Review phim

Cuồng Nộ

Fury

Nội dung

Bộ phim có bối cảnh xảy ra vào thời điểm những tháng cuối cùng của Thế chiến II. Vào tháng Tư năm 1945, khi quân Đồng minh thực hiện cuộc tấn công cuối cùng vào chiến trường châu Âu, một trung sĩ thiện chiến của quân đội Mỹ thuộc Sư đoàn bọc thép thứ 2 tên là Wardaddy (Brad Pitt thủ vai) chỉ huy một chiến tăng Sherman được gọi là “Fury” cùng lữ đoàn gồm năm người thực hiện một nhiệm vụ cảm tử đằng sau chiến tuyến của kẻ thù. Bị áp đảo về quân số và vũ khí, Wardaddy và đồng đội của mình như trứng chọi đá, với nỗ lực quả cảm tấn công vào sào huyệt của phát xít Đức.

Thể loại

8 phim hay về xe tăng nên xem - 8 phim hay về xe tăng lột tả trần trụi sức tàn phá khủng khiếp của xe tăng nói riêng và chiến tranh nói chung, cho người xem một góc nhìn chân thực và đúc kết được bài học "trong chiến tranh không có kẻ thắng người thua, chỉ có nỗi đau thể xác và… Đọc thêm
7 phim hay về quân đội gay cấn đến từng thước phim - 7 phim hay về quân đội với những màn kỹ xảo điện ảnh tuyệt đỉnh cùng nội dung theo sát luồng phóng sự, tình hình thế giới hiện tại sẽ đưa người xem vào thế giới chiến sự đầy khói lửa, gây cấn đến từng giây phút. Gettysburg (1993) Một cái nhìn lại về trận… Đọc thêm
14 phim hay về chiến tranh xem để trân trọng hiện tại - “Chiến tranh không bao giờ xuất hiện như một cái gì riêng biệt, mà nó là một hiện tượng xã hội cụ thể”. Cho dù chiến tranh mang một màu sắc chính trị nào đi chăng nữa thì nó vẫn là kẻ thù số một của con người, bởi nó luôn đe dọa sự sống… Đọc thêm

Trailer

Các review được Vnwriter tổng hợp từ nhiều nguồn. Báo cáo vi phạm, bản quyền, spoiler tại trang Liên hệ hoặc Bản quyền.

Review

Quá hay nhưng cũng quá buồn

xumap 9.0 Blogger

Một đêm nọ tôi nằm mơ thấy mình cầm súng ra chiến trường, dù không rõ đó là cuộc chiến gì và tôi đang chống lại ai. Nhưng đó là giấc mơ đến sau buổi tối tôi cùng vợ xem “Đại thủy chiến”. Chúng tôi tắt TV đi ngủ khi bộ phim chỉ mới đi quá nửa, vì cả hai đã quá mệt, dù khi ấy mới bắt đầu diễn ra trận đánh.

Sẽ không chính xác nếu gọi đó là ác mộng, nhưng tôi vẫn nhớ mình đã rất sợ, trong giấc-mơ-cầm-súng đó. Còn nỗi sợ nào khác, ngoài việc lãnh đạn và hi sinh, khi ta đứng giữa chiến trường? Tôi đã có cùng cảm giác ấy khi tham gia trò bắn súng sơn, hiểu theo một cách nào đó là trò đánh trận giả. Cảm giác mình có thể bị bắn trúng bất kỳ lúc nào, dù đó chỉ là một cuộc chơi và khi ai đó bị thương, họ chỉ việc giơ hai tay lên trời và bước ra khỏi sân đấu. Đôi khi họ sẽ còn cười vì việc đó.

Nhưng chiến trường thật sự thì sẽ khác. Vì thế mà tôi sợ, ngay cả khi núp sau những núi mô hình nhắm bắn đối phương. Sợ không phải vì sẽ bị bắn, bị loại mà khi tham gia một trò chơi tiêu khiển không hơn không kém, tôi đã gắn nó với đời thực, với những cuộc chiến thật sự, nơi không có tiếng cười và sẽ chẳng có cơ hội cho mình vui vẻ giơ tay lên trời khi trúng đạn. Ở đó chỉ có cái chết, thực sự, và có thể đến bất kỳ lúc nào.

