Review phim

Cuộc Chiến Chống Pha-Ra-Ông

Exodus: Gods and Kings

Nội dung

Dựa trên câu chuyện trong kinh thánh xưa, EXODUS: CUỘC CHIẾN CHỐNG PHA-RA-ÔNG kể về nhân vật huyền thoại Moses và cuộc hành trình vĩ đại đầy cam go của ông dẫn dắt người dân Do Thái thoát khỏi đất nước Ai Cập và sự hà khắc của Pha-ra-ông. Bộ phim được đạo diễn bởi đạo diễn tài năng Ridley Scott – người từng thành công với những tác phẩm nổi tiếng về thời trung cổ như Gladiator, Kingdom of Heaven… Với sự góp mặt của nam diễn viên điển trai Christian Bale trong vai người anh hùng Moses, Joel Edgerton trong vai Pha-ra-ông Ramses cùng dàn diễn viên với những cái tên như John Turrurro, Aaron Paul, Sigourney Weaver, Ben Kingsley…, EXODUS: CUỘC CHIẾN CHỐNG PHA-RA-ÔNG hứa hẹn sẽ trở thành một trong những tác phẩm điện ảnh tái hiện lại một cách sống động thế giới Ai cập cổ đại hùng tráng bậc nhất năm nay.

Thể loại

10 phim hay về Ai Cập huyền bí - Ai Cập được mệnh danh là vùng đất huyền bí có bề dày lịch sử và nền văn hóa đặc biệt, là cảm hứng bất tận cho các nhà khảo cổ, sử học trên toàn thế giới. 10 phim hay về Ai Cập này sẽ đưa bạn đến Ai Cập thiêng liêng và đầy hấp dẫn… Đọc thêm

Trailer

Các review được Vnwriter tổng hợp từ nhiều nguồn. Báo cáo vi phạm, bản quyền, spoiler tại trang Liên hệ hoặc Bản quyền.

Review

Một bộ phim mang đậm màu sắc sử thi

Ditah Trần 6.6 Blogger

“Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân, và Ditah dành tặng bài viết này cho người con gái Ditah đang nhớ nhung – hy vọng em tìm được bài viết này”

Được dịp nghỉ lễ đầu năm, hôm nay Ditah có thời gian rảnh rỗi lượn lờ các rạp xi – nê và xem tất cả những bộ phim mà mình mong chờ. Lúc đầu, Ditah không dự định viết Review đâu, nhưng sau khi xem xong phim “Exodus: Gods and Kings” Ditah đã tự dặn với lòng bằng mọi giá sẽ viết review. Rồi Ditah mới chợt nhận ra rằng gần hai năm trời mà Ditah chưa viết bất kỳ một review nào! Có một câu nói rất nổi tiếng thế này: “ai rồi cũng thay đổi”, và điều này đúng với chính bản thân Ditah, như chính cái việc viết review phim vậy. Ditah chắc chắn không phải là nhà phê bình phim, cũng không phải người trong nghề. Ditah viết review đơn thuần thể hiện sự đam mê với loại hình nghệ thuật mình yêu thích, và viết review – cũng là một cách viết nhật ký thông qua một bộ phim mình đã xem. Ngày xưa háo hức lắm, cứ coi được phim nào là về cắm cúi viết ngay. Còn bây giờ, trước khi xem phim phải cân nhắc hay – dở, xem xong cũng để đó, rồi lại lao vào đủ thức công việc, đủ thứ lo toan. Đúng là thời gian trôi qua, cuộc sống thay đổi, vô tình Ditah cũng trở thành con người khác rất nhiều so với lúc xưa.

