Review phim

Chuộc Lại Lỗi Lầm

Atonement

Nội dung

Dựa trên tác phẩm từng đoạt giải Booker Prize của nhà văn Ian McEwan, Atonement kể một câu chuyện xảy ra vào những năm 30 của thế kỷ trước khi một cô bé 13 tuổi vì hiểu lầm nhỏ và tính ghen tị trẻ con đã chia cắt tình yêu của chị gái mình và con trai người quản gia, chàng trai đó đã bị vu oan và bị đày đi quân dịch. Trải qua suốt cuộc chiến tranh thế giới thứ II với bao biến cố thăng trầm, cô bé 13 tuổi ngày nào đã trở thành 1 nữ y tá quân y trẻ tuổi vẫn tự vấn lương tâm vì lỗi lầm xưa. Và rồi, bằng những hành động dũng cảm, cô cũng đã tìm được sự thanh thản cho tâm hồn cũng như hiểu được sức mạnh của một tình yêu vĩnh cửu cho đến cuối đời.

Thể loại

10 phim hay về yêu xa đầy mãnh liệt và cháy bỏng - Không nói về câu chuyện tình ngọt ngào hay đầy lãng mạn, 10 phim hay về yêu xa là những tình cảm mãnh liệt đến cháy bỏng của tình yêu lứa đôi bị ngăn cách bởi khoảng cách địa lý nhưng con tim hai người vẫn hòa nhịp và hướng về nhau đến từng nhịp thở.… Đọc thêm
25 phim hay về tình yêu làm say lòng người xem - Tình yêu đến rất giản đơn nhưng thực chất lại mang trong mình một sức mạnh vô hình mà chỉ có những người đã và đang yêu mới có thể thấu hiểu. 25 phim hay về tình yêu giúp chúng ta mạnh mẽ hơn để vượt qua những thử thách, chông gai của cuộc sống, khiến… Đọc thêm

Trailer

Các review được Vnwriter tổng hợp từ nhiều nguồn. Báo cáo vi phạm, bản quyền, spoiler tại trang Liên hệ hoặc Bản quyền.

Review

Khi tất cả đều đã là quá muộn

Ngọc Khanh 8.5 Blogger

Mình thường nghe về những câu nói mang tính khích lệ như: “Không bao giờ là muộn để học/yêu một ai đó/ sửa chữa lỗi lầm/ làm lại cuộc đời…”. Nhưng với một số người, mình thật sự tin rằng mọi thứ đã đến một thời điểm không thể quay trở ra, cũng không thể tiến thêm được nữa. Như với Miss Saeki trong Kafka bên bờ biển của Haruki Murakami. Như với cô gái trên chuyến tàu rời bỏ Đông Dương, để lại sau lưng mối tình đầy ám ảnh với người tình Hoa Bắc trong L’amant của Marguerite Duras. Và với các nhân vật trong bộ phim Chuộc tội (Atonement) của đạo diễn Joe Wright.

Được ra mắt vào năm 2007, Atonement đã nhận được những đánh giá rất tích cực từ giới phê bình, được đề cử giải Oscar cho phim xuất sắc nhất. Chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Ian McEwan, Atonement đã tái hiện câu chuyện đầy bi kịch giữa ba nhân vật Briony Tallis – Cecillia Tallis – Robbie Turner.

Mình không nhớ đã xem phim từ khi nào. Mỗi lần nghĩ về Atonement là lập tức trong đầu mình ngập tràn màu xanh của cây cối đẫm trong ánh nắng mặt trời, mặt nước lấp lóa mùa hè trong sân vườn nhà Tallis. Joe Wright đã mang vào Atonement tinh thần duy mỹ như khi ông làm Pride and Prejudice (Kiêu hãnh và định kiến), với những khung hình trau chuốt từ ánh sáng, hình ảnh đến âm thanh. Mà mình thì lại thích cái đẹp, nên đã say mê cả hai bộ phim này. Nhưng khác với Pride and Prejudice có sự lãng mạn, tươi vui của tình yêu, Atonement lại là một chuỗi những dằn vặt, đau đớn chất chồng lên nhau dưới vẻ đẹp đến lặng đi của ngôn ngữ điện ảnh.

Mùa hè năm 14 tuổi, cô bé Briony Tallis (Saoirse Ronan đóng) nhìn qua khung cửa sổ và thấy chị gái mình – Cecillia Tallis (Keira Knightley), sinh viên mới tốt nghiệp ở Cambridge, đang bước ra khỏi bồn nước ở sân, quần áo dính chặt và trở nên gần như trong suốt, với cái nhìn thất thần của Robbie Turner (James McAvoy) – người bạn của Cecillia, cũng đang học đại học Cambridge. Briony lúc đó đã lờ mờ cảm nhận được Robbie đang có tình cảm với chị gái mình. Robbie, trong lúc đầu óc ngập tràn hình ảnh của Cecillia, đã viết ra một lá thư ngắn với lời lẽ gợi tình, nhưng lại không may để nhầm lá thư đó vào phong bì để gửi đến nhà Tallis, thay vì để một lá thư khác đã được soạn với ý tứ phù hợp hơn. Như một trò đùa của số phận, lá thư ấy lại vào tay của Briony, và cô bé sau khi đọc được đã gọi Robbie là kẻ biến thái, và kể với Lola – chị họ của mình về điều đó.

Buổi tiệc định mệnh diễn ra, Briony tình cờ bước vào thư viện đúng lúc Robbie và Cecillia đang thổ lộ tình cảm với nhau. Sau đó, Lola bị một người đàn ông cưỡng bức. Và Briony đã lên tiếng tố cáo Robbie chính là kẻ gây tội, với từng chữ rành rọt: “I saw him with my own eyes!” (Chính mắt tôi nhìn thấy anh ta). Lola, do không thấy rõ mặt của kẻ cưỡng bức mình, cũng cho là chính Robbie làm điều đó, với ấn tượng rằng anh là kẻ biến thái kể từ sau bức thư gửi nhầm đến nhà Tallis. Robbie trở về nhà Tallis sau khi đi tìm giúp hai đứa em song sinh của Lola, và ngay lập tức anh bị cảnh sát bắt đi trong cái nhìn chết lặng của Cecillia. Về sau, để chuộc lại lỗi lầm với chị gái và Robbie, Briony đã đi làm y tá phục vụ quân đội thay vì vào đại học Cambridge. Briony còn viết một cuốn sách có tên Atonement (Chuộc tội) trong đó Cecillia và Robbie được sống bên nhau hạnh phúc. Nhưng tất cả đã quá muộn rồi.

