Review phim

Giết Con Chim Nhại

To Kill A Mockingbird

Nội dung

Tác phẩm lấy bối cảnh ở thị trấn nhỏ Maycomb, Alabama trong những năm 1930. Atticus Finch, một luật sư da trắng, được chỉ định đứng ra bảo vệ Tom Robinson – một người đàn ông da đen bị buộc tội cưỡng hiếp một người phụ nữ da trắng – Mayella Ewell.

Thể loại

25 phim hay nhất mọi thời đại - Phim ảnh luôn có sức ảnh hưởng to lớn, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống hàng ngày. Vnwriter giới thiệu 25 bộ phim hay nhất mọi thời đại đã truyền cảm hứng và thay đổi cuộc sống hàng triệu người. Nhà tù Shawshank Andrew, một nhân viên nhà băng, bị kết… Đọc thêm
10 phim hay về luật sư đáng xem trong đời - 10 phim hay về luật sư được phỏng tác theo nhiều câu chuyện có thật , mỗi câu chuyện thuộc hoàn cảnh, thời đại khác nhau nhưng đều nêu bật tinh thần và ý chí mạnh mẽ của người luật sư trên con đường bảo vệ sự thật và công lý cho người vô tội… Đọc thêm
19 phim hay về cuộc sống nên xem trong đời - Cuộc sống như một tấm gương phản chiếu , u ám khi bạn có góc nhìn tiêu cực, chán nản và ngược lại đầy màu sắc nếu bạn lạc quan, tin vào bản thân, tin vào điều tốt đẹp. 19 phim hay về cuộc sống chứa đựng các bài học giá trị được truyền tải qua… Đọc thêm

Trailer

Các review được Vnwriter tổng hợp từ nhiều nguồn. Báo cáo vi phạm, bản quyền, spoiler tại trang Liên hệ hoặc Bản quyền.

Review

Bài ca về tình yêu thương con người

ikanfilm 8.4 Blogger

Giết con chim nhại là một tội ác cho bất kỳ một đứa trẻ nào lần đầu cầm súng hơi, vì bọn trẻ chỉ nên bắn vào những chiếc lon thiếc ở sân sau nhà và vì chim nhại vô hại đã cho những tiếng hót ngân nga góp vui cho đời. Những con chim nhại đã được Harper Lee chuyển tải thành những thông điệp bất hủ, đầy tính nhân bản trong tác phẩm duy nhất của bà và liền một năm sau đó, đã được dựng thành phim điện ảnh với nhiều giải thưởng danh giá bao gồm Putlizer và Oscar lần lượt cho cả tiểu thuyết và phim.

Với danh tiếng đó, bài viết này mình không cần phải tập trung quá nhiều vào ý nghĩa của câu chuyện vì đã có báo chí, chuyên gia phân tích rồi. Mình sẽ tập trung vào nội dung của bộ phim và cố gắng so sánh giữa kịch bản chuyển thể so với tác phẩm gốc để bạn có thể thấy rằng, phiên bản điện ảnh là một góc hiện thực hoá bối cảnh và nhân vật trong tiểu thuyết nhằm đạt được mục tiêu cốt lõi do nhà biên kịch hoặc của đạo diễn đặt ra, hơn là cho thấy phiên bản điện ảnh kém hấp dẫn hơn so với tiểu thuyết như thế nào. Điều này cũng một phần xoá nhoà đi ranh giới của những bộ phim điện ảnh thường bị gán ghép “kẻ đi sau” tiểu thuyết, chỉ là bạn đang đứng trên những quan điểm của cái này để đánh giá cho cái kia.