Cho đến một tối khác, chúng tôi xem Fury. Từng lỡ dịp xem bộ phim có tài tử Brad Pitt này ngoài rạp nên chúng tôi đành xem lại qua mạng Internet. Lại là chiến tranh. Lần này chúng tôi vẫn mệt và cứ tưởng sẽ phải bỏ dở giữa chừng, nhưng cái khốc liệt của bộ phim, những cái chết đến bất ngờ và tàn khốc, khiến chúng tôi phải bật dậy, dán mắt vào màn hình cho đến hết.

Cái khốc liệt mà trung sĩ dạn dày chiến trận “Wardaddy” (Brad Pitt) muốn anh chàng được đào tạo làm người đánh máy mới ra chiến trường được 8 tuần phải hiểu, và chấp nhận, có lẽ đúng với mọi cuộc chiến tranh.
Tôi đã liên tưởng nhiều đến những tiểu thuyết và phim về chiến tranh Việt Nam mình đã xem và hiểu rằng những gì diễn ra trong cuộc chiến ấy cũng không kém phần khốc liệt.

Những người lính tăng trong Fury không hát “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”, nhưng tình đồng đội của những người lính vào sinh ra tử cùng nhau chắc hẳn ở đâu cũng thế.

Chỉ tiếc vẫn chưa được xem một bộ phim Việt Nam nào đặc tả được điều đó như Fury hay các phim khác của Mỹ.

Khi xem Fury, chúng tôi nghĩ đến Lone Survivor, bộ phim cũng tàn nhẫn không kém khi người xem phải chứng kiến sự đau đớn của những người lính Mỹ cho đến phút cuối đời.

Fury quá hay nhưng cũng quá buồn, may mà coi xong (12h đêm) đi ngủ chứ không thôi sẽ buồn cả ngày.

[/reviewphim]

Chuyện về 5 anh em trên chiếc xe tăng

Thịnh Joey 8.4 Vnexpress

“Lý tưởng là hòa bình, lịch sử lại là bạo lực” – câu nói đó của nhân vật trung sĩ Don “Wardaddy” (Brad Pitt thủ vai) đã tóm gọn nội dung của Fury (tên Việt là Cuồng nộ). Bộ phim về đề tài Thế chiến thứ hai của đạo diễn David Ayer phơi bày sự thật trần trụi của chiến tranh, với những màn chiến đấu tạo cảm giác “mãn nhãn” cho phần đông khán giả.

Fury được đặt bối cảnh vào năm 1945, khi Thế Chiến đệ nhị đang đi vào giai đoạn cuối và lực lượng Đồng Minh đang dồn tổng lực tấn công phe Phát xít Đức. Tại chiến trường Tây Đức, một tiểu đội do trung sĩ Don với biệt danh “Wardaddy” chỉ huy có nhiệm vụ điều khiển chiếc xe tăng “Fury” cùng những chiếc xe tăng khác thọc sâu vào phòng tuyến của quân Đức để hỗ trợ lực lượng bộ binh. Khi chuẩn bị thực hiện một chiến dịch mới thì họ mất đi đồng đội, người thay thế lại là một tân binh chưa hề nếm mùi chiến trường, Norman (Lorgan Lerman).

Anh chàng được đào tạo để làm người truyền tin, vốn chỉ quen đánh máy và chưa bao giờ bước vào bên trong một chiếc xe tăng giờ đây được đưa vào giữa lòng địch, bên cạnh những đồng đội dày dạn kinh nghiệm. Họ là những cựu binh đã vào sinh ra tử cùng nhau từ chiến trường châu Phi, bao gồm thủ lĩnh Wardaddy, Boyd Swan (Shia LaBeouf), Grady Travis (Jon Bernthal) và Trini Garcia (Michael Pena). Dưới sự dìu dắt của những đàn anh, Norman được biết thế nào là sự tàn khốc của chiến tranh và tình đồng đội cao cả…

