Review phim

Bố già

The Godfather

Nội dung

Vito Corleone là ông trùm khét tiếng nhất tại Mỹ lúc bấy giờ. Tuy nhiên, con trai út của ông – Michael sau khi trở về từ Thế chiến II quyết định không tham gia bất cứ phi vụ gì của gia đình. Nhưng trong đám cưới của con gái Vito, một trận chiến khốc liệt nổ ra trong thế giới tội phạm, Michael chứng kiến cha mình bị bọn mafia đối đầu ám sát. Tuy nhiên trong phim Bố Già, cha anh đã may mắn thoát chết trong vụ ám sát này. Sau khi phá vỡ được kế hoạch ám sát lần thứ hai, anh quyết định đi báo thù cho cha mình. Nhưng cũng từ đây. Michael bước vào hành trình đầy máu và hiểm nguy, anh sẽ làm gì? Với tình tiết thắt nút, mở nút cũng như những màn đấu súng nguy hiểm, phim đưa người xem đến với thế giới tội phạm đầy bạo lực, tàn nhẫn với những vỏ bọc giả dối thông qua câu chuyện của một gia đình mafia gốc Italy ở New York. Godfather từng giành 3 giải Oscar và luôn nằm trong số những bộ phim hay nhất của mọi thời đại.

Thể loại Phim hình sự, Phim tâm lý
Đạo diễn Francis Ford Coppola
Tên tiếng anh The Godfather
Quốc gia Phim Mỹ
Năm sản xuất 1972
Thời lượng 175 phút
Diễn viênMarlon Brando, Al Pacino, James Caan
IMDB 9

Thể loại

10 phim hay về đàn ông giúp bạn sống một đời đáng sống - Làm đàn ông có 3 thứ phải có : Sự nghiệp, đam mê và tình yêu . Thiếu một trong ba cuộc đời sẽ vô vị. 10 phim hay về đàn ông sẽ truyền cảm hứng, hun đúc tinh thần cũng như sức mạnh giúp bạn đi tìm chính bản thân bạn và sống một… Đọc thêm
12 phim hay về Mafia nổi tiếng trên thế giới - Mafia thì nước nào cũng có, tuy nhiên mỗi nơi sẽ có cách hoạt động, hành xử cũng như "tinh thần mafia" khác nhau hoàn toàn. Như mafia Ý lạnh lùng, quyết đoán, hoạt động kín kẽ và không từ mọi thủ đoạn, Yakuza Nhật thì tuân thủ nguyên tắc cho đến chết, hội Tam… Đọc thêm
19 phim hay về cuộc sống nên xem trong đời - Cuộc sống như một tấm gương phản chiếu , u ám khi bạn có góc nhìn tiêu cực, chán nản và ngược lại đầy màu sắc nếu bạn lạc quan, tin vào bản thân, tin vào điều tốt đẹp. 19 phim hay về cuộc sống chứa đựng các bài học giá trị được truyền tải qua… Đọc thêm

Trailer

Các review được Vnwriter tổng hợp từ nhiều nguồn. Báo cáo vi phạm, bản quyền, spoiler tại trang Liên hệ hoặc Bản quyền.

Review

Một thế giới xã hội đen không chỉ có máu và thuốc súng

John Vu 9.5 Vnwriter

Mở đầu tác phẩm là câu nói đặc mùi thuốc súng của Balzac: ”Đằng sau mọi gia sản kếch sù là một tội ác” .

Nhưng trong “Bố Già” đằng sau mọi gia sản kếch sù không chỉ là tội ác mà còn là máu, là cái nhìn chất vấn vào lòng người, vào xã hội, vào tất cả định kiến mà con người tự đặt ra và cho phép bản thân mình tự hả hê.

