh phúc, biết mạnh mẽ hơn và cùng nhau gieo thêm những mầm vui mới. Bởi thế, dù chuyện gì xảy ra, ai cũng có quyền giữ trên môi mình một nụ cười.

Tiểu Chung

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Sáu 1, 2017 | Lần cập nhật cuối: Tháng Hai 6, 2018

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button