Kỹ năng

Không Có Đam Mê, Bạn Vẫn Sống Ổn?

Tại sao chúng ta lại không đủ tỉnh táo để ngừng lừa phỉnh bản thân rằng “Đam mê” rồi sẽ xuất hiện, một ngày nào đó, nên bạn cứ tha hồ mà vấp ngã với mắc sai lầm đi.

Không phải ai cũng may mắn đã biết niềm đam mê của mình ngay từ sớm để tỏa sáng khi tuổi đời còn trẻ trung. Không phải ai đang ngày ngày bước chân tới giảng đường hay ngồi gõ bàn phím nơi công sở cũng đang “bùng cháy” với đam mê. Và có một sự thật là đa phần tất cả chúng ta đều rất dễ dàng khi thở hắt ra rằng mình “chán!” và tất nhiên cái cớ “đây không phải niềm đam mê của tôi” cũng đã thành quen thuộc.

Nhưng có một sự thật rằng điều đam mê bạn đang nói tới – với đại đa số chúng ta – nó khá mông lung và xa vời. Nó thật sự có bóng bẩy như những điều các show truyền hình thực tế vẫn ra rả “sống với đam mê” trong các cuộc thi của những người mẫu, thiết kế, diễn viên, ca sĩ,… không? Tại sao việc bạn làm công việc của một kế toán, một nhân viên công sở, một chuyên viên ngân hàng, một cảnh sát cơ sở,… lại không thể được coi là “đam mê”? Và quan trọng hơn, tại sao “đam mê” lại phải chịu trách nhiệm cho quyết định, thái độ của bạn?

khong-co-dam-me-1

Thử hỏi “đam mê” có thay đổi được điều gì khi bạn thường xuyên đi làm muộn, bị trừ lương lại kêu rằng oan uổng. Đam mê đâu phải là lý do để bạn liên tục trễ deadline, lảng tránh trách nhiệm trong khi liên tục đòi tăng lương, tăng quyền lợi. Đam mê cũng không thể thay bạn lựa chọn việc thay vì thâu đêm làm luận văn bạn lại “bỏ đấy đã, đi tìm kiếm cảm hứng thôi!”

Chúng ta đủ thực tế với nhau để hiểu rằng không phải ai cũng có đam mê để theo đuổi. Vậy thì tại sao chúng ta lại không đủ tỉnh táo để ngừng lừa phỉnh bản thân rằng “Đam mê” rồi sẽ xuất hiện, một ngày nào đó, nên bạn cứ tha hồ mà vấp ngã với mắc sai lầm đi.

khong-co-dam-me-2

Tuổi trẻ được quyền mắc sai lầm. Ok, tôi hoàn toàn đồng ý. Nhưng bạn mắc sai lầm khi chưa thật sự cố gắng hết sức, nỗ lực hết cỡ cho đến cùng để xem xem “Liệu đó có phải là niềm đam mê của tôi không?” – Bạn đã vội vã buông vũ khí và đầu hàng. Bạn hối hả theo đuổi những điều – người – khác – tung – hô. Bạn gục ngã trước những đòi hỏi một chiều của bản thân. Vậy thì Đam mê hiển nhiên chẳng thể tự nhiên xuất hiện và tự dưng bạn sẽ có siêu trách nhiệm của một người đang tận tụy vì đam mê lớn lao. Và đừng đổ tội cho “đam mê” khi người chọn đường là bạn.

Điều gì cũng cần phải tích góp, “tiết kiệm” mới có được, kể cả đam mê. Một cô lao công tận tụy làm công việc thu dọn rác bất kể thời tiết nắng mưa – thái độ trách nhiệm ấy theo tôi, nó đâu có kém gì đam mê. Một nhân viên công sở bình thường cũng có thể dạy bạn bài học lớn về thái độ tôn trọng công việc. Mọi nghệ sĩ sống trọn với đam mê cũng đồng thời là những người lao động cật lực, vắt kiệt sức sáng tạo hằng bao năm chứ không chỉ là những giây phút rực rỡ trên sân khấu.

Bạn cứ thử một lần thật sự để tâm trí, dồn tâm sức cho những việc mình đang làm đi, trước khi vội chọn cách ngồi chờ đam mê tới. Không có đam mê, bạn vẫn sống ổn nếu biết sống trọn từng phút giây. Tự khắc đến một lúc nào đó, bạn sẽ nhận thấy hóa ra “đam mê” đã nằm sẵn trong mỗi việc mình làm, cách mình nghĩ và điều mình đang cảm thấy. Và tiếp nối theo đó là mục đích sống, là động lực, là cảm hứng để bạn sống thật sự có ý nghĩa, nhiều nhất là với chính mình.

khong-co-dam-me-3

 

 

Tôi có một cậu bạn thân chưa từng bao giờ bước chân tới giảng đường Đại học và hiện giờ đang làm việc tại một công ty truyền thông khá nổi tiếng ở vai trò quản lý cấp trung. Câu chuyện thành công của bạn tôi mang màu sắc “lãng mạn” lắm nếu bạn biết rằng cậu ấy bắt đầu tập tành viết báo review âm nhạc từ hồi lớp 6 chỉ vì trót mê “chị” Tata Young. Và thế là từ đó, cậu ta không ngừng nghỉ làm việc, viết lách, lăn lộn từ báo nọ sang đài kia. Hàng nghìn bài báo, hàng trăm những sản phẩm truyền thông, tích từ hơn mười năm làm việc từ hồi cấp 2, cấp 3. Có những lúc đói nhăn vì nhuận bút về chậm, vay tiền tùm lum để trang trải chi phí và trông già hơn tuổi rất nhiều. Có những lúc áp lực phải – thành – công, phải – ổn – định, phải – học – đại – học, “đủ thứ phải” giằng xé. Có những lúc cũng chán nản, tụt “mood”, đuối sức và làm đủ thứ trò “dở hơi” để vùng vẫy nhưng có một điều chưa bao giờ thấy cậu ta làm là quay đầu bỏ chạy.

Bạn có thể gọi đó là “đam mê” còn tôi gọi đó là “chiến đấu” – khó khăn và dữ dội hơn cả những điều lý thuyết to tát, không ai có thể làm thay hay thấu cảm giùm bạn. Chỉ có mình bạn sẽ phải lèo lái tận lực giữa những quyết định, và đó mới là con đường để mở lối đam mê đến với bạn.

– Sưu tầm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button