Kỹ năng

Tại sao càng có nhiều bạn chúng ta lại càng cảm thấy cô đơn?

Một điều đáng buồn là sự cô đơn mãn tính đang trở thành một căn bệnh dịch khó chữa trong xã hội ngày nay. Chúng ta đang sống trong một thời đại tất bật và luôn bận rộn. Thật quá ư bình thường khi hy sinh những mối quan hệ để chạy theo công việc, tiền bạc và nhiều thứ hơn nữa. Nhưng với tư cách là một chủng loài, con người ta không thể sống mãi một mình và tự phát huy tốt khả năng của bản thân. Chúng ta sẽ phát triển tốt nhất khi tụ họp thành nhóm, các đoàn thể mà ở đó ta có thể dựa vào những người khác để tìm kiếm sự hỗ trợ và sự thấu hiểu cảm thông.

Mặc dù theo nhu cầu bản năng của con người, phần trăm người Mỹ nói rằng họ thường cảm thấy cô đơn đang ở mức rất cao. Trong những năm 1970 và 1980, tỷ lệ này tương ứng khoảng 11-20% dân số Mỹ cảm thấy cô đơn. Tuy nhiên, trong năm 2010, Hiệp hội người Mỹ Hưu trí (American Association of Retired Persons – AARP) tiến hành một nghiên cứu tương tự và tỷ lệ tăng vọt lên tới 45%.

Khi cảm giác cô đơn xâm chiếm toàn bộ con người chúng ta, bản năng khiến ta sửa đổi để hòa nhập với xã hội, để kết thêm nhiều bạn bè nhưng ta lại nhận ra nỗi cô đơn này ngày càng xâm lấn một cách mãnh liệt.

Vậy tại sao càng có nhiều bạn chúng ta lại càng cảm thấy cô đơn? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu thông qua bài viết này nhé!

1. Nỗi cô đơn vẫn hiện hữu ngay cả khi có bạn bè ở bên

Một mình không đồng nghĩa với sự cô đơn. Hãy thử tưởng tượng về một tình huống cụ thể thế này: trong cuộc sum họp gia đình, người thân của bạn cùng ngồi lại một chỗ nhưng họ chỉ chăm chú sử dụng điện thoại, lướt Facebook hoặc nhắn tin cho một ai đó. Trong tình huống này, họ không ở một mình, họ tập trung ngồi với nhau nhưng chính họ đang tạo ra mầm mống cho sự cô đơn. Họ chăm chăm để ý đến chiếc điện thoại hơn là những người đang ngồi cạnh họ, họ đã hoàn toàn quên mất liên kết thực sự giữa con người với nhau.

Một ví dụ khác để bạn dễ hình dung chính là các bệnh nhân ở trong bệnh viện. Dù những người bệnh này được chăm sóc tận tình nhưng họ vẫn cảm thấy cô đơn và bị lãng quên nếu người thân không ghé thăm họ thường xuyên. Với tình huống này, dù là người hay động vật đi chăng nữa cũng sẽ cảm thấy rất cô đơn, giống như mình đã bị cả thế giới bỏ quên vậy.

2. Kết nối với nhau thì dễ nhưng thắt chặt tình cảm mới khó

Một phần của vấn đề trở thành “siêu xã hội” hay tìm kiếm bạn bè mới để lấp đầy khoảng trống trong chính bản thân mình thực ra lại là sự kết giao vô nghĩa. Nguyên nhân đơn giản là vì bạn cần kết nối với những người mới.

Bất cứ khi nào mở ứng dụng như Facebook hoặc SnapChat, bạn đều có thể kết nối với mọi người. Họ có thể là những người bạn lâu năm, người quen hoặc thậm chí cả những người không hề quen biết, nhưng điều đáng chú ý ở đây là ranh giới mơ hồ giữa những người bạn thực sự và người bạn “ảo” trên mạng xã hội. Một người có thể có hàng nghìn bạn bè trên Facebook nhưng chỉ thực sự biết 50 người trong số họ mà thôi. Có nhiều bạn bè không đồng nghĩa với việc bạn không bị cô đơn.

Một xu hướng giải quyết cô đơn khác chính là các ứng dụng hẹn hò. Nếu muốn thay đổi tâm trạng hoặc đơn giản chỉ muốn được ai đó khen ngợi và làm bạn với mình, bất cứ ứng dụng hẹn hò nào cũng có thể đáp ứng yêu cầu của bạn chỉ trong vòng vài phút.

Thông thường, kiểu kết bạn này chẳng có ràng buộc nào; cũng không gây cho bạn nguy hiểm gì nhưng nó vẫn có nhược điểm là gây bất lợi về mặt cảm xúc cho chính bạn. Bạn sẽ không cảm thấy cô đơn khi trò chuyện với người đó nhưng khi người đó rời đi (thường sẽ không bao giờ trở lại) bạn sẽ cảm thấy cô đơn hơn cả trước.

3. Tạo các mối quan hệ bừa bãi là thói xấu của những người cô đơn

Khi bạn muốn kết thêm bạn mới vì cảm thấy mình quá cô đơn thì đó chính là lúc bạn đang kết bạn bừa bãi. Cho dù từ “bừa bãi” thường dùng để nói về các mối quan hệ lãng mạn, hẹn hò với nhau hoặc thân thuộc một cách tình cờ, thì định nghĩa thay thế này không khác gì khi nói đến người mà bạn gần gũi. Ở đây, việc kết bạn quá dễ dàng mà không quan tâm tới việc người đó là ai cũng được coi là bừa bãi.

