Review phim

Hành Trình 100 Bước Chân

The Hundred-Foot Journey

Nội dung

Hành Trình 100 Bước Chân – The Hundred-Foot Journey: là bộ phim tâm lý của Ấn Độ, được quay chủ yếu tại Pháp của đạo diễn Lasse Hallström. Câu chuyện kể về chàng trai Hassan Haji (do Manish Dayal thủ vai) trong 1 gia đình Ấn Độ, có truyền thống ẩm thực. Họ tới sinh sống và mở 1 nhà hàng kinh doanh ẩm phực ở Pháp. Haji không yêu thích bếp núc, cho tới khi anh gặp được Madgpame Mallory – cô nàng xinh đẹp, con gái nhà hàng cạnh tranh. Anh bất ngờ phát hiện được tài năng thiên bẩm của mình. Cuộc sống của anh hoàn toàn thay đổi từ đây.

Thể loại

12 phim hay về nấu ăn đầy hấp dẫn và lôi cuốn - Có đến hàng trăm ngàn món ăn trên toàn thế giới, mỗi món đều mang nét đặc trưng riêng của quốc gia, vùng miền sở tại và lôi cuốn tín đồ ẩm thực từ khắp mọi nơi tìm đến. 12 phim hay về nấu ăn sẽ đưa bạn đến thế giới ẩm thực đầy "nóng bỏng",… Đọc thêm

Trailer

Các review được Vnwriter tổng hợp từ nhiều nguồn. Báo cáo vi phạm, bản quyền, spoiler tại trang Liên hệ hoặc Bản quyền.

Review

Thu hút và truyền cảm hứng

Phuoc Nguyen 7.4 Blogger

Thông thường thì mình đi xem film ở rạp thì chỉ xem hành động, viễn tưởng, trinh thám hoặc hài, ít xem thể loại drama (cảm động)

Nhưng film The Hundred-foot Journey này không hiểu sao lại có vẻ gì đó thu hút đối với mình ngay từ lúc mới xem trailer.

Có thể là vì film xoay quanh việc nấu ăn, vốn cũng là thứ mình cũng có một niềm đam mê nhất định.

Nhưng xem rồi mới thấy hơi thất vọng vì trong film không phô diễn nhiều những món ăn đẹp mắt hay kỹ thuật nấu điêu luyện, mà chỉ đúng như tên film thể hiện: hành trình đi từ một đầu bếp tại gia đến một đầu bếp đẳng cấp thế giới.

Trước giờ thì cũng không ít film có thông điệp tương tự như film này, với đại ý là nấu ăn phải bằng cả trái tim, như Ratatouille, Thần ăn (film gì có Châu Tinh Trì đóng, chả nhớ tên chính xác)…

Tuy vậy film này vẫn có được dấu ấn riêng của mình, với việc lột tả diễn biến nội tâm của Hassan Kadam, một chàng trai trẻ người Ấn Độ có tài năng nấu ăn chưa được công nhận và bị ràng buộc bởi công việc kinh doanh của gia đình, nhưng vẫn có quyết tâm để khẳng định mình tại một quốc gia vốn đã có nền ẩm thực nổi tiếng toàn cầu – Pháp.

Ẩm thực Pháp vốn nổi tiếng về sự tinh tế và tao nhã, trong khi đó ẩm thực Ấn Độ thì nồng nàn hương vị, 2 trường phái đối lập với nhau như vậy thì làm sao để tìm ra được sự kết hợp?

Không chỉ vậy, Hassan còn phải lựa chọn theo đuổi sự nghiệp hay theo đuổi mối tình của mình, một đầu bếp cũng đầy tài năng và tham vọng.

Làm sao để giải quyết được các vấn đề trên thì mời các bạn đến rạp xem sẽ rõ pacman emoticon

Mặc dù không nhiều kịch tính, nhưng film vẫn cuốn hút người xem từ đầu đến cuối, với những khoảng lặng người cảm nhận, đặc biệt là với scene bước qua khoảng cách tuy chỉ một trăm bước chân, nhưng lại là một bước nhảy vọt của nhân vật chính.

Trong film ngoại trừ nữ diễn viên gạo cội Helen Mirren trong vai quý bà Mallory, thì các diễn viên còn lại cũng không phải là nổi tiếng lắm, nhưng phải nói rằng diễn xuất trong film này là tuyệt vời.

Mà cũng phải, dòng film drama buộc các diễn viên phải thể hiện được xuất sắc nội tâm của nhân vật thì mới có thể tác động vào cảm xúc của người xem, chứ không thể dựa vào các hiệu ứng hình ảnh âm thanh như các dòng film khác.

Có điều, kịch bản phải có thêm một chút gì đó gay cấn, ấn tượng hơn thì film này mới trở nên hoàn hảo được.

