Kỹ năng

9 bước học tập hiệu quả

Dù là bậc học nào đi nữa thì học sinh, sinh viên nói chung cũng sẽ tự chia nhau ra làm 2 loại: “quái vật” và người bình thường. Quái vật tức là những học sinh thuộc dạng học giỏi, năng nổ, tham gia nhiều hoạt động và nổi tiếng trong trường. Còn người bình thường là số còn lại. Điều gì đã làm nên sự khác biệt của những sinh viên ưu tú khi mà mỗi ngày tất cả mọi người đều có 24h? Nếu loại trừ những yếu tố sự đam mê, trí thông minh… có lẽ một trong những lí do làm nên sự khác biệt chính là phương pháp học tập của họ.
Bài viết xin giới thiệu với các bạn 9 BƯỚC HỌC TẬP HIỆU QUẢ để tiết kiệm thời gian và đạt được hiệu suất tối đa.

BƯỚC 1: XÁC ĐỊCH MỤC TIÊU RÕ RÀNG
Hãy đưa ra cho mình 1 mục tiêu cụ thể. Ví dụ, bạn muốn điểm kết thúc học phần của mình bao nhiêu?

Việc đặt ra mục tiêu rất quan trọng vì nó quyết định phương pháp học tập của bạn và qua đó quyết định kết quả học tập cuối cùng. Việc bạn đặt mục tiêu đạt điểm tuyệt đối và đạt điểm trung bình chỉ để qua môn hoàn toàn khác nhau. Khi bạn đặt mục tiêu cao nhất, lúc đó não bộ của bạn nhận thức rằng không thể có một sai lầm nhỏ nào. Việc này làm bạn có khả năng học tập và ghi nhớ từng chi tiết trong môn học. Tuy nhiên, khi bạn đặt mục tiêu điểm số trung bình, lúc này não bộ biết rằng có thể mất phân nửa số điểm và tự cho phép có thể bỏ qua những phần bạn không thích hoặc khó nhằn. Và kết quả cuối cùng là bạn chỉ đạt được một số điểm vừa đủ qua hoặc thậm chí có thể trượt.

BƯỚC 2: LÊN KẾ HOẠCH VÀ SẮP XẾP THỜI GIAN
Bạn sẽ không đạt được mục tiêu khi không biết cách lên kế hoạch cụ thể và sắp xếp thời gian một cách hợp lý. Hãy lên kế hoạch cụ thể cho từng môn học trong từng học kỳ và theo sát nó.

BƯỚC 3: KIÊN ĐỊNH
Ai cũng có thể đưa ra mục tiêu và lên kế hoạch một cách hoàn hảo. Tuy nhiên, chỉ những học sinh kiên định và nỗ lực hàng ngày theo đúng kế hoạch thì mới đạt được thành công to lớn. Hầu hết các bạn học sinh cảm thấy lười biếng và dễ dàng bị đánh gục bởi những cám dỗ và quên đi kế hoạch, mục tiêu đã đề ra. Kiên định là một yếu tố bắt buộc nếu bạn muốn hoàn thành mục tiêu xuất sắc.

BƯỚC 4: PHƯƠNG PHÁP ĐỌC
Làm sao để tiêu hóa một lượng lớn kiến thức một cách hiệu quả và nhanh chóng nhất. Để đọc hiệu quả, trong khi đọc bạn phải tách ra được “cốt lõi” hoặc thông tin dưới dạng ý chính và từ khóa. Hãy nhớ rằng, chỉ có 20% thông tin là từ khóa đảm bảo nắm được 100% thông tin của môn học. Nếu bạn làm được việc này tức là bạn đã tiết kiệm được 80% thời gian học mà vẫn đảm bảo hiệu quả cao nhất.

BƯỚC 5: SƠ ĐỒ TƯ DUY  (MIND MAPPING)
Được phát triển vào cuối thập niên 60 của thế kỷ 20 bởi Tony Buzan như là một cách để giúp học sinh ghi lại bài giảng mà chỉ dùng các từ then chốt và hình ảnh. Mind mapping là một công cụ ghi chú tối ưu tận dụng được 20% từ khóa mà bạn đã trích lọc được và sử dụng cả 2 bán cầu não: trái, phải.

BƯỚC 6: TRÍ NHỚ SIÊU ĐẲNG
Một số học sinh hiểu bài cặn kẽ và có khả năng vận dụng nhưng mỗi khi phải làm bài trong một khoảng thời gian giới hạn đầu óc họ cứ trống rỗng. Điều này có thể giải thích là do khả năng về trí nhớ của họ. Tuy nhiên, may mắn thay khả năng về trí nhớ hoàn toàn không phải là năng khiếu hoặc tài năng mà nhờ vào quá trình luyện tập. Bí quyết là gì? Hãy gắn trí nhớ với hình ảnh, sự liên tưởng, làm nổi bật hoặc tưởng tượng…

BƯỚC 7: ỨNG DỤNG LÝ THUYẾT VÀO THỰC HÀNH
Một yếu tố cũng quan trọng không kém đó là khả năng ứng dụng lý thuyết để trả lời câu hỏi thực hành trong kỳ thi. Để ứng dụng được những gì đã học bạn cần phải phát huy một số kỹ năng bao gồm: phân tích, sáng tạo, lập luận… Ví dụ tự đặt câu hỏi về những gì vừa học, sử dụng những hình ảnh, các công cụ liên quan đến hình ảnh như sơ đồ tư duy, biểu đồ, sơ đồ…

BƯỚC 8: TĂNG TỐC CHO KỲ THI
Bạn nên bắt đầu tăng tốc khoảng 2 tháng trước kỳ thi và sắp xếp thời gian biểu đi ngược bắt đầu từ ngày thi môn đầu tiên của bạn. Hãy đảm bảo mỗi môn bạn ôn được ít nhất 4 lần và lần cuối cùng rơi vào 1 ngày trước khi thi.

BƯỚC 9: ĐI THI
Đi thi là bước cuối cùng nhưng quan trọng nhất. Thư giãn đầu óc, đặt mình vào trạng thái tự tin quyết tâm mạnh mẽ nhất. Khi bạn ở trạng thái tự tin tuyệt đối, phấn khởi và quyết tâm, bạn sẽ làm bài với tất cả khả năng của mình.
Với những bước đơn giản trên đây, các bạn hoàn toàn có thể có một bảng điểm đẹp mà vẫn có thời gian tham gia các hoạt động ngoại khóa khác. Bộ não chúng ta quan trọng nhưng sẽ chỉ là vô dụng nếu bạn không biết cách sử dụng nó đúng cách.

Các bạn có thể tìm đọc thêm cuốn TÔI TÀI GIỎI, BẠN CŨNG THẾ của Adam Khoo hoặc cuốn STUDY SMARTER, NOT HARDER của Kevin Paul để tự tìm cho mình một phương pháp thích hợp nhé!

Mr. Furin
S Communications   _ jok_

 

Back to top button