Nội dung
Câu chuyện xảy ra tại một bệnh viện tâm thần ở bang Oregon nước Mỹ. Sự êm ả đến buồn tẻ bấy lâu nay của viện tâm thần bỗng bị xới tung bởi sự có mặt của Randall McMurphy (hay còn gọi là Mac) – một tội phạm bị tình nghi có dấu hiệu tâm thần và được đưa vào bệnh viện để kiểm tra, giám định. Từ những kẻ thụ động, răm rắp làm theo lệnh của các nhân viên bệnh viện chẳng khác gì tù nhân, các bệnh nhân đã được Mac khơi dậy lòng tự trọng, sự nhận thức về giá trị của một con người, họ đã biết cho nhau, hy sinh vì nhau và họ đã dám phản kháng để tự giải phóng khỏi sự áp đặt.
Trailer
Review
Tất cả chúng ta đều điên mà lị
Năm 2007 đi review một bộ phim sản xuất từ năm 1975 đã là dở hơi biết bay, lại review đúng bộ phim thuộc hàng kinh điển thì đúng là điên. Thì rõ. Tất cả chúng ta đều điên mà lị. Như nhau cả thôi. Bay qua tổ chim Cuckoo (One flew over the cuckoo ‘s nest – Đạo diễn Milos Forman) được thành viên trang web IMDB.com (Internet Movie Database) đánh giá chất lượng 8.8/10. Tớ đánh giá cao hơn, 9/10. Đây là một trong những bộ phim có ảnh hưởng đến tớ nhiều nhất, bên cạnh phim của Charlie Chaplin, Life is beautiful của Roberto Bergini và Kẻ cắp xe đạp của ông nào í không nhớ.
Bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Kenn Keyse, lấy bối cảnh một trại tâm thần trên đất Mỹ, nơi chả cần nói cũng biết, ở đây toàn những người điên. Cuộc sống ở đó là cuộc sống buồn tẻ, dặt dẹo, điên loạn bị hạn chế và kìm chặt bởi mụ y tá trưởng. Và dù những người điên rồ ấy vẫn được (bị bắt) uống thuốc, người xem vẫn có cảm nhận rằng nhà thương điên này đang làm họ điên hơn là chữa chạy cho họ. Đơn giản đây chỉ là nơi giam giữ họ, ngăn ngừa những kẻ bất bình thường ấy lang thang ngoài những đại lộ rực sáng ánh đèn và tấp nập xe cộ, cõi phù hoa của xã hội Mỹ.
Mọi chuyện bắt đầu thay đổi khi McMurphy (do Jack Nicholson đóng), một bệnh nhân mới nhập viện xuất hiện. Anh ta vốn phải lĩnh án tù, nhưng đã giả điên để được vào đây, nơi mà anh ta cho rằng dù sao cũng khá khẩm hơn xà lim chút ít. Đây là nhân vật nổi loạn. Những quy chế, luật lệ của bệnh viện khiến anh ta cảm thấy không thể chịu nổi. Anh ta phá luật. Và khi phá luật, anh ta lôi kéo theo những người điên khác. Con người này thực sự đã đem lại sức sống mới (không phải chương trình những điều phụ nữ cần trên VTV1 đâu) cho nhà thương điên lạnh lẽo. Anh ta kết nối những người điên lại với nhau. Anh ta được những người điên coi như kẻ đứng đầu, người lãnh đạo. Tất nhiên, mụ y tá trưởng không thể ngồi nhìn mọi thứ diễn ra. Những người điên phải trở về với những người điên. Đoạn cuối, Tù trưởng được những bệnh nhân – tù nhân giúp đỡ, đã trốn đi sau khi giải thoát McMurphy khỏi cuộc sống điên loạn này. Trước mắt ông là con đường dài trở lại quê nhà.
