Review phim

Đèn Lồng Đỏ Treo Cao

Raise the Red Lantern

Nội dung

Tùng Liên là cô sinh viên 19 tuổi xuất thân từ gia đình trung lưu nhưng khi vừa bước chân vào đại học thì cha cô bị phá sản phải tự tử. Dưới sự áp bức của người mẹ ghẻ, cô nghỉ học và bước vào nhà họ Trần làm hầu thiếp thứ tư cho chủ nhân Trần Tả Thiên, một ông già nhiều tuổi nhưng giàu có.

Thể loại

10 phim hay về Trung Quốc đi từ quá khứ đến hiện tại - 10 phim hay về Trung Quốc đi từ thời Chiến Quốc, bị chia cắt thành 7 nước đến giai đoạn chiến tranh Trung – Nhật rồi cuộc Nội chiến Trung Quốc. Tất cả khắc họa rõ nét hình ảnh con người, đất nước Trung Quốc kéo dài từ thời chiến đến thời bình cho đến… Đọc thêm

Trailer

Các review được Vnwriter tổng hợp từ nhiều nguồn. Báo cáo vi phạm, bản quyền, spoiler tại trang Liên hệ hoặc Bản quyền.

Review

Nỗi ám ảnh của chế độ đa thê

Chi Chii 8.6 Molo

Có lẽ hình ảnh gây ấn tượng nhất với tôi trong bộ phim là những chiếc đèn lồng đỏ. Mỗi đêm, trần lão gia muốn ghé qua phòng của người thiếp nào thì người đó sẽ được treo đèn lồng đỏ trên cao trước cửa phòng. Chiếc đèn lồng giản đơn bỗng trở thành thứ quý giá mà những người vợ thèm khát.

Thế nhưng tôi không nghĩ thứ họ thèm khát là sự yêu thương, quan tâm từ người chồng. Cái họ muốn đạt được chỉ là quyền lực, tiếng nói trong ngôi nhà đó, được đối xử như một bà chủ. Giống như người ta vẫn thường nói “Một nước không thể có hai vua, một rừng không thể có hai hổ”, một khi lòng tự tôn được đặt lên trên tất cả, các bà vợ không ngại dùng những mưu kế cay nghiệt nhất để dìm đối thủ xuống.

***

Chiếc đèn lồng đỏ là chiến lợi phẩm nhưng cũng là nỗi đau giằng xé, nó gây ám ảnh đến mức sau nhiều tuần xem, màu đỏ của chiếc lồng đèn và ánh sáng bập bùng bên trong vẫn ẩn hiện khi tôi nhắm mắt lại nơi đêm tối. Lúc đó những phân cảnh kinh hoàng của bộ phim lại hiện ra.

Hình ảnh người hầu gái của Tùng Liên ngồi dưới tuyết nhiều ngày đêm nhìn những chiếc đèn lồng đỏ bị thiêu rụi bởi hình phạt vì cô đã “dám” ước mơ trở thành bà chủ. Hình ảnh chiếc đèn lồng đỏ bị phủ vải đen khiến cả một khuê phòng của Tùng Liên trở nên u tối. Hình ảnh người vợ ba bị đưa lên căn gác xép cáu bẩn cùng những chiếc đèn lồng đỏ và bị thắt cổ cho đến chết. Nhưng gây xúc động nhất vẫn là hình ảnh Tùng Liên hóa điên và lang thang giữa những chiếc đèn lồng đỏ được thắp sáng dọc hành lang, sự chuyển cảnh và đan xen nhau ở đoạn kết phim lại càng khiến tôi trở nên ngộp thở.

Cũng là một kiếp người, tại sao họ lại phải sống khổ sở như vậy, đây không còn là sống nữa mà chỉ là sự tồn tại nhất thời, Tùng Liên đã luôn tự hỏi “Treo đèn, thổi đèn, phong đèn, rốt cuộc tôi phải quan tâm đến chuyện gì? Rốt cuộc người ta đã làm gì trong căn nhà này? Họ giống như chó, mèo hay là chuột, rõ ràng không phải là người”

Nỗi buồn thân phận

Chi Chi 8.3 Vnexpress

Bộ phim được các nhà phê bình đánh giá cao về nghệ thuật quay phim cũng như nội dung, và được đề cử Oscar cho Phim nước ngoài hay nhất năm 1992. Phim sử dụng những màu sắc đơn giản nhưng lại rõ ràng và mang tính gợi hình cao, từ màu đỏ của những chiếc đèn lồng cho tới màu xanh của mái nhà lúc chạng vạng.

Diễn xuất của Củng Lợi cũng nhận được nhiều lời khen ngợi. Vai diễn của cô được miêu tả “vừa thể hiện những nét sâu sắc không ngờ, vừa cho thấy những khía cạnh ẩn giấu của nhân phẩm và nỗi buồn”.

