Kỹ năng

8 Điều Mà Sự Do Dự Có Thể Phá Hủy Cuộc Sống Của Bạn

Chúng ta luôn do dự tại một số điểm và không ai còn xa lạ với điều này. Bạn có thừa nhận như vậy? Một vài người trong chúng ta thì may mắn nhận ra được điều đó đúng lúc và vẫn kịp làm điều gì đó với nó. Song hầu hết với những người khác, nhận ra được sự do dự của bản thân vẫn còn là một giấc mơ và nó có thể hủy hoại cuộc sống của họ.

Lý do khiến chúng ta do dự là không giống nhau và không phải sự do dự nào cũng dễ dàng nhận thấy được. Đôi khi, đó là do có một nỗi sợ hãi được giấu kín mà chúng ta không muốn thừa nhận, hoặc đó có thể đơn giản chỉ là do chúng ta không muốn làm điều đó chỉ bởi vì điều ấy không hề tạo động lực cho chúng ta. Bất kể lý do đó là gì, nếu bạn biết rằng bạn là một người hay do dự thì bạn cần phải cẩn thận bởi nó có thể hủy hoại cuộc sống của bạn nhiều hơn là những gì bạn có thể nhận thấy.

Dưới đây là 8 điều thường xảy ra nhất mà sự do dự đã phá hủy cuộc sống của bạn:

1. Bạn sẽ đánh mất khoảng thời gian quý báu

Bạn đã đánh mất bao nhiêu thời gian vào sự do dự? Thật không dễ dàng để có thể tính được, tuy nhiên tôi dám chắc rằng bạn có thể tưởng tượng ra. Điều tồi tệ nhất về sự do dự là giây phút bạn nhận ra mặc dù bạn đã già đi hai, năm hay thậm chí mười tuổi nhưng vẫn chẳng có gì thay đổi. Vậy thời gian ấy đã đi đâu?

Đây đúng là điều tồi tệ bởi bạn không thể quay ngược thời gian, bạn chỉ có thể sống với cảm giác hối hận mà không thể làm gì được. Chẳng có gì tồi tệ hơn cảm giác của bạn khi tức giận với chính bản thân mình, khi mà bạn chỉ cần thực hiện bước đầu đó thôi thì mọi chuyện đã có thể khác đi rất nhiều!

Đừng làm như vậy một mình, bạn xứng đáng được nhận những gì bạn khao khát.

2. Bạn sẽ đánh mất những cơ hội

Có bao nhiêu cơ hội bạn đã bỏ lỡ bởi vì bạn đã không tận dụng nó khi nó tới? Đó là lúc bạn thực sự muốn ‘nện’ cho bản thân một trận.

Điều mà bạn không nhận ra chính là cơ hội đó có thể thay đổi cuộc đời bạn, nhưng bạn lại bỏ lỡ nó. Hầu hết những cơ hội chỉ đến một lần, và không có gì đảm bảo bạn sẽ có một cơ hội thứ hai.

Cơ hội là thứ mà thế giới ban tặng cho bạn, hãy tạo cơ hội cho bản thân và nhận lấy nó bằng hai bàn tay mình.

3. Bạn sẽ không thể đạt được mục đích

Sự do dự dường như xuất hiện mãnh liệt nhất khi chúng ta nghĩ đến những mục tiêu, ước muốn đạt được một thành quả nào đó hay thay đổi một điều gì đấy. Bạn có thể rất khao khát sự thay đổi nhưng bạn dường như lại không thể bước bước đi đầu tiên ấy.

Điều này thường rất mâu thuẫn và rắc rối; bạn có thể nghĩ rằng ‘Tại sao lại khó đến vậy khi cố gắng theo đuổi điều mà mình khao khát?’ và cũng chỉ có bạn có thể trả lời cho câu hỏi đó; bạn sẽ cần phải tìm hiểu kỹ hơn về sự kháng cự trong chính con người mình.

Chúng ta đặt ra những mục tiêu vì chúng ta mong muốn điều gì đó tốt đẹp hơn cho cuộc sống của mình, bằng cách nào đó. Nếu bạn không làm điều đó chỉ vì bạn do dự, bạn đã phá tan cơ hội để khiến cuộc sống của mình tốt đẹp hơn.

Hãy đào sâu đến tận gốc rễ của sự do dự đó của bạn nếu nó ngăn cản bạn đạt được mục đích của mình, nếu không bạn sẽ không bao giờ có thể đạt được điều đó.

4. Bạn có thể hủy hoại sự nghiệp của mình

Cách mà bạn làm việc trực tiếp ảnh hướng đến kết quả công việc, đến những thành tựu mà bạn đạt được cũng như tính hiệu quả của nó.

Sự do dự có thể khiến bạn không hoàn thành được công việc trong thời hạn, hay không đạt được mục tiêu hàng tháng. Cuối cùng thì hậu quả của sự do dự này sẽ là gì đối với sự nghiệp của bạn? Bạn có thể không được thăng chức hoặc thậm chí còn tệ hơn; bạn có thể đánh mất công việc của mình. Bạn có thể lờ nó đi một thời gian nhưng không nghi ngờ gì nếu sự do dự đó kéo dài lâu trong công việc, nó chắc chắn sẽ hủy hoại sự nghiệp của bạn.

