Review phim

Nghệ Sĩ Dương Cầm

The Pianist

Nội dung

Wladyslaw Szpilman là một nhạc công dương cầm tài năng người Do Thái Ba Lan nhưng cuộc đời bị biến đổi bởi chính sách bắt bớ của quân Phát xít Đức trong Thế chiến thứ hai. Gia đình anh bị bắt đi trại tập trung trong khi anh may mắn trốn thoát nhưng phải lẩn trốn không ngừng trước sự truy lùng ráo riết của quân lính. Tuy sống một cuộc sống tù túng, chui lủi, trong anh vẫn đầy nhiệt huyết, niềm đam mê cháy bỏng với âm nhạc.

Thể loại

7 phim hay về âm nhạc cổ điển đẹp từ thanh đến sắc - 7 phim hay về âm nhạc cổ điển kể câu chuyện chân thực về tài năng tuyệt vời của người nghệ sĩ và truyền tải những kiệt tác âm nhạc bất hủ vẫn vẹn nguyên giá trị suốt hàng trăm năm. Sự Đố Kỵ Của Thiên Tài Bộ phim giành được 40 giải thưởng vào… Đọc thêm
12 phim hay về Piano đáng xem trong đời - 12 phim hay về Piano xoay quanh những nghệ sĩ dương cầm, cả nổi tiếng lẫn vô danh nhưng đều có điểm chung là tình yêu nồng cháy với phím đàn. Ngoài ra phim còn giúp người xem nhận ra nhiều giá trị cao đẹp, đẩy lùi muộn phiền trong cuộc sống. Chiếc dương cầm… Đọc thêm
19 phim hay về cuộc sống nên xem trong đời - Cuộc sống như một tấm gương phản chiếu , u ám khi bạn có góc nhìn tiêu cực, chán nản và ngược lại đầy màu sắc nếu bạn lạc quan, tin vào bản thân, tin vào điều tốt đẹp. 19 phim hay về cuộc sống chứa đựng các bài học giá trị được truyền tải qua… Đọc thêm

Trailer

Các review được Vnwriter tổng hợp từ nhiều nguồn. Báo cáo vi phạm, bản quyền, spoiler tại trang Liên hệ hoặc Bản quyền.

Review

Tâm hồn nghệ thuật trước thời đại đen tối

Phong Linh 8.2 Blogger

Bộ phim The Pianist dựa trên cuốn hồi ký cùng tên, kể về một người nghệ sĩ dương cầm Do Thái ở Ba Lan trong thế chiến 2. Người này, trong lúc đang kiếm đồ ăn thì gặp một sĩ quan Đức, đã đàn một bản nhạc theo yêu cầu, nhờ đó không những không bị giết mà còn được giúp đỡ để rồi sống sót.

Màu phim cũ kỹ, có gì đó rất thơ giữa cái hỗn loạn trong thời đại chém giết, coi mạng người như cỏ rác của phát xít Đức. Có thể là khuôn mặt thơ mộng của các cô gái trong phim, gái Ba Lan vừa thanh nhã vừa quý phái, lại đầy chất nghệ sĩ. Có thể là ở niềm say mê âm nhạc của nhân vật chính. Có thể ở cái cách người ta nói chuyện, giúp đỡ lẫn nhau của một cộng đồng mà học thức, nghệ thuật lẫn danh dự đều được coi trọng.

Bỏ qua chuyện cuốn hồi ký có thật kia đi, thì liệu bộ phim này có hợp khi chuyện xẩy ra ở một đất nước nào khác, chứ không phải Ba Lan? Tôi nghĩ là không. Ba Lan là một đất nước nhỏ bé nhưng lại là cái nôi của nghệ thuật, văn hóa châu Âu, đặc biệt nhạc cổ điển. Bởi thế mới có cốt truyện vì anh chơi đàn tốt nên anh mới lần này lần khác được giúp đỡ rồi sống sót, mới có những cảnh nhân vật chính ngồi chơi đàn ở đài phát thanh khi bom đạn cận kề, mặc người ta bảo anh ngừng chơi. Khi anh lẩn trốn, không thể chơi đàn để tránh bị lộ, anh ngồi trước cây đàn, lướt những phím ảo, tưởng tượng ra mình dạo nhạc, chống chọi cơn đói.

Khi chiến tranh đã ngừng, hãy xem cách mà một anh nghệ sĩ chửi lính Đức:

“You took everything I had. Me, a musician. You took my violin, you took my soul.”

Chỉ được chửi vài ba câu, mà anh chẳng nói gì về những người thân đã mất, về việc bản thân bị hành hạ sống dở chết dở. Thế mới thấy tính nghệ sĩ ăn sâu vào máu như thế nào.

