Review phim

Chúng Tôi Từng Là Lính

We Were Soldiers

Nội dung

Phim dựa trên một câu chuyện có thật về một trận chiến đẫm máu đầu tiên vào năm 1956 trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam của quân đội Mỹ Lúc bấy giờ, khi mà tình hình quân đội đang trở nên nguy kịch trầm trọng vì quân lực Mỹ đang bị chia cắt hòng bổ sung khắp các mặt trận trên toàn miền Nam Việt Nam thì trong một trận đánh, chỉ với 400 binh lính trong tay, Lt. Col. Hal Moore ( Mel Gibson ), chỉ huy trưởng vẫn quyết định chống trả trong khi lực luợng quân giải phóng VN đông hơn nhiều.

Thể loại

14 phim hay về chiến tranh xem để trân trọng hiện tại - “Chiến tranh không bao giờ xuất hiện như một cái gì riêng biệt, mà nó là một hiện tượng xã hội cụ thể”. Cho dù chiến tranh mang một màu sắc chính trị nào đi chăng nữa thì nó vẫn là kẻ thù số một của con người, bởi nó luôn đe dọa sự sống… Đọc thêm

Trailer

Các review được Vnwriter tổng hợp từ nhiều nguồn. Báo cáo vi phạm, bản quyền, spoiler tại trang Liên hệ hoặc Bản quyền.

Review

Một thời kỳ lịch sử bi hùng

Ẩn danh 7.2 Other

Một sự tình cờ đã khiến tôi tìm được một bộ phim nói về chiến tranh Việt Nam và sự khốc liệt của nó: We were Soldiers.Trong suốt 2 giờ 18 phút chăm chú theo dõi phim, cảm giác của tôi thật sự khó tả, vừa buồn vừa thương, vừa xót xa cho một thời kỳ lịch sử bi hùng.Tôi không thích “We Were Soldiers” vì tôi là người Việt Nam, các thế hệ cha anh đã chiến đấu và hi sinh; vì những người lính ở cả hai chiến tuyến đều phải hứng chịu sự tàn khốc của bom đạn. Đứng về phía dân tộc tôi không thích nhìn thấy cảnh những người lính Việt Nam bị hi sinh nhiều hơn trước họng súng của lính Mỹ, cũng giống những nhà làm phim Mỹ luôn muốn đề cao những người lính của họ.

“We were Soldiers” được sản xuất năm 2002 bởi sự hợp tác giữa các nhà sản xuất Mỹ và Đức, và đã được trình chiếu ở khá nhiều quốc gia. Nhưng phim không được biết đến nhiều ở Việt Nam, và rất đáng được quên lãng dù nội dung của nó ca ngợi chủ nghĩa anh hùng từ những người lính ở cả hai đầu chiến tuyến. Lấy bối cảnh năm 1965 tại đồi Ia Drang, Tây Nguyên, một trong những trận đánh ác liệt nhất trong lịch sử Hoa Kì đã nổ ra, khi mà 400 lính Mỹ chống chọi 2000 lính mặt trận giải phóng Việt Nam . Kết thúc của trận chiến còn là một nghi án, nhưng một thực tế là sau trận đánh này, những người lính Mỹ mới thấy hết được thế nào là chiến tranh Việt Nam.

Trong phim, đi tìm nguyên nhân của chiến tranh, những người Mỹ cũng không thể lý giải hết tại sao họ lại leo thang và lún sâu vào chiến tranh đến vậy. Trả lời câu hỏi của đứa con gái –“Thế nào là chiến tranh”, Hal More (nam diễn viên chính do Mel Gibson thủ vai) đã trả lời: “Chiến tranh là những điều không nên xảy ra nhưng lại xảy ra. Có một số người phải hoặc không phải là người của một quốc gia nào đó muốn tước đoạt sinh mệnh của người khác, và một quân nhân như cha cần đi ngăn cản họ”. Nói như vậy có nghĩa là những người tham chiến luôn tự tìm ra những lý do để biện minh cho hành động của mình.Với vũ khí hiện đại, quân đội được huấn luyện tốt và có một lợi thế tuyệt đối về không quân, những nhà quân sự Hoa Kỳ tự tin sẽ đẩy lùi chủ nghĩa Cộng sản như những gì họ đã làm được ở Triều Tiên. Và họ đã mang đến Việt Nam một cuộc chiến tranh, cho đến năm 1965 cuộc chiến ấy chuyển sang một giai đoạn khốc liệt hơn. Những người dân Mỹ được tuyên truyền cho một cuộc chiến mà theo họ chắc cũng dễ dàng: “Chúng ta cuối cùng sẽ tháng lợi…tôi đã đến Việt Nam khảo sát, chúng ta cần thêm nhân lực” (lời tuyên bố của vị tướng phụ trách chiến trường việt Nam), chiến tranh cần được tiếp tục bởi nước mỹ “đã vượt nửa vòng trái đất chiến đấu suốt hai mươi năm ở đó”(lời của Hal Moore). Trước cuộc chiến mọi thứ vẫn rất yên bình, mọi người vẫn vui vẻ ăn mừng sau lời phát biểu của tổng thống trên truyền hình. Sau cuộc chiến mọi thứ vẫn trôi đi, có điều đó lại là những nốt nhac trầm buồn –“we were Soldier”; với những người bị thương, bị tử vong trở về mà không được hân hoan đón tiếp, và tấm bia đá lạnh lẽo ghi tên những người đã hi sinh. Còn trong cuộc chiến, đó là sự khốc liệt.