1. Phân biệt chủng tộc

Xoay quay câu chuyện qua lời kể của Scout – cô bé 6 tuổi, là người dẫn dắt người xem – về một hạt Maycomb mệt mỏi những năm 1932, lúc mà “không có tiền để mua và cũng không có gì để mua” đang trải qua một mùa hè nóng nhất, khi mà bang Alabama, một bang phía Nam nước Mỹ rất nặng quan điểm về phân biệt chủng tộc. Bố của Scout, Atticus, vị luật sư goá vợ nuôi hai đứa con nhỏ mang nặng những nỗi lòng về cách giáo dục những đứa trẻ sao cho chúng trở thành người tốt, biết suy nghĩ và tự định hình tính cách. Và nếu tiểu thuyết đặt Scout vào vị trí trung tâm, thì ở điện ảnh Scout chỉ là người dẫn truyện và kể về bố Atticus, người chấp nhận lời làm luật sư bào chữa cho Tom Robinson, một anh chàng da đen, bị gán tội cưỡng hiếp và đánh đập một người phụ nữ da trắng. Hãy hiểu rõ về bối cảnh, khi xã hội xem người Da Đen thấp kém, chỉ xứng làm người hầu phụ việc trong gia đình của người Da Trắng, thì việc một luật sư Da Trắng bào chữa cho người Da Đen là một chuyện bất thường, vượt qua sự tưởng tượng của một gia đình tốt, dòng tộc tốt của bất kỳ người Da Trắng nào.

Khi Scout sẵn sàng đánh trả bạn bè vì dám trêu rằng “bố mày bênh vực bọn mọi đen”, Scout chưa hiểu tại sao bố phải làm vậy, thì chính bố Atticus nói rằng “đây là việc phải làm”, vì đây là cách duy nhất Atticus có thể chứng minh với 2 đứa con của ông là những quan điểm ông làm là đúng đắn với đạo đức cơ bản của một con người.

Sự chính trực, khiêm cung và nhân văn của một con người thể hiện qua hành động cho dù phải thất bại trăm lần nhưng người đó vẫn sẽ cố gắng để thực hiện, dù biết phía trước là thất bại, để sau này có thể nói rằng ta đã cố thành công. Việc chiến thắng của một người Da Đen là điều không thể, sự nỗ lực của Atticus là bằng chứng sống động cho thấy có sự lung lay trong suy nghĩ của những người Da Trắng, đã chạm tới đáy nhận thức đạo đức mà một kẻ theo Chúa hoặc theo bất kỳ một tôn giáo có thể cảm nhận được, rằng sự bất công của lòng kiêu hãnh ích kỷ đã dẫn đến sự bất công của xã hội chôn vùi những luân thường đạo lý con người, và hành động bào chữa như một hồi chuông cảnh tỉnh tất cả rằng, như Atticus nói Hiến Pháp quy định con người là bình đẳng, và toà án là nơi thực thi quyền đó lại là nơi hiển thị rõ rệt nhất sự phân biệt kì thị chủng tộc.

Bố Atticus của phim sắc sảo như một vị luật sư từng trải, thì bố Atticus của truyện là một người giáo dục nhân bản. Nếu phim chỉ có thể phác hoạ một bố Atticus đấu tranh hết mình vì quyền con người, vì lòng bác ái thì bố Atticus của truyện sẽ là một người cha vĩ đại mà bất kỳ một ai mong ước có. Bộ phim đã làm trọn vai trò của Atticus nhất khi phản ánh qua ông để nói lên vấn nạn phân biệt chủng tộc nặng nề trong những năm phim phát hành.

2. Giáo dục nhân bản

Để Scout dẫn dắt mạch truyện như trong sách để thể hiện sự định hình tính cách của Scout và anh trai Jem. Từ những đứa trẻ ham chơi, những suy nghĩ của Scout phản ánh qua từng mùa hè rong ruổi khắp xóm cùng Jem và Dill, tò mò về cuộc sống của người bạn bí ẩn Boo Radley đã đưa những đứa trẻ vào cuộc phiêu lưu kỳ thú của tuổi thơ, mà qua đó những sự kiện của người lớn và chính bản thân của đứa trẻ sẽ quyết định nên tính cách.