Thực tế, bộ phim đã thể hiện chiều sâu của không gian lớn hơn nhiều một bệnh viện tâm thần nho nhỏ. Cái mà nó muốn nói đến là nước Mỹ. Những năm cuối thập kỉ 60, đầu thập kỉ 70 của thế kỉ 20, nước Mỹ đã là nước có nền công nghiệp cực kì phát triển. Thu nhập của họ tăng cao, đồng nghĩa với việc họ phải chịu nhiều áp lực hơn trong cuộc sống. Công việc, những áp lực, nhịp sống vội vã, những mối quan hệ làm ăn khiến họ ngày càng mất liên lạc với nhau. Có điện thoại đấy, nhưng điện thoại không thể nối gần được hai tâm hồn. Xã hội Mỹ phát triển quá nhanh, đồng nghĩa với việc nó cũng đầy những rạn nứt trong nội tại chính xã hội ấy. Kết quả là điên.
Bạn có bao giờ phải chịu những áp lực ? Có bao giờ bạn cảm thấy chán nản, mệt mỏi, không muốn làm gì cả mà chẳng có lý do quái gì ? Có bao giờ bạn cảm thấy mình sống một cách vô nghĩa ?
Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy, trẻ em ở thành thị và các trung tâm kinh tế lớn có khả năng bị các bệnh về tinh thần cao hơn so với trẻ em ở nông thôn, dù trẻ em thành phố đầy đủ hơn và có sự chăm sóc về vật chất tốt hơn. Một điều khác, theo tớ được biết, trẻ em bị tự kỉ phần lớn xuất hiện trong những gia đình khá giả. Xã hội Việt Nam đang phát triển cũng không thiếu những trường hợp trầm cảm (thường thấy nhất ở bọn tuổi teen), hưng cảm, rối loạn nhân cách… Đôi khi, nguyên nhân là do bẩm sinh, do những lý do khác, nhưng không hiểu sao, càng ngày càng có nhiều người điên ?
Những tiến bộ không ngừng của khoa học kỹ thuật đang đưa loài người phát triển thậm chí đến mức dám mon men chạm tới bàn tay của Chúa bằng cách giải mã gien người, thực hiện sinh sản vô tính (clone). Thế giới bị làm phẳng, khoảng cách địa lý không còn nhiều ý nghĩa, khi mà người ta có thể bay từ cực Đông nước Mỹ sang cực Tây chỉ trong 3 giờ, khi đi tàu hỏa từ Hà Nôi vào Tp. Hồ Chí Minh chỉ mất 30 tiếng với tốc độ rùa bò của VN Railway. Nhưng khoảng cách không thể đo đếm được giữa tâm hồn của mọi người thì càng tăng. Nếu không cẩn thận, không giữ được cái nền văn hóa, trong vài chục năm tới, xã hội Việt Nam cũng sẽ có những đổ vỡ không gì cứu vãn được.
Tất cả chúng ta đều điên. Điên vì cái này hay cái khác, kiểu này hoặc kiểu khác, điên nhiều hay điên ít. Một trong những cái mà sau này nghề nghiệp của tớ sẽ phải làm, là hàn gắn con người, ráp nối những mảnh vỡ. Những người điên sẽ tự chữa cho nhau.
Nếu bạn đang yêu, xin đừng xem Bay qua tổ chim Cuckoo.
Truyền tải nhiều giá trị
Xem phim cũ là sở thích mấy ngày nay của tôi, và hôm nay là bộ phim đoạt nhiều giải Oscar danh giá, Bay Trên Tổ Chim Cúc Cu.
Thực ra thì suy nghĩ của tôi rất hạn chế, lại không thông minh nên không hiểu hết nội dung phim, nhưng những cái hay và đặc biệt làm tôi bất ngờ và khâm phục về phim thì bản thân tôi rất rõ ràng.