Phim không được dựng giống hệt trong hồi ký, nhưng đừng ép buộc nó phải giống để rồi thấy thất vọng, bởi tách riêng ra thì cả hồi ký cả phim đều rất cảm động.

Ở hồi ký, người Đức kia chán nản trước cảnh giết người, cảm thấy đi lính là một sai lầm, đã tìm cách này cách khác giúp đỡ những người Do Thái. Vì thế, khi gặp người nghệ sĩ kia, dù có đàn hay không thì chắc chắn ảnh vẫn sẽ cứu.

Ở bộ phim, sĩ quan Đức được dựng lên khá “cool”, từ ăn mặc, đến nói năng, cách đứng cách ngồi đều thể hiện một con người lịch lãm, không thừa lời, cũng không phải mềm yếu, ngay cả khi giúp đỡ người khác cũng vô cùng lạnh lùng. Anh chán với chém giết hay chưa, chẳng ai biết, nhưng vì thế nên ta cũng chẳng biết được anh tha cho người Do Thái kia vì sự nhân đạo có sẵn hay bởi bản nhạc quá hay đầy xúc cảm. (Anh chỉ xuất hiện mấy giây nhưng tôi cá là kha khá cô gái chốt ngay ảnh là người tuyệt vời nhất phim =)) )

Khi gặp nghệ sĩ dương cầm – lúc đó còn là một người rách rưới, đầu bù như tổ quạ, xác xơ theo kiểu mấy tháng trời trốn chui trốn lủi không đồ ăn không nước uống – anh Đức đã hỏi: “Anh làm việc ở đây?”, khi biết đó là một nghệ sĩ dương cầm, anh có vẻ chưa tin lắm, kêu đàn một bản. Đến khi đàn xong, anh mới hỏi “Anh là người Do Thái?”. Tôi không sành về âm nhạc cho lắm, không rõ được bản nhạc nói gì (bản nhạc này không phải là bản gốc theo đúng trong hồi ký), nhưng tôi nghĩ, đúng lý ra, đó sẽ là một bản nhạc gợi cảm xúc, lúc đầu hơi dè dặt, sau đó gay gắt, đau lòng trước cảnh nước mất nhà tan, rồi lại đắm chìm trong bản nhạc, kết thúc sẽ là thanh thản bởi vì đã nói được những gì cần nói, và bởi vì đinh ninh mình sẽ chết sau khi đàn xong. Có như thế mới hiểu tại sao anh Đức lại hỏi “Anh là người Do Thái” sau khi nghe xong, mà trước đó chưa hề chắc chắn.

Lúc anh đàn, cảnh phim có quay đến hai người lính Đức ở ngoài chờ anh sĩ quan kia, trong không khí rét buốt, người đút túi đứng, người ngồi thu lu bên xe, lúc ấy cảm thấy bọn Đức cũng chỉ là người bình thường, không phải những quái vật thích máu me chết chóc. Với tôi đây có lẽ là những giây yên bình nhất phim.

Rất hay và cảm động

cheffamily 8.7 Blogger

1. Phim chỉ diễn tả được một nửa sự tàn khốc, sự đau khổ cũng như sự cao thượng trong quyển hồi kí. Nhưng đây vẫn là một bộ phim hay. Rất hay và cảm động.

2. Đoạn đầu được làm vô cùng xuất sắc. Hình ảnh trắng đen và tiếng đàn piano diễn tả một Warsaw bình yên trong một ngày bình thường và đẹp trời như bao ngày khác. Cho đến khi tiếng đàn bị cắt ngang bởi bom đạn. Gần hai chương sách được tóm gọn chỉ trong vài cảnh phim, quá xuất sắc.

3. Đam mê âm nhạc của Wladyslaw đã được thể hiện rất tốt trong phim. Đoạn bom đã làm nổ nát cửa kính, hai đồng nghiệp đã chạy khỏi nơi đó còn ông vẫn ngồi đàn tiếp, nhất quyết không chịu dang dở. Nhưng ấn tượng nhất là đoạn ông “đàn” trong căn hộ khi đã được nhắc phải yên lặng.

4. Phim có thay đổi vài chi tiết so với hồi kí nhưng nhìn chung thay đổi không nhiều, rất trung thành với nguyên tác.

5. Đoạn tại Umschlagplatz khi cả gia đình Szpilman trừ Wladek bị dồn lên xe lửa được thể hiện rất dữ dội đến thắt tim. Trong truyện thì lúc đó Wladek đã được kéo đi mất rồi nên không được ghi lại.