Từng là biên kịch của bộ phim nổi tiếng Training Day và đạo diễn các tác phẩm nhiều cảnh bạo lực như Street Kings và End of Watch, David Ayer đã thành công trong việc thể hiện ngôn ngữ hình ảnh trong Fury. Tông màu đen tối, u ám của bộ phim thể hiện rõ bầu không khí căng thẳng đến ngột ngạt của cuộc chiến tranh lớn nhất lịch sử loài người đang trong thời điểm trôi dần tới kết thúc. Những con đường lầy lội giữa bùn đất và máu, những ngôi làng Đức tan hoang vì bom đạn, những đống xác lính tử trận chất đầy… xuất hiện ngay từ những thước phim đầu tiên để lại ấn tượng mạnh cho khán giả về hình ảnh chiến trường khốc liệt.

Sự dữ dội ấy của cuộc chiến không chỉ thể hiện ở bên ngoài mà còn ở cách mà nó có thể thay đổi một con người.

Trong chiến tranh, không có chỗ cho sự khoan dung hay nhân nhượng, khi mà sinh mạng con người có thể bị định đoạt chỉ bằng một giây chần chừ. Từng có câu nói “Những ai thực sự muốn tham gia chiến tranh đều chưa từng trải nghiệm nó”. Fury khắc họa sự tàn khốc của chiến trận chứ không tô vẽ, để người xem cảm thấy rùng mình trước những hậu quả mà nó đem lại cho thể xác và tâm lý con người. Chàng tân binh Norman là người hiểu rõ nhất điều đó và khán giả được tận mắt chứng kiến sự biến chuyển từ cậu lính trẻ này.

Từ một anh chàng gõ máy chữ ở đầu phim cho tới một người lính không ngại xả súng vào kẻ địch về cuối là cả một sự thay đổi dài nhưng hợp lý, sau những gì anh trực tiếp trải nghiệm trên chiến trường.

Để có một Norman trưởng thành như vậy, không thể không nhắc tới vai trò của những người đồng đội trên chiếc xe tăng Fury. Có thể ví nhân vật Wardaddy như một người thầy dìu dắt cậu học trò Norman, khi trung sĩ do Brad Pitt thủ vai thể hiện rõ sự quan tâm với nhân vật này dù cách thể hiện của anh mang vẻ lạnh lùng. Từng thủ vai một chiến sĩ diệt Phát xít trong Inglorious Basterds của đạo diễn Quentin Tarantino, Pitt không gặp khó khăn gì trong việc đảm nhiệm Wardaddy. 5 diễn viên chính có sự kết nối ăn ý trên màn ảnh, giúp khán giả cảm nhận được tình đồng đội gắn bó giữa họ. Hai diễn viên Shia LaBeouf và Lorgan Lerman đã có màn thể hiện tốt, đặc biệt là Lerman khi anh rũ bỏ hình ảnh chàng Percy Jackson vốn quen thuộc với khán giả.

Fury không có tiết tấu nhanh nhưng vẫn đủ lôi cuốn khán giả bởi các nhân vật chính luôn bị đặt trong tình thế phải cảnh giác trước những hiểm họa có thể tới bất cứ lúc nào. Phần lớn thời lượng bộ phim mang bầu không khí nặng nề, chỉ trừ một trường đoạn yên bình hiếm hoi khi quân Đồng Minh dừng chân tại một thị trấn nhỏ của Đức. Song đó chỉ là khoảng lặng trước cơn bão, khi hai trường đoạn hành động cao trào nhất của Fury đều được đến sau đó.

Các cảnh hành động chỉ được tập trung trong hai phân đoạn trên song được đạo diễn Ayer dàn dựng tốt, khiến khán giả khó có thể rời mắt khỏi màn hình. Đầu tiên là trường đoạn đoàn xe tăng Đồng Minh gặp chiếc chiến xa Tiger I của phe Phát xít tạo nên một cuộc đấu trí và hỏa lực khiến mọi thứ xung quanh đều bị rung chuyển.

