Review phim

Câu Chuyện Về Chú Chó Hachiko

Hachiko A Dog's Story

Nội dung

Hachiko – một chú chó Akita, có màu lông trắng, giống đực, được giáo sư Ueno của trường ĐH Tokyo đem về nuôi lúc vừa tròn 2 tháng tuổi. Lúc bấy giờ, giống Akita thuộc hàng giống hiếm, rất khó tìm khiến giáo sư Ueno càng tự hào về Hachiko hơn. Hàng ngày, giáo sư Ueno phải đến trạm Shibuya đón xe lửa đến giảng đường dạy học. Buổi sáng trong phim hd này, Hachiko tháp tùng giáo sư và tiễn ông ở trạm xe lửa và buổi chiều lúc tan trường, Hachiko nhanh chân chạy đến trạm xe lửa, quẫy đuôi chờ giáo sư bước ra. Nhưng hạnh phúc đó cũng chẳng tiếp diễn được lâu, ông chủ Hidesaburo Ueno bị một cơn nhồi máu cơ tim và ra đi đột ngột ngay tại nơi làm việc. Để lại chú chó Hachiko một mình ở nhà ga Shibuya, ngày nào cũng đứng đợi ông chủ đi làm trở về. Và cho dù Hachiko đáng thương có chờ đợi như thế nào đi nữa thì vĩnh viễn ông chủ của nó cũng không trở về. Nhưng bằng chính trái tim của mình Haciko đã mãi mãi giữ hình ảnh của giáo sư để chờ đợi sự trở về của ông trong suốt mười năm trời cho dù trời mưa, nắng gắt hay bão tuyết. Nó chỉ chịu từ bỏ khi trút hơi thở cuối cùng của mình trên nền sân ga lạnh lẽo.

Thể loại

9 phim hay về loài vật đáng xem trong đời - Từ chú chó trung thành Hachiko, cuộc đời huyền thoại của chú ngựa Secretariat cho đến sự nỗi dậy của loài khỉ được tái hiện trong 9 phim hay về loài vật sẽ làm mãn nhãn người xem với kịch bản đầy mới lạ, và kỹ xảo điện ảnh đầy sáng tạo khi xây dựng hình… Đọc thêm
15 phim hay về loài chó đầy cảm động - Chó là loài vật trung thành và vô cùng đáng yêu, được thuần hóa và đồng hành cùng chúng ta qua hàng thế kỷ. 15 phim hay về loài chó là những câu chuyện đầy cảm động đã làm thổn thức bao trái tim của người yêu quý loài vật dễ mến và vô cùng… Đọc thêm

Trailer

Các review được Vnwriter tổng hợp từ nhiều nguồn. Báo cáo vi phạm, bản quyền, spoiler tại trang Liên hệ hoặc Bản quyền.

Review

Một câu truyện nhẹ nhàng, cảm động

Khánh Hưng 7.5 Blogger

Chó – người bạn thân thiết nhất của con người. Loài chó được biết đến với sự thông minh, lòng trung thành, sự quả cảm … Đã không ít lần các nhà làm phim đưa hình tượng các chú chó lên màn ảnh, đa số nêu cao lòng trung thành và tình cảm thân thiết của những chú chó với người chủ của chúng. Một vài trong số đó dựa trên những hình tượng có thật, đó là những chú chó được mọi người biết đến và ghi nhớ với lòng trung thành hiếm có. Một trong số đó là Hachiko – một chú chó nổi tiếng khắp Nhật Bản và được xem như là một biểu tượng của lòng trung thành.