Từ thời điểm Briony lên tiếng tố cáo Robbie cho một tội lỗi anh không hề phạm phải, cô đã đẩy cuộc đời của chị gái mình, Robbie và chính mình vào một bánh xe trượt mãi, trượt mãi trên triền dốc cho đến khi vỡ tan tành ở đáy vực, không cách nào quay trở về điểm xuất phát. Từ một sinh viên đầy triển vọng, Robbie phải mang tội và chấp nhận đi lính, mãi rời xa người yêu cùng những ước mơ đầu đời. Cecillia mất đi niềm tin vào gia đình, cô không bao giờ nói chuyện với em gái mình nữa, và cũng tham gia làm y tá phục vụ quân đội. Briony đã hủy hoại tương lai và hạnh phúc của chị gái mình và người yêu chị, và cô cũng đánh mất luôn sự ngây thơ cuối cùng còn sót lại.

Tên của bộ phim là Chuộc tội, nhưng thật ra những gì Briony đã làm đều đã là quá muộn. Không có gì có thể chuộc lại lỗi lầm đã gây ra của cô ngày xưa, kể cả một cái kết hạnh phúc mà cô dựng nên cho Robbie và Cecillia ở trong cuốn truyện của mình. Robbie và Cecillia đã không còn có cơ hội gặp nhau nữa, khi mà anh chết trong khi tìm đến đồng đội của mình ở Dunkirk, còn chị cũng qua đời bởi chiến tranh. Giá mà Briony thú nhận là mình đã sai với Tòa án, nhưng cô đã không làm, bởi Lola đã kết hôn với chính người đã từng cưỡng bức mình. Briony đã hèn nhát bỏ qua cơ hội để cứu vãn cuộc đời Robbie và Cecillia, để rồi sống trong dằn vặt, trống rỗng và cô đơn cho đến chết.

Lúc đó Briony chỉ mới 14 tuổi, mặc váy trắng, vóc dáng mỏng manh, tóc vàng óng bao phủ khuôn mặt nhỏ nhắn với đôi mắt xanh biếc. Một cô bé 14 tuổi tại sao có thể phạm một sai lầm khủng khiếp đến vậy? Có lẽ nhiều người sẽ đặt câu hỏi về lý do Briony buộc tội Robbie: Phải chăng cô bé vẫn còn nhỏ nên thấy lá thư của Robbie là không chấp nhận được, cô yêu quý chị mình nên không muốn chị liên quan đến một gã “biến thái” như Robbie, cô tưởng Robbie cưỡng bức chị mình ở thư viện? Nhưng mình nghĩ rằng đó là vì Briony cũng yêu Robbie, tình yêu của một thiếu niên mới lớn và vô cùng nhạy cảm. Briony có một điểm khác Lola – người chị họ của mình, đó là cô bé đã sớm bộc lộ tư chất nhà văn, với câu chuyện đầu tay đã được đánh máy hoàn chỉnh. Briony nhạy bén với các tưởng tượng và xúc cảm của con người, cô bé dành thời gian để đắm chìm với các nhân vật và cốt truyện thay vì nhập cuộc chơi đùa cùng Lola và cặp song sinh.

Có thể nói, về mặt cảm xúc, Briony trưởng thành hơn những đứa trẻ cùng tuổi. Trí tưởng tượng và sự nhạy cảm của em là một món quà của tạo hóa, nhưng đồng thời cũng chứa đựng sức mạnh hủy diệt ghê gớm khi bị dùng sai cách. Briony có tình cảm với Robbie, điều này có thể thấy được qua cách em nhảy xuống hồ và giả vờ chết đuối để Robbie cứu mình, một cách làm thật trẻ con và ngốc nghếch. Với sự tinh tế của mình, Briony đã sớm nhận ra tình cảm của Robbie và Cecillia, qua cách họ nhìn nhau ở bên bồn nước dưới nắng hè. Và em bắt đầu ghen với chị gái mình, vì Robbie chỉ nhìn chị gái em một cách mê đắm, còn với anh, em chỉ là một cô bé chưa lớn. Mình không cho rằng Briony lại thật sự nghĩ Robbie là kẻ bệnh hoạn. Cô bé kể với Lola là để gieo vào đầu Lola suy nghĩ ấy, bởi Briony đang giận dữ trước sự thật rằng Robbie đang có tình cảm với chị gái mình. Em không có được tình yêu của Robbie, và cùng với những mặc định bị dẫn dắt bởi trí tưởng tượng của mình, em phá hủy tình yêu ấy bằng lời buộc tội tàn nhẫn vào đêm mùa hè.

Hình tượng nhân vật Briony là một điểm làm nên sức cuốn hút của Atonement, bởi tính phức tạp trong cách hành động và suy nghĩ. Với mình, nhân vật này để lại nhiều ấn tượng bởi tác giả đã chạm đến một vấn đề thuộc về nhân tính: “Nhân chi sơ tính bản ác”. Nghe thật lạ lùng phải không, đáng lẽ phải là “Nhân chi sơ tính bản thiện” chứ, con người sinh ra ai cũng đều mang giữ cái thiện trong mình, chẳng phải sao? Nhưng mình lại không nghĩ là như vậy. Cái ác, sự ích kỉ có thể đã nảy mầm trong một số con người từ khi họ còn rất nhỏ, và tùy thuộc vào số phận, hòan cảnh mà con người bộc lộ ra hoặc bị kìm giữ lại. Có những đứa trẻ bắt được con vật nào như chuồn chuồn, châu chấu là thẳng tay vặt gãy chân, cánh của chúng. Hay như người anh trong “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của Nguyễn Nhật Ánh nuôi giữ lòng ghen tị với em trai mình, sẵn sàng cho hàng xóm con cóc tía mà em rất yêu quý để nấu cháo, hay cầm gậy đánh em đến mức em nằm liệt giường. Và như Briony nói dối một cách thản nhiên để hủy hoại cuộc đời một con người. Có ai lại đề phòng một đứa trẻ 14 tuổi, có ai lại nghĩ một đứa bé xinh đẹp dịu dàng nhường ấy lại đổ tội cho người khác? Người ta vẫn có thể trở nên lạnh lùng và tàn ác khi còn là trẻ con. Và có lẽ chính vì còn là trẻ con nên người ta mới không ý thức được hậu quả từ những hành động bồng bột xuất phát từ sự nhỏ nhen của chính mình. Để đến lúc nhận thức trưởng thành hơn thì đã quá muộn, có những thứ không thể hàn gắn được nữa.

