Kỹ năng

Thói quen đọc tốt sẽ giúp chúng ta trở thành người “phát triển công nghệ” thay vì “tiêu thụ công nghệ”

Ngày nay giáo dục đại học không còn là thứ xa hoa mà là sự cần thiết. Khó mà kiếm được việc làm tốt nếu bạn không vào đại học. Có nhiều cơ hội việc làm hơn ở mọi nước nhưng điều đó còn tuỳ vào lĩnh vực học tập của bạn và trường nào bạn tốt nghiệp. Có khác biệt về lương giữa các sinh viên học về Khoa học, Công nghệ, Kĩ nghệ và Toán học (STEM) và sinh viên tốt nghiệp trong Nghệ thuật, Sân khấu, Lịch sử, Văn học, hay nghiên cứu xã hội. (Liberal Arts) . Có khác biệt về lương giữa những sinh viên tốt nghiệp từ các đại học hàng đầu và các sinh viên vào các đại học ít nổi tiếng. Để đảm bảo rằng bạn sẽ có nghề nghiệp tốt trong tương lai, việc chọn lĩnh vực học tập và Đại học nào bạn ghi danh rất quan trọng.

Lần đầu khi tôi dạy ở Ấn Độ năm 2004, có một câu nói thông dụng trong sinh viên “Không vào đại học, không hẹn hò, không học công nghệ thông tin (CNTT), không hôn nhân.” Vào lúc đó tôi đã cười nhưng sau khi suy nghĩ, tôi thấy nó có lí một phần nào. Trong hoàn cảnh xã hội Ấn Độ lúc đó, nếu không vào đại học, bạn không có tương lai; và không cô gái nào sẽ hẹn hò với người không tương lai. Vì CNTT là việc làm tốt nhất ở Ấn Độ, không cô gái nào sẽ lấy bạn nếu bạn không có việc làm tốt. Điều này diễn tả việc vào đại học quan trọng thế nào vì nó là chìa khoá cho hẹn hò với một cô gái, kiếm được việc làm, và có được hôn nhân. Các sinh viên cũng kể cho tôi rằng điều đầu tiên các phụ huynh Ấn Độ thường hỏi một người muốn đi chơi với con gái họ là anh ta vào đại học nào. Các đại học hàng đầu như Viện Công nghệ Ấn Độ (IIT) được coi như là có “giá trị” cao nhất, người được nhận vào phải là sinh viên thông minh, xuất chúng và nếu người đó học CNTT, tương lai của người đó được đảm bảo.

Ngày nay có nhiều cơ hội việc làm hơn trong STEM vì toàn thế giới đang dịch chuyển từ Thời đại Công nghiệp sang Thời đại Thông tin nơi công nghệ chi phối mọi thứ. Khi” toàn cầu hoá” và được kết nối hơn, công nghệ tạo ra nhiều việc làm hơn, tri thức và kĩ năng đang trở thành tài sản quan trọng thay cho vốn. Trong thời đại công nghiệp, vốn là quan trọng để xây dựng doanh nghiệp và sản phẩm chế tạo dùng các tài nguyên thiên nhiên như dầu, khí và khoáng sản. Nhưng với công nghệ, mọi thứ thay đổi, vì phát kiến là sản phẩm của “sức mạnh bộ não”. Trong thời đại Công nghiệp, người giầu nhất là người kiểm soát tài chính, ngân hàng (vốn) và tài nguyên tự nhiên (dầu, khí, khoáng sản) hay chế tạo (ô tô, động cơ, máy móc v.v.). Nhưng ngày nay người giầu nhất hầu hết trong khu vực công nghệ (phần cứng, phần mềm, viễn thông v.v.) Bill Gates, Steve Jobs, Mark Zuckerberg v.v. đều xây dựng công ty dựa trên tri thức công nghệ với rất ít tiền vốn (trong ga ra xe hay kí túc xá đại học.)

Khi tôi dạy về STEM ở châu Á, mọi người thường dồng hoá STEM với Y tế, Nha khoa và Dược khoa. Về mặt truyền thống đây là những lĩnh vực lớn để học tập nhưng đây không phải là chọn lựa duy nhất. Có nhiều lĩnh vực rất tốt trong khu vực STEM khác có nhu cầu rất cao mà không đòi hỏi thời gian học tập quá lâu. Do đó sinh viên cần nghiên cứu, tìm hiểu và lựa chọn lãnh vực học tập nào thích hợp với họ nhất. Chẳng hạn, khoa học thống kê bảo hiểm, khoa học máy tính, thống kê và phân tích, kĩ nghệ phần mềm, kĩ nghệ điện tử, quản lí hệ thông tin, và công nghệ y tế mới chỉ là vài ví dụ về các lĩnh vực STEM mà có thể dẫn tới các nghề tuyệt hảo. Ngày nay kĩ sư phần mềm có kinh nghiệm có thể làm ra nhiều như các bác sĩ y tế. Người làm việc phần mềm cho các công ty khởi nghiệp thành công như Google, Apple, Facebook, có thể trở thành triệu phú trong vài năm.

