Review phim

Giải Cứu Lúc Bình Minh

Rescue Dawn

Nội dung

Phim dựa trên bộ phim tài liệu về chiến tranh Việt Nam, “Little Dieter Needs to Fly” sản xuất năm 1997.”Rescue Dawn” là một câu chuyện của một anh lính người Mỹ gốc Đức, Dieter Dengler( Christian Bale thủ diễn ) ngay từ nhỏ đã có một ước mơ cháy bỏng muốn làm phi công bay khắp mọi nơi.

Do đó Dengler di cư đến Mỹ để thực hiện ước mơ bằng cách đăng nhập không lực Hoa Kỳ tiến thẳng đến Việt Nam trong những ngày đầu của cuộc chiến tranh Việt Nam.Ở chiến trường biên giới Việt-Lào, máy bay bị bắn rơi và Dengler bị bắt làm tù binh nhưng ước mơ bay lượn mãi cháy bỏng trong anh, điều đó khiến anh quyết tâm tổ chức 1 cuộc đào thoát khỏi quân Giải phóng..

Thể loại

14 phim hay về chiến tranh xem để trân trọng hiện tại - “Chiến tranh không bao giờ xuất hiện như một cái gì riêng biệt, mà nó là một hiện tượng xã hội cụ thể”. Cho dù chiến tranh mang một màu sắc chính trị nào đi chăng nữa thì nó vẫn là kẻ thù số một của con người, bởi nó luôn đe dọa sự sống… Đọc thêm

Trailer

Các review được Vnwriter tổng hợp từ nhiều nguồn. Báo cáo vi phạm, bản quyền, spoiler tại trang Liên hệ hoặc Bản quyền.

Review

Chiến tranh tàn khốc

Chuyenvovan 8.1 Blogger

Lâu rồi không viết gì về phim phọt nhỉ :D. Bài có tiết lộ nội dung phim tí ti.

Phim kể về phi công Hải quân Dieter Dengler (Christian Bale) bị du kích Lào bắt giữ trong chiến tranh Việt Nam và quá trình đào thoát khỏi nhà tù của Dieter. Đây là thể loại phim action/adventure/war nên cảnh background được chăm chút rất kỹ. Thailand một lần nữa được chọn để quay ngoại cảnh cho phim liên quan đến chiến tranh VN. Ngoại cảnh là nét nổi bật của phim. Những mảng rừng dày đặc màu xanh, những thác nước, những hang động, những ngọn núi nhỏ rất đặc trưng cho vùng rừng nhiệt đới của Đông Nam Á. Những cánh đồng, buôn làng của người Lào và nhất là khu “nhà tù” giam giữ tù binh chiến tranh (POW) ngay giữa rừng được mô tả khá chi tiết.

Rescue Dawn miêu tả hình ảnh của người lính du kích của buôn làng bắc Lào rất rõ nét, có phần hơi man rợ [ít ra là với tù binh Mỹ]. Những người du kích canh gác tù binh Mỹ được mô tả như những người man rợ và rất tàn nhẫn với tù binh. Trong phim cũng xuất hiện hình ảnh lính Pathet Lào và cả những người lính Bắc Việt – làm nhiệm vụ “bảo hộ” và cố vấn cho du kích Lào, quân Pathet Lào chống các đợt càn quét của máy bay Mỹ và giam giữ tù binh. Khác những phim như the Deer Hunter hay Platoon, quân Bắc Việt trong phim này có vẻ ngoài “sạch” hơn, ít man rợ hơn và có uy lực hơn. Không còn cảnh người lính mang bộ mặt lạnh lầm lì mà thay vào đó là hình ảnh cô nữ bộ đội cười với Dieter.

Bộ phim cũng nói cụ thể về điều kiện thiếu thốn đến tồi tệ của “nhà tù” cho tù binh chiến tranh. Nhà tù được xây dựng là một tổ hợp nhà rông lợp bằng lá chung quanh có rào nứa bao quanh và nằm giữa khu rừng nhiệt đới. Vì thế điều kiện cho tù binh rất kém. Tù binh ít khi được ăn uống, khi không có đủ gạo thì họ buộc phải ăn côn trùng và giun. Bị tra tấn về thể xác và tinh thần nên có người trong bọn bị tâm thần và tỏ ra khá sợ hãi khi Dieter đề cập đến chuyện vượt ngục. Christian Bale đóng phim này khá cực khổ khi anh phải đóng những cảnh bị tra tấn, bị treo ngược lên, bị nhúng người vào giếng nước…Sau khi được giải cứu, Dieter trông ốm hẳn, hai má hóp lại khác hẳn với giai đoạn lúc đầu phim khi chưa bay. Tuyến diễn viên phụ cũng diễn khá tốt, nổi bật là anh chàng da bọc xương Eugene diễn tả khá hay tâm lý của người tù đã bị giam giữ gần 2 năm ở nhà tù của du kích Lào. Cảnh đào thoát của các tù binh từ lúc lên kế hoạch đến lúc thực hiện cũng hồi hộp không kém những phim vượt ngục như Papillon hay The Great Escape.

