Cảm nhận sách

Và chuông vẫn reo trong gió

Từng được biết đến là một trong những tiếng thơ uy tín thời hậu chiến ở Việt Nam, sau nhiều năm miệt mài sáng tác, nhà thơ Ý Nhi đã dừng lại sự nghiệp thơ ca của mình từ năm 2005 để chuyên tâm vào sáng tác văn xuôi.

Vẫn được quen gọi là “Người đàn bà ngồi đan” – theo tên tập thơ nổi tiếng của bà, nhà thơ Ý Nhi khiến bạn đọc bất ngờ khi chuyển sang lĩnh vực văn xuôi. Cũng như thơ, truyện ngắn của Ý Nhi cũng mang một phong cách đặc biệt không hề bị trộn lẫn với bất cứ nhà văn nào khác. Bạn đọc có thể kiểm chứng điều đó qua tập truyện Có gió chuông sẽ reo – tập hợp những tác phẩm văn xuôi đặc sắc nhất của bà.

Một tập truyện mà mỗi câu chuyện đều thấp thoáng lẽ vô thường. Một tập truyện mà bất cứ ai đọc nó đều thấm thía một sự mất mát, một chút hoài niệm tiếc nuối về thời gian cùng với những điều đã đến và sẽ đi… Nhưng điều đặc biệt là đi đến cuối cùng, thì tự thân cốt truyện hoặc chính nhân vật đều có một niềm vui, hướng tới một ánh sáng hi vọng le lói nào đó. Chi tiết khơi gợi ấy rất mong manh, ngỡ như làn gió thoảng qua nhẹ thôi nhưng lại đóng vai trò như là chiếc neo khơi gợi lên tinh thần lạc quan trong độc giả.

Như truyện ngắn Có gió chuông sẽ reo được làm tên cho cả tập, chỉ vỏn vẹn chưa đầy 10 trang, kể về một tình yêu sâu đậm suốt một thời tuổi trẻ của Liêm với Mai – người con gái mà bây giờ anh đã coi là bạn, anh đi bên hạnh phúc của gia đình cô. Rồi cũng chính cô nhờ người nữ đồng nghiệp của mình nhân chuyến đi công tác mang trao tận tay cho anh một chiếc chuông gió với lời nhắn gửi trên giấy “Em gửi quà đến anh Cô đồng nghiệp đáng quý của em rất tuyệt diệu Có gió chuông sẽ reo Mai”. Rất nhẹ nhàng như thế, đã có một tiếng chuông yêu thương vang lên trong lòng Liêm sau bao nhiêu năm ngỡ rằng đã già.

Hay như truyện ngắn Trở lại N kể về cuộc hành trình của Thùy quay trở về vùng đất “như một vết chàm trong tâm trí cô” – vùng đất ấy gắn liền với kỉ niệm một tình yêu đã đi qua đời cô. Sau chuyến đi đó, cô quay trở về với thực tại, để nhẹ nhõm và an yên hơn giữa cuộc đời… Còn có bao nhiêu cuộc gặp gỡ, bao nhiêu những lạc nhịp trong cuộc sống nữa trong Tàu đến G, Xiêm Riệp, hay Gặp gỡ giữa đường được Ý Nhi viết lên bằng sự bình an và ánh mắt vị tha với cuộc đời.

Sau Người đàn bà ngồi đan, Ý Nhi đã chuyển những quan sát về cuộc sống của mình không chỉ qua thơ mà qua cả văn xuôi. Một tư duy thơ vận dụng vào văn xuôi (đặc biệt lại lựa chọn thể loại truyện ngắn) sẽ có những đặc sắc và hạn chế nhất định. Đặc sắc ở điểm những ý thơ trong ngòi bút của Ý Nhi cứ tự nhiên vận vào câu chuyện, tự nhiên đến mức nhiều khi người đọc có cảm giác đang đọc thơ dưới hình thức văn xuôi vậy!

Nói như nhà văn Hồ Anh Thái: “Văn xuôi Ý Nhi thì thực là văn xuôi khi nó vượt thoát thơ về hình thức. Nhưng còn đó cái trầm tĩnh đặc trưng, cái bình thản tính cách, cái kiềm chế cảm xúc để không quá đà lạm dụng”. Tuy nhiên, đọc đến kĩ càng tập truyện cũng có thể nhận ra rằng: trong một số truyện ngắn của Ý Nhi, có đôi phần chi tiết có hơi lan man, bởi nó logic theo ý chứ không phải theo lời – trong khi súc tích lại là điều mà truyện ngắn đòi hỏi cao ở người cầm bút. Tuy không thật ấn tượng về mặt kỹ thuật, nhưng truyện ngắn Ý Nhi vẫn ghi dấu trong lòng bạn đọc bởi một triết lí thiền sâu đậm.

Tất cả những truyện ngắn của Ý Nhi đều dùng ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai. Nhân vật không đứng ngoài kể câu chuyện về người khác mà thường kể câu chuyện của chính mình. Cũng không phải là những câu chuyện lớn lao, những biến cố vĩ đại, chỉ giản dị như là chuyển một bức thư, một món quà, gặp một người và nói dăm ba câu chuyện… Nhân vật đi sâu vào nội tâm của mình, khám phá chính mình. Họ luôn day dứt với câu hỏi: “Tôi là ai?”, “Tôi muốn gì”, “Tôi phải làm gì” chứ không phải là câu hỏi về tiền tài hay danh vọng. Lối kể chuyện của Ý Nhi không phổ biến trong các tác phẩm đương đại nên có một sức hút kín đáo từ sự khác biệt.

Tác giả rất có tài trong việc sử dụng thời gian để giúp nhân vật thể hiện hết mình. Truyện ngắn nào cũng có một khoảng thời gian “quyết định” – khoảng thời gian mà mọi chuyện như ngưng lại chỉ trong giây phút ấy mà thôi.

Trong Năm cuộc điện thoại, mọi biến cố, mọi mối quan hệ của nhân vật được tái hiện, nhưng khoảng lặng chính là giây phút sau những cuộc điện thoại ấy, nhân vật có cơ hội ngồi lại và ngẫm nghĩ về chính mình. Khoảng thời gian trong Đợi tàu ngược thì như in lại trong đầu bạn đọc ở cái khoảng “đợi” đọng lại cả một sự vô thường của cuộc sống.

Đọc Có gió chuông sẽ reo, bạn đọc ưa sự nhanh gọn hay các tình tiết li kì sẽ không đi được đến tận cùng cốt truyện nhưng ai đã từng một lần cảm nhận được lẽ thiên biến vạn hóa của cuộc đời sẽ tìm thấy nhưng nét thú vị trong mỗi câu chuyện kể của Ý Nhi, với những thông điệp nhẹ nhàng mà day dứt khôn nguôi về cuộc sống.

Nguyễn Ngân

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Sáu 8, 2017 | Lần cập nhật cuối: Tháng Hai 2, 2018

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button