Kết thúc film cảm giác như quá vội, mặc dù thời lượng film cũng không phải ngắn (120 phút), và nó diễn biến theo kiểu chắc chắn sẽ xảy ra như thế, không phải có đấu tranh hay giải quyết khó khăn gì cả.

Do vậy, số điểm 7.4 như đánh giá trên imdb là hợp lý đối với film này. Film đáng giá đồng tiền bỏ ra đi xem, chỉ có hơi tiếc nuối một chút, vì trong lúc xem thì sẽ nghĩ film có kết cục ấn tượng hơn như những gì đã trình diễn.

Sự kỳ diệu của ẩm thực?

Diệu Anh 8.0 Zing

The Hundred-Foot Journey kể về hành trình của đầu bếp trẻ Hassan (Manish Dayal) từ một miền quê Ấn Độ đến với văn hoá ẩm thực nước Pháp và văn minh phương Tây. Xoay quanh nhân vật chính là cậu bé có năng khiếu bẩm sinh với các món ăn ấy, đạo diễn gửi gắm đến khán giả câu chuyện về sự đa dạng trong bản sắc của các nền văn hoá. Chính tình yêu ẩm thực và lòng tôn thờ chuẩn mực hoàn hảo của những món ăn đã đưa hai gia đình, một quý tộc kiểu Pháp, một nông dân kiểu Ấn Độ, xích lại gần nhau. Và khi ấy thì không có xung đột hay rào cản văn hoá nào là không thể vượt qua.

Là một sự kết hợp đặc biệt giữa hãng sản xuất DreamWorks Pictures và Reliance Entertainment, giữa đạo diễn Lasse Hallström và nhà sản xuất kiêm đạo diễn gạo cội Steven Spielberg, bản thân bộ phim The Hundred-Foot Journey cũng có thể coi là một món ăn hoà trộn bởi nhiều hương vị, phong cách khác nhau. Đặc biệt, hãng phim hoạt hình nổi tiếng Walt Disney cũng góp mặt trong ê-kíp sản xuất của bộ phim. Đó là lý do khán giả sẽ cảm nhận được hơi hướm cổ tích và tinh thần nhân văn khá rõ nét trong câu chuyện ở đây, dù không có bóng dáng một nhân vật hoạt hình tưởng tượng nào.

Bên cạnh việc khai thác thế giới ẩm thực và những nghệ nhân tài hoa như đạo diễn Jon Favreau từng làm với Chef cũng trong năm 2014, điểm nhấn của The Hundred-Foot Journey còn là câu chuyện của một cuộc va chạm văn hoá, giữa phương Đông và phương Tây, giữa nước Pháp hoa lệ, lịch lãm và văn hoá Ấn Độ mộc mạc, chân phương. Bối cảnh hai quán ăn đối diện bên đường, một bên toả ánh đèn vàng sang trọng, ấm cúng, một bên cổng chào, ruy băng cầu kỳ, loè loẹt; một bên âm nhạc cổ điển sâu lắng, một bên ca nhạc dân gian ồn ã, phô trương đã diễn tả phần nào ý tưởng này.

Ngoại trừ Helen Mirren từng đoạt giải Oscar cho vai diễn trong The Queen năm 2006, Lasse Hallström không dụng ý hội tụ một dàn diễn viên ngôi sao cho bộ phim của ông. Toàn bộ dàn diễn viên từ Manish Dayal mang nửa dòng máu Ấn, đến ông già hiền lành, tốt bụng mang làn da Á Đông – Om Puri hay bông hoa mang vẻ đẹp kiểu Pháp – Charlotte Le Bon… đều là những cái tên ít được ai biết đến trong làng điện ảnh. Các diễn viên vì thế mà bước vào câu chuyện hết sức tự nhiên, không gồng mình nhập vai mà vẫn chuyển tải được những nét tính cách, văn hoá mình đại diện qua từng cử chỉ, hành động.

Mặc dù không có những bước ngoặt kịch tính, cũng không có những màn trình diễn hoành tráng, công phu, The Hundred-Foot Journey vẫn cuốn hút người xem từ những giây đầu tiên cho tới phút cuối cùng bởi lối kể chuyện thân mật, dí dỏm và đầy quyến rũ. Cái kết không thể tuyệt vời hơn đã biến câu chuyện về cuộc đời Hassan trở thành câu chuyện cổ tích có hậu, chứng minh sự hiện diện của phép màu.

Chỉ có điều, phép màu ở đây không phải điều gì đó xa xôi mà là những món ăn mang màu ký ức: món chân lợn ngâm giấm nhắc cậu nhớ đến bố hay món đậu lên men và bột mì chiên gợi nhớ về mẹ. Hassan đã trải qua rất nhiều cuộc hành trình để đặt chân lên đỉnh vinh quang, để trở thành đầu bếp xuất sắc nhất. Nhưng sau cùng, chỉ một món ăn ăn bình dị mang hương vị quê hương, một phút nhận ra mình thiếu vắng gia đình giữa xứ người tấp nập đã đưa anh về nhà. Mọi giấc mơ cần bắt đầu từ đó.