Amerigo Bonasera – lão chủ tiệm mai táng tin tưởng vào pháp luật công minh sẽ trừng trị 2 thằng ôn thần “cưỡng đoạt hụt” con gái yêu dấu của lão, khiến con bé phải bể cả cằm, nằm nhà thương hàng chục tuần mà dưỡng bệnh. Thế nhưng ông bà, chú bác của 2 tên đó là “người nhà” là thân tín của nhiều tầng lớp thượng lưu, chúng có thể thoải mái thích đấm ai thi đấm rồi nhận án treo mà tha hồ ung dung. Lão Amerigo Bonasera cay đắng, lão muốn dạy cho chúng một bài học, thế nhưng lão đâu phải là chánh án quan tòa mà có thể tống chúng vào ngục cho đến rục xương

Ông chủ lò bánh Nazorine lo sợ đứa con gái phải lòng tên tù Enzo đang làm công tại lò bánh rồi sẽ khổ vì nay mai hết hạn lao dịch Enzo sẽ phải ngồi tù tiếp. Lão đau khổ vì không biết phải làm thế nào, lão đâu phải là chánh án quan tòa mà có thể ân xá cho Enzo

Tuyệt vọng ư Amerigo Bonasera, Nazorine ? Chuyện đó chẳng bao giờ xảy ra, nhất là ở Mỹ, nhất là cả 2 lão đều quen biết với Bố Già, với Vito Corleone, với cái “còn hơn cả luật pháp” !Hai tên côn đồ đánh con lão Amerigo Bonasera đơn giản là bị vài tay hộ pháp chơi quyền anh đấm cho vỡ mặt, tên tù Enzo thì ân xá trong vòng một tháng vì có đứa khác “ở tù giùm”. “Chánh quan tòa nhân dân” Vito Corleone tức Bố Già là tác giả kết thúc câu chuyện bế tắc của hai lão già , một chủ tiệm mai táng, một chủ lò bánh như thế .

Vito đơn giản là một lão già gốc Ý, người gốc Sicily, tóc lướm thướm màu muối tiêu, chân tay chậm chạp, cái giọng đặc quánh như thể lúc nào cũng có đườm trong cổ y. Nhưng cái chất đườm ấy vô cùng ” trong lượng” khiến giới chính trị và giang hồ phải kiên dè.

Vito trầm tính, ít nói. Michael cũng ít nói, lầm lì, dò xét y hệt cha mình. Luca Brasi, tay thân cận trung thành của Vito cũng kén lời, mặt lạnh như tờ 100 dollar được phũ phẳng phiu cất ngay ngắn trong ví hắn. Mà cớ gì phải nói nhiều nhỉ, tiếng súng thay lời nói !

Âu cũng lạ khi cả gia đình gần như nắm trọn cả thế giời ngầm của Nữu Ước nhưng quy tắc bất di bất dịch là không bán ma túy , để rồi Vito lĩnh 4,5 phát đạn sém chầu ông bà, Michael trốn sang Ý để tránh sự truy kích của đám Sollozzo, Tattaglia và cả cảnh sát do y đã bắn chết một tay cảnh sát tham nhũng, ăn hối lộ của Sollozzo.

Đứng trước cái chết của Sony, đứa con đầu của mình, Bố Già Vito vẫn bình thản giản hòa với kẻ thù để đảm bảo an toàn cho Michael, vẫn dàn xếp, khỏa lấp các tay chính trị gia xóa án tích, vẫn cẩn mật bảo vệ bà nhà, con gái út. Không phải y không biết tức, không biết giận, không biết trả thù mà là cái lý trí của y lấn át được cái tâm tính của bản thân. Trả thù để nhận cái chết thứ hai của Michael , để cả gia đình bị giới giang hồ truy sát ư , cái giá cho sự nóng nảy như thế quá đắt !

Cái dụng ý đầy suy tính mà nhà văn Mario Puzo xây dựng là hình mẩu nhân vật, quá thâm, quá sâu. Michael là bản thể hoàn hảo, thậm chí tàn nhẫn hơn cả Vito là người sẽ thực hiện tất cả những gì Bố Già từng đạt, từng muốn , từng bảo vệ. Thanh trừng phe phản phúc, tiêu diệt cánh Tattaglia, củng cố thế lực gia đình dường như chỉ là cái bắt đầu đối với Michael !

Đọc “Bố Già”, xem “Bố Già” ta bắt gặp mô típ quen thuộc trong hàng loạt phim ảnh về thế giới ngầm, về giang hồ, về xã hội đen ở xã hội Mỹ lúc bấy giờ. Thế nhưng phải soi, phải tìm kiếm, phải ngẫm từng chương, từng đoạn trong “Bố Già” ta mới thấy hình tương mà Mario Puzo xây dựng hoàn toàn khác biệt, đầy tính triết lí, châm biếm và sâu cay.