Câu chuyện đầy khắc khoải trong phim được kể bằng sự kết hợp tuyệt vời của diễn xuất, hình ảnh, âm thanh, ánh sáng. Cả ba diễn viên Keira Knightley, James McAvoy và Saoirse Ronan đều thể hiện vai diễn rất trọn vẹn, đặc biệt là Saoirse trong vai cô bé Briony với tâm hồn nhạy cảm bên dưới vẻ ngoài mong manh như một thiên thần. Keira Knightley vẫn để lại ấn tượng về những vai diễn thanh lịch, cứng cỏi như trong Kiêu hãnh và định kiến hay Cướp biển vùng Caribean. Còn James McAvoy lại khiến người xem không thể quên được đôi mắt xanh chứa đầy mất mát của nhân vật Robbie khi trải qua bao biến cố trong đời.

Joe Wright đã kể một câu chuyện dữ dội bằng các khung hình đẹp như thơ. Cảnh Briony mặc váy trắng đi giữa đám cỏ trong đêm, có những con đom đóm sáng lên như các vì sao nhỏ, trông cô bé như nhân vật chính của một bức tranh trong sách truyện cho trẻ em. Hay thậm chí là khi Robbie đang lang thang trong hồi ức của chính mình, hình ảnh anh giữa cánh đồng hoa đỏ với lời thì thầm rằng, một ngày nào đó anh sẽ tìm lại em, Cecillia, để yêu em, cũng khiến mình buồn rất lâu với mối tình dang dở của họ. Joe Wright cũng đã khắc họa sự khắc nghiệt của chiến tranh không phải với sự ầm ì của súng, máy bay, mà với sự im lặng của Robbie khi nhìn thấy hàng loạt học sinh nằm chết giống như đang ngủ trong một cánh rừng. Hình ảnh ấy khiến mình liên tưởng đến cô giáo cùng với đám trẻ hôn mê nằm la liệt trong cảnh chiến tranh của Kafka bên bờ biển. Một sự im lặng đến cô độc, đến mức chỉ muốn biến mất khỏi thế giới này.

Ngoài ra, âm thanh của phim cũng là một sự kết hợp hòa quyện với tất cả các yếu tố khác. Người ta vẫn nói rằng, đời chán hơn phim vì đời không có nhạc nền. Phim tạo nên cảm xúc cho khán giả không chỉ bằng hình ảnh mà còn bằng âm thanh, và chắc hẳn Atonement sẽ bớt xúc động hơn nhiều nếu thiếu đi những bản nhạc phim da diết và tiếng đánh máy dồn dập. Hình ảnh chiếc máy chữ xuất hiện xuyên suốt phim, là biểu tượng cho sự bộc lộ của những gì sâu kín nhất trong trái tim con người. Tiếng máy chữ lách cách, lúc nhanh lúc chậm cũng tạo nên một nhịp điệu riêng biệt trong phim, tác động đến cảm xúc của người xem. Bên cạnh đó, mình cũng không thể quên được cảnh những người lính ở Dunkirk hát một khúc ca giữa bối cảnh bờ biển lúc hoàng hôn ngập tràn sự ảm đạm. Tuổi trẻ đấy, tuổi đẹp nhất đấy mà sao chứa đầy sự hoang tàn và hư hao, y hệt như một công viên giải trí lâu ngày không còn ai ngó ngàng tới. Đã muộn rồi, đã không còn gì để cứu vãn nữa, ngoài những kỉ niệm còn lại trong những bức thư của em. Để rồi cuối cùng Robbie cũng chết giữa ảo mộng về một ngày nào đó lại được nắm tay Cecillia bên bờ biển, nhìn về phía ngôi nhà trên vách đá.

Atonement không phải là một bộ phim vui tươi, nhưng lại là lựa chọn của mình mỗi khi nghĩ về một trong những bộ phim yêu thích nhất. Xem phim đã từ lâu nhưng bây giờ mình mới viết review cho phim, bởi trước đây mỗi khi nghĩ đến Atonement là mình lại không biết phải bắt đầu từ đâu để viết cho đỡ lộn xộn bởi những cảm xúc phim đem lại. Người ta vẫn nói là đời thật hơn phim, còn mình nghĩ là phim cũng chính là đời, chỉ là được chắt lọc, phóng đại hoặc thu nhỏ đi, qua một lăng kính khác. Ừ thì cũng đã muộn rồi cho Robbie, Cecillia và cả Briony. Nhưng với chúng ta thì sao, đến khi nào thì tất cả mọi thứ đều đã là quá muộn? Đến khi nào ta bước đến điểm không thể trở lui hay tiến thêm nữa? Đâu có ai biết được, và mình cũng không muốn biết. Có lẽ không ai muốn đời mình gắn với hai chữ “tiếc nuối”, còn mình lại tìm đến phim để biết đến sự tiếc nuối ấy là như thế nào. Một ngày nào đó, mình sẽ lại xem Atonement, và khi ấy mình cũng sẽ không còn là mình của ngày hôm nay. Bộ phim vẫn sẽ vậy, nhưng mình rồi cũng sẽ khác.

Liệu tha thứ cho người khác còn dễ dàng hơn việc tha thứ cho chính bản thân mình?

Nham Hoa 9.0 Moveek

Repost lại bài mình viết cách đây 6 năm. Cũng khá bất ngờ khi thấy hồi lớp 11 mình đã viết được câu cú không đến nỗi tệ ^^ Nhưng quả thực đây vẫn là bộ phim có sức lay động với mình nhất – hồi đó xem xong mình đã chui vào 1 góc khóc không thành lời. Bộ phim xuất sắc cho đã mình nhiều xúc cảm để viết nên bài này. Dưới đây xin up lại nguyên văn.