Năm 1924, Hidesaburō Ueno (上野 英三郎), giáo sư thuộc khoa nông nghiệp trường Đại học Đế quốc Tokyo (nay là trường Đại học Tokyo), đã mua và đưa Hachi (tên thân mật của Hachikō) tới Tokyo. Trong suốt khoảng thời gian sau đó, chú và ông chủ đã trở thành những người bạn không thể tách rời. Mỗi buổi sáng, Hachikō theo tiễn chủ tới tận nhà ga Shibuya nơi ông chủ đi tới nơi làm việc và chờ đón ông tại đó đến khi ông trở về vào cuối ngày. Những ngày hạnh phúc đó cứ tiếp diễn cho đên một ngày định mệnh vào tháng 5 năm 1925, khi ông chủ bị nhồi máu đột ngột, từ trần ngay tại nơi làm việc và vĩnh viễn không thể nào trở về nhà. Nhưng như thường lệ, Hachikō vẫn tới nhà ga để chờ đón người bạn thân thiết của mình song không thấy. Và cứ mỗi ngày sau đó, chú vẫn đều đặn lặp lại trong vòng hơn 10 năm dài. Cuối cùng , ngày 8 tháng 3 năm 1935, Hachikō đã có thể gặp lại người chủ của mình. Chú chết tại chính nơi hơn 10 năm trước chú đã tiễn ông chủ đi lần cuối cùng do mắc chứng giun chỉ. Xác Hachikō đã được nhồi bông và bảo quản tại Bảo tàng tự nhiên quốc gia thuộc quận Ueno, Tokyo(nguồn: Wikipedia)

Hachiko: A Dog’s Story là bộ phim thứ 2 kể về câu chuyện của Hachiko, là bản làm lại của bộ phim Nhật Bản Hachikô monogatari năm 1987. Dĩ nhiên, kịch bản phim phải được chế biến lại đôi chút để phù hợp với bối cảnh phim. Hachi là một chú chó nhỏ được gửi sang Mĩ bằng đường tàu hỏa, nhưng khi xuống tàu thì người ta làm rơi mất lồng nhốt cậu và cậu bị lạc. Tại đây, câu gặp Parker Wilson (Richard Gere) – một giáo sư đại học đang đi bộ về nhà. Parket đưa Hachi về nhà, Cate Wilson (Joan Allen) – vợ ông ban đầu không thích sự có mặt của chú chó nhỏ nên đã bảo Parker đăng tin tìm chủ của chú. Nhưng khi thấy Parker trở nên thân thiết với Hachi, Cate đã từ bỏ ý định tìm chủ của Hachi, và Hachi trở thành một thành viên trong gia đình Wilson. Parker gọi cậu là Hachi-ko, dựa theo số 8 được khắc trên vòng đeo cổ của câu, mang ý nghĩa may mắn trong văn hóa phương Đông. Sau đó câu chuyện được giữ nguyên như trên. Hàng ngày, khi Parker đến ga tàu để đi làm thì Hachi lẽo đẽo theo sau để tiễn chủ, đến cuối ngày thì chạy ra tận ga để chờ chủ về…. Cho đến một ngày, Parker đột ngột lên cơn đau tim và từ trần, vĩnh viễn không bao giờ trở về nhà. Nhưng Hachi không biết điều đó, ngày ngày đúng giờ cậu đều chạy đến ga tàu , ngồi chờ chủ nhân hi vọng một ngày nào đó sẽ trở về. Cứ như thế ròng rã suốt 10 năm trời, Hachi vẫn không nguôi hi vọng được chào đón người chủ của mình trở về, chú vẫn chờ, vẫn đợi… Và vào một đêm tuyết trắng lạnh lẽo, Hachi đã được gặp lại người chủ thân yêu của mình, chú chìm vào giấc ngủ vĩnh hằng và lên thiên đàng.