Vito Corleone từ nhỏ đã phải trốn tránh sự truy đuổi của đám giang hồ Sicily, từng bắn chết tay xã hội đen tại khu nhập cư thuở Vito vừa sang Mỹ vài năm. Thế nhưng không như mô-típ chung của các tay anh chị gốc Ý – cướp bóc, ma túy, tống tiền , Vito Corleone hoàn toàn khác biệt ! Một ông trùm với cái đầu lạnh, giữ vững lập trường, coi trọng bạn bè, lời hứa và hơn hết là gia đình.

“Một người đàn ông không dành thời gian ở cùng với gia dình mình sẽ không bao giờ có thể là một người đàn ông chân chính” và “gia tài duy nhất trên đời này chính là con cái, lớn hơn tất cả mọi tiền bạc và quyền lực trên đời.”

“Tình bạn là tất cả. Tình bạn tài năng hơn cả nhân tài. Đứng trên cả chính quyền cai trị. Nó xếp gần như ngang bằng với gia đình.

“Luật sư với chiệc cặp táp có thể đánh cắp nhiều tiền hơn kẻ mang súng.”

Đúng là tôi có rất nhiều bạn bè trong giới chính trị nhưng họ sẽ không thân thiện đến thế nếu họ biết việc kinh doanh của tôi là ma túy chứ không phải cờ bạc, là thói hư mà họ cho rằng vô hại. Nhưng ma túy, đó là một công việc kinh doanh bẩn thỉu.”

Michael, chống đối lại gia đình, đi lính trong khi bố là mafia. Giành nhiều huân chương, được nhà nước tôn vinh , tự hào để rồi cũng lĩnh án truy nã khi bắn hạ tay cảnh sát tham nhũng, để rồi chứng kiến anh trai, cha bị bắn, bị giết. Nhân vật này là cả nghệ thuật trong tác phẩm , từ bước ngoặt thay đổi từ anh lính sang một con người cầm súng bắn chết kẻ thù để rồi từ từ bước chân vào thế giới ngầm và leo lên ngôi đầu

“Fredo, anh là anh trai của em và em yêu quý anh. Nhưng anh đừng có bao giờ chống đối lại gia đình thêm lần nữa. Đừng bao giờ.”

“Đừng bao giờ căm ghét kẻ thù. Điều ấy sẽ ảnh hưởng đến phán quyết của anh.”

Khi Michael Corleone bị Senator Pat Geary ức hiếp, anh chỉ đơn giản đáp “Yêu cầu của tôi là… không có gì hết.”

Anh giữ Ngài Geary trong giới hạn của mình và đi đúng nước cờ, và cuối cùng ngài chính trị gia ấy nằm gọn trong túi anh.

Michael Corleone: “Đừng hỏi tôi về công việc kinh doanh của tôi!” Đừng trao đổi việc kinh doanh của cá nhân hay của gia đình bạn với người lạ. Bạn sẽ không bao giờ biết được ai sẽ dùng thông tin này vào mục đích riêng của mình. Tốt hơn cả là bạn hãy giữ kín việc kinh doanh không cho người ngoài biết.

Có đôi khi, bạn chỉ cần nhớ đơn giản rằng, “đó không phải là chuyện cá nhân, đó là việc làm ăn.”– Michael Corleone.

Có thể nói “Bố Già” không còn đơn thuần là áng văn khai mở cái nhìn chân thật về thế giới mafia vốn dĩ được đánh giá là không có gì ngoài máu và thuốc súng, tác phẩm đã nêu bật lên tình bạn, sự gắn kết gia đình có sức mạnh to lớn như thế nào. Các hình mẫu nhân vật như Vito, Michael được khai thác, lột tả một cách sâu sắc, để lại cho người đọc nhiều bài học cuộc sống đáng suy ngẫm.

Điều John Vu đánh giá cao là phim chuyển thể từ tác phẩm “Bố Già” quá hoàn hảo, tâm lý nhân vật, cũng như cốt truyện được thể hiện chi tiết, mang tính truyền tải tốt, xứng đánh là một bộ phim kinh điển của mọi thời đại !

Godfather - Đàn ông còn mong gì hơn thế?

Nham Hoa 9.0 Moveek

“Godfather” vẫn được xem như một trong những bộ phim hay nhất mọi thời đại; vẫn đứng thứ hai trong danh sách 100 phim xuất sắc nhất của Viện phim Mỹ; vẫn đứng thứ hai trong Top 250 phim cao điểm nhất của IDMB. Và tiếp tục được không ít đàn ông gọi tên, khi được hỏi về bộ phim mình yêu thích nhất.