“Rất thường khi lương tâm được sinh ra từ chính những tội lỗi của nó”

Nếu ta muốn tìm 1 bộ phim bom tấn, thì quả là dễ dàng bởi chúng có nhan nhản khắp nơi, dễ làm và cũng dễ nuốt. Bởi thực sự chỉ cần dăm ba mô típ phổ biến, khung phim thường thường đem về đắp da đắp thịt bằng vài kĩ xảo hiệu ứng đẹp mắt, là người ta dễ dàng có 1 bộ phim mới và ngồi đếm tiền xếp tay. Những bộ phim đó, sau khi xem xong khán giả chẳng có cảm xúc gì đọng lại, có chăng là đôi chút ấn tượng về những cảnh phim hoành tráng – đó vẫn chỉ là bề nổi còn bên trong ko hàm chứa chút ý nghĩa nhân văn nào…

Thế nhưng vẫn còn đó những bộ phim kinh điển, sống mãi với thời gian, bởi giá trị và ý nghĩa hàm súc trong những bộ phim đó quá lớn, lớn đến mức khi người ta xem xong mà vẫn nhớ mãi, phải đôi chút canh cánh, nuối tiếc trong lòng và suy ngẫm lại những chi tiết đầy sâu sắc trong phim… “Atonement” là một bộ phim như thế.

Bây giờ mình sẽ kẻ sơ lược vài nét nổi bật ở đoạn đầu phim, và tất nhiên sẽ không nói hết đâu nhé =) bởi 1 phần vì nó khá dài và phức tạp, 1 phần cũng ko muốn nếu có ai muốn xem mà đọc note này lại mất hứng thú ?

——————————-

Phim bắt đầu từ chuyện tình rất đẹp trong 1 ngôi biệt thự vương giả vùng nông thôn, giữa anh chàng Robbie Turner – con trai bà quản gia và Cecilia Turner – cô tiểu thư của viên chức giàu có, chủ ngôi biệt thự đây. Nhưng có 1 kẻ không hề mong muốn tình yêu giữa 2 người, ko phải ai khác mà chính là cô em gái của Cecilia – Briony Tallis. Tuy mới 13 tuổi nhưng cô bé đã có những sự phát triển rất sớm về nhận thức, và cô bé Brioni đã thầm yêu Robbie từ lâu rồi. Cô bé luôn có 1 cảm giác mặc cảm, ghen tức kì lạ mỗi khi thấy 2 người bên nhau hay đọc trộm thư của 2 người…

Trong một bữa cơm tối của gia đình, khi mọi người nháo nhác đi tìm cặp sinh đôi nhà Quincey, Brioni tình cờ phát hiện cô bé Lola bạn mình bị hiếp dâm ở khu vườn sau nhà. Brioni lập tức nắm lấy cơ hội này để vu khống cho Robbie với tư cách nhân chứng, mặc dù cô bé không hề thấy rõ mặt kẻ thủ phạm. Cuộc đời với cánh cổng Cambridge sáng ngời tương lai của chàng sinh viên Robbie lập tức bị đóng sập. Anh lập tức bị bắt đi tù, còn Cecilia tuy biết rõ em gái mình bịa đặt nhưng không thể làm gì đc…

Chiến tranh TG nổ ra, Robbie nhập ngũ và phải hành quân đến tận chiến trường nước Pháp, còn Cecilia làm y tá trong quân ngũ. Ngày trước khi Robbie sang Pháp, anh gặp lại Cecilia. Cô nhắn nhủ: “hãy trở về với em”. 2 người mãi không còn cơ hội gặp nhau từ đó, chỉ còn có thể liên lạc với nhau qua những lá thư thấm đẫm sự hi vọng…

Về Briony, cô bé lớn lên đã trưởng thành và nhận thức đc thực sự hậu quả to lớn mình gây ra ngày trước. Cô tình nguyện làm y tá trong quân ngũ, làm việc cật lực như để mong bù đắp đc phần nào lỗi lầm day dứt bấy lâu năm, và hơn hết, cô luôn muốn đc gặp lại Robbie và Cecilia để có cơ hội thú tội và xin đc tha thứ…

——————————-

Trên đây mới là 1 nửa bộ phim thôi, còn lại thì mình muốn để bạn nào hứng thú sẽ khám phá tiếp ?

Mình thấy bộ phim có phần nào đó giống với “Dear John” – một bộ phim cũng lấy chủ đề tình cảm thời chiến. Nhưng khác biệt ở chỗ: chuyện tình gữa John và Savanah bị ngăn cách do nghĩa vụ của John, còn trong ”Atonement” lại do1 kẻ “tội đồ” là Briony gây ra, và đó là nguyên nhân khiến Briony phải dằn vặt suốt phần đời còn lại; “Dear John” tuy là 1 chuyện tình đầy trắc trở nhưng kết thúc mở ra đầy tươi sáng và có hậu, còn “Atonement” lại là một cái kết rất buồn và day dứt…

Những bộ phim hay mình từng xem giữa phim luôn nảy sinh 1 nỗi buồn dù ít dù nhiều, nhưng về sau kết thúc sẽ luôn giải quyết nỗi buồn đó 1 cách thỏa đáng. Ví dụ như trong bộ phim kinh điển“Titanic” – nỗi buồn đc tạo dựng ở gần cuối, cảnh Jack phải hi sinh để giúp Rose sống sót, thật buồn nhưng đoạn kết lại là 1 khung cảnh tuyệt đẹp kết hợp giữa hoài niệm quá khứ và mong muốn tình yêu với Jack đc công nhận đến cháy bỏng của Rose. Quá khứ vẫn là quá khứ, Rose sống thanh thản suốt phần đời còn lại, và người xem vẫn có thể mỉm cười vì điều đó, mặc cho sự thật vẫn đau đớn là Jack đã chết…

Với phim “the Lovely Bones”, nỗi buồn lại đc tạo dựng từ đầu phim, khi nhân vật chính là bé Susie mới 13 tuổi đã bị tên hàng xóm bệnh hoạn cưỡng hiếp rồi sát hại. Ở trên ranh giới giữa thiên đường và mặt đất, cô bé phải chứng kiến các thành viên trong gia đình mình đau đớn thế nào khi nhận đc hung tin: ông bố suy sụp đập phá đồ đạc, bà mẹ thì nức nở hàng đêm, còn cậu em trai luôn kể lại rằng “Đêm qua con mơ gặp chị”… Nhưng đau khổ rồi sẽ mờ phai, Susie nhìn thấy các thành viên trong gia đình dần vượt qua khó khăn, mất mát và lấy lại dần niềm vui sống; còn kẻ sát nhân, hắn đương nhiên sẽ phải nhận một hình phạt thích đáng. Kết phim vẫn thật ngọt ngào, thỏa đáng, tươi sáng và đầy hứa hẹn..