Đúng là bạn sẽ thấy thỏa mãn hơn khi được kết giao với nhiều người, nhưng những mối giao thiệp mới không phải lúc nào cũng trở thành mối quan hệ bền vững. Càng có nhiều tình bạn hời hợt bao nhiêu, bạn càng thấy mình cô đơn bấy nhiêu.

Hãy thử nhớ lại lần gần đây nhất mà bạn thấy mình thèm ăn đến mức kinh khủng. Có lẽ bạn sẽ ăn sạch những gì bạn tìm thấy trong tủ lạnh cho dù chúng có là đồ ăn vặt không hề tốt chút nào. Việc cố gắng có những mối quan hệ hời hợt, vô nghĩa để lấp đầy nỗi cô đơn cũng tương tự như vậy. Khi bạn không quan tâm tới việc chọn ai để kết giao, bạn sẽ chỉ thu về được “tình bạn” hời hợt mà thôi.

4. Chống lại cơn “nghiện” kết bạn khi muốn thoát khỏi cô đơn

Những mối quan hệ sâu sắc kết nối con người ở một mức độ thân tình rất cao. Khi bạn thực sự có mối liên hệ với một người, bạn sẽ đặt lòng tin của mình vào người đó. Chính lòng tin đó sẽ cho phép bạn chia sẻ những suy nghĩ và cảm xúc để có thể phát triển như một con người thực sự.

Tuy nhiên, những mối quan hệ hời hợt, nông cạn thường dẫn tới vấn đề cơ bản nhất của mọi mối quan hệ: “Sự xa cách một người bạn đồng hành yêu quý”. Kết quả là sự cô đơn được hình thành và càng ngày càng lớn. Bạn sẽ cảm thấy xa cách vì những suy nghĩ và cảm xúc không được trao đổi và sẻ chia. Vậy tại sao bạn phải chia sẻ suy nghĩ và ý kiến riêng tư với một ai đó nếu bạn không biết họ có thể giữ bí mật giúp bạn hay không?

Những người cô đơn thường hay rơi vào một vòng tròn luẩn quẩn đầy nguy hiểm: họ cảm thấy mình cô đơn, họ cố gắng quen nhiều người và kết bạn với những người không phù hợp để rồi lại càng trở nên cô đơn hơn. Đó chính là lý do có câu nói: “Thà có hai người bạn tâm giao còn hơn có 20 người quen”.

Vậy bạn phải làm gì? Không tỏ ra thân thiện nữa chăng? Không đâu nhé.

5. Ngừng việc cố gắng kiếm tìm nhiều bạn bè

Cố gắng kết nối với một vài người bạn mà bạn có thể thực sự chia sẻ tâm tư cùng họ. Mục đích lớn nhất là để xây dựng các mối quan hệ thực sự dựa trên một nền tảng vững chắc. Nếu bạn yêu thích vòng tay kim cương nhưng không có đủ điều kiện, thà bạn không đeo còn hơn dùng loại vòng giả rẻ tiền làm cổ tay bạn chuyển màu xanh. Những người “bạn” giả cũng vậy.

Một điều quan trọng nữa cũng cần phải lưu ý rằng tình bạn và mối liên hệ với mọi người nên được thực hiện cho chính bạn và hạnh phúc của bạn, chứ không phải để gây ấn tượng với người khác hoặc biến mình thành người nổi tiếng. Một người nào đó có thể có rất nhiều bạn bè nhưng vẫn cảm thấy cô đơn. Không quan trọng việc có bao nhiêu người ấn tượng với nhóm bạn của bạn nếu bạn không coi những người trong nhóm đó thực sự là bạn bè của mình.

Khi tìm được người bạn đúng nghĩa đủ mang đến cho bạn sự ấm áp và sự đồng điệu trong tâm hồn. Mỗi khi bạn cảm thấy cô đơn, chỉ cần gửi một tin nhắn đến một người hoặc hai người bạn thân sẽ giúp bạn cảm thấy tốt hơn. Những người bạn thực sự là những người sẽ khiến ta cảm thấy hạnh phúc và giúp ta phát triển hơn.

Hãy tìm ra 3 kiểu bạn bè mà bạn nên có trong cuộc đời mình. Nếu bạn cảm thấy hơi ngỡ ngàng về cách tìm kiếm những mối liên hệ thực sự, hãy bắt đầu bằng việc tìm hiểu giá trị của người khác để hình thành mối liên hệ sâu sắc hơn. Chia sẻ cùng nhau mọi chuyện sẽ giúp mối quan hệ trở nên sâu sắc.

6. Một mối quan hệ sâu sắc đáng giá hơn nhiều so với hàng trăm mối quan hệ thờ ơ

Kết bạn không phải một điều xấu, nó chỉ trở thành vấn đề khi bạn không chú ý đến những người mà bạn kết giao mà thôi. Khi đó thật nhạt nhẽo và vô vị.

Đừng để “sự thèm khát” muốn thoát khỏi nỗi cô đơn khiến bạn trở nên mù quáng. Hãy chọn người phù hợp để kết bạn, phát triển các mối quan hệ sâu sắc hơn và tránh kết giao bạn bè một cách hời hợt. Dù thế nào đi nữa, tất cả mọi người đều xứng đáng với những mối quan hệ thực sự.

Theo LifeHack

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Mười Một 14, 2017 | Lần cập nhật cuối: Tháng Hai 2, 2018

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button