Trong nhiều năm dạy ở châu Á, tôi thấy phần lớn sinh viên không có hiểu biết rõ ràng về các lĩnh vực STEM hay nhu cầu của công nghiệp. Sinh viên không có đủ thông tin để quyết định và phần lớn cha mẹ cũng không có đủ thời giờ để nghiên cứu thêm về các nhu cầu thị trường này. Có nhiều sinh viên quan tâm tới các lĩnh vực STEM nhưng không biết cách chuẩn bị. Về căn bản các lĩnh vực STEM yêu cầu sinh viên phải chuẩn bị rất sớm. Điều này nghĩa là sinh viên phải có căn bản thật vững như khả năng đọc, hiểu, tư duy phê phán và giải quyết vấn đề.

Ngày nay học sinh trung học không thích đọc nhiều, phần lớn chỉ đọc qua loa đủ để hiểu cho qua các kỳ thi hay bài kiểm tra nhưng ít ai đọc sâu, và hiểu thấu đáo nên họ không phát triển thói quen đọc tốt. Đó là sai lầm. Phần lớn các lĩnh vực STEM đều yêu cầu đọc nhiều, đặc biệt đọc các tài liệu khoa học vì có nhiều điều họ cần biết để xây dựng nền tảng vững chắc. Vài năm trước khi tôi dạy ở Trung Quốc, một giáo sư than: “Ngày nay thanh niên không đọc. Họ sợ đọc sách có vài trăm trang; họ chỉ thích đọc gì thật ngắn, thật dễ hiểu hay xem tranh “japanese anime” hay sách với nhiều hình. tư duy của họ không đủ sâu để hiểu các khái niệm sâu sắc. Việc thiếu tư duy sâu đưa tới thất bại trong phát triển tư duy phê phán, tư duy phân tích những căn bản quan trọng để phát triển kĩ năng giải quyết vấn đề, bản chất trong khu vực khoa học. Đó là lí do tại sao Trung Quốc đã không đào tạo được nhiều khoa học gia nổi tiếng trong các lĩnh vực STEM và không thể bắt kịp được phương Tây. Nói ra thì thật xấu hổ, hiện nay chúng tôi chỉ biết sao chép, ăn cắp những phát minh, sáng kiến của người khác chứ không làm được gì đáng kể. đó là hậu quả của việc đào tạo hàn lâm ghi chép và ghi nhớ.”

Thói quen đọc tốt sẽ giúp chúng ta trở thành người “phát triển công nghệ” thay vì “tiêu thụ công nghệ”

Để thành công trong các lĩnh vực STEM, sinh viên phải có nền tảng thật vững mạnh trước khi vào đại học. Điều đó nghĩa là họ phải đọc nhiều hơn để phát triển thói quen đọc tốt. Nhưng chỉ đọc cũng không đủ. Họ phải lựa chọn và đọc những sách gây hứng khởi cho họ; những quyển sách làm cho họ phải suy nghĩ, tìm hiểu; sách làm cho họ muốn biết thêm, muốn học thêm,để phát triển tư duy phân tích và phê phán. Trong lớp của tôi ở Carnegie Mellon, có nhiều sinh viên châu Á. Phần lớn đều có điểm rất tốt ở trung học, điểm kiểm tra GRE, TOEFL rất cao nhưng nhược điểm của họ là nhiều người không có thói quen đọc sách. Môn “Công nghệ trong thế giới toàn cầu” của tôi yêu cầu sinh viên đọc quãng 20 tài liệu một tuần hay quãng 150 trang. Sách giáo khoa có 22 chương, mỗi chương quãng 70 trang và sinh viên phải đọc 2 tới 3 chương một tuần hay 200 trang. Điều đó có nghĩa là họ phải đọc 300 tới 350 trang một tuần và hiểu rõ chúng. Vì mỗi chương được xây dựng dựa trên các chương trước, không có tri thức toàn diện, sinh viên không thể qua được lớp. Sinh viên thường phàn nàn: “Tại sao chúng em phải đọc nhiều thế? Thầy có thể tóm tắt cho chúng em được không?” Tôi bảo: “Khi đi làm, các em có bảo người quản lí cho các em ít việc hơn không? Hay các em có thể bảo khách hàng rằng các em sẽ chỉ viết không quá 100 dòng mã một ngày không?”