Randle Patrick McMurphy là một tên tội phạm bị giam giữ trong trại cải tạo, được chuyển tới một trại điều dưỡng bệnh nhân tâm thần vì người ta cho rằng anh có những biểu hiện không bình thường về tâm lý. Với lối hành xử bốc đồng và tính cách đặc biệt, Mc nhanh chóng thể hiện rõ mình là một kẻ “gây nguy hiểm cho xã hội”. Nhưng qua tất cả những hành động mà anh thể hiện, quá rõ ràng Murphy là một người có cá tính, có quan điểm riêng và đặc biệt anh rất quan tâm và tôn trọng cá nhân những người khác.
Vì sao tôi nói là ‘cá nhân những người khác’? Nhìn vào hành xử của Mc khi anh vào trại điều dưỡng, nơi mà không có ai có tâm lý ổn định, nhưng anh lại nhanh chóng hòa nhập, tôn trọng từng thành viên ở nơi này dù bất kì lời nói nào của anh cũng toàn là lời khó nghe, cộc cằn thô lỗ. Ví dụ như đối với chief Bromden – người thổ dân da đỏ cao lớn bị câm và điếc, Mc vẫn sẵn sàng kéo Brom vào sân chơi, từng bước dạy anh ta ném bóng rổ, mặc kệ quản giáo nói mình làm việc vô ích. Hay khi Cheswick trở nên khó chịu và làm ầm ĩ vì không được phát thuốc lá, Mc cũng tìm mọi cách để anh ta trở nên bình tĩnh lại dù rằng lúc đó anh đang rất tức giận với mọi người. Khác với những người được gọi là bác sĩ và y tá luôn coi những người này là bệnh nhân, Mc lại coi họ là anh em của mình. Đặc biệt nhất chính là màn trộm xe đưa ‘đồng bọn’ đi biển câu cá, chính lúc đó tất cả bọn họ mới chính là những người bình thường, làm những việc bình thường, ở trong một môi trường bình thường và hơn hết, họ được coi là những người bình thường.
“- Bỏ cái kiểu đùa giỡn đó đi! Họ lại cho anh vào tù nữa đó!
– Không tù gì đâu, bọn anh điên mà! Họ sẽ chỉ đưa bọn anh vào trại điên nữa thôi, phải không! Haha”
Đây là câu thoại của Mc với cô bạn gái Candy của mình khi đang đưa những người anh em tâm thần ra biển chơi. Lời Mc nói chính là sự thật, đồng thời thể hiện tính cách bất cần và thái độ lạc quan của anh. Tôi thích câu nói này lắm, kiểu như: Tù là nhà tôi, dù tôi có phạm lỗi hay thậm chí giết người thì cũng chỉ bị đưa về nhà mà thôi! =)))
Có một cảnh làm tôi rất xúc động, đó là khi Mc, Bromden và Cheswick bị đưa đi chạy điện não (tôi cũng không biết đây là phương pháp gì), cảnh Cheswick bám chặt Mc không rời và gào lên thảm thiết thực sự rất xúc động. Cheswick nói ông không hề làm gì sai, đúng là thế, nhưng mọi người không coi đó là hành động đúng đắn. Tất cả những gì người ta nhìn thấy chỉ là các bệnh nhân bị Mc rủ rê chơi bài bạc và thua anh hết số thuốc lá cùng một khoản tiền, vì vậy họ phải bị phạt, có nghĩa hành động của Cheswick là ăn vạ, là không chịu tuân thủ nguyên tắc. Nhưng nguyên tắc là do con người tạo ra, Cheswick thấy không công bằng và phỉ nhổ nguyên tắc đó. Đứng trên một góc độ nào đó, Cheswick thực sự đáng bị phạt, nhưng nhìn biểu cảm của ông khi cố bám lấy Mc, thật sự xúc động lắm ấy! Diễn xuất đỉnh, thực sự đỉnh!
Đỉnh điểm của bộ phim là khi Mc gọi điện rủ Candy mang rượu đến thăm anh, từ đây tất cả thành viên trong trại đều vui vẻ uống rượu chơi đùa cả đêm. Mc đã lên kế hoạch bỏ trốn cùng bạn gái, nhưng cuối cùng tôi vẫn không hiểu sao anh lại không đi nữa. Chờ Billy quá lâu sao? Cũng không đúng lắm mà!
