List phim hayPhim Theo chủ đề

12 phim hay về nhiếp ảnh không thể bỏ qua

Nhiếp ảnh là đi tìm và kể lại những câu chuyện. Từ chuyện gia đình, cuộc sống con người, tới những câu truyện về văn hoá, lịch sử. 12 phim hay về nhiếp ảnh vừa giúp người xem tiếp cận với nhiếp ảnh từ “thời kỳ đen trắng” cho đến thế giới hiện đại vừa chiêm ngưỡng những bức ảnh như biết nói của nhiều nhiếp ảnh lừng danh trên thế giới.

Sự Ám Ảnh

Sy Parrish là một người đàn ông trung niên độc thân làm việc tại một cửa hàng rửa ảnh. Bất ngờ bị sa thải và tình cờ phát hiện ra một bí mật tồi tệ đã khiến Sy thay đổi. Sự cô độc giày xéo, sự bệnh hoạn tiềm ẩn trong con người Sy từ những ký ức của tuổi thơ bị chà đạp qua những bức ảnh biến thái đã khiến ông từ một con người hiền lành dễ thương thành một người đàn ông nguy hiểm đối với người khác. Trong đó có gia đình Nina, một gia đình hạnh phúc luôn người coi ông như người thân thiết trong nhà. Cho đến một hôm ông bị sa thải và tình cờ biết được bí mật về vụ ngoại tình của người chồng trong gia đình mà ông yêu mến, Sy trở thành một con người đáng sợ.

Finding Vivian Maier

‘Finding Vivian Maier’ là phim tài liệu của Mỹ về nhiếp ảnh gia Vivian Maier, với kịch bản được viết và đạo diễn, cùng sản xuất bởi John Maloof và Charlie Siskel. Phim do Ravine Pictures phát hành vào ngày 17 tháng 11 năm 2013.

Vivian Maier là bà đã từ Pháp đến Mỹ từ khi còn nhỏ. Bà có thể nói tiếng Anh thành thạo, nhưng vẫn cố tình thêm vào đó một chút âm điệu Pháp. Bà là bảo mẫu trong một gia đình suốt 17 năm, và là một người bảo mẫu tận tụy, một người phụ nữ trẻ vui tươi. Bà đã làm vú em và quản gia cho nhiều gia đình ở Chicago. Bà mang theo một máy ảnh ở bất cứ nơi nào bà đến, nhưng những tác phẩm của nữ nhiếp ảnh phần lớn không được phát hiện khi bà còn sống. Bà qua đời vào năm 2009. Chỉ sau khi bà qua đời, những tác phẩm của bà trở nên nổi tiếng, và tên bà xuất hiện dày đặc trên các mặt báo. Bà được so sánh với nhiều nhiếp ảnh gia đường phố nổi tiếng, thậm chí còn được coi là một trong những nhiếp ảnh gia đường phố nổi bật nhất của thế kỉ XX.

War photographer

Bộ phim tài liệu dài 96 phút này có nhân vật chính là James Nachtwey – phóng viên ảnh hợp đồng độc quyền của tuần báo Time từ năm 1984.

Những bức ảnh chiến tranh chụp cận cảnh trong những tình huống đầy nguy hiểm nhưng lại mang vẻ đẹp ám ảnh đã trở thành chữ ký đặc trưng cho phong cách nhiếp ảnh James Natchtwey.

Tháng 4-1997, đạo diễn Thụy Sĩ Christian Frei lần đầu tiên tình cờ được xem những bức ảnh của James qua một tờ tạp chí và đã không thể xua tan những ấn tượng hằn trong tâm trí ông. Christian Frei phải hai năm trời mới thuyết phục được James đồng ý để ông làm bộ phim WAR PHOTOGRAPHER và cả đoàn làm phim thêm hai năm nữa theo chân James lao vào các điểm nóng ở Kosovo, Bờ Tây dải Gaza, Indonesia… để khắc họa con người và cách làm việc của nhà nhiếp ảnh tài năng này.

War Photographer hoàn thành năm 2001 và từ đó liên tiếp đoạt nhiều giải thưởng xuất sắc của thế giới dành cho thể loại phim tài liệu, được đề cử giải Oscar 2002.

