List phim hayPhim Theo chủ đề

5 phim hay về mẹ đầy cảm động

Mẹ là người duy nhất trên thế giới này ở bên bạn từ khi bạn sinh ra và sẽ luôn dõi theo bạn cho đến cuối cuộc đời. 5 phim hay về mẹ là những câu chuyện ý nghĩa và cảm động giúp bạn thêm cảm thông, yêu thương, trân trọng tình cảm cao đẹp của mẹ.

Mẹ ơi

Bộ phim lần này của Xavier Dolan kể về bà mẹ Diane (Anne Dorval), góa chồng, sống với cậu con trai Steve (Antoine-Olivier Pilon) mắc chứng bệnh ADHD (chứng tăng động, mất khả năng kiểm soát hành vi và cảm xúc thường gặp ở những trẻ thiếu sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ). Diane vốn là người phụ nữ từng trải, có cuộc sống phóng khoáng, tự do, một quá khứ ngang tàn và cuộc hôn nhân không trọn vẹn.

Steve do thiếu sự dạy dỗ từ người cha và chịu ảnh hưởng từ lối sống buông thả của người mẹ nên phát triển tự nhiên như một gốc cây hoang dại, xù xì. Cậu sống bản năng và ngông cuồng. Hai mẹ con như những phân tử rơi tự do, không nơi nương tựa giữa không trung, may mắn gặp được Kyla (Suzanne Clément) như một điểm tựa cân bằng, kéo họ trở lại mặt đất. Bộ phim là câu chuyện ba người và những lát cắt nửa thực, nửa mơ qua lăng kính trong vắt của Xavier Dolan khi nhìn về tình mẫu tử thiêng liêng.

Mẹ Ơi Đừng Khóc

Don’t cry mommy là bộ phim điện ảnh đặc biệt với chủ đề bạo lực tình dục học đường và việc tự sát ở trẻ vị thành niên. Đó là câu chuyện về một người mẹ phải chịu nỗi đau tột cùng khi đứa con gái của mình bị đám học sinh nam trong trường cưỡng hiếp tập thể và rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Gia đình đã đâm đơn kiện nhưng vì những kẻ phạm tội đang ở tuổi vị thành niên nên tòa đã ra phán quyết trắng án. Uất nghẹn tới phẫn uất, người mẹ quyết định đi tìm lại công lý cho con gái, dù biết có thể phải hy sinh cả tính mạng. “Nếu pháp luật không làm được thì tôi sẽ làm”, và cuộc trả thù bắt đầu từ đây…

Chúc Mẹ Ngủ Ngon

Tại một vùng nông thôn nọ tách biệt khỏi thế giới bên ngoài, có một ngôi nhà nhỏ. Ngôi nhà ấy là nơi sinh sống của hai anh em sinh đôi và người mẹ của chúng. Ngày ngày hai anh em cùng nhau lang thang trong những cánh rừng, khu nghĩa địa bỏ hoang hay cánh đồng ngô rộng lớn, trong khi mẹ chúng chìm đắm trong một thế giới xa xôi nào đó giữa những lớp băng gạc quấn kín khuôn mặt khi trở về nhà sau ca phẫu thuật. Hai anh em bắt đầu cho rằng người phụ nữ kia chính là một kẻ khác đang ăn cắp hình hài của mẹ chúng. Rồi một ngày nọ, lũ trẻ bước đến hỏi bà ta: “Mẹ của bọn tôi đang ở đâu?”

Mommie Dearest

Được làm dựa trên những hồi tưởng của Christina Crawford về những năm tháng thơ ấu bên nữ minh tinh một thời Joan Crawford, bộ phim tiểu sử pha hư cấu này là cái tên được nhắc đến trong không ít những bảng xếp hạng các bộ phim về hình tượng người mẹ.

Mommie Dearest nhận được vô số những lời nhận xét trái chiều từ cả phía khán giả lẫn giới phê bình điện ảnh. Không dễ để người xem có thể dễ dàng chấp nhận hình tượng một người mẹ độc đoán và bạo lực thoả sức hành hạ những đứa con của mình mà không phải chịu bất kì một lời phán xét nào, trừ một lớp vỏ bọc hào nhoáng ngày càng dày thêm của tiền tài và danh vọng.

Thế nhưng bất chấp những lời khen chê, Mommie Dearest vẫn là một trong những phim kén người xem khi nó yêu cầu ở họ một sự hiểu biết nhất định về bối cảnh lịch sử nơi câu chuyện bắt đầu. Những hiểu biết ấy sẽ là chìa khoá hé mở cánh cửa nội tâm của mỗi nhân vật trong câu chuyện.

Mother (2009)

Bộ phim điện ảnh Hàn Quốc của đạo diễn Bong Joon-ho này là một trải nghiệm đau đớn và dữ dội về tình mẫu tử.

Mother thể hiện rõ nét tất cả những đặc trưng trong phong cách làm phim của đạo diễn Bong Joon-ho nói riêng cũng như những bộ phim điện ảnh Hàn Quốc nói chung. Phim là cuộc hành trình tuyệt vọng của một người mẹ đi tìm kẻ giết người hàng loạt đã đổ vấy tội cho con bà.

Nếu trong Changeling, động lực để người mẹ đấu tranh là tình yêu dành cho đứa con và niềm tin vào bản thân mình, thì người mẹ trong Mother không còn gì khác ngoài nỗi tuyệt vọng, sự cô độc và tình yêu dành cho con mình. Tất cả những điều ấy tạo thành niềm tin rằng con mình vô tội nơi người mẹ, là động lực để bà lao vào vòng nguy hiểm.

Người ta nói con dại, cái mang. Và trong bộ phim dài 128 phút, dán mác R và giành được vô số giải thưởng danh giá này, cảm giác ấy mới thấm thía và khắc nghiệt tới mức độ khó lòng chấp nhận.

John Vu

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Năm 26, 2018 | Lần cập nhật cuối: Tháng Năm 26, 2018

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button