Kỹ năng

Người trẻ: lười đọc sách hay không biết cách chọn sách?

Tố Tâm, giá 2.000 đồng/cuốn; Lão Tử, 6.000 đồng/cuốn… Những cuốn sách rất có giá trị được “đại hạ giá” vẫn không được các bạn trẻ ngó ngàng…

Chúng tôi đặt chân đến những nơi tập trung phần lớn lượng sách lậu hiện nay tại Hà Nội. Sách ở đây thường rất rẻ và chất lượng in thì cũng chấp nhận được.

Độc giả đến đây phần lớn là HS, SV nhưng thường chỉ xem lướt qua một lượt, còn số khác lại chỉ chú tâm đến quầy sách có những giáo trình phục vụ môn học. “SV tới đây chủ yếu để mua giáo trình thôi. Đặc biệt là các giáo trình Tin học, Tiếng Anh… các loại sách khác cũng thấy mua nhưng không nhiều lắm” – Chị Đào, nhân viên cửa hàng sách số 3 Đinh Lễ cho biết.

Một bạn nam đang lúi húi chọn sách cho biết: “Mình muốn tìm đọc các sách về kinh doanh, kiểu Làm sao để chóng giàu? Làm thế nào nhanh thành đạt?”. Rảo qua một lượt các hàng sách, chúng tôi nhận thấy gian sách văn học rất ít khi hút khách. Thậm chí, ngay cả những cuốn đóng “mác” Nobel, Booker, Pulitzer hay được giới thiệu là Best Seller ở nước này nước kia cũng không đủ sức quyến rũ các bạn trẻ bằng những thể loại “tâm lý”, “giải đáp” hay “kinh nghiệm”…

Những gian sách nghiên cứu thì còn “thê thảm” hơn. Chúng tôi mất gần 2 giờ khảo sát, gần như không thấy một bóng người nán lại.

“Không mua sách không có nghĩa là không mê sách”. Nghĩ vậy, chúng tôi thử rẽ qua thư viện một số trường thuộc khối xã hội. Điểm dừng chân đầu tiên là thư viện trường Văn thư-Lưu trữ. Nhưng thật buồn vì phòng đọc vắng hoe.

Hỏi chuyện thủ thư ở đây thì được biết trung bình một ngày chỉ có khoảng 20-30 lượt người đến đọc. Ghé KTX, tình hình cũng không khá hơn. Rất ít phòng có giá sách đầy đủ theo đúng nghĩa của nó.

Thường các bạn vẫn bảo đến khi nào gần thi mới xuống thư viện mượn và đọc. Có bạn còn “hồn nhiên” trả lời thẳng là không thích đọc sách. Đáng buồn hơn khi chúng tôi được biết cách đây không lâu nhà trường còn “bắt” sinh viên xuống thư viện ngồi đọc sách khi Cục Lưu trữ về thăm trường.

Sau đó, chúng tôi còn ghé thêm một số khu nhà trọ của SV gần đấy nhưng tình hình cũng tương tự, chỉ toàn thấy tạp chí và sách học, hoặc giả cũng có tiểu thuyết nhưng kiểu tiểu thuyết “sến” đặc như “Sau những giấc mơ hồng” từng thịnh hành một thời gian dài.

Rất ít bạn còn có ý thức đọc sách một cách nghiêm túc.

Tiếp tục qua thư viện trường ĐH KHXH&NV. Ở đây tình hình có vẻ khá hơn khi thấy khá nhiều SV đang tra tìm sách quanh mấy máy vi tính. Phần lớn các bạn thường mượn những sách giáo trình như Triết học, Cơ sở lý luận Báo chí, Xã hội học… hoặc như phòng đọc ở tầng 2, rất đông các bạn ngồi đọc báo.

Lúc chúng tôi đến là 16h30. Ngồi đợi đến ngoài 19h thì cả thư viện còn sót lại lèo tèo vài bóng người và bác bảo vệ lúc này cũng đã tắt bớt đèn.

Tiếp tục tạt qua mấy hàng Internet xem thử SV thích tra cứu trên mạng hơn chăng. Nhưng rốt cuộc, trong gần 20 cửa hàng Internet tại các khu như Nguyễn Trãi (đoạn ĐH KHTN, ĐH KHXH&NV), Bách khoa… chúng tôi nhận thấy rằng phần lớn khách hàng đến để chát, chơi điện tử hoặc vào các trang web xấu chứ rất ít người có nhu cầu tra cứu.

Lười hay không biết chọn sách hay?

Trong một lần lên lớp, TS Văn học Đoàn Hương than phiền: “Tôi chẳng thể nào hiểu nổi SV bây giờ họ đọc gì. Tiểu thuyết Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách, nằm ở khu sách đại hạ giá có 2.000 đồng mà không ai ngó ngàng. Vào thời tôi, chính cuốn tiểu thuyết đó đã lấy đi bao nhiêu nước mắt của cả một thế hệ độc giả. Kinh khủng hơn, sách Lão Tử chỉ có 6.000 đồng mà không ai mua!”.

Còn GS Vũ Quang Hào, giảng viên Khoa Báo chí, Trường ĐH KHXH&NV thì cám cảnh: “SV bây giờ không biết cách chọn sách hay để đọc”. Trong khi đó, TS Nguyễn Thị Minh Thái kể lại câu chuyện một lần được giao dạy môn Văn học Việt Nam, đã dặn rõ SV giờ sau học tác giả nào chuẩn bị tác phẩm đó vậy mà khi lên lớp thấy toàn vở ghi không: “Học văn học là phải có tác phẩm để đọc chứ học chay như vậy làm sao mà dạy được?”.

Trong cuộc sống hiện nay, không khó để có được một cuốn sách để đọc. Nhưng có vẻ nhiều bạn trẻ ngày nay đang rất ngại đọc sách và chưa biết hết giá trị của việc đọc sách.

Nói như TS Vũ Quang Hào: “Đã có người học hộ rồi mà không biết tận dụng. Bao nhiêu tâm huyết cả đời nghiên cứu, tác giả dành hết vào sách của họ, bây giờ chỉ việc đọc và tận hưởng, thế mà…”.

Theo Tiền Phong

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button