***

Bối cảnh phim đặt vào năm 1920, khi xã hội cũ vẫn đặt nặng quyền lợi cho nam giới và coi nhẹ người phụ nữ. Nữ giới tại thời điểm ấy chỉ là những bông hoa sống phụ thuộc vào đàn ông, hạnh phúc hay đau khổ đều do đàn ông mang lại.

Đèn lồng đỏ treo cao được làm với kết cấu như một vở kinh kịch truyền thống, với mỗi chương hồi được phân cách bằng âm thanh và hình ảnh. Các nhân vật được xếp vai như những đào kép trên sân khấu. Để rồi đến hồi cuối, một màn nữa mở ra, một kép mới lên sàn, một cuộc đời khác khép lại.

Củng Lợi tiếp tục thể hiện khả năng ghi dấu ấn trong lòng khán giả với vai diễn này. Cảnh cuối phim, cô hóa thân xuất sắc từ một thiếu nữ tràn đầy sức sống và hy vọng về tình yêu thành một người phụ nữ vô hồn sống giữa căn nhà giàu sang phú quý.

Nhân vật Tùng Liên được mô tả là người điên nhưng thực chất, cô đã trở thành một nhân vật mất hết hy vọng và sức sống. Tùng Liên dù không chết nhưng cũng đã thành một hồn ma giữa nhà họ Trần.

Phơi bày sự bất công của xã hội phong kiến

dreamymoth 8.7 Blogger

Tác phẩm là tiếng nói của những bi kịch của người phụ nữ Trung Hoa thời xưa được duy mỹ hóa. Thời phong kiến, việc một người đàn ông có nhiều của cải có nhiều vợ không phải là điều gì sai trái. Ngược lại, điều đó còn bộc lộ quyền uy và sức mạnh nam giới của họ mà nếu không muốn nói ra là để phục vụ nhu cầu tình dục của người đàn ông. Người phụ nữ thường có xuất thân tháp kém hơn, được mua về làm vợ bằng tiền của chồng nên họ có mặc cảm phục tùng. Khốn nạn thay, nếu như đàn ông có quyền năm thê bảy thiếp thì người vợ lại không có quyền có quan hệ tình ái với bất kì ai. Người phụ nữ trở thành nạn nhân của xã hội nam quyền: nơi nam giới được tôn vinh còn phụ nữ bị rẻ rúng. Điều này còn được thể hiện qua chi tiết bà hai bị thất sủng trong nhiều năm khi chỉ sinh được một người con gái.

Có lẽ ánh sáng trong trẻo và ấm áp duy nhất xuất hiện trong phim là khi Xuân Mai nghe thấy tiếng sáo của cậu con trai lớn của Trần gia. Trong khung cảnh âm u, nặng nề ấy bỗng bừng lên ánh sáng của sự đồng điệu giữa hai con người xa lạ. Ấy là khi Xuân Mai còn nhận ra chút tự do sót lại nơi con người đã tra tay vào cùm như cô. Khi lão gia đốt cây sáo của Xuân Mai thì cũng là lúc mọi mơ mộng của một cô gái 20 tuổi tắt ngúm. Cô phải quay lại làm bà tư của Trần lão gia, phải học cách giành giật quyền lợi vì sự tồn tại dài lâu.

Đây còn được xem là ẩn ức tính dục của người phụ nữ. Những người vợ trẻ đẹp đều phải chôn vùi thanh xuân của mình trong căn nhà lạnh lẽo, cô đơn đến rợn người. Họ ngửa tay chờ đợi sự bố thí yêu thương từ người chồng để được hãnh diện, được hưởng những quyền lợi mà những người không được chọn không có được. Nhưng chính họ mới là những kẻ đáng thương nhất: đóng vai là những nô lệ tình dục để thỏa mãn người đàn ông của họ. Họ cũng là con người, cũng có những nhu cầu về thể xác và tinh thần. Nhưng xã hội không cho họ chọn lựa. Họ chỉ có thể nghe lỏm tiếng búa xúc xắc vang lên ở nhà một bà khác để tự thỏa mãn hay đè nén những cảm xúc với con riêng của chồng như bà tư đã làm. Còn người cá tính như bà ba thì tự đi tìm hạnh phúc riêng để rồi chết tức tưởi trên căn phòng gỗ trên mái nhà.

Đánh giá

Nội dung - 8.3
Diễn xuất - 8.4
Nhạc phim - 8.3
Kỹ xảo điện ảnh - 8.1
Thông điệp truyền tải - 8.6

8.3

Rất hay

User Rating: 4.45 ( 3 votes)

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Bảy 31, 2019 | Lần cập nhật cuối: Tháng Bảy 31, 2019

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button