Điều đầu tiên Ditah muốn nói, đó chính là cách đặt tựa phim tiếng Việt “Cuộc chiến chống Pha – ra – ông”. Việc đặt tựa phim tiếng Việt trước giờ đã có quá nhiều tranh cãi, quá nhiều chủ đề bình luận trên các trang báo chính thống cũng như các diễn đàn mạng. Các nhà phát hành phim có cái khó của mình, khan giả có cách nghĩ của họ. Riêng Ditah trước giờ vẫn thích đặt tựa phim theo ý mình (tất nhiên là sau khi thưởng thức xong nội dung). “Exodus” bản thân từ này đã hàm chứa rất nhiều ý nghĩa. Hiểu theo cách chân phương nhất, tiếng Việt “Exodus” là sự ra đi. Còn hiểu theo kinh Thánh, “Exodus” là hành trình vĩ đại của nhân dân Do Thái (Hebrew) rời khỏi Ai Cập đi tìm miền đất hứa xuyên qua Hồng Hải. Ngày nay, Exodus còn được rất nhiều người ám chỉ một cuộc cách mạng hay một sự ra đi tìm kiếm tự do, tìm kiếm một phát minh vĩ đại hơn. Qua nội dung cũng như hàm ý mà các nhà làm phim muốn chuyển tải,Ditah thấy tựa đề “Hành trình tự do” sẽ hợp và gần gũi hơn.

Đây là một phim mang tính sử thi! Và khán giả mong chờ gì ở một phim mang tính sử thi như vậy? Thứ nhất, phải hùng tráng – chắc chắn rồi, và thứ hai, quan trọng hơn là tình tiết câu chuyện đi vào lòng người. Theo Ditah, phim chỉ làm tốt vế đầu: thể hiện được sự hùng tráng – nhờ vào kỹ xảo 3D, âm thanh và âm nhạc. Sự hùng tráng được thể hiện qua những cảnh chiến trường khốc liệt với kỵ binh, chiến xa và tầng tầng lớp lớp quân lính cùng việc tái hiện lại kinh thành Memphis uy nghi, rộng lớn với những Kim tự tháp, đền đài, cung điện. Có thể nói kỹ xảo 3D rất tuyệt: cảm giác về chiều sâu rõ ràng, hình ảnh chân thực, sắc nét và rất nhiều đại cảnh hoành tráng không thể bỏ qua. Âm nhạc cũng góp phần không nhỏ tạo nên không khí hùng tráng (có phần bi ai) này, Ditah không biết chính xác đây là thể loại gì, bắt nguồn từ đâu, hòa âm như thế nào nhưng Ditah cảm thấy hay và phù hợp với những gì đang diễn ra , và đặc biệt là âm nhạc đã tạo nên cái không khí huyền bí của bộ phim.

Câu chuyện Moses thống lĩnh nhân dân Do Thái tìm miền đất hứa đã quá quen thuộc với khán giả từ điện ảnh, truyền hình, kịch cho đến tiểu thuyết, truyện tranh. Chính vì nó quá quen thuộc nên khán giả cần một điều gì đó mới mẻ, đặc biệt là việc tạo nên cao trào. Nội dung phim xoay quanh ba xung đột. Thứ nhất, là xung đột giữa nhân dân Do Thái và giới cầm quyền Ai Cập, thứ hai là xung đột gia đình giữa một người con ruột (Ramses) và người con nuôi (Moses) và thứ ba chính là xung đột trong chính bản thân con người Moses. Theo Ditah, cả ba xung đột này chưa được khai thác triệt để và cũng chưa đưa mâu thuẫn giữa hai bên lên mức cao nhất.

Cụ thể, phim chỉ thể hiện được sự áp bức của giới cầm quyền Ai Cập đối với người Do Thái với những hành động đánh đập, chém giết, bắt lao động khổ sai. Điều này mới thể hiện được cái “khổ” của người Do Thái, còn cái khát khao tự do, khát khao được quay về nguồn thì chưa được diễn tả nhiều (có chăng chỉ là qua đối thoại giữa các nhân vật). Trong những bi kịch gia đình ngoài sự tham lam, quyền lực giữa đôi bên thì tình cảm phải là mối dây xuyên suốt. Trong câu chuyện này, chúng ta chưa bắt gặp được tình cha – con, anh – em, vua – tôi. Thay vào đó, là sự thù hận được đẩy đi quá xa, đến mức đem cả nhân dân của mình ra làm những con tốt thí. Quay lại với trường hợp của Moses, Ditah chưa thấy những điều lớn lao mà Moses đã làm được, hay chí ít là những tình tiết khiến anh trở nên vĩ đại – những điều kiện khiến anh có thể thống lĩnh mọi người và trở thành điểm tựa cho nhân dân.