Cũng như bản thân Hassan, bộ phim của đạo diễn Lasse Hallström không hướng đến những giá trị nghệ thuật đỉnh cao. The Hundred-Foot Journey đơn giản là điều gì đó nhắc mọi người hãy trở về nhà, kết thúc một ngày dài trong căn bếp của mình, với những người mà chúng ta yêu thương nhất.

Món quà thú vị

Anh Mai 7.5 Vnexpress

Đây là bộ phim thứ hai gây chú ý về đề tài ẩm thực của năm. Trước đó Chef của đạo diễn Jon Favreau ra mắt hồi tháng 5 cũng từng mang một làn gió mát lành vào giữa mùa hè ngột ngạt những bom tấn. The Hundred-Foot Journey là bộ phim thứ hai đưa nghệ thuật ẩm thực lên đến tinh hoa và người đầu bếp được vinh danh như những nghệ nhân tài năng của các món ăn xuất chúng.

Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở tình yêu và niềm đam mê bất tận với những món ăn, bộ phim của Lasse Hallström còn đặt ra một ẩn dụ về sự xung đột giữa các nền văn hoá. Một bên là nước Pháp sang trọng, tinh tế, lịch thiệp. Một bên là Ấn Độ lòe loẹt, kiểu cách, phô trương. Một bên là những con người ngạo mạn, kiêu hãnh ngẩng cao đầu. Một bên là những con người chân thành, giản dị, bộp chộp. Hai nền văn hóa đó va chạm và cọ xát nhau kịch liệt, đến khi tìm thấy điểm chung như mối duyên gắn kết mọi dị biệt – tình yêu và niềm say mê ẩm thực.

Nhân vật đại diện cho văn hóa Pháp được đạo diễn giao cho nữ diễn viên từng đoạt giải Oscar – Helen Mirren – với vai diễn trong The Queen. Vai quý bà “ngoan cố” Mallory lần này cho phép Mirren phát huy cả sở trường chính kịch lẫn hài kịch của bà. Mặc dù vai diễn không đòi hỏi diễn biến tâm lý phức tạp, Mirren vẫn chứng minh rằng mình là người phù hợp hơn hết với chất kiêu hãnh của người Pháp.

Nam chính của bộ phim là diễn viên trẻ Manish Dayal mang trong mình nửa dòng máu Ấn. Gương mặt điển trai với đôi mắt sâu, râu quai nón, lông mày rậm là một lợi thế cho anh khi nhập vai một người Ấn Độ di cư sang châu Âu. Mang đặc trưng văn hóa phương Đông rõ nét hơn là nhân vật người cha do Om Puri thủ vai. Ông cùng với quý bà Mallory đỏng đảnh tạo nên cặp già đối đầu nhau một cách tinh nghịch, đáng yêu nhất phim.

Lối kể chuyện đơn giản, kết thúc có hậu, diễn biến phim cũng không nhiều kịch tính nhưng The Hundred-Foot Journey dẫn dắt khán giả đi qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, từ niềm hứng thú với những quyển sách dạy nấu ăn, niềm hạnh phúc khi ngắm nhìn người đối diện đưa món ăn lên miệng cho đến niềm tự hào khi chạm đến ngôi sao mơ ước của mình…

Đạo diễn Lasse Hallström đã chứng minh rằng vẻ quyến rũ của một tác phẩm điện ảnh đôi khi không nằm ở những kỹ thuật, kỹ xảo mà hoàn toàn phụ thuộc vào những cuộc giao tiếp vô ngôn của các giác quan và sợi dây nối vô hình của mạch cảm xúc.

Dùng những gia vị tự nhiên, những hương liệu đời thường để làm nên một món ăn tinh thần nên thơ như cổ tích, bộ phim đã chạm đến trái tim khán giả bằng tâm huyết về những nền văn hóa khác nhau. Đằng sau câu chuyện của những món ăn, điều đọng lại còn là những ước mơ, tình yêu cùng thông điệp giản dị: “Chuyện nấu ăn không phải cuộc hôn nhân lâu năm. Đó là cuộc tình nồng cháy muôn thuở của con tim”.

Đánh giá

Nội dung - 7.3
Diễn xuất - 7
Nhạc phim - 7
Kỹ xảo điện ảnh - 7.2
Thông điệp truyền tải - 7.3

7.2

Nỗ lực phi thường

Hành trình đi từ một đầu bếp tại gia đến một đầu bếp đẳng cấp thế giới

User Rating: 3.3 ( 1 votes)

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Chín 8, 2018 | Lần cập nhật cuối: Tháng Bảy 28, 2019

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button