“Rốt cục thì vì sao, “Godfather” lại quyến rũ cánh đàn ông đến thế?”

Điều đầu tiên và trước hết: Thể loại! Gangster, và phim gangster, là một món đặc sản Hoa Kỳ. Phim gangster nói chung, với súng ống, máu lửa, và tình huynh đệ, luôn là một thứ adrenaline, một liều thuốc rất dễ gây nghiện đối với đàn ông. Mà Godfather thì lại là Bố già của thể loại gangster, nên chuyện đàn ông mê Godfather không có gì là khó hiểu. Mê đến như Cổ Long, viết cả một cuốn tiểu thuyết kiếm hiệp “Lưu tinh, hồ điệp, kiếm” – lấy nguyên mẫu nhân vật chính từ Don Corleone.

Điều thứ hai, “Godfather” là một (đúng ra là hai) câu chuyện chỉ dành riêng cho đàn ông. Câu chuyện thứ nhất là về một chàng trai, bằng trí tuệ, bằng dũng khí, bằng sự tàn nhẫn, vươn lên ngôi vị ông trùm của thế giới mafia. Cái giấc mơ vùng vẫy giang hồ ấy hẳn đã từng đeo đuổi không ít gã trai suốt một thời niên thiếu. Câu chuyện thứ hai, thật hơn, đời hơn, và gần gũi hơn, là về tình phụ tử. Về một đứa con ghé vai gánh vác cơ nghiệp cả đời của người cha khi gia đình gặp cảnh hiểm nghèo. Nhiều người đàn ông chưa chắc đã nhận ra điều đó, nhưng tự đáy lòng mình họ lại đồng cảm với nó một cách rất bản năng.

Điều thứ ba, và có lẽ cũng là cốt lõi: “Godfather” có một tuyến nhân vật nam hết sức đặc biệt, nếu không muốn nói là hùng hậu. Từng người đều là điển hình cho một mẫu đàn ông. Trong số họ, có người gần như hoàn mỹ như Michael, và có những người khiếm khuyết như Santino hoặc Johnny (Fontane), nhưng không ai có thể phủ nhận rằng họ rất rất điển hình.

Hai nhân vật chính, Vito và Michael Corleone, chia sẻ một phẩm chất chung: họ là những nhà lãnh đạo bẩm sinh. Óc khôn ngoan, lòng quyết đoán, và sự nhẫn tâm cho họ đứng trên người khác; và khi trời sập xuống, đã có họ nghiêng vai chống đỡ. Nhưng cả hai, xét cho cùng, đều là những người hùng bất đắc dĩ. Vito, nếu không bị Don Fanucci dồn đến đường cùng, hẳn đã an phận là một anh bán rau quả. Michael, nếu không phải chứng kiến cảnh bố mình thập tử nhất sinh, hẳn sẽ không bao giờ dính dáng đến sự vụ của nhà Corleone. Chỉ khi bước vào hiểm cảnh, những tố chất siêu việt ấy mới trỗi dậy trong họ.

Nhưng giữa Vito và Michael không phải không có khác biệt. Vito là dân Ý gộc, đại diện cho truyền thống; còn Michael, sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ, đại diện cho sự giao thoa của hai nền văn hóa. Mặc dù vậy, nhưng Michael lại thoải mái như cá gặp nước khi trở về nguồn cội. Khí chất của anh không chỉ bộc lộ khi hạ sát kẻ thù hay khi điều hành gia tộc, mà còn được thể hiện (trong những tháng ngày lưu lại đất Sicily) theo một cách khiến cánh đàn ông không khỏi thở dài ngưỡng mộ. Cái cách Michael chinh phục Apollonia và gia đình cô, nó vừa tôn nghiêm, vừa hùng hồn, vừa câm lặng. Cái cách Michael đối diện với ông bố vợ tương lai, với các bà cô bà bác bà dì lẽo đẽo theo chân đôi tình nhân trẻ, nó vừa tự tin, vừa điềm tĩnh, vừa ngạo mạn.