Bạn không cần phải có một ông bố Atticus để chỉ dẫn, mà chỉ cần có một trái tim rộng mở như bố Attticus nói rằng: “Ta không bao giờ thực sự biết một người chừng nào ta chưa ở vào địa vị của họ và cư xử theo kiểu của họ” khi ông khuyên Scout hãy vì ông mà chấp nhận những lời đàm tếu và trêu chọc của bất kỳ ai, vì chính bản thân ông và chính vào cách nhìn nhận con người Scout. Scout và Jem luôn suy nghĩ Boo Radley là một người bí ẩn mang trái tim nặng trĩu của tội lỗi năm xưa. Nhưng chính Boo Radley đã cứu Jem và Scout khỏi tay kẻ ác. Và khi Scout dẫn Boo Radley về nhà, Scout nhận thấy rằng mình đang đặt mình vào vị trí của Boo Radley để thấy cảnh vật xung quanh, để hiểu mọi thứ về người bạn già mà sau này cô bé không còn cơ hội để gặp lại nữa.

Khi Atticus hỏi Scout: “Con nghĩ sao về việc này?”, Scout trả lời: “Giống như giết một con chim nhại vậy!”. Khi Boo cứu Scout và Jem, Boo đã ngộ sát một mạng người, mà chính cái mạng người ấy lại khiến một anh Da Đen bị dồn vào cõi chết. Câu trả lời đúng hay sai khi Scout nói như vậy vẫn là đề tài tranh cãi cho đến ngày hôm nay, nhưng cũng không làm mờ đi tính nhân bản của việc giáo dục đúng dắn, đặc biệt là trẻ em cần được học ngay từ nhỏ và người lớn cần phải rèn dũa đức tính bao dung, từ bi, bác ái đó.

Trong truyện sẽ nói rõ hơn rất nhiều về tính giáo dục, nhưng với bộ phim vậy là đủ để người xem thấu hiểu trong cách giải thích “Giết con chim nhại”. Dù vậy, nếu bộ phim đi sâu hơn vào cách giải thích tâm lý biến đổi của Jem và Scout sẽ có ý nghĩa hơn nhiều.

Đừng giết con chim nhại

Việc Scout nghĩ rằng đem Boo Radley rụt rè ra trước công chúng cũng giống như giết con chim nhại vậy. Bằng cách nào đó, tác giả (Harper Lee) đã đưa hình ảnh con chim nhại nhiều lần trong sách, để ẩn dụ việc con người sinh ra lương thiện đã bị đẩy vào những con đường sai trái, lệch lạc và đen tối của xã hội và chết đi trong tâm hồn như những con chim nhại bị giết vậy. Về bộ phim, việc chúng ta dùng trí tuệ để phân xử, để đưa một việc ra công lý cần đòi hỏi một nhận thức sáng suốt mà để có được đó, chúng ta cần phải có một sự giáo dục đúng đắn. Đặt những đứa trẻ vào cách hiểu sai, lệch lạc, thiếu kiến thức chính là hành động giết con chim nhại, mà chính xác là giết những con chim nhại non chưa hiểu cuộc đời.

Hình ảnh giết con chim nhại mà qua cả phim và sách, đều cho thấy một con người bị biến chất bởi thành kiến, hủ tục, đặc quyền, phân biệt chủng tộc vì bất cứ lý do gì – màu da, giới tính, xu hướng tính dục, tôn giáo, đảng phái, lợi ích nhóm. Hãy đừng giết con chim nhại khi chính bản thân mình là một con chim nhại bị giết trước đó.

Kết

Nếu bạn yêu thích sách, thì hãy coi phim và ngược lại. Bạn sẽ không hối tiếc khi cảm thấy cùng một ý nghĩa với hai cách diễn đạt khác nhau.

Và nếu bạn thực sự yêu thích nội dung của Giết con chim nhại, hãy sống là một người tử tế, ít nhất đừng phán xét một ai đó nếu bạn thật sự chưa hiểu rõ ràng về người đó, để chính những phán xét của bạn là vũ khí, độc dược hại chính bạn mà thôi. Như Jem, chỉ nên bắn vào lũ giẻ xanh, đừng bắn vào chim nhại, vì đó là loài chim “chẳng làm gì cả ngoài chuyện hót cho chúng ta nghe bằng cả trái tim của nó”.