Nhóm Bang Bang

Một bộ phim được dựng lên từ một câu chuyện có thật. Câu chuyện kể về cuộc sống và nỗ lực tác nghiệp của 4 nhiếp ảnh gia ở Nam Phi vào những ngày cuối cùng của Chủ Nghĩa Phân Biệt Chủng Tộc.

The Mexican Suitcase

Năm 2007, ba chiếc hộp chứa những tấm hình chưa được công bố của nhiếp ảnh gia và thành viên của Magnum, Robert Capa bỗng dưng xuất hiện ở Mexico. Ngoài những phim âm bản của Capa, các tác phẩm khác của Gerda Taro và David Seymour ghi lại hình ảnh của cuộc nội chiến Tây Ban Nha cũng được tìm thấy.

Cuộc hành trình bí ẩn của những tấm hình rơi vào quên lãng sẽ được hé lộ trong Mexican Suitcase, người xem cũng sẽ biết được những tấm hình do các nhiếp ảnh gia nổi tiếng chụp đó cuối cùng xuất hiện trở lại ra sao.

The Impassioned Eye: Henri Cartier-Bresson

Henri Cartier Bresson được biết đến là một trong những nhà nhiếp ảnh vĩ đại nhất của thế kỷ XX, bậc tiền bối của nghệ thuật nhiếp ảnh báo chí hiện đại. Với gần 6 thập kỷ chu du khắp thế giới, cùng với chiếc máy ảnh Leica 35 li cầm tay nhỏ bé, ông đã ghi lại những khoảnh khắc đầy tính nhân văn của nhiều sự kiện lớn nhất trong thế kỷ XX. Ông được vinh dự trưng bày tới 400 tác phẩm trong Bảo tàng nghệ thuật Louvre danh tiếng.

Sinh ngày 22 tháng 8 năm 1908 tại Chanteloup, gần Paris trong một gia đình khá giả có truyền thống nghệ thuật, nên ngay từ nhỏ, Henri Cartier-Bresson đã sớm bộc lộ năng khiếu hội họa và văn học. Ông đã có hai năm học vẽ, và một thời gian dài say mê các tác phẩm văn chương hiện đại của những tác giả nổi tiếng lúc bấy giờ như Dostoyevsky, Rimbaud, Proust, Joyce…

Annie Leibovitz: Life Through a Lens

‘Annie Leibovitz: Life Through a Lens’ là phim tài liệu của Mỹ năm 2008, do Barbara Leibovitz đạo diễn và viết kịch bản, được sản xuất bởi Adirondack Pictures và được công chiếu tại Mỹ từ ngày 10 tháng 6 năm 2008. Bộ phim là tiểu sử về chị gái của đạo diễn, nhiếp ảnh gia Annie Leibovitz.

Nhiếp ảnh gia Annie Leibovitz sinh ra tại Waterbury, Connecticut trong một gia đình sáu người con. Năm 1967, bà theo học tại Học viện Nghệ thuật San Francisco, nơi bà phát triển tình yêu với nhiếp ảnh (mặc dù lúc đầu theo ngành vẽ mỹ thuật). Sau thời gian ngắn định cư ở Israel, Leibovitz trở lại Mỹ vào năm 1970 và tìm được công việc khởi đầu cho tạp chí rock Rolling Stone. Ấn tượng với portfolio của Leibovitz, biên tập viên Jann Wenner đưa bà vào vị trí nhân viên nhiếp ảnh. Trong hai năm, Leibovitz mới ở tuổi 23 được thăng chức Giám đốc nhiếp ảnh, vị trí mà bà tiếp tục trong 10 năm tiếp theo.

William Eggleston “Into The Real World”

William Eggleston thường được gọi là “Cha Đẻ Của Nhiếp Ảnh Màu”, ông nổi tiếng là người kiệm lời. Ông không thích phải nói về những bức ảnh của mình. Trong một lần phỏng vấn nọ, ông đã quát lên: “Đó là những câu hỏi ngu ngốc nhất tôi từng phải nghe.”