Việc đọc là nhược điểm chính của nhiều sinh viên ngày nay do ti vi, phim ảnh và Internet. Nhiều thanh niên không thích đọc sách thay vì thế họ ưa xem phim hay chơi videogames. Điều họ không nhận ra là phim ảnh, truyền hình và videogames làm cho họ “thụ động” hơn trong khi sách cho phép họ suy nghĩ tích cực. Không phát triển các thói quen đọc sách khi còn trẻ, rất khó thay đổi khi lớn lên. Khi trí thức bị giới hạn, họ không có khả năng tìm hiểu, suy nghĩ, phân tách và khó có thể phát triển các trí thức tốt để hoàn thành mục đích giáo dục của họ.

Đó cũng là lý do phần lớn thanh niên trở thành người “tiêu thụ công nghệ” thay vì là người “phát triển công nghệ” . Tôi mong các bạn thanh niên nên ý thức vấn đề này và chịu khó đọc nhiều hơn, đọc thường xuyên để phát triển thói quen tốt cho tương lai. Các lĩnh vực STEM có nhiều thuật ngữ khoa học mới và các khái niệm sâu, không có thói quen đọc tốt sẽ không thể nào hiểu thấu được những thuật ngữ này trong thời gian ngắn. Tôi khuyên các sinh viên, đặc biệt học sinh trung học, nên dành ít nhất nửa giờ mỗi ngày cho việc đọc để làm quen với các phong cách viết khác nhau và học từ vựng mới. Có từ vựng tốt là nền tảng mạnh dẫn tới thói quen đọc vì trong khi đọc sách, đặc biệt các sách khoa học, bạn sẽ phải học thêm nhiều danh từ mới mà bạn có thể không biết. Về căn bản, biết nhiều từ vựng sẽ giúp cho bạn vượt qua chướng ngại này. Biết nhiều từ vựng cũng giúp cho bạn diễn đạt lưu loát hơn, và cải tiến kĩ năng trao đổi và kĩ năng trình bày của bạn. Đọc nhiều sách, đặc biệt là những sách yêu cầu bạn nghĩ sâu sẽ làm tăng tính sáng tạo, khả năng phê phán và tạo cho bạn một căn bản vững cho mục đích giáo dục tương lai.

Đọc nhiều sách, đặc biệt là những sách yêu cầu bạn nghĩ sâu sẽ làm tăng tính sáng tạo

Theo một khảo cứu ở đại học Pennsylvania, những sinh viên học tốt trong đại học; những sinh viên có điểm cao trong mọi đại học, đều có một thói quen chung: Tất cả họ đều đọc tốt từ hồi còn trẻ. Tác giả, Ts. Stanberry kết luận: “Phần lớn những người có thói quen đọc nhiều, đọc sâu và đọc tích cực đều có điểm cao trong bài thi, và có tri thức sâu sắc hơn những người không đọc. Việc đọc nâng cao tri thức bằng việc làm cho họ sử dụng bộ não một cách tích cực; làm cho họ nghĩ nhiều hơn, sâu hơn và nâng cao khả năng thông minh. Vì sách vở giúp cải tiến cả trí nhớ và sự tập trung, tôi có thể kết luận rằng việc đọc làm cho sinh viên dễ học một chủ đề hơn và giữ được tri thức đã nhận từ chủ đề. Do vậy việc đọc trực tiếp làm sinh viên trở nên thông thái hơn và thành công hơn trong đời.”

Các lĩnh vực STEM đòi hỏi một tri thức toàn diện về nhiều thứ. Nhưng thách thức này có thể vượt qua được nếu sinh viên có thói quen đọc tốt. Trong nhiều năm dạy học, tôi thấy những sinh viên không học tốt trong các lớp STEM thường không đọc tốt và có vốn từ vựng kém. Rất nhiều sinh viên Á Châu đổ lỗi cho khả năng sinh ngữ của họ nhưng thật ra vì không có đủ từ vựng để học khoa học và công nghệ, việc tra cứu từ điển để truy tìm những từ vựng phức tạp đã làm họ mất thời giờ trong việc học và ít ai có được điểm tốt hay có tri thức sâu xa để hoàn tất mục đích giáo duc. Họ đã dành nhiều tuần vật lộn với các sách khoa học bằng việc dùng từ điển rồi sau đó bỏ lớp hay trượt kỳ thi. Những sinh viên học tốt hiếm khi dùng từ điển, họ đã có nền tảng mạnh và từ vựng phong phú trong đầu họ. Họ hiểu rõ tài liệu và năng nổ học nhiều hơn, họ sẵn sàng vì được chuẩn bị để học.

Nếu học sinh trung học hỏi tôi: “Em chuẩn bị vào đại học và học các lĩnh vực STEM thế nào?” Câu trả lời của tôi sẽ là: “Hãy xây dựng thói quen đọc tốt, đọc sâu, và đọc nhiều hơn”

John Vu

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Mười Hai 18, 2016 | Lần cập nhật cuối: Tháng Hai 2, 2018

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button