Định kiến xã hội khắc nghiệt

Hồng Lâm 8.2 Thanhnien

Giết con chim nhại (To kill a mockingbird) có thể gọi là cuốn tiểu thuyết duy nhất của Harper Lee (1926 – 2016) trong giai đoạn đỉnh cao của sự nghiệp sáng tác. Bà giới thiệu đến độc giả tác phẩm này năm 1960, đoạt giải Pulitzer năm 1961. Mãi đến năm 2015, tức ở tuổi 89, bà mới cho xuất bản cuốn tiểu thuyết thứ 2, phần tiếp theo của To kill a mockingbird, có tên là Go set a watchman (Hãy đi đặt người canh gác).

Cuốn tiểu thuyết Giết con chim nhại được kể với văn phong giản dị và tuyệt đẹp, vừa ấm áp vừa hài hước, qua hồi ức của Scout, cô bé gái 8 tuổi sống với bố và anh trai cùng một người giúp việc. Bối cảnh ở miền nam nước Mỹ trong những năm 1930, nơi mà nạn phân biệt chủng tộc nặng nề nhất. Tuy có những trải nghiệm trẻ thơ trong sáng về cuộc sống thường ngày của hai anh em, của cậu bạn Dill tò mò hiếu động hàng xóm, nhưng nhân vật chính xuyên suốt mà Scout kể lại là bố Atticus Finch. Đó là một người cha, một hình mẫu của lương tri và nhân phẩm. Nếu đứa trẻ nào lúc lớn lên cũng có một người cha như Atticus, đứa trẻ ấy chắc chắn sẽ trở thành những con người chính trực và thiện lương nhất. Atticus là một luật sư tài giỏi và được kính trọng, nhưng ông sẵn sàng bảo vệ một người da đen bị kết tội hiếp dâm một phụ nữ da trắng giữa thời điểm mà người da đen luôn bị coi khinh như đám người hạ đẳng và tất cả bọn họ đều sai, trong bất cứ phiên tòa nào. Atticus biết rõ người da đen đó bị kết tội oan và ông tìm mọi bằng chứng, mọi lý lẽ để bảo vệ anh ta, dù ông bị cả đám đông da trắng còn lại chống đối, lên án, thóa mạ và thậm chí còn gây nguy hiểm đến con cái của Atticus, hai đứa con mà ông luôn coi là lẽ sống của đời mình.

Cách nuôi dạy hai đứa con sắp lớn của Atticus là để chúng tự trải nghiệm với cuộc sống và tự nhìn nhận bằng đôi mắt trẻ thơ chưa bị vẩn đục bởi định kiến như những người lớn trong xã hội. Cách dạy con đó, dù đôi lúc khiến những đứa trẻ bị tổn thương, thậm chí gặp nguy hiểm, nhưng sẽ khiến bọn trẻ trưởng thành với một tâm hồn thiện lương và một trái tim luôn đứng về lẽ phải, về những người yếu thế. Rõ ràng là thế, trong phiên tòa xét xử người da đen hiếp dâm, Atticus đã có đủ bằng chứng để giúp anh chiến thắng, nhưng ông không chiến thắng được những định kiến xã hội lúc đó, và người da đen phải trả giá bằng cái chết của mình.

Atticus không bao giờ che giấu sự thật, cho dù đó là sự thật bị thua cuộc, sự thật đau đớn, như cách ông nói về sự thật mà ông dạy đứa con trai Jem.

Đọc Giết con chim nhại, có rất nhiều câu nói lương tri khai sáng khác, chủ yếu đến từ người luật sư Atticus, giúp người đọc soi sáng mình, soi sáng cho những điều tăm tối, nhất là những đứa trẻ mới lớn chưa tự lý giải được, và thậm chí cả những người lớn mà lý trí bị che mờ bởi những định kiến do đám đông tạo nên. Như Scout từng nói: “Bố Atticus đúng. Có lần ông nói bạn không bao giờ thực sự biết một người cho đến khi bạn ở vào địa vị của họ và cư xử theo kiểu của họ”; hay: “Có một điều không thuận theo những luật lệ của đám đông, đấy là lương tri của một con người”.