Đừng làm giảm năng suất làm việc của bản thân nếu không cần thiết.

5. Bạn sẽ hạ thấp lòng tự trọng của bản thân

Đây là một cái vòng luẩn quẩn mà bạn sẽ thấy mình trong đó. Thỉnh thoảng chúng ta có xu hướng do dự bởi vì lòng tự trọng của chúng ta thấp, song việc bạn do dự không hề củng cố mà thậm chí còn làm lòng tự trọng ấy thấp hơn.

Bạn bắt đầu nghi ngờ và đặt ra câu hỏi chuyện gì đã xảy ra với mình. Bạn có thể tuyệt vọng mà hỏi bản thân rằng ‘Tại sao bạn lại không thể làm được điều đó?’

Lòng tự trọng thấp có thể hủy hoại cuộc sống của bạn theo nhiều cách. Khi bạn có lòng tự trọng thấp, bạn sẽ thu mình lại, cảm nhận ít hơn những gì bạn nên thấy và điều này sẽ dẫn đến những hành động tự hủy hoại ngầm từ bên trong. Sự do dự làm mất đi sự tự tin của bạn, chậm nhưng chắc chắn sẽ xảy ra.

Nếu sự do dự này cộng hưởng với chính bạn thì bạn nên chú tâm vào tạo dựng lòng tự trọng cho mình thay vì cố bám lấy vào ảo tưởng rằng bạn có thể làm được một điều gì đó, bởi nó khiến bạn tự ép buộc bản thân khi bạn chưa sẵn sàng.

6. Bạn sẽ đưa ra những quyết định thiếu khôn ngoan

Khi bạn do dự và lại đưa ra quyết định tại thời điểm đó, điều này hầu hết sẽ dẫn đến những quyết định thiếu khôn ngoan chính bởi sự do dự đó. Khi đó, bạn đưa ra quyết định dựa trên những tiêu chuẩn mà đáng lẽ không hề có nếu bạn không do dự, ví dụ như áp lực buộc bạn phải đưa ra quyết định khi không còn nhiều thời gian nữa.

Cảm xúc ảnh hưởng rất nhiều đến sự ra quyết định của bạn và sự do dự lại ảnh hưởng rất lớn đến việc chúng ta cảm thấy như thế nào.

Những quyết định thiếu khôn ngoan tác động vô cùng tiêu cực lên cuộc sống, sự hạnh phúc cũng như hiệu quả làm việc của bạn.

7. Bạn sẽ hủy hoại danh tiếng của mình

Khi bạn cứ liên tục nói rằng bạn sẽ làm cái này cái kia dù bạn không hề làm, danh tiếng của bạn không thể tránh khỏi bị lu mờ đi. Không ai muốn những lời hứa suông.

Bên cạnh việc hủy hoại danh tiếng của chính bản thân mình, bạn còn hủy hoại cả lòng tự trọng cũng như sự tự tin của bản thân. Bạn sẽ trở nên do dự nhiều hơn bởi bạn không còn cảm thấy ngạc nhiên với chính bản thân mình nữa. Mọi người có thể ngừng trông cậy vào bạn và không còn trao cơ hội cho bạn nữa bởi họ lo lắng rằng đơn giản bạn có thể trở nên do dự và họ sẽ phải đi ‘dọn dẹp’ đống ‘bừa bộn’ mà bạn để lại.

Danh tiếng xấu có rất nhiều tác động tiêu cực tiềm ẩn.

8. Bạn sẽ mạo hiểm sức khỏe của bản thân

Sự do dự có liên hệ tới sự căng thẳng và lo lắng, và điều này lại có liên hệ tới vấn đề sức khỏe của bạn. Nếu sự do dự của bạn khiến bạn cảm thấy trầm cảm thì qua thời gian sự trầm cảm này sẽ bắt đầu gây ảnh hưởng đến những khía cạnh khác trong cuộc sống của bạn.

Nếu bạn do dự quá lâu với điều gì đó sẽ khiến bạn cảm thấy căng thẳng và lo lắng, đặc biệt khi nó liên quan đến người khác hay điều gì khác. Những nghiên cứu càng ngày càng cho chúng tôi thấy được sự hủy hoại của căng thẳng và lo lắng đối với chúng ta, căng thẳng chính là ‘kẻ giết người câm lặng’

Một cách khác mà sự do dự gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn là khi bạn cứ liên tục hoãn việc kiểm tra sức khỏe định kì, hoãn những cuộc hẹn hay những việc bạn cần phải làm, ví dụ như tập thể dục. Và như vậy vấn đề chỉ trở nên trầm trọng hơn và hậu quả còn thảm khốc hơn.

Hãy nhớ rằng sự do dự như là một thói quen, nó rất khó để xóa bỏ nhưng nó có thể tạo dựng hoặc cũng có thể hủy hoại bạn!

Theo LifeHack

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button