Người viết tin rằng, khi xem tới đoạn này, nhiều anh con giai chỉ ao ước rằng mình có một nửa cái khí phách của Michael mỗi lần ló mặt đến nhà nhạc phụ tương lai. Rõ ràng, Michael là hiện thân của sự mẫu mực trong mọi vai trò mà anh gánh vác: là người lính, anh được phong anh hùng; là đứa con, anh kế thừa xuất sắc cha mình; là người chồng, anh có sự tôn sùng tuyệt đối từ Apollonia; là ông trùm, anh được đàn em kính nể và kẻ thù sợ hãi. Chưa hết, anh (trong ngoại hình của Al Pacino) lại đẹp trai lồng lộng, và ăn mặc cũng cực kỳ khí phái nam nhi (hay tất cả đàn ông ngày đó đều ăn mặc như thế, khác hẳn phong cách metrosexual nhan nhản thời nay?) Đời một thằng đàn ông, thử hỏi còn mong gì hơn thế?

Nếu Vito và Michael là một cặp đôi của sự tương đồng thì Santino Corleone và Tom Hagen lại là một cặp đôi của sự đối lập – từ địa vị đến ngoại hình và tính cách. Sonny là con đẻ, Tom là con nuôi; Tom người Mỹ tóc vàng, Sonny dân Ý tóc đen; Tom là văn quan, Sonny là võ tướng; Tom lạnh lùng trầm tĩnh bao nhiêu thì Sonny máu nóng, bốc đồng bấy nhiêu. Cái tỉnh táo đầy lý trí của Tom và cái hoang dại rất bản năng của Sonny đều là hai mặt của người đàn ông, và chúng ta có thể không thấy mình rõ lắm ở con-người-siêu-nhiên Michael, nhưng sẽ thấy mình ít nhiều ở một hoặc cả hai nhân vật này.

Một nhân vật khác cũng không kém phần đặc biệt của “Godfather”, chính là Johnny Fontane. Trở lại với câu hỏi “đàn ông còn mong gì hơn thế”: có lẽ không ít người, nếu không mong được như Michael, sẽ mong được như Johnny Fontane. Johnny, mà giọng ca êm như nước và mềm như lụa khi ca bài “I have but one heart” đã thuốc chết bao trái tim thiếu nữ trong đám cưới của Connie lúc đầu phim.

Johnny, mà nguyên mẫu, theo giang hồ đồn đại, chính là Frank Sinatra lẫy lừng một thuở, thần tượng của vô vàn cô bé tuổi ô mai. “Godfather” phim không dành cho Johnny nhiều đất diễn, nhưng “Godfather” truyện lại khắc họa rất kỹ chân dung gã kép đào hoa, mà đoạn anh Johnny cua bé Sharon, dưới ngòi bút Mario Puzo và qua bản dịch Ngọc Thứ Lang, xứng đáng gọi là tuyệt tác về nghệ thuật à ơi, và cả về đạo hạnh của một gã lãng tử phong tình.

Puzo đã vẽ nên những cá tính lớn, và điều còn lại mà Coppola phải làm là chọn mặt gửi vàng cho từng vai diễn.

Cả Corleone bố và Corleone con đều đáng gọi là những con phượng giữa bầy gà, và Coppola không có giải pháp nào khác ngoài việc đi tìm chim phượng để vào vai chim phượng. Con phượng già tên là Marlon Brando, cây đại thụ, kẻ mở đường, biểu tượng về sức hút nam tính của điện ảnh. Chọn người đàn ông đàn ông nhất Hollywood vào vai Don Corleone, Coppola không sai lầm và không thể sai lầm. Cái giỏi của ông là đôi mắt xanh đã nhìn ra hình hài chú phượng non đang trổ mã trong Al Pacino (Michael chỉ là vai chính thứ hai trong bộ phim thứ ba của chàng diễn viên vô danh). Và nếu tính cả phần hai, với De Niro trong vai Vito thời trẻ, thì có thể nói Coppola đã được trời phú cho một bộ ba thần thánh để biến câu chuyện truyền kỳ của nhà Corleone thành bất tử.