Atticus Finch sau đó được thể hiện trên màn ảnh bởi Gregory Peck và mang về cho ông giải Oscar Nam diễn viên chính xuất sắc nhất. Ông được coi là một trong những người hùng vĩ đại nhất của màn ảnh, một “standing man” (người kiên định – NV), mà gần đây viên luật sư James B.Donovan (Tom Hanks đóng) trong Bridges of spies (Người đàm phán) được coi là nhân vật kế thừa.

Đơn giản nhưng quá sâu sắc và tinh tế

Nhạn Thái 8.8 Tinhte

Giết Con Chim Nhại là một trong những tác phẩm kinh điển của văn chương Mỹ, và khi chuyển thể thành phim nó hầu như giữ nội dung theo nguyên bản. Mặc dù chỉ là những thước phim trắng đen, không bạo lực, không có những tình tiết mang tính giải trí, không mỹ nhân. Tuy nhiên với lối dẫn chuyện đơn giản nhưng đầy tinh tế, bộ phim mang đến những thông điệp đầy tính nhân văn mà ý nghĩa của nó khiến người xem hiểu sâu sắc thế nào là bình đẳng và cách cư xử với đồng loại.

Dù đề cập khá nhiều hình ảnh của chim Nhại, tuy nhiên nó chỉ là một hình ảnh ẩn dụ của tác phẩm. Động từ “giết” mô tả sự tàn nhẫn, độc ác và khiến người ta rùng mình. Mà đó lại là một loại chim “chẳng làm gì ngoài chuyện hót cho chúng ta nghe bằng cả trái tim của nó”, nên đó là tội lỗi. Một biểu tượng cho sự ngây thơ trong sạch và thiện tâm nhưng bị hủy hoại bởi những cái xấu xa của xã hội.

Chuyện phim xoay quanh những đứa trẻ là Scout, Jem và Dill hàng xóm. Khi hè đến chúng thường nghịch phá những nơi mà chúng cho là kỳ lạ nhất và ngôi nhà của người đàn ông bí ẩn luôn gây tò mò cho lũ trẻ. Ở đó có một người đàn ông chỉ ra ngoài vào ban đêm và chuyên đi bắt sóc và mèo để ăn sống.

Bố Atticus (theo cách gọi của lũ trẻ) là người đàn ông góa vợ. Ông là luật sư tại một thị trấn nhỏ thuộc bang Alabama miền Nam nước Mỹ. Atticus nhận bào chữa cho Tom Robinson một thanh niên da đen bị buộc tội cưỡng hiếp một phụ nữ da trắng. Để chống lại bất công, thành kiến xã hội Atticus Finch bất chấp sự nguy hiểm và can ngăn của những người da trắng quyết tâm bào chữa cho Tom Robinson dù biết chắc chắn mình sẽ thua kiện.

Với độ dài khoảng 130 phút, mặc dù không quá kịch tính nhưng sự kết hợp của hình ảnh và âm nhạc luôn làm khán giả phải hồi hộp. Trò rình mò của lũ trẻ về ngôi nhà với những đồn thổi kỳ bí, nín thở và sợ sệt. Chỉ cần 1 tiếng động rất nhỏ hay tiếng kẽo kẹt của cánh cửa cũng đủ làm chúng và khán giả nổi da gà.

Scout, Jem cùng lớn lên với lũ trẻ trong thị trấn. Nơi đó có cả người da trắng và da màu, vào thời điểm đó chính là sự khác biệt. Những đứa trẻ gái da trắng được gọi bằng những danh xưng cao qúi như “quí cô”. Kể từ lúc chứng kiến việc cha chúng nhận 1 bao hồ đào từ ông Cunningham, một khách hàng của Atticus, vì lý do ông này không có khả năng trả bằng tiền. Những đứa trẻ bắt đầu cảm nhận được nạn phân biệt chủng tộc, sự xấu xa do nghèo đói và thiếu hiểu biết đang hiện hình.