Đó là điều khiến cho bộ phim về nhiếp ảnh này trở nên đặc biệt hơn. Nó hé lộ chân dung tác giả của những tấm hình đã trở thành biểu tượng của lịch sử nền nhiếp ảnh hiện đại. William Eggleston và khả năng biến một thứ tầm thường trở thành một tác phẩm nghệ thuật của ông đã trở thành bài học cho những nhiếp ảnh gia trẻ tuổi. Ít có bộ phim nào về nhiếp ảnh có thể hay như tác phẩm này.

Thành Phố Của Chúa Trời

Phim khắc họa bức tranh đẫm máu và nhuốm màu bạo lực của một khu phố nhỏ nghèo nàn thuộc ngọai vi thành phố Rio, Brazil. Cuộc sống nghèo nàn, lạc hậu và thấm đẫm bi thương đã đẩy những đứa trẻ phải làm quen với bạo lực, dao, và súng đạn. Trong phim, “Tender Trio” là một trong những băng nhóm đầu tiên. Cái lứa tuổi bồng bột ấy, cùng với những chiến tích “lừng lẫy” và “hiển hách” của những “anh lớn” đã ảnh hưởng không nhỏ đến những đứa trẻ chưa biết nghĩ là gì. Và điều gì đến cũng phải đến, khi những bậc “đàn anh Tender Trio” phải trả giá cho những gì chúng đã gây ra (và không gây ra), một tầng lớp đàn em đã có dịp trỗi dậy, mạnh mẽ hơn, quỷ quái hơn và cũng tàn bạo hơn.

Everlasting Moments

‘Everlasting Moments’ là một bộ phim truyền hình năm 2008 của Thụy Điển đạo diễn bởi Jan Troell, với sự tham gia của Maria Heiskanen, Mikael Persbrandt và Jesper Christensen. Nó dựa trên câu chuyện có thật của Maria Larsson, một phụ nữ giai cấp công nhân người Thụy Điển vào đầu thế kỷ 20, người đã thắng một máy ảnh trong xổ số và tiếp tục trở thành một nhiếp ảnh gia .

Ansel Adams: A Documentary Film

Ansel Easton Adams (thường được biết là Ansel Adams) là một nhiếp ảnh gia lừng danh xứ Mỹ vào những thập niên đầu 1900’s.

Những tác phẩm của Ansel Adams thường được biết đến là những hình ảnh trắng đen chụp các vườn quốc gia miền Tây Hoa Kỳ. Ông vốn là một hội viên của “Sierra Club”, có lúc phục vụ chức hội trưởng, là nhà bảo tồn thiên nhiên. Nếu John Muir được xem là cha đẻ của vườn quốc gia Yosemite thì Ansel Adams chính là người mang mối tình yêu nồng nhiệt của dân chúng Mỹ và Thế giới đến cho vườn nầy. Công ông không kém gì khi so với công của họa sĩ Thomas Moran đối với vườn Q.G. Yellowstone

Ansel Adams chụp rất nhiều ảnh trong Yosemite và nhiều công viên Q.G. khác, thí dụ như Yellowstone, Grand Teton. Khi chụp ảnh ông đo lường ánh sáng và cự ly rất chính xác, quan sát mọi chi tiết với đầy kiên nhẫn, phối cảnh rất cô động. Sau khi chụp xong ông lại có tài điều chỉnh trong phòng tối rất khoa học, thấu suốt nguyên lý “zone system” của màu sắc và ánh sáng để tạo ra một tác phẩm nghệ thuật thu hút con mắt người xem.

Phóng Lớn

Một nhiếp ảnh gia trẻ trong một lần đi dạo trong một công viên, tình cờ chụp lén mấy tấm hình của một đôi nam nữ đang ở đó, người phụ nữ biết được, kiên quyết đòi lấy cuộn phim, không chỉ tại đó mà sau này còn lần theo tới nhà anh để lấy cho được, làm cho anh nghi ngờ. Sau khi rửa phim và phóng lớn ra anh thấy trong hình có một thi thể người chết và một bàn tay cầm súng thò ra từ trong bụi rậm. Tối hôm đó anh tới công viên thì thấy đúng là có một xác chết nằm ở đó, nhưng anh sợ bỏ về. Sáng hôm sau, anh quay lại thì xác chết đã biến mất…

John Vu

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Tám 9, 2018 | Lần cập nhật cuối: Tháng Tám 11, 2018

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button