Tom Hagen – consigliori thời bình

Tịnh Nguyễn 9.5 Blogger

Đã xem 2 phần phim và đọc truyện Bố già, cũng như đọc những phân tích đánh giá về nội dung và nhân vật. Hầu như, tất cả những phân tích và đánh giá đa phần đều tập trung vào gia đình mafia Corleone và hướng vào 2 nhân vật kiệt xuất: “Bố già” Vito Corleone (Marlon Brando) và “hoàng tử tội ác” Michael Corleone (Al Pacino). Cũng rất dễ hiểu, bởi vì đó là 2 nhân vật hoàn hảo. Riêng mình lại ấn tượng nhiều hơn với Tom Hagen – consigliori thời bình. (Robert Duvali)

Tom Hagen là con nuôi của bố già Vito Corleone, là một trong 2 người được ông tin tưởng nhất, bên cạnh Michael. Tom nhận chức Consigliori sau khi Genco Abbandando – Consigliori thời chiến, qua đời vì bệnh ung thư. Khác với Genco, Anh là dạng quan văn: không giỏi đấm đá, không biết dùng súng, không lỳ lợm bằng, không có dòng máu Sicily trong người nhưng được cái là am hiểu hoạt động của gia đình, rất trung thành, học vấn cao: tốt nghiệp ngành luật, và trước khi trở về làm cho gia đình, đã làm cho các công ty luật. Trong thời buổi kinh tế thị trường ngày nay, có thể gặp dạng nhân vật này rất nhiều .

Trong truyện, Tom Hagen được miêu tả là một người có tầm nhìn xa, có sự lạnh lùng và điểm tĩnh cần thiết để có thể duy trì được bình an cho gia tộc. Trong phim, vai diễn Tom Hagen do Robert Duvalli đóng. Mình ấn tượng ở Tom Hagen trên phim với đôi mắt có chiều sâu, thông minh và ấm áp khác hẳn với đôi mắt lạnh lùng của Michael.

Một số đoạn văn miêu tả tính cách Tom Hagen:
– xin giới thiệu qua công việc Consigliori: :“ vô cùng phức tạp. Cố vấn kiêm phụ tá là nguyên tắc. Còn là bạn đồng hành tin cẩn, còn suy nghĩ thay cho ông Trùm. Đi xe thì đích thân làm tài xế, dự “hội nghị” thì vừa làm bí thư gom hồ sơ, vừa là bồi mang đồ ăn thức uống và đốt thuốc. Biết hết những gì ông Trùm biết, nên chỉ một mình hắn là “phá” được ông Trùm và cả tổ chức.”
– “Có những vụ consigliori phải đại diện cho thủ lãnh để đứng ra thu xếp một vụ…nhưng lại chẳng thể công khai để gây phiền phức sau này.”; – “Từ hồi biết hắn, chưa bao giờ nàng thấy Tom Hagen cáu giận, gắt gỏng.”;
– “típ người như Vito Corleone, Tom Hagen thì có đẹp như tiên cũng chẳng có kí lô nào trong công chuyện làm ăn. Hoàn toàn là việc tư, việc cá nhân…”
– “Nhè gặp cha này thì chán quá, hắn đời nào chịu nói thực!”
Điểm yếu của Tom Hagen – Consigliori thời bình lộ rõ ở đầu phim khi bị thằng người Thỗ Sollozzo bắt cóc dễ dàng và trong lúc tra khảo khá là cóng, điều này không bao giờ thể hiện ở Michael – người thừa kế vĩ đại của gia tộc Corleone.

Có lẽ, vì thế nên mình lại thấy Tom là một nhân vật rất đời và gần gũi đã là con người ai mà không có đôi lúc run sợ, hay mắc sai lầm. Phần lớn nhiệm vụ mà Bố già và Michael giao Tom, anh đều giải quyết gọn gàng.

Mỗi người sẽ có mỗi cảm nhận khác nhau về bộ truyện phim quá nổi tiếng như Bố già, có người yêu say đắm thế giới mafia, hay bị thu hút với vẻ uy nghiêm của Bố già Don Vito, sự lạnh lùng, lỳ lợm của Michael, cá nhân tôi lại thích sự điềm đạm của Tom Hagen.

Đánh giá

Nội dung - 9.7
Diễn xuất - 9.7
Nhạc phim - 9.8
Kỹ xảo điện ảnh - 9.3
Thông điệp truyền tải - 9.7

9.6

Tuyệt vời

Một tác phẩm kinh điển với nhiều triết lý cuộc sống đáng suy ngẫm.

User Rating: 4.73 ( 6 votes)

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Năm 20, 2018 | Lần cập nhật cuối: Tháng Bảy 26, 2019

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button