Thứ hai và cũng là ấn tượng nhất chính là khúc chiến đấu bi tráng ở cuối phim, giữa “5 người chống lại 300 kẻ địch” được nhắc tới từ trong trailer. Đây là một trường đoạn được kể hấp dẫn và đủ khiến người xem cảm thấy đã mắt, song lại đem tới cảm giác được cường điệu quá mức khiến khúc cuối phim trở nên không thực tế. Đây là điểm trừ của tác phẩm, khi nửa đầu phim mang không khí nặng nề chân thực, nhưng khúc cuối lại đậm chất bi tráng “made in Hollywood”.

Trong dòng phim về Thế chiến thứ hai, Saving Private Ryan và Band of Brothers cho đến nay vẫn là tượng đài lần lượt ở mảng điện ảnh và phim truyền hình. Fury chưa thể đạt tới đẳng cấp như hai phim lừng lẫy kể trên, nhưng vẫn là một bộ phim chiến tranh đủ hấp dẫn đối với phần đông khán giả.

Hấp dẫn và đầy lôi cuốn

Hoàng Cương 7.9 Đẹp

Dù được giới phê bình ca ngợi hết lời, dù có sự góp mặt của dàn sao sáng giá bao gồm Brad Pitt, Shia LaBeouf và Logan Lerman, “Fury” (tựa tiếng Việt: Cuồng nộ) cũng không được chào đón quá nhiệt tình khi ra rạp, chỉ mang về hơn 60 triệu USD sau khoảng 10 ngày công chiếu ở Bắc Mỹ và một số khu vực khác trên thế giới. Cũng dễ hiểu thôi, chiến tranh chưa bao giờ là thể loại phim ưa thích của công chúng cả.

“Fury” hấp dẫn và đầy lôi cuốn, điều này không phải bàn cãi. Nhưng “Fury” sẽ khiến người ta phân vân khi đứng trước quầy vé, bởi có gì đáng xem một bộ phim về 5 anh lính xe tăng trên đất Đức vào những tuần lễ cuối cùng của Đệ nhị Thế chiến? Dĩ nhiên, câu trả lời chỉ có ở trong rạp. Fury là tên của một chiếc xe tăng của quân Đồng minh với 5 chiến binh đã dạn dày trận mạc, từng chinh chiến ở châu Phi và nhiều quốc gia châu Âu trước khi tiến vào sào huyệt của Đức quốc xã. Nhưng Fury có lẽ cũng là một sự ám chỉ của đạo diễn kiêm biên kịch David Ayer về cơn “cuồng nộ” của chiến tranh, nơi sự khoan dung chỉ như phép màu của Chúa và bắn hết, đốt hết, giết hết mới là tôn chỉ, là mục đích cho các bên tham chiến.

“Fury” hầu như không giống các phim Hollywood lấy bối cảnh Thế chiến thứ 2 khi để nội dung xoay quanh một nhóm lính xe tăng với những cá tính khác biệt và khó trộn lẫn. Tiết tấu của phim cũng chậm rãi như việc di chuyển của thứ vũ khí này nhưng khi đã bùng nổ thì vô cùng dữ dội. David Ayer đã rất xuất sắc trong việc mô tả sự tàn bạo của chiến tranh bằng những hình ảnh chấm phá trong đoạn mở phim, khi chiếc Fury lầm lũi đi trong doanh trại của quân đồng minh. Những xác người chất đống phải dùng máy ủi xuống hố, máu thịt trộn lẫn với bùn đất, những cặp mắt vô hồn xám xịt của đám tù binh đằng sau hàng rào, cơn giận dữ đôi khi vượt khỏi tầm kiểm soát. Kể từ giây phút đó, tâm lý của các nhân vật chính đã bắt đầu được xây dựng, được triển khai như một động tác dọn đường cho lựa chọn mang tính bước ngoặt ở cuối phim.