Thông qua cuộc đối đầu giữa hai vị chỉ huy là thiếu tá Nguyễn Hữu An (Đơn Dương thủ vai) và thượng tá Hal Moore của hai đội quân Bắc Việt Nam và Mỹ, người xem có cơ hội được nhìn về quá khứ. Tôi có cảm giác cuộc chiến được tái hiện thông qua những hồi tưởng của vị chỉ huy người Mỹ khi ông lật giở lại cuốn sách với những hình ảnh đau thương của sự hi sinh, và cuốn nhật ký mà một người lính Mỹ giữ được từ xác một anh lính mà đối với anh ta là kẻ địch. Theo Hal Moore, ngọn nguồn của chiến tranh bắt đầu từ việc Người Pháp thất bại, bị giết, bị dồn đuổi và những người Mỹ hào hứng thế chân họ. Đoạn dựng song song hai bức tranh một bức vẽ những người da đỏ giết hại lính Châu Âu khi họ lần đầu đặt chân đến Tân thế giới với hình ảnh những người lính Bắc Việt giết lính Mỹ giống như một sự trêu chọc của những nhà làm phim về quyền hành và vị thế văn minh hơn của quân đội Mỹ. Và thực tế trên chiến trường có vẻ như cũng diễn ra với một kịch bản tương tự. Tại một trận đánh ở Tây Nguyên, quân đội Mỹ với trang bị và huấn luyện tốt hơn đã giành được lợi thế khi có thêm sự yểm trợ của không lực. Những người lính Việt Nam dù đã dũng cảm vây khốn đội quân Mỹ, dũng cảm áp sát lực lượng pháo binh của họ nhưng cuỗi cùng vẫn bị tổn thất nặng và phải tạm rút lui. Bi kịch chỉ xảy ra với lính Mỹ khi những hi sinh ngày càng nhiều, nhất là khi không lực của họ với sức mạnh huỷ diệt là bom Napan lại dội lên đầu chính những người đồng đội. Kết thúc cuộc giành giật một cao điểm, những người lính sống sót với khuôn mặt sạm đen vì bom đạn, đói khát mới thấy hết được những sự mất mát, họ thờ ơ trước cánh phóng viên đang cuống cuồng đưa tin về chiến thắng , và đau xót nhìn những gì còn lại.

Nói về nhân vật, tôi rất ấn tượng với anh phóng viên chiến trường người Mỹ, và anh lính Bắc Việt với cặp kính cận và cuốn nhật kí nhỏ. Họ đến từ hai chiến tuyến khác nhau nhưng cùng có một điểm chung: Cùng là trí thức và không bao giờ mường tượng hết được sự khốc liệt của chiến trường. Anh lính người Việt cuối cùng đã hi sinh dù chưa bắn hạ được một kẻ địch nào, còn anh phóng viên người Mỹ đã phải bất đắc dĩ cầm súng để tự bảo vệ lấy mạng sống của mình. Những người lính Mỹ được chú ý miêu tả khá kỹ, họ “có màu da khác nhau, là người da trắng, da màu, hay người Á châu…nhưng thượng đế rất công bằng, chúng ta đều là người Mỹ”(lời của Hal Moore); họ có những đặc điểm xuất thân riêng nhưng ai cũng có một gia đình. Đạo diễn Randall Wallace đã chọn một vài gia đình chiến sỹ để nói về hoàn cảnh của họ, như: Anh lính trẻ mới được làm cha, trước khi ra chiến trường người lính ấy tìm đến với Chúa để cầu mong được che trở, anh được người vợ tặng cho một chiếc vòng may mắn, sau này chính chiếc vòng ấy là dấu hiệu để đồng đội nhận ra xác của anh; hay một anh lính trẻ khác chưa một lần ra chiến trường…

Ở phía hậu phương, ta thấy những người vợ, người con của nước Mỹ cũng giống những người mẹ, người vợ, người con trên đất nước Việt hay bất cứ một đất nước nào khác: Họ đều mong người thân bình an trở về, và thật sự đau đớn khi mong mỏi của mình không thành sự thật. Những người may mắn như Giuli Moore (vợ của Hal Moore- Madeleine Stowe thủ vai) hẳn là sẽ không bao giờ muốn người thân của họ ra đi một lần nữa vì họ đã hiểu được sự mất mát, hiểu được một điều rằng chuyện không đơn giản như họ tưởng. Trường đoạn Hal lên đường lặng lẽ trong đêm và người vợ chạy theo cũng lặng lẽ nhìn theo bóng anh xa dần với câu nói “em cần anh”gợi nhớ đến hình ảnh những người lính của bất kỳ một đội quân nào khác với một mái nhà ở sau lưng.