Hachiko: A Dog’s Story là một câu truyện nhẹ nhàng, cảm động, cứ chầm chậm chầm chậm trôi đi trong tiếng nhạc piano dịu nhẹ, dễ hiểu dễ ngấm dù không quá sâu sắc lẫn ấn tượng… Đúng như tên gọi, bộ phim kể về cuộc đời Hachiko, từ ngày cậu được nhận về tới ngày cậu ra đi. Bên canh Hachiko là gia đình giáo sư Wilson với 3 người: vợ chồng giáo sư và cô con gái (sau này thêm người con rể và một cậu nhóc nữa được sinh ra). Mọi thứ cứ lần lượt diễn ra, một cách đơn giản đến mẫu mực. Chi tiết phim không khoa trương, không cầu kì, không thể hiện tình cảm thái quá mà tự nhiên, dễ hiểu. Điều đó khiến cho mạch phim cứ như trôi tuồn tuột, không có ấn tượng hay cao trào gì sâu sắc, nhưng bù lại cảm xúc được thể hiện và truyền tải thật. Parker yêu quý Hachiko, đưa cậu về nhà lén lén lút lút, rồi nuôi cậu, cho cậu một chỗ trú bên cạnh gia đình, đi tìm chủ của Hachiko nhưng vẫn yêu quý, vui đùa cùng cậu, và Hachiko trở thành 1 phần của gia đình lúc nào không hay. Sự xuất hiện của Hachiko gây ấn tượng khác nhau đến từng thành viên trong gia đình, và dĩ nhiên không phải ai cũng thích thú với chú. Cate không muốn nuôi một chú chó, và bà muốn chồng tìm cho được chủ của chú. Nhưng khi thấy chồng vui đùa bên chú chó một cách vui vẻ thoải mái đến mức hồn nhiên thì bà không đành lòng, dù đôi lúc chính Hachiko lại tạo nên một rào cản giữa Parker và gia đình. Rào cản ấy được xây dựng tinh tế qua những biểu hiện nhỏ nhặt nhưng dễ nắm bắt. Và dù không hẳn là hài lòng, bà vẫn vui vẻ chung sống bên chú, tâm sự linh tinh với chú. Khi chồng mất, bà càng đồng cảm với Hachiko, càng hiểu được tấm lòng của chú với chồng mình. Con gái và con rể của Parker yêu quý Hachiko, khi bố mất cả 2 đã nhận nuôi chú, nhưng cuối cùng vẫn để chú ngày ngày ra đi thực hiện bổn phận của chính mình. Bên cạnh gia đình Wilson còn có những người khác: giáo sư Ken, bạn của Parker, người Nhật, hiểu biết văn háo phương Đông và về Hachiko; Jess, người bán dạo bên ga tàu và Carl, người bán vé tàu, ngày ngày vẫn gặp giáo sư Parker cũng chú chó nhỏ trung thành… Những nhân vật phụ bên ngoài chứng kiến câu chuyện của Hachiko, thể hiện cái nhìn khách quan về chú, không thiếu cũng không thừa. Mẫu mực, dễ xem và dễ hiểu, đó là điều tôi cảm nhân được từ bộ phim.

Đó là về con người, còn chuyện của chú chó thì sao? Hachiko: A Dog’s Story cũng xây dựng hình tượng Hachiko một cách chân thực, không cường điệu hay cầu kì. Hachiko “diễn xuất” rất tự nhiên và đơn giản, thể hiện cuộc sống một chú chó bình thường không có gì đặc biệt. Khi được nhận nuôi chú quấn quít bên chủ, chú đào đất qua hàng rào để chạy theo chủ ngày đầu ông đi làm, chú không ham trò đuổi theo quả bóng, chỉ nhìn xa xăm chờ đợi khi cảm thấy bị bỏ rơi, chú ngày ngày chờ đợi chủ về, đêm đến nằm một mình lạnh lẽo dưới toa tàu cũ. Đôi lúc máy quay đặt vào góc nhìn của chú, thể hiện góc nhìn của chú trước thế giới, không nhiều nhưng đủ để người ta hiểu được cảm nhận của chú về thế giới xung quanh. Khác với các chú chó khác, Hachiko hầu như không bao giờ sủa. Tất cả được thể hiện qua hành động, qua ánh mắt, câm lặng nhưng chân thực và dễ ngấm. Cảnh Hachiko ngày ngày đứng chờ chủ thực sự khiến người xem cảm động – hay ít nhất là suy ngẫm. Có một chi tiết lạ là trong suốt bộ phim, Hachiko không hề đeo vòng cổ. Lúc đầu tôi thấy thật vô lí – ở Mĩ nếu chó không đeo vòng cổ rất dễ bị bắt vì bị nghi là chó vô chủ. Nhưng đến khi thấy cậu bị buộc dây vào cổ rồi, tôi mới hiểu vì sao đạo diễn lại để chú tự do như vậy. Một chi tiết nhỏ nhưng được đưa vào đúng lúc khiến ta hiểu hơn về Hachiko – tự do nhưng rất mực trung thành, và Parket – người chủ tuyệt vời coi chú như một người con của mình vậy.

