Kỹ năng

Bản thân chưa hoàn hảo nhưng bố mẹ Việt luôn bắt con đạt điểm 10/10 mà không biết đang hại con

Một số cha mẹ coi thành tích của con là liều thuốc giúp họ an tâm, coi thành tích của con là vinh dự cá nhân, là yếu tố cho thấy giấc mơ của họ có thành hiện thực hay không.

Quá nhiều phụ huynh Việt muốn mọi thứ phải được bố trí đâu ra đấy khi trẻ lên 8. Họ muốn con học cực giỏi, giàu năng lực như những đứa trẻ ở bên kia bán cầu phương Tây. Trẻ cần phát triển từ từ, nhưng không ai còn thời gian cho sự từ từ đó nữa. Không được phép sai lầm, không được chậm chân, không chấp nhận mọi điều bất thường!

Nếu trẻ không đạt điểm 10, phụ huynh bắt đầu bứt rứt lo sợ trẻ học kém hoặc gặp vấn đề về động lực. Đồ thị điểm số không theo chiều tăng dần đã biến mất. Dường như các phụ huynh đều nghĩ rằng trẻ được chia làm hai nhóm: học giỏi và học kém.

Một số cha mẹ coi thành tích của con là liều thuốc giúp họ an tâm, coi thành tích của con là vinh dự cá nhân, là yếu tố cho thấy giấc mơ của họ có thành hiện thực hay không. Ngay cả các bậc cha mẹ không coi con cái là rào chắn trước những nỗi lo sợ hiện sinh hoặc là biểu tượng thể hiện giá trị của chính họ cũng có thể khó lòng kháng cự trước cơn sốt cạnh tranh.

Trước đây, cha mẹ sinh con vì giá trị lao động của chúng (thêm người làm việc trên đồng). Ngày nay, rất nhiều cha mẹ coi thành tích của con cũng quan trọng như “sản phẩm” gia đình. Thái độ này dẫn đến lối suy nghĩ đảo-ngược, tập-trung-vào-trẻ, nơi chúng ta chiều theo ý thích của trẻ, nhưng cũng gây áp lực cho trẻ phải đạt thành tích bằng mọi giá – thành tích trong học tập, xã hội và thể thao. Nhưng áp lực này có thể gây phản tác dụng.

Những đứa trẻ cảm thấy chúng được kì vọng phải vượt trội hơn thành công của cha mẹ, hoặc sẽ thể hiện các kĩ năng vượt tầm năng lực của bản thân, sẽ lâm vào cảnh khốn đốn. Một số trẻ chỉ giỏi một lĩnh vực duy nhất, nên việc cố gắng buộc trẻ phải tinh thông thật nhiều kĩ năng chỉ vô ích và mang tính hủy hoại. Nếu cứ phải oằn lưng học theo ý cha mẹ, có lẽ trẻ sẽ quên cả điểm mạnh duy nhất của mình. Các trẻ khác bắt đầu cảm thấy như thể mình phải làm mọi việc chỉ vì sự hài lòng của cha mẹ, và trẻ công khai chống đối.

Một số phản ứng trước áp lực này bằng cách đánh mất niềm vui nội tại của việc làm chủ các kĩ năng, và có những trẻ khác lại vận dụng các triệu chứng tâm lý để thoát khỏi cuộc chạy đua. Bằng cách thổi phồng khuyết điểm của mình, những đứa trẻ này mong muốn được tránh xa thất bại và để tiến độ của chúng được đo lường bởi các tiêu chuẩn riêng, thực tế hơn. Nếu áp lực phải trở thành người đặc biệt trở nên quá căng thẳng, cuối cùng trẻ sẽ bị rối loạn về ăn uống và giấc ngủ, các cơn đau dạ dày mạn tính, rụng tóc, tuyệt vọng và bệnh tật. Trẻ là nạn nhân trong cuộc đua ai-hoàn-hảo của cha mẹ.

Theo cách giáo dục của người Do Thái, việc kì vọng và áp đặt thái quá vào con cái như trên là phản khoa học và gây ra tác dụng ngược. Theo họ, phải luôn luôn lưu tâm đến sự khác biệt của trẻ và để khả năng thiên phú của trẻ được tự biểu lộ, cha mẹ không nên kì vọng con cái trở thành người không phải bản thân của trẻ. Thông điệp của Do Thái luôn nhất quán: Mỗi đứa trẻ đều là độc nhất vô nhị. Đừng đối xử giống nhau với tất cả các trẻ, nếu không bạn sẽ không đến được với chúng.

“Nếu trẻ có khiếu trở thành thợ làm bánh, đừng bắt trẻ phải làm bác sĩ. Hãy coi con là một hạt giống trong bao gói không có tờ nhãn. Nhiệm vụ của bạn là cung cấp môi trường và chất dinh dưỡng phù hợp cho hạt, đồng thời hãy nhổ hết cỏ dại. Bạn không thể quyết định xem mình sẽ trồng được loại hoa gì, hoặc hoa sẽ nở vào mùa nào.” Khi sẵn sàng đón nhận những khác biệt của con, chúng ta sẽ trao cho con những thứ con cần để phát triển tối ưu.”

Dưới đây là một số lời khuyên:

– Đừng gây áp lực cho bản thân phải trở thành người cha/mẹ phi thường.

– Tìm hiểu và chấp nhận tính khí của con.

– Nắm bắt khác biệt về giới.

– Chấp nhận là con đã đủ “ngoan”.

– Coi giáo viên là trợ thủ đắc lực.

– Yêu thương con vì lợi ích của con.

– Chờ đợi sự khác biệt.

Yên Nhiên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button