Với sự đầu tư rất công phu, đạo diễn Randall Wallace cùng những cộng sự của mình đã diễn tả khá hoàn hảo một thời kỳ lịch sử dài bằng nhiều thủ pháp khác nhau. Thoại trong phim theo tôi là tốt, tôi đặc biệt là những đoạn thoại của nhân vật Nguyễn Hữu An- người chỉ huy tối cao của quân đôi Bắc Việt Nam trong một trận đánh khốc liệt tại chiến trường Tây Nguyên. Qua lời thoại của ông ta thấy một con người dứt khoát, có đủ nhân từ để xót xa cho những người lính trẻ đã hi sinh “Với lòng dũng cảm của những người sắp mất, tôi xin tưởng nhớ các đồng chí trong trận chiến đấu khốc liệt này” và có đủ căm thù để quyết diệt hết lính Mỹ “cắt đứt tiếp viện không quân của chúng… không cho chúng nó thoát”. Không những vậy, những câu khẩu hiệu như: “Phải nắm vào thắt lưng địch mà đánh” cũng được đưa vào góp phần nói nên ý chí của những người Việt Nam. Còn Hal, anh ta nói “Tôi không thể tha thứ cho mình được, những chàng trai của tôi đã hi sinh rồi, tôi không còn họ nữa”. Kết thúc cuộc chiến, đoạn Nguyễn Hữu An độc thoại: “Thật là một tấm thảm kịch, bọn họ tưởng đây là chiến thắng của họ à? Và cuộc chiến này sẽ trở thành cuộc chiến của người Mỹ à?Với kết quả giống nhau, mọi người sẽ chết ở đây trước khi chúng ta đến đó” tuy hơi khó hiểu, nhưng cũng gợi được nên một nỗi đau mà chỉ những người trải qua nó mới thấy hết được.

Cánh xử dụng âm nhạc trong phim cũng rất ấn tượng. Âm nhạc khi những người lính Mỹ đến Việt Nam có chút rộn rã, nó giống âm nhạc trong trò chời Gunbow, gợi cho người ta liên tưởng đến một cuộc chơi. Nhưng đến cuối phim, giọng hát trầm hùng như những bài thánh ca được vang lên, gai điệu bài hát “we were Soldies” như một phút mặc niệm cho những linh hồn đã chết vì chiến tranh. Những tiếng nhạc, tiếng bom đạn, tiếng kêu la…tất cả đều khiến người xem có được cảm giác như thực tế đang diễn ra; Cách dùng kỹ xảo trong phim cũng gợi được cảm giác chân thực. Những chiếc máy bay nhào liệng trên không, những quả bom Napan huỷ diệt hay cảnh những người lính trúng đạn khiến tôi hiểu được thế nào là chiến tranh. Bên cạnh đó có đôi chỗ ống kính máy quay được xử lý trên nền màu đỏ hoặc những màu sắc khác cũng góp phần thể hiện dụng ý của nhà làm phim, một ví dụ là cảnh hai vị tướng Mỹ vừa đi vừa bàn bạc trong hành lang đầy màu hồng đã góp phần thể hiện được sự tin tưởng của họ vào một kết quả thuận lợi ở Việt Nam khi họ leo thang chiến tranh. Ở một số đoạn, đạo diễn đã xử dụng các hình ảnh, hoặc các thước phim tài liệu, đây có thể coi là một biến tấu của phong cách phim, cũng có thể gọi đó là sự pha trộn phong cách phim tài liệu.

Và hiệu quả cuối cùng của những đầu tư là những hình ảnh gây ấn tượng mạnh, và những khoảng lặng không lời từ những tấm bia đá lạnh lẽo, những chứng tích của một thời kỳ đau thương của người Mỹ.

Đánh giá

Nội dung - 7.8
Diễn xuất - 7.5
Nhạc phim - 7.7
Kỹ xảo điện ảnh - 7.5
Thông điệp truyền tải - 7.5

7.6

Sự tàn khốc của bom đạn

Một thời kỳ lịch sử bi hùng

User Rating: 2.35 ( 4 votes)

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Chín 5, 2018 | Lần cập nhật cuối: Tháng Bảy 27, 2019

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button