Chính tính cách và suy nghĩ của nhân vật Atticus Finch làm cho khán giả hiểu được sự ôn hòa, tôn trọng và lối cư xử lịch thiệp nhất giữa người lớn, trẻ nhỏ và quyền bình đẳng dành cho tất cả mọi người, không có ngoại lệ. Tình tiết cậu bé da đen được mời dùng bữa tối tại nhà Atticus loay hoay mãi với việc dùng dao và nĩa để cắt thịt và xịt đầy siro vào dĩa thức ăn của mình, cùng với việc người giúp việc gặp riêng Scout phàn nàn về cách cư xử không đúng mực trên bàn ăn đối với bạn của cô bé càng làm cho hình ảnh Atticus thật đẹp đẽ và những đứa trẻ được giáo dục tử tế phải thận trọng hơn trong cách hành xử.

Cốt truyện được đẩy lên cao trào khi Atticus nhận bào chữa cho Tom Robinson. Vào thời điểm những năm 1930 thì người da đen luôn bị miệt thị và là tầng lớp thấp nhất của xã hội. Nên việc một tên da trắng nát rượu và xấc xược được hầu hết cả thị trấn “bảo vệ”, chỉ đơn giản Tom là “tên mọi” và những lời buộc tội mặc nhiên được chấp nhận.

Hình ảnh Tom Robinson to lớn nhưng sợ hãi và trở nên nhỏ bé đến tội nghiệp khi đối diện với sự gian dối và bất công. Một bên là Mayella có dấu hiệu “thần kinh không bình thường”, tóc tai rũ rượi, ánh mắt hoảng loạn. Có lẽ bị chấn thương tâm lý sau khi bị bạo hành. 2 hình ảnh đều tạo nên sự xót thương bởi họ đều là nạn nhân của xã hội. Và trong khi người da trắng luôn được xem là ưu việt hơn người da đen thì câu nói của Tom “thấy đáng tiếc cho một cô gái phải chịu cảnh bần hàn”. Chính sự đồng cảm ấy vô tình là lưỡi dao kết liễu anh.

Ngoài việc đề cập đến những thành kiến khác của con người, những thứ vốn là nền tảng dẫn tới thói đạo đức giả, bất công xã hội. Giết Con Chim Nhại có một cái kết đầy tính nhân văn khi cuối cùng một người được cho là “nguy hiểm” như Boo Radley (sự tưởng tượng của lũ trẻ) bước chân ra khỏi thế giới của ông ấy. Và Boo được xem là một người bình thường, đơn giản vì Boo lương thiện và không làm hại ai cả, giống như 1 con chim Nhại ngây thơ và trong sạch.

Với cách nhìn của Scout, cô bé đứng từ hiên nhà Boo nhìm về khu phố nhà mình, điều đó tượng trưng cho việc cô bé nhìn cuộc đời theo quan điểm của người khác. Giống như câu nói của Atticus ở đầu phim “bạn không giờ thực sự biết một con người cho đến khi bạn đứng vào vị trí của họ và cư xử giống như họ”.

Nói chung bộ phim đẹp trên mọi phương diện, và lối diễn xuất của Gregory Peck (vai Atticus) quá xuất sắc. Khi bị cuốn vào bộ phim, chúng ta không hề nhận ra rằng Gregory Peck đang diễn. Nó giống như là cuộc đời của ông, một người cha ân cầm, gần gũi và lương thiện. Và vai diễn này đã giúp Gregory Peck dành được tượng vàng Oscar cho Nam diễn viên chính xuất sắc nhất. Bên cạnh đó bộ phim nhân được 8 đề cử cho giải Oscar và chiến thắng thêm ở 2 hạng mục.

Giết Con Chim Nhại đơn giản nhưng quá sâu sắc và tinh tế. Mà ở đó không chỉ trẻ con mới cần một thế giới nhân bản. Quan trọng hơn hết là những giá trị đạo đức của giáo dục mang lại, điều đó ở bất cứ thế hệ và xã hội nào chúng ta cũng cần phải học hỏi và trân trọng.

Đánh giá

Nội dung - 8.3
Diễn xuất - 8.6
Nhạc phim - 7.1
Kỹ xảo điện ảnh - 7
Thông điệp truyền tải - 8.6

7.9

Thấm đẫm !

Định kiến xã hội khắc nghiệt

User Rating: 4.25 ( 2 votes)

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Chín 9, 2018 | Lần cập nhật cuối: Tháng Bảy 28, 2019

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button