Rescue Dawn dựa trên câu chuyện có thật trong lịch sử về cuộc vượt ngục của Dieter Dengler. Bộ phim đã tôn trọng những nét chính trong vụ đào thoát dựa trên cuốn hồi kí của Dieter – Escape From Laos. Từ chuyện bị tra tấn, bị treo ngược lên, bị nhúng người vào giếng nước, bị trói chung với tổ ong để ong chích cho đến chuyện người bạn đồng hành Duane Martin cùng thoát ra nhưng sau đó chỉ mình Dieter sống sót trở về lại được căn cứ. Tuy nhiên, trong thực tế Dieter đã hơn một lần vượt ngục và bị bắt lại còn trong phim Dieter chỉ vượt ngục có một lần rồi thoát. Sau đó ông giải ngũ và trở thành phi công dân sự. Dieter qua đời năm 2001 và được chôn cất tại Nghĩa trang quốc gia Mỹ ở Arlington, Virginia.

Tuy nhiên, theo như website rescuedawnthetruth.com của những bạn bè và người thân của những người tù năm ấy thì phim có những điều sai với thực tế – điều mà như họ nói, “có thể không là vấn đề với những nhà làm phim Hollywood, những film critiques review phim, những khán giả nhưng nó phần nào tổn thương đến những người tù POW thực sự lúc đó, những cựu chiến binh và các thành viên gia đình của họ”. Điều sai cơ bản nhất của phim là hình ảnh người tù Eugene DeBruin. Trong phim mô tả Eugene là người khá ích kỷ, bị tâm thần nhẹ và rất sợ hãi khi cả nhóm nói đến vượt ngục. Tuy vậy, theo như website nói thì thực tế Eugene là người mạnh mẽ, can đảm, luôn giữ tinh thần minh mẫn và là người luôn giữ đúng lời hứa của mình (theo lời Pisidhi Indradat – một trong những tù binh khi đó). Chính Eugen mới là người lãnh đạo mạnh mẽ của cả nhóm, cũng chính ông là người chế ra chìa khóa mở còng và thực hiện cuộc vượt ngục (tuy không thành công) trước khi Dieter bị bắt đến đó. Và kế hoạch vượt ngục của cả nhóm được thực hiện nhờ vào sự giúp sức rất lớn của Eugene. Sau khi thoát khỏi, chính Eugene chia tay Dieter để quay lại cứu người bạn tù khác. Cái mà những người lập website muốn nói là tại sao tung hô hình ảnh “anh hùng” của Dieter Dengler mà lại “xuyên tạc” hình ảnh thật sự của những người từng bị giam chung với ông như Eugene, Duane hay những người lính Thái và người lính Hongkong? Phải chăng là đề cao người lính được cứu bởi lực lượng rescue theo quan điểm “No man left behind” ?

Bỏ qua chi tiết đó thì bộ phim cũng rất đáng xem phần nào nó cũng thể hiện được quá trình sống trong nhà tù cũng như quá trình đào thoát của nhóm người tù khá chân thật. Bộ phim chủ yếu mô tả những quá trình đó nên nó không đứng về phía nào cả, phía ủng hộ chiến tranh hay phía phản chiến. Rescue Dawn chỉ phản ánh một phần nào sự thật của cuộc chiến Việt Nam và cũng như bất cứ cuộc chiến nào, đối với những người lính, dù ở phía nào đi nữa, không có ai là kẻ chiến thắng thật sự cả.

Thông tin cóp nhặt từ Wikipedia và Rescuedawnthetruth.com.

Đánh giá

Nội dung - 8.3
Diễn xuất - 8
Nhạc phim - 8
Kỹ xảo điện ảnh - 8.3
Thông điệp truyền tải - 8.3

8.2

Tàn khốc

Không có ai là kẻ chiến thắng thật sự cả.

User Rating: 3.55 ( 1 votes)

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Chín 5, 2018 | Lần cập nhật cuối: Tháng Bảy 27, 2019

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button