Nói đến đây thì phải nói về nhân vật Billy Bibbit, một cậu trai trẻ yếu đuối bị nói lắp đã từng cố gắng tự sát. Trong trại điều dưỡng có một cuộc nói chuyện thường xuyên giữa y tá và các bệnh nhân loại nhẹ, mục đích của cuộc nói chuyện là làm rõ nút thắt về tâm lý của từng người rồi từng bước gỡ dần nút thắt đó. Qua cuộc nói chuyện, có thể hiểu một phần tâm lý Billy bị rối loạn vì cô gái mà cậu thích trước đây, nhưng nguyên nhân sâu xa lại chính vì người mẹ của mình (Cái này thì chưa ai nhắc đến, nhưng nhìn vào y tá Ratched, tôi đoán đến 90% là như vậy). Vì vậy khi gặp gỡ bạn gái Candy của Mc, Billy nhanh chóng có tình cảm nam nữ với cô, lại được Mc cho phép, cứ vậy mà Billy được ‘thoát kiếp trai tơ’ =)))
Tiếp đến là nhân vật phản diện gây nhiều phẫn nộ nhất, Mildred Ratched – big nurse – người có quyền lực nhất ở trại điều dưỡng tâm thần. Trước khi xem phim tôi có nghía qua vài comment bên dưới, trong đó nhiều nhất là lời bình “Ghét con mụ y tá!”. Cá nhân tôi khi xem lại thấy Ratched hành động luôn rất đúng mực, tất cả đều theo quy chuẩn của bệnh viện tâm thần, rất đúng hướng đi giúp các bệnh nhân khỏi bệnh. Vậy bà sai ở đâu? Vì bà là nhân vật phản diện. Các bạn có thể dễ dàng chấp nhận sự ‘bố láo’ và thô lỗ của McMurphy trong khi anh ta rõ ràng có tiền án đánh người nhiều lần, còn tỉnh bơ bảo Candy “Cứ trộm xe nếu thấy cần” khi đến thăm anh, vậy mà lại chửi một y tá luôn chấp hành đúng nguyên tắc điều trị của bệnh viện? Cái nét mà mọi người ghét có lẽ chính là sự đe dọa bằng lý lẽ khiến các bệnh nhân đều nghẹn lời khó cãi của bà, giống như lời bà là tôn chỉ luôn đúng, nghe thì sống mà chống thì chết. Từ khi phim bắt đầu, tôi luôn kiếm tìm điều khiến người xem phẫn nộ về big nurse, nhưng lý do khiến Ratched thật sự ác như một nhân vật phản diện chính là khi bà mắng Billy, tôi chắc chắn về điều này, bởi không một sát nhân nào ác độc bằng kẻ giết người một cách từ từ bằng chính lời hay ý đẹp, à giống như cái câu ‘giết người bằng chuôi dao’ í!
Billy luôn nói lắp, nhưng sau đêm đầu tiên làm đàn ông bước ra, cậu lại nói năng rất liền mạch. Chỉ khi đối mặt với sự chất vấn của Ratched và nghe nhắc đến mẹ mình, Billy lại trở nên hoảng loạn và nói lắp. Từ đây có thể nhận thấy Billy đã phải chịu áp lực lớn từ chính người mẹ của mình, chỉ nghe Ratched nói: “Mẹ cậu và tôi là bạn thân, cậu biết mà!… Cậu muốn nói rằng cậu bị cô ta ép?”, sự sợ hãi của Billy lại tăng đến cực điểm. Qua thái độ của Ratched, có thể nhận ra bà luôn coi Billy như con trai mình, muốn giúp cậu khỏi bệnh, không muốn cậu phạm lỗi lầm, dù cậu sai cũng tìm cách giúp cậu chối bỏ, nhưng sự chuyên quyền và ích kỷ của bà lại vô hình áp lực lên Billy, khiến cậu phát bệnh, trở nên điên loạn dẫn đến tự tử.