Phim chỉ có thế. Phim sử dụng tông màu ấm hơi tối, hơi gợi sự trần mặc. Quay phim khá tốt, có những góc quay đơn giản nhưng khá đắt, bối cảnh phim giới hạn trong một con phố, một ngôi nhà, một cửa ga nhưng lại có những đường ray hun hút, ngay cả ngôi nhà, con phố hay cửa ga đôi khi cũng rất xa xăm, rất thênh thang. Âm nhạc của phim với những bản nhạc piano dìu dịu, nhè nhẹ càng làm cho bộ phim thêm trầm và chậm. Phim casting tốt. Richard Gere với gương mặt trầm lắng phúc hậu đóng rất đạt vai diễn một giáo sư đại học yêu thương gia đình một cách đầy trách nhiệm, yêu quý chú chó nhỏ một cách vui vẻ vô tư. Joan Allen vẫn là gương mặt từng trải lạnh lùng nhưng diễn xuất đa dạng hơn, tuy không thực sự tốt nhưng phù hợp với hoàn cảnh. Còn lại các nhân vật khác đều vừa đủ, không thiếu không thừa, diễn xuất chưa nhiều để có thể đánh giá.

Hachiko: A Dog’s Story là một phim tâm lý mẫu mực, không quá sâu sắc, không quá ấn tượng, nên có thể không đủ hấp dẫn để thu hút bạn theo dõi hết bộ phim. Nhưng những khung hình đẹp chầm chậm, những bản nhạc dịu nhẹ và một câu chuyện cảm động có thể sưởi ấm trái tim bất kì ai trong một đêm lạnh lẽo.

Trung thành và cảm động

Lữ Khách 7.8 Blogger

Đây đã là câu chuyện quá ư nổi tiếng với nhiều người về lòng trung thành của Hachi – một giống chó Akita ở Nhật Bản được mệnh danh là giống chó trung thành nhất thế giới – đối với ông chủ của mình là giáo sư Wilson. Được người Mỹ dựng lại phim dưới sự thủ vai của Richard Gere và Joan Allen. Tuy nhiên nổi bật nhất vẫn là Hachi. Cái tên Hachi xuất phát từ khi ông phát hiện ra dấu hiệu chữ Nhật bản trên cổ của nó có nghĩa là Hachi (tức là số 8 – biểu tượng cho sự may mắn), từ đó ông đã gọi nó là Hachi. Trong một lần trở về từ chuyến công tác, ông đã vô tình bắt gặp chú chó này trên trạm tàu hay chính xác hơn chính chú này đã tự tìm đến ông tại đó. Dường như đây là mối nhân duyên đã định sẵn cho ông và Hachi. Vì vợ ông không thích nuôi chó, thế nên ông đã cố gắng tìm cách cho chú chó này đi, thậm chí là đăng tờ rơi tìm người chủ của nó. Tuy nhiên, cuối cùng nó vẫn về với ông. Một chi tiết rất hay của bộ phim chính là khi có người gọi điện đến nhà ông hỏi về chú chó thì sau khi thấy ông chơi đùa rất vui vẻ cùng Hachi, vợ ông đã dằn lòng mà nói “đã có người nhận chú chó rồi”. Từ khi có Hachi, cuộc sống của cả gia đình đã thay đổi; Hachi như lấp đầy lỗ trống của Luke và khiến cuộc sống của ông hạnh phúc hơn rất nhiều. Cho đến một ngày ông đã ra đi và từ đó Hachi luôn chờ đợi tại bến tàu của ông suốt 9 năm trời.

Đánh giá

Nội dung - 8.7
Diễn xuất - 8.5
Nhạc phim - 8.6
Kỹ xảo điện ảnh - 8.2
Thông điệp truyền tải - 8.8

8.6

Cảm động

Đầy giá trị về tình yêu, lòng trung thành

User Rating: 3.5 ( 2 votes)

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Chín 2, 2018 | Lần cập nhật cuối: Tháng Bảy 27, 2019

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button