Nhưng với phim “Atonement” thì kết cấu lại hoàn toàn khác. Bộ phim hấp dẫn, kịch tính bằng các diễn tiến cuốn hút ở nửa đầu phim, còn nửa sau thì hơi nhàn nhạt, thiên về nội tâm bằng cách khắc họa khung cảnh chiến tranh khốc liệt và sự éo le trong tình yêu đôi lứa bị cách trở giữa Robbie và Cecilia. Song giá trị thực sự của toàn bộ phim lại nằm ở 10 phút cuối phim – nó quy kết lại những cảnh nội tâm “tưởng như nhàn nhạt trước đó” lại với 1 cách có chủ đích, tạo nên điểm nhấn cho toàn bộ phim. Cái kết đó,thực là khó tả, nó hội tụ lại tất cả những nỗi buồn man mác trải dài khắp phim, kết hợp và vặn xoắn lại , thắt vào rồi lại bùng phát, cứa vào lòng người xem như 1 lưỡi dao, để trở thành một nỗi đau, một vết cắt thực sự, khiến khán giả khi xem xong phải day dứt khôn nguôi. Mình nghĩ, cái kết đó có phần hơi bi thảm, có thẻ nói là cay nghiệt. Nó diễn ra 1 cách thản nhiên, lặng lẽ, không hề cụt lủn mà rất trọn vẹn, nhưng đến hết rồi mà vẫn để lại trong khán giả rất nhiều cảm xúc và nghĩ suy. Sau sai lầm to lớn mình gây nên, Briony tuy đã tìm mọi cách để chuộc lại lỗi lầm, nhưng tòa án lương tâm của cô liệu có dễ dàng cho phép sự tha thứ, để lương tâm cô đc thanh thản? Thật khó nói, nhưng có 1 điều mà trong thâm tâm chúng ta ai cũng biết, đó là tòa án lương tâm luôn công bằng nhưng khắc nghiệt, bời nó biết bỏ qua mọi lời biện hộ, phân minh hay bất cứ hành động chuộc lỗi nào dù có đến đâu, chỉ cho đến khi ta nhận đc sự tha thứ từ phía người mà ta có lỗi

Còn đối với cá nhân mỗi chúng ta, sau khi xem xong có chăng cũng nên nhìn lại mình và đặt câu hỏi :

“Liệu tha thứ cho người khác còn dễ dàng hơn việc tha thứ cho chính bản thân mình?”

07/2011

N.K

Những lầm lỗi và những lời nói dối

SECRETGIRL1995 8.0 Blogger

Hix, tải Atonement về rồi. Chỉ mong sao nó ngắn ngắn. Mở lên thấy 93 trang là mừng rồi. Thế mà lướt xuống thì omg. 93 trang mà 1 trang dày đặc chữ thế này thì cũng bằng thừa. Không biết lần này tình yêu với “giấc mộng đêm hè” có đủ lớn cho mình hoàn thành truyện không biết. Mình muốn cố đọc nhưng mình không nghĩ là có hứng thú cho lắm. Bây giờ tình yêu Tâm Anh không còn nồng nhiệt nữa rồi.Bởi vì mình đã đọc hết bài viết trong Blog của bạn í. Bài lâu nhất là năm 2011. Mà nghe đồn bạn í còn cái blog cũ viết nhiều thứ nữa. Hix. Mà kiếm không có ra.

Hưm. Tôi cứ đọc thử xem sao nào. Atonement, here i am.

Khởi đầu khó khăn quá. Phải nói là truyện này khó đọc v~. Vốn từ của mình khá nhiều mà chả xi nhê gì với truyện này. Có cả đoạn văn dài mình chả hiểu gì luôn. Tại vì nó miêu tả nhiều quá í mà, nếu mà cảnh hành động thì dễ đọc hơn nhiều. Nhưng mình vẫn keep reading và nắm được sơ sơ nội dung phần đầu. Nhà Tallis có 2 cô con gái. Một cô chị tên Cecilia. Cô này hình như yêu cái anh Robbie con trai của người làm vườn thì phải. Bố cô cho anh này ăn học từ nhỏ đến lớn. Cô em tên Briony, là người khá lập dị. Chỉ thích nhốt mình trong phòng để viết sách. Để được thả mình vào không gian tưởng tượng. Bà mẹ Emily bị bệnh nằm phòng kín cả ngày. Có anh cả tên là Leo, rất đẹp trai, tài giỏi và dĩ nhiên là có những người bạn rất đẳng cấp. Thường mang những người bạn này tới nhà Tallis để giới thiệu chồng cho cô em họ Cecilia.

Đọc tiếp là biết được ảnh người làm Robbie cũng thầm thương con gái cô chủ nhưng lại dè dặt không dám nhìn cô. Nhưng anh thực sự chấn động khi cô thoát y nhảy xuống bồn nước để lấy cái mảnh vỡ của bình hoa ngay trước mặt anh. Grace và Earnest là bố mẹ anh. Bố anh bỏ mẹ con anh khỏi khu nhà của Tallis năm anh mới 6 tuổi. Anh học ở trường y và học phí được tài trợ bởi ông Jack Tallis, bố của cô. Tình yêu của anh với cô lớn đấy, nhưng không giúp anh tránh khỏi mặc cảm tự ti về khoảng cách giai cấp giữa hai người, đặc biệt là khi 2 người ở bên nhau. Vì thế, bình thường anh luôn cố tránh né cô. Và cái sự khác biệt ấy lần đầu tiên thể hiện rõ ràng nhất là khi anh vào thư viện nhà cô mượn sách. Anh bỏ đôi dép ngoài cửa, nhưng nhìn lại chiếc tất rách của mình, anh đã cởi luôn. Khi đó anh cảm thấy thật ngốc nghếch khi đi sau cô, chỉ muốn bỏ ra ngoài. Quyển sách mà cô trao anh ở bậc cửa khi ấy được anh nâng niu, mang lên ngửi, chỉ có mùi sách cũ mà không có mùi của cô.