Trước cái chết của Billy, Mc là người phẫn nộ nhất, bởi chỉ anh hiểu rõ vì sao Billy lại phải im lìm nằm đó với vũng máu lớn đến vậy. Sự tức giận tuôn trào khiến anh cố gắng bóp chết Ratched, nhưng đổi lại được gì? Billy ra đi mãi mãi, Ratched trở lại với công việc thường ngày, các bệnh nhân quay lại cuộc sống trước đó như chưa có gì xảy ra, chỉ mình Mc bị đưa đi. Anh được đưa trở lại vào ban đêm sau ca mổ thùy não và trở thành người không có suy nghĩ, giống hệt như một các xác sống, vô hồn chỉ biết bước đi. Phải rồi, các bác sĩ đều nói anh không bị điên nhưng là một bệnh nhân nguy hiểm, mà cách để người này không còn nguy hiểm nữa, hoặc là giết chết, hoặc là chặt đứt tư duy. Mà cách thứ hai này, tưởng là đầy tính người, nhưng lại không bằng cả cầm thú!
Kết thúc bộ phim là khi Bromden chờ Mc trở về để cùng trốn ra ngoài, để rồi khi nhìn người anh em của mình đã trở thành phế nhân về tư duy, anh ta đau lòng nhưng cũng tìm cách giúp Mc được giải thoát. Nhiều bạn bảo hành động giết Mc của Bromden là không cần thiết hay không cần phải làm thế, liệu có nghĩ đến cảm nhận của một người như Mc không? Mc là một người phóng khoáng tự do và luôn làm theo ý mình, giờ đây đến chính suy nghĩ của bản thân cũng bị cắt đứt để rồi bị kẻ khác điều khiển như một con rối gỗ không hơn không kém, người đau đớn nhất chính là bản thân Mc! Bromden làm vậy giống như người bạn tâm giao của Mc, đây hoàn toàn là một chi tiết sáng giá của bộ phim, cũng chính là sự phá cách khác hẳn với những bộ phim khác.
Bromden trốn khỏi trại điều dưỡng bằng cách mà Mc từng cố thử, đó là nhấc bồn phun nước bằng đá trong phòng tắm để phá cửa sổ. Bồn đá đó rất nặng, Mc từng cá cược sẽ dùng bồn đá đập vỡ cửa để đưa mọi người cùng thoát ra, dù không thành công nhưng anh vẫn tự hào vì ít nhất mình đã làm thử. Đến ngày hôm nay, Bromden dùng chính cách đó để thoát ra ngoài, cũng như để lại dấu ấn của Mc ở lại nơi ấy, chứng minh đó chính là cách làm của McMurphy.
Cả bộ phim, đáng giá nhất chính là đoạn Mc đưa mọi người đi chơi trên chuyến xe bus và cùng nhau ra biển. Họ không biết lái tàu, không biết xử lý nếu gặp nguy hiểm, trước ánh mắt lo lắng của những người trên bờ, họ vẫn vui vẻ phô bày sự điên rồ của mình. Ít nhất, họ vui vẻ và có cảm giác mình được sống!
Phim hay lắm, dù tôi không khỏi thiếu sót về việc cảm nhận và thấu hiểu nội dung phim, có lẽ cũng do bộ phim thuộc về thế hệ trước tôi nhiều quá! Xem nào, bộ phim này còn hơn tôi 21 tuổi cơ đấy!
Năm 21 tuổi xem một bộ phim hơn mình 21 tuổi. Trải nghiệm này thú vị thật!! :)))
Đánh giá
Nội dung - 9.2
Diễn xuất - 9.2
Nhạc phim - 8.9
Kỹ xảo điện ảnh - 8.1
Thông điệp truyền tải - 9.2
8.9
Chúng ta đều điên
Tất cả chúng ta đều điên mà lị
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề: