Kinh Doanh

Những thương hiệu Sài Gòn vạn người mê: Đông khách nhưng quyết không nhân rộng vì lo… mất khách

Cafe Vy, cafe vợt, cháo lòng Cô Út, nhà may BEN rất đông khách nhưng doanh chủ đều không muốn mở rộng cơ sở vì lo mất khách.

Ai đã đến quán cà phê vợt ở đường Phan Đình Phùng thì đều ấn tượng với hình ảnh ông bà chủ ngoài 70 tuổi lúc nào cũng tất bật bên chiếc “nồi” cà phê nghi ngút khói. Khách quán này rất đông. Họ tự tìm chỗ ngồi, tự xếp ghế ngồi dọc hẻm. Với nhiều người, cafe vỉa hè là nét văn hóa của chốn Sài thành xưa. Có thể uống cà phê vợt ở vỉa hè là cách nhiều người Sài Gòn muốn giữ lại nét cổ xưa của miền đất này trong cuộc sống mới xô bồ & hiện đại.

Chúng tôi thử hình dung, nếu sở hữu mô hình kinh doanh thành công này, là những người kinh doanh trẻ tuổi, gần như rất dễ để họ thảo ra một bản kế hoạch nhân đôi, nhân ba, và nhân lên rất nhiều trên các tuyến phố. Tìm địa điểm đẹp, thuê quản lý và nhân viên cửa hàng, truyền bí kíp pha chế và a lê hấp, bạn có một chuỗi “Cà phê vợt” mang thương hiệu riêng mình.

Tất nhiên, đó chỉ là suy nghĩ kiểu chúng tôi, những người chứng kiến quá nhiều mô hình chuỗi cà phê đang nở rộ ở mảnh đất này. Còn thực tế, khi đem thắc mắc đến hỏi ông Côn, bà Tuyết, những người chủ thực sự của cà phê vợt, “khách đông như vậy, cô chú có tính đến chuyện mở rộng cơ sở hay không?”. Câu trả lời là không. Lý do thì nhiều, nhưng tựu trung lại là họ sợ.

“Mở rộng ra sợ là không đảm bảo được chất lượng đồ uống được đâu. Vậy thì mất khách. Chúng tôi muốn chính tay làm ra sản phẩm để giữ được hương vị của thứ nước đen sánh đã đồng hành cùng gia đình mình trong hơn 80 năm qua”, ông bà Côn – Tuyết trả lời. Phải rồi, tôi đồ rằng, có lẽ chính nỗi sợ về việc giảm sút chất lượng sẽ làm mất khách, nên quán cà phê nhỏ bé này mới giữ chân được khách Sài Gòn gần 1 thế kỷ như vậy chứ.

Quán vợt ở đường Phan Đình Phùng, TP HCM.
Quán vợt ở đường Phan Đình Phùng, TP HCM.

Hiện một trong 3 người con của ông Côn bà Tuyết đang nối nghiệp cha mẹ, tham gia bán hàng ca đêm. Những người con khác có công việc riêng và chỉ phụ khi có thời gian rảnh.

Rời cà phê vợt, chúng tôi tìm đến cà phê Vy. Đây là một quán cà phê vỉa hè nhưng giá không hề “vỉa hè”, tương đương với các chuỗi lớn như Highlands Coffee hay Phúc Long. Chỉ với vài chiếc ghế và bàn nhỏ xíu ở một địa điểm tốt, đồ uống chấp nhận được, thế là khách đến Vy nườm nượp.

Mang câu hỏi tương tự như cà phê vợt đem đến hỏi chủ quán của Vy: “Chị có định mở rộng để tận dụng lượng khách đến với Vy không?”. Chị Huyền, chủ thương hiệu Vy, cho biết, chị không có ý định mở thêm. Hiện Vy có 3 điểm bán ở TP HCM nhưng chi nhánh ở Lê Thánh Tôn là đông nhất.

Chia tay 2 quán cà phê, chúng tôi tìm đến một quán ăn ở quận 1. Quán cháo lòng Cô Út – nơi chúng tôi tiếp cận, đang đông nghịt khách vì đang là buổi sáng – giờ đông khách nhất. Quán mở cửa từ 6h sáng đến 2 giờ chiều. Theo lời kể của cô Út, chủ quán, 4 đời gia đình cô đã gắn bó với quán cháo lòng này. Hiện cô là người quản lý chính và có 5 nhân công phụ giúp.

“Tôi không muốn mở rộng đâu. Không đảm bảo chất lượng là mất khách liền”, cô Út trả lời thắc mắc mà chúng tôi mang đến trong lúc khách vẫn tấp nập vào ra.

Nhà may Ben ở đường Lê Văn Sỹ là một thương hiệu có tiếng ở Sài Gòn suốt 30 năm qua. Nhà may này chuyên may complet, áo công sở, được nhiều khách hàng yêu mến.

Tiệm may BEN ở đường Lê Văn Sỹ, quận 3.
Tiệm may BEN ở đường Lê Văn Sỹ, quận 3.

Cũng cùng chung quan điểm “không nhân rộng” của các ông bà chủ truyền thống nói trên, ông Hải, chủ của thương hiệu BEN cho biết: “Chúng tôi đến với khách hàng bằng chất lượng, người này truyền tai người kia để mọi người biết đến sản phẩm của mình. Ví dụ, bạn đi ăn phở thấy ngon và sẽ giới thiệu cho người khác đến đó. Ngon người ta đến ăn hoài.

Chúng tôi tâm niệm phải tạo ra sản phẩm chất lượng và tạo niềm tin cho khách hàng. Tôi thấy, nhiều trang quảng cáo người ta không đọc nữa. Mở TV người ta thấy quảng cáo là thấy chán rồi”.

Ông Hải bảo, những tiệm may trụ được ở Sài Gòn không phải đơn giản. Thời những năm 1990, con đường Lê Văn Sỹ toàn tiệm may, ít shop lắm. Shop chưa có đồ nhập từ Hongkong, Đài Loan, Mỹ… Thời gian sau, shop hoạt động nhiều và được giới trẻ ưa chuộng. Giờ nhiều sự lựa chọn. Khách may đồ còn lại hiện giờ đa số khó tính nên chất lượng rất quan trọng để giữ chân khách.

Trong phạm vi một bài viết, chúng tôi không thể đi hỏi tất cả các thương hiệu nổi tiếng ở Sài Gòn về chuyện mở rộng kinh doanh, mở thêm cơ sở. Tuy nhiên, có vẻ như lý do chung của những người kinh doanh nhỏ ở thành phố này khi từ chối mở rộng đều là muốn đảm bảo chất lượng và giữ chân khách hàng. Điều này liệu có hoàn toàn đúng?

Theo Trí Thức Trẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button