Mình thích đoạn mà anh này viết thư (bằng máy đánh chữ) để xin lỗi cô này vì anh đã đi chân trần vào thư viện và vì anh làm vỡ bình hoa của cô. Anh viết đi viết lại sao cho bức thư toát lên được sự hối lỗi của anh. Thế nhưng khi bức thư đã hoàn thành, đột nhiên anh nhớ tới tiểu thuyết Anatomy (về tình yêu) và gõ một cách không kiểm soát: “In my dreams I kiss your cunt, your sweet wet cunt. In my thoughts I make love to you all day long”. Ahaha, chỉ vì cái cảnh chị thoát y hồi sáng mà anh cứ khổ sở thế này đây, không làm sao mà gạt hình ảnh ngọt ngào đó đi được. Cuối cùng anh phải từ bỏ việc viết thư xin lỗi bằng máy đánh chứ, chuyển sang viết tay cho có thành ý.

Khởi đầu cái kịch của câu chuyện chắc là từ bức thư này của anh. Anh đã nhờ Briony gửi bức thư cho Cecilina nhưng lại đưa nhầm cái bức đánh máy mà có cái câu trên. Vì tò mò nên Briony mở thư ra đọc và cảm thấy kinh hoàng ở những câu cuối của bức thư. Cô hoang mang vô cùng và xem anh này là kẻ biến thái, và mình cần bảo vệ chị.

Bọn họ là bạn thanh mai trúc mã. Robbie, Cecilia và anh cả của cô Leon. Robbie và Leon là bạn cùng trèo cây, còn Cecilia khi đóng vai cô em gái nắm hoàn toàn tin tưởng vào anh để nắm tay. Khi đó, Cecilia 6 tuổi, anh họ và Robbie 8 tuổi. Tình bạn này thay đổi khi Robbie nhận được học bổng. Năm đó bà Emilia, mẹ của Cecilia sinh Briony trong tình trạng xấu, và kết quả là lâm bệnh nặng. Cũng lúc này, Giáng sinh năm 1922, Robbie lặn lội giữa đường tuyết để mang về nhà Tallis bức thư của bố cậu, thông báo rằng cái nhà gỗ nhỏ bây giờ là do Grace, mẹ Robbie toàn quyền sử dụng. Thế nhưng vì lòng biết ơn cưu mang đối với nhà Tallis nên bà ở lại đây tiếp tục làm vườn.

Ôi, thực sự là mình không thể đọc hết câu chuyện này để viết trọn vẹn review rồi. Chả có gì cuốn hút mình hết. Vốn dĩ mình đã không thích những câu chuyện mang tính “cần IQ để hiểu” rồi. Mình đọc tiếng Anh câu hiểu câu không. Đến khoảng 1/3 truyện mình đã nắm được nội dung của nó nhưng có cảm giác hình như mọi người tâng bốc nó quá đà hay sao đó ????? Ông tác giả có muốn bi kịch hóa cũng vừa vừa thôi chứ. 13 tuổi gì mà ghê thế, suy tính ra bao nhiêu là tội ác như vậy. Chính vì đọc dở dở mà vẫn muốn hiểu hết truyện nên đành đi “mượn” tạm review của người ta về vậy.

Sau khi chọn lọc trong số ít các review tiếng Việt thì mình lựa chọn review phim của vn.express.net vì nó sâu sắc và đầy đủ. Mình cũng muốn lấy review tiếng Anh nhưng mà bên nước ngoài có đặc điểm là trong review người ta ít khi để lộ các chi tiết đắt của tác phẩm lắm, như thế gọi là spoiled và có thể bị phỉ báng vì cái tội bép xép, làm người khác mất hứng trước khi đọc.

Bằng nhịp kể chậm rãi, trên nền nhạc giao hưởng như thôi thúc và dẫn dụ, nhân vật Briony ngồi trực diện trước máy quay, bộc bạch về nỗi ám ảnh tội lỗi bà mang theo suốt cả cuộc đời: “Đó là điều tử tế cuối cùng tôi có thể làm cho Robbie và Cecilia. Họ xứng đáng được hạnh phúc”.

Bộ phim khép lại bằng sự hối hận muộn màng, bằng nỗi trống trải bất tận trong ánh mắt sâu thẳm của Briony khi nói ra tất cả những bí mật chôn giấu vào những năm cuối đời. Đó là câu chuyện về một mùa hè nóng nực nào đó trong quá khứ, khi bà còn là cô bé 13 tuổi, say mê văn chương và ôm ấp những giấc mộng của riêng mình…

Những năm tháng sung túc, bình yên của gia đình Tallis đáng ra cứ lặng lẽ trôi đi. Đến một ngày, Briony nhận thấy sự xuất hiện của Robbie bên chị gái Cecilia trở nên “nguy hiểm” và bất thường. Những bức thư tình và cuộc gặp gỡ bất ngờ trong thư viện càng khẳng định thêm mối đe doạ đó, dẫn đến quyết định cuối cùng được đưa ra. Briony bằng tất cả sự ngây thơ của mình, đã tố cáo Robbie là hung thủ tấn công và cưỡng bức em họ Lola Quincey. Lời cáo buộc đó đẩy Robbie vào tù và chia cách anh với Cecilia mãi mãi.

Atonement được xây dựng trên cả nỗi nhớ, sự hồi tưởng và tưởng tượng của nhân vật chính Briony. Nhưng dù là ở trường không gian thời gian nào, bóng đen tội lỗi vẫn bao phủ lấy hình hài, vóc dáng và đặc biệt là ánh mắt trống trải đến vô hồn của cô.

Đó là khoảng trống từ miệng vết thương lòng cứ nứt ra, hở ra bất tận khi cô nhìn thấy người đàn ông mình yêu ở bên người con gái khác. Cái cách bàn tay anh chạm vào mặt nước, nơi da thịt Cecilia vừa lướt qua đầy ân cần và trìu mến cũng khiến cô hừng hực lửa lòng. Nhìn từng dòng chữ nắn nót hai người viết riêng cho nhau cũng làm cô căm phẫn.

Không phải trí tưởng tượng về “một con quỷ dâm dục” rình rập chị gái mà chính lòng ghen đã điều khiển từng suy nghĩ và hành động của Briony. Tình yêu mù quáng dành cho Robbie đã biến một thiên thần nhỏ mang váy trắng thành một kẻ tàn nhẫn và quỷ quyệt. Cô thà để mất người mình yêu chứ quyết không để anh thuộc về chị gái mình.

Lời kết tội của Briony cũng chính là phán quyết cuối cùng thay đổi hoàn toàn cuộc đời Robbie. Từ một thanh niên tri thức, anh bỗng nhiên bị chôn chân trong chốn lao tù và hiến dâng tuổi trẻ nơi chiến trường khốc liệt. Mối tình của anh và Cecilia mãi mãi kết thúc ở lời hứa “Anh sẽ trở về” và nụ hôn tạm biệt trước lúc đi xa.

Để chuộc lại lỗi lầm, Briony đã quyết định trở thành y tá phục vụ các bệnh nhân chiến tranh thay vì trở thành sinh viên Đại học Cambridge như ước mơ thời thơ ấu. Tội ác mà cô gây ra cho Robbie, Cecilia và tình yêu của họ khiến cô tự thấy mình không xứng đáng được hưởng những điều tốt đẹp và may mắn trên đời. Ánh mắt đầy căm hờn và thù hận của Robbie ngày anh bị còng tay đưa đi vẫn theo đuổi và ám ảnh tâm trí cô mãi.

Briony đã sống một đời cô độc với một lương tâm dằn vặt và giằng xé. Đó là sự trừng phạt đau đớn nhất đối với cô, cũng là niềm thôi thúc cô phải viết ra cuốn tự truyện nghiệt ngã của đời mình. Ở đó, sự thật phải lên tiếng, Robbie và Cecilia phải được hạnh phúc như họ hoàn toàn xứng đáng.

Joe Wright quả thực đã sáng suốt khi chọn được bộ ba diễn viên với ánh mắt u uẩn, trống trải đến vô hồn hoá thân vào vai Briony ở các chặng khác nhau trong đời: Saoirse Ronan, Romola Garai, Vanessa Redgrave. Ngoài sự tương đồng về ngoại hình với nét trong lành ẩn chứa những bí mật chôn giấu, mỗi Briony đều thể hiện tốt những bước tiến triển trong tâm lý, tính cách của nhân vật từ khi là một cô bé nông nổi, mù quáng đến một thiếu nữ chín chắn, cô độc và cuối cùng là một bà lão từng trải, bình thản đứng giữa cuộc đời.

Tuy nhiên, ấn tượng hơn cả có lẽ phải kể đến Saoirse Ronan – cô bé với mái tóc ngắn cá tính, cử chỉ dứt khoát, lanh lẹ trong chiếc váy trắng vào vai Briony 13 tuổi. Ở cô, người xem nhìn thấy một tham vọng, một ngọn lửa mãnh liệt không thôi nung nấu trong ánh mắt lạnh lùng, tàn nhẫn khi kết tội Robbie.

“Bông hồng nước Anh” Keira Knightney cũng tỏ ra không kém phần gai góc và sắc nét. Cô quyết định chọn vai Cecilia thay vì vai nhiều đất diễn hơn – Briony – như phân công lúc đầu vì muốn thử sức với một nhân vật trưởng thành, một người đàn bà nồng nàn, dạn dĩ trong tình yêu. Và một lần nữa, “người đàn bà yêu” với ánh mắt nồng nàn, đôi môi cháy bỏng đã chinh phục trái tim khán giả.

Bên cạnh diễn xuất xuất sắc của các diễn viên, việc lựa chọn phục trang cũng là một điểm nhấn quan trọng về mặt tạo hình của Atonement. Bộ váy trắng thanh thoát, xinh xắn cho kẻ nói dối Briony, hay chiếc váy xanh mềm mại, quý phái khoe lưng trần gợi cảm của Cecilia đã trở thành những biểu tượng điện ảnh khó quên trong lòng người hâm mộ.

Đặc biệt, chiếc váy xanh duyên dáng của Keira Knightley trong bộ phim đã lọt vào top “Trang phục đẹp nhất mọi thời đại” do tạp chí InStyle bình chọn, cùng với chiếc váy đen của Audrey Hepburn trong Breakfast at Tiffany’s, chiếc váy trắng của Marilyn Monroe trong The Seven Year Itch và chiếc váy đỏ của Vivien Leigh trong Gone With The Wind.

Người xem cũng sẽ dễ dàng nhận ra những thước phim mang đậm tinh thần duy mỹ của Joe Wright. Không chỉ là sự tỉ mỉ đến từng chi tiết như giấy dán tường, rèm cửa, ly, tách, khuôn viên vườn hoa, những lối đi dưới vòm cây xanh mướt mang đậm chất “quý tộc Anh”, kỹ thuật xử lý ánh sáng tinh tế còn khiến cho từng khuôn hình của Atonement như căng tràn khí trời và tưới đẫm ánh sáng.

Joe Wright đã dùng chính cái đẹp để nói về tội lỗi và những vết thương đầy nhân bản của con người theo cách ấy. Cũng như trong tối tăm và khốc liệt của chiến tranh, ánh sáng của tình yêu vẫn soi lối, chỉ đường cho ta đi và sống đến tận cùng hy vọng. Đó là khi, mọi khổ đau trên đời, kể cả cái chết, cũng chẳng còn nghĩa lý gì, huống chi là những lầm lỗi và những lời nói dối.

Khi ra mắt năm 2007, Atonement nhận vô số lời khen và giành Quả Cầu Vàng cho “Phim tâm lý hay nhất”. Tại Oscar, phim cũng nhận được một tượng vàng dành cho “Nhạc phim hay nhất”. Sau 7 năm, Atonement vẫn được coi là một trong những bộ phim tâm lý chuyển thể từ tiểu thuyết hay nhất mọi thời đại.

Mối tình nồng nhiệt mà éo le

Ngọc Hà 9.0 Facebook

Xem Atonement, cũng như bao người, mình thích không khí thanh bình mát mẻ của nước Anh, tác giả dường như vì nó mà cố kéo thật dài phần đầu phim. Mình thích 2 anh chị diễn viên siêu đẹp và đẹp đôi. Mình thích những trải nghiệm nhân văn của người lính nơi trận mạc. Thích mối tình nồng nhiệt mà éo le.

Nhưng mình nghĩ nhiều nhất đến lỗi lầm của Briony. Lỗi lầm của nhân vật đó ám ảnh cô tới cuối đời, nhưng dường như cũng ám ảnh chính mình, ám ảnh mọi người, như thể trong mỗi chúng ta đều có một Briony cư ngụ. Có không?