Chính vì những điều Ditah vừa phân tích nên nội dung phim chưa sâu và chưa lấy được nhiều cảm xúc nơi khán giả. Nhưng đây vẫn là một phim giải trí tốt và rất đáng xem. Bên cạnh đó, phim có hai thông điệp (về tình yêu và đức tin) khiến Ditah rất tâm đắc. Cũng vì hai thông điệp này mà Ditah đã quyết tâm viết Review. Thứ nhất là thông điệp về tình yêu thông qua mối tình giữa Moses và Zippoah: “I love everything what I know about you. And I trust in what I don’t” (anh yêu những gì anh biết về em và tin tưởng những gì anh chưa biết). Ditah tin tình yêu xuất phát từ con tim, từ những cảm xúc đầu tiên chứ không phải trải qua bao nhiêu thời gian mới là yêu. Ví dụ. bạn quen ba người con gái, sau thời gian tìm hiểu bạn chọn một cô làm vợ thì Ditah cho rằng đó là sự lựa chọn – thiên về lý trí chứ không phải là con tim. Nhiều bạn xem phim xong có bình luận về mối tình Moses – Zippoah thế này : “sao nhanh quá, sao lẹ vậy”. Còn Ditah lại nghĩ như vậy rất hợp lý và lãng mạn, vì hai người đã tin tưởng nhau từ những lần gặp gỡ đầu tiên. Nhiều bạn bây giờ, yêu nhau sao nhanh quá: mới quen được vài ngày đã vội\nói tiếng yêu và cũng chia tay rất nhanh sau khi nói lên tiếng yêu này. Tình cảm đó giống như trò chơi một cuộc bán – mua. Tình cảm chỉ thực sự bền vững khi hai con người rung động, tin tưởng và sống vì nhau. Và quan điểm thứ hai làm Ditah suy nghĩ đó chính là : “Chúa ở trong chúng ta”. Rất nhiều Tôn giáo đã đề cập đến điều này: “Phật tại tâm” hoặc “chúng ta chính là Chúa trời”. Trong phim, Moses thường xuyên đối thoại với “người sứ giả” – nhưng sự thật làm gì có sứ giả nào? Chỉ có Moses đang đầu tranh tư tưởng với chính mình trong con đường anh tự hoàn thiện bản thân, và khi đã hoàn thiện mình, tìm được chân lý cũng như “chân, thiện, mỹ” bên trong, anh đã trở thành đấng cứu thế cho nhân dân Do Thái. Cuối phim, có một hình ảnh Ditah cho là rất đắt: hình ảnh “người sứ giả” đứng lẫn vào dòng người và biến mất. Điều này nói lên rằng, ai cũng có thể là Chúa trời, Chúa trời bên cạnh chúng ta nếu chúng ta biết tin tưởng và thực hiện những điều tốt đẹp nhất cho những người xung quanh mình.

Góc nhìn mới về huyền thoại Moses

TL 7.1 Zing

Với bộ phim mới, đạo diễn Ridley Scott đã lựa chọn một chủ đề khá khó khăn và có phần nhạy cảm. Bởi đây là một trong những huyền thoại được đông đảo người dân trên toàn thế giới biết đến và không ít người coi đây là một truyền thuyết hết sức thiêng liêng. Thêm vào đó, đây không phải lần đầu tiên câu chuyện về Moses được chuyển thể lên màn ảnh rộng khi từng có hai bộ phim nổi tiếng là The Ten Commandments (1956) và The Prince of Egypt (1998) cũng mang chủ đề này.