“Fury” có nhiều tình huống khiến những người mê văn chương phải nhớ, phải liên tưởng đến cuốn tiểu thuyết kinh điển “Phía Tây không có gì lạ” của Erich Maria Remarque. Đó là khung cảnh chiến trường im ắng, vắng lặng mờ trong sương sớm trộn khói súng. Là chiến tranh qua góc nhìn của một tân binh. Là một chút khoảng lặng, vừa đủ lãng mạn nhưng lại rất thực tế qua việc trao đổi những nhu cầu cơ bản nhất của con người. “Fury” cũng có những khoảnh khắc lay động trái tim khán giả, như cuộc tình chóng vánh của tân binh Norman Ellison với cô gái người Đức, cách mà 5 chiến binh thể hiện tình cảm trong chiếc xe tăng chật hẹp…

Không có quá nhiều thông điệp trong bộ phim này. Thứ mà khán giả thấy rõ nhất chính là những bài học đắt giá để tồn tại giữa cuộc chiến, nơi mỗi sai lầm dù nhỏ nhất đều phải trả giá bằng sinh mạng, nhẹ hơn cũng có thể là một bộ phận nào đó trên cơ thể. Nhân đạo là tự sát. Đúng vậy. Có cần phải xả súng vào xác chết không? Có, vì biết đâu chúng lại bật dậy và găm vào người ta cả vốc kẹo đồng. Việc sống sót được sau mỗi trận đánh là nhờ có quá nhiều kẻ kém may mắn hơn. Chiến tranh là cỗ máy xay thịt khổng lồ và David Ayer là một trong không nhiều người có thể diễn giải hình ảnh này trên màn bạc một cách chân thực nhất.

Trong “Fury”, David Ayer đã làm mờ hẳn khái niệm địch – ta, xóa nhòa ranh giới giữa thiện và ác. Những người lính đơn giản chỉ làm việc họ cần làm mà thôi. Mọi hành động dù là man rợ nhất đều tìm được sự biện minh. Tính triết lý của bộ phim có lẽ nằm ở đó. Không thể lấy bất cứ tiêu chí nào đánh giá nó và khi bước ra khỏi rạp, người xem có lẽ vẫn còn đọng lại trong đầu những câu hỏi chẳng có đáp án về chuyện đúng sai, phải trái. Một thông điệp mang tính ẩn dụ lên án sự phi nghĩa của chiến tranh, nếu David Ayer muốn như vậy.

Các màn hành động trong bộ phim này không nhiều nhưng vẫn tạo được điểm nhấn, đặc biệt là trận chiến giữa 4 chiếc xe tăng trên cánh đồng hoang vắng, có thể coi là độc đáo và ngoạn mục nhất trên màn ảnh rộng từ trước đến nay. Nếu cuộc giao tranh cuối cùng bớt cường điệu về phần hình ảnh mà chặt chẽ hơn, sát phạt hơn thì đã trở thành hoàn hảo. Nhưng bù lại, David Ayer đã có một cảnh kết phim thuộc dạng để đời với ống kính dựng đứng, kéo từ thấp lên cao, đặc tả một hình ảnh vừa thê lương vừa bi tráng, cùng với ánh mắt đầy ắp cảm xúc nhìn qua ô kính của Logan Lerman, lại vẫn gợi nhớ đến “Phía Tây không có gì lạ”…

“Fury” làm tốn khá nhiều giấy mực của báo giới. Tất cả đều tôn vinh diễn xuất của 5 diễn viên chính, đặc biệt là Logan Lerman, Shia La Beouf và Brad Pitt (dù anh có lặp lại bản thân trong “Inglourious Basterds”). Một bộ phim u ám, thô tháp, góc cạnh và không dành cho những người ra rạp với mục đích giải trí. Nhà phê bình James Berardinelli đã viết: “Fury rất đáng nhớ, bởi nó mô tả xuất sắc sự ghê rợn của chiến tranh mà chẳng cần đề cập đến sự suy bại của con người” (như “Platoon” – Trung đội). Không thể chính xác hơn…

Đánh giá

Nội dung - 8.4
Diễn xuất - 8.5
Nhạc phim - 8
Kỹ xảo điện ảnh - 8.2
Thông điệp truyền tải - 8.2

8.3

Khốc liệt

Quá hay nhưng cũng quá buồn

User Rating: 3.9 ( 1 votes)

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Chín 5, 2018 | Lần cập nhật cuối: Tháng Bảy 27, 2019

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button