Một chi tiết rất nhỏ dễ quên mất, là Briony thích Robbie. Những cô nhóc vẫn hay vậy, thích ngưỡng vọng về một mẫu chàng trai lý tưởng hơn mình nhiều tuổi, thầm mơ mộng về một câu chuyện tình yêu nhưng rồi chỉ dẫn tới hành động dại dột. Không phải ngẫu nhiên mà Briony tố cáo Robbie. Cô bé căm ghét anh ta? Cô bé muốn bảo vệ chị mình? Không phải.

Cô bị nhầm lẫn giữa ghen tỵ và căm ghét. Ghen tỵ với chị mình vì có được tình yêu của người mà mình thích khiến cô chỉ muốn đẩy hai người ra xa nhau. Cô không muốn đối diện với sự thật rằng mình đang ghen tỵ, cô muốn giấu tình cảm đáng xấu hổ dành cho người anh hơn mình nhiều tuổi và là bạn trai của chị gái, cô phải tìm một lý do đích đáng cho cảm giác khó chịu và mong muốn tố cáo Robbie trong mình.

Tâm lý chưa trưởng thành của Briony không cho phép cô giải quyết một cách phù hợp nhất khối mâu thuẫn đó, trong khi đó trí tưởng tượng quá dồi dào của một cô bé mê viết kịch đã cấp cho tất cả một lý do: Robbie là con quỷ dâm dục giấu mặt và Briony chứ không ai khác có nhiệm vụ vạch trần anh ta. Chỉ chờ có thế, cô bé với cá tính mạnh mẽ này hùng hồn đứng ra nhận làm nhân chứng, đẩy người con trai vô tội vào tù mà không chút run sợ.

Điều gì cung cấp cho Briony dũng khí đó? Chính là nỗi sợ. Sợ hãi chính mình và muốn trốn chạy khỏi bản thân khiến ta dũng cảm làm những điều mà với lương tâm chân thật, hẳn ta sẽ phải chùn tay. Không dám nhận rằng mình đang ghen tỵ khiến ta căm ghét vô cớ những người vô tội. Không thể quan sát và phân xử rạch ròi chính thế giới nội tâm của mình khiến ta trút lầm lẫn lên người xung quanh.

Tác giả câu chuyện này đã đẩy hậu quả của sự nhầm lẫn đó lên tới mức cao nhất có thể: cái chết. Cái chết là kẻ duy nhất có thể chia lìa được tình yêu và rồi nó đã đến để làm chuyện đó; cái chết cười giễu và chà đạp phũ phàng lên niềm hy vọng mòn mỏi của con người; cái chết là kẻ thù của tuổi trẻ và những ước mơ, nhận thức mới chỉ kịp nhóm lên; cuộc đời mà ta mới chỉ vừa bước ra kia, cái chết đến đóng sầm cánh cửa; những ngày thanh bình trong trẻo trong khuôn viên một gia đình giàu có của nước Anh kết thúc trong đổ nát, điêu tàn. Không thể có một kết cục bi thảm hơn cho một sự nhầm lẫn tưởng như cũng nhỏ thôi trong tâm trí con người: không phân biệt được giữa ghen tỵ và căm ghét.

Một bộ phim quá hay nói về một điểm thật sâu trong tâm lý con người. Xem phim và rồi chúng ta sẽ đều cảm thấy bản thân còn quá may mắn vì chưa phải đền trả một hậu quả to lớn như Briony, dù lỗi lầm của ta cũng tương tự.

Thêm một vấn đề. Tình cảm của đám đông dành cho Cecilia và Robbie hẳn sẽ nhiều lắm, và người ta sẽ ghét, trách Briony không ngớt vì sự ngu ngốc của cô? Ta làm vậy là vì ta nghĩ mình sẽ chẳng bao giờ ngu ngốc như vậy đâu. Nhưng không phải.

Khi nhận ra trong mỗi người đều có sự nhầm lẫn của cô bé, thì ta lại thấy thương cô hơn. Và ta thầm nghĩ lại xem, Briony đứng ở đâu trong câu chuyện này? Cô là tội nhân nhưng cũng chính là kẻ bị đẩy ra rìa từ đầu đến cuối trong một mối tình đẹp mà ai nấy đều ngưỡng mộ. Cô là kẻ bên lề trong câu chuyện về chàng can đảm và nàng hiền dịu thủy chung. Cô là kẻ ghen tỵ xấu tính, kẻ phá bĩnh luôn xuất hiện không đúng lúc. Và kẻ ấy dù có muốn chuộc tội hàng chục năm trời thì tác giả cũng không cho cô lấy một cơ hội, chính là vì tác giả nhất quyết để cho đôi tình nhân đều chết. Kẻ ấy cũng có một cuộc đời mà mình mơ ước như đôi tình nhân mơ ngày gặp lại chứ: cô mơ được yêu, mơ được viết như một nhà văn tự do, nhưng rốt cuộc lại dành cả đời chỉ để chuộc tội mà không xong.

Trong tâm trí mình, ta có từng đối xử với chính mình như tác giả đối xử với Briony? Ta có vì cảm hứng dành cho cái tốt đẹp, lộng lẫy, nên thơ mà ngược đãi với những sai lầm rất “con người” của mình? Biết rằng “một ngày làm ác, ác đã có thừa”, rằng không phải lỗi lầm nào cũng chuộc lại được, rằng “bạn chỉ có thể tưởng tượng ra sự thật”. Nhưng ta sẽ xót xa cho cuộc đời Briony, và nghĩ lại rằng, nếu có sai lầm ta đừng vội chán ghét bản thân mình. Nếu còn có thể, hãy vừa chuộc tội vừa tha thứ cho bản thân để còn sống cuộc sống của riêng mình, đừng chính mình biến mình thành kẻ bên lề trong câu chuyện cuộc đời người khác bằng cách tự dằn vặt bản thân quá nhiều về lỗi lầm với họ.

Đánh giá

Nội dung - 9.4
Diễn xuất - 9.1
Nhạc phim - 8.8
Kỹ xảo điện ảnh - 9
Thông điệp truyền tải - 9.2

9.1

Quá buồn

“Liệu tha thứ cho người khác còn dễ dàng hơn việc tha thứ cho chính bản thân mình?”

User Rating: 4.43 ( 2 votes)

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Tám 31, 2018 | Lần cập nhật cuối: Tháng Bảy 26, 2019

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button