Khi chủ đề không còn mới mẻ, đạo diễn Ridley Scott đầu tiên đầu tư cho mặt hình ảnh của bộ phim. Đất nước Ai Cập thời cổ đại được tái hiện qua những góc quay rộng, khoáng đạt cùng phần thiết kế tạo hình cho các công trình, thành quách và phục trang hết sức tỉ mỉ. Các đại cảnh với nhiều kỹ xảo và hành động luôn là thế mạnh của Ridley Scott và người xem hẳn cảm nhận được sự hoành tráng của tác phẩm ngay từ trường đoạn chiến trận ở đầu phim. Sau đó, sự hoành tráng còn tăng mạnh khi mười tai họa giáng xuống đất nước Ai Cập cổ đại, cũng như trường đoạn người Do Thái chạy trốn khỏi sự truy đuổi của quân đội Ai Cập ở Hồng Hải.

Tuy nhiên, phần hình ảnh không thể là yếu tố duy nhất để tạo ra một bộ phim hay. Đạo diễn Ridley Scott cố gắng xây dựng xung đột giữa các nhân vật, nhưng bởi bản thân chuyến hành trình của Moses rất dài, ông buộc phải đảm bảo cho thời lượng của Exodus: Gods and Kings khi ra rạp. Bởi vậy, dù đã dài hơn 160 phút, nhưng xung đột giữa các nhân vật trong phim đều chưa được làm tới. Khán giả có mối quan hệ giữa Moses (Christian Bale) và anh trai Rameses (Joel Edgerton), từ chỗ là anh em nuôi trở thành những kẻ không đội trời chung; Hoàng hậu mẹ của Rameses vốn thù ghét Moses nhưng chỉ xuất hiện ngắn ngủi trong vài ba câu thoại, một điều hết sức đáng tiếc đối với nữ minh tinh Sigourney Weaver. Điều tương tự xảy đến với Aaron Paul, ngôi sao của Breaking Bad. Một cuộc xung đột căng thẳng hơn đáng lẽ phải xảy ra, nhưng Ridley Scott lại không tận dụng được hết tiềm năng có sẵn.

Ngoài ra, khán giả còn được chứng kiến mối quan hệ giữa Moses và người vợ Zipporah xinh đẹp, tảo tần. Nhưng mối quan hệ giữa họ còn được thể hiện chóng vánh hơn. Chuyện tình anh hùng cứu người đẹp rồi thành đôi vô tình được thể hiện một cách rập khuôn y theo những dòng chữ khô khan ghi lại trong Kinh Thánh.

Nếu như The Ten Commandments mang nặng chất sân khấu còn The Prince of Egypt mang đậm tính ca vũ thì Ridley Scott lại đem đến một câu chuyện được tiếp cận với hơi hướng sát thực tế và khoa học. Công cuộc giải cứu người Do Thái của Moses không đơn giản chỉ dựa vào phép màu của Chúa. Trong phim, Chúa không phải là người ra lệnh một cách trực tiếp mà người chỉ góp phần thúc đẩy Moses làm những điều đúng đắn. Moses cũng phải là người lãnh đạo cho một cuộc nổi dậy thực sự. Ông phải gây dựng và đào tạo lực lượng, thực hiện những cuộc chiến du kích nhằm vào Ai Cập. Và tất nhiên, cuộc chiến gây ra không ít đau thương cho cả những người mà Moses từng yêu quý, khiến bản thân ông phải trăn trở.

Điều bất ngờ nhất là đạo diễn Ridley Scott vốn là một người theo chủ nghĩa vô thần và nhiều ẩn dụ thể hiện tư tưởng của ông được cài cắm trong phim một cách khá thú vị. Exodus: Gods and Kings hẳn chưa phải là một bộ phim hoàn hảo. Nhưng nếu ai hứng thú với những câu chuyện sử thi thì đây quả là một tác phẩm hết sức đáng xem bởi một truyền thuyết Kinh Thánh đã được kể lại dưới góc nhìn hết sức mới mẻ.

Đánh giá

Nội dung - 6.4
Diễn xuất - 6.4
Nhạc phim - 6.3
Kỹ xảo điện ảnh - 6.3
Thông điệp truyền tải - 6.5

6.4

Hồi tưởng!

Một bộ phim mang đậm màu sắc sử thi

User Rating: 2.45 ( 1 votes)

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Chín 12, 2018 | Lần cập nhật cuối: Tháng Bảy 28, 2019

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button