6. Cảnh thành phố sụp đổ hoang tàn lên phim quá tốt, còn ghê gớm hơn trí tưởng tượng của chef.

7. Đọc hồi kí có thể thấy được Wladyslaw Szpilman là một người hiền khô, hiền như đất luôn ấy nên Adrien Brody đúng là lựa chọn hoàn hảo cho vai diễn này. Bộ phim đúng nghĩa là một solo show và anh đã diễn rất tốt, đoạt Oscar rất xứng đáng.

8. Ngoài đời thật, Wladyslaw đàn cho đại úy Wilm bản Nocturne còn trong phim được thay bằng bản Ballade No.1, cả hai đều là của Chopin. Đặt vào bối cảnh phim thì sự thay đổi đúng là vô cùng cần thiết và cực kì đúng đắn vì Ballade No.1 được viết khi Chopin một mình ở Vienna, xa quê nhà vốn đang có chiến tranh, y hệt với tình cảnh của Wladyslaw vào lúc đó. Đoạn đó thực sự làm chef lạnh cả sống lưng: mọi đau đớn, buồn khổ, bao cảm xúc dồn nén trào ra trong từng phím đàn, từng giai điệu.

9. Phim bỏ qua đoạn viết về bộ máy tuyên truyền của báo chí Phát xít lẫn của chính phủ Ba Lan đúng là đáng tiếc hết sức.

10. Coi phim bạn sẽ không hiểu và cảm nhận được sự đáng sợ của bọn SS, Gestapo, lính Ukraine với Lithunia. Đọc truyện mỗi lần diễn tả tiếng xe quân sự là mỗi lần tim nhảy ra ngoài.

11. Tiếc một điều nữa là việc Szpilman nhiều lần muốn tự sát cũng không được nhắc tới.

12. Giờ thì đã hiểu tại sao coi phim lắm người hiểu lầm về việc Wilm cứu Wladek đến vậy, sắp xếp như vậy không hiểu lầm cũng uổng. Dưới góc độ một bộ phim thì đoạn đó thực sự quá hay, quá chất nhưng nếu đọc truyện thì mới thấy được nó cảm động hơn thế rất nhiều. Sau khi coi xong nơi trốn của Wladek thì đại úy quay lưng đi thẳng thì tới chef cũng nghĩ chắc vì bản đàn quá sức giàu cảm xúc kia đã cứu mạng Wladek và việc Wilm giúp đỡ chỉ xuất phát từ chính nó, xuất phát từ một phút ngẫu hứng “không nỡ xuống tay”, “muốn làm người tốt nhất thời” thôi. Chỉ có đoạn này của phim là chef không thích.

Đầu tiên, Wilm Hosenfeld thuộc quân đội Đức (nhiều lính Đức đến tận cuối chiến tranh mới biết trại tập trung là cái gì), không phải thuộc đám cuồng tín SS hay Gestapo (nón ông không có huy hiệu đầu lâu xương chéo của SS) và chỉ là nhân viên văn phòng, chứ không đã không có phim để coi.

Thứ hai, ông giúp nhiều người trước đó rồi, Wladyslaw không phải người đầu tiên (coi phần review sách để biết thêm chi tiết). à không phải hứng lên là cứu người.

Thứ ba, tiếng đàn piano tả trong truyện không hay và mượt như trong phim vì cây đàn đó mấy tháng trời chưa được căn chỉnh và Szpilman chưa đụng đến phím đàn hơn 2 năm chứ không ít. Trước khi Szpilman đàn, Wilm còn nói rằng đừng lo, nếu lính có lên thì cứ trốn đi, ông sẽ nói với họ là ông thử cái đàn. Và ta biết là Szpilman đàn một bản của Chopin, lỡ như thằng SS nào đi ngang qua dưới đường (nguyên khu đó chỉ có mình Szpilman và quân lính, không còn ai khác) nghe được nó bắn cả hai chứ chẳng chơi.

Thứ tư, Wilm chỉ cho Szpilman cái gác xép vốn khó phát hiện hơn tầng áp mái mà Szpilman đang trốn và hứa sẽ đem thức ăn đến sau bản đàn, còn bắt tay Szpilman chứ không phải không nói không rằng quay lưng bỏ đi.

Thứ năm, bỏ mất đoạn đáng giá ngàn vàng khi Szpilman hỏi “Are you German?” trước khi Wilm đi vì quá ngạc nhiên (đời thủa nào một sĩ quan Đức lại đi giúp người Ba Lan chứ đừng nói đến Do Thái) và câu trả lời ngàn vàng không kém “Yes, I am! And ashamed of it, after everything that’s been happening.”

Thứ sáu, lần gặp lại sau đêm đầu kia, Wilm chào hỏi rất lịch sự chứ không cộc lốc như trong phim “Hello, are you there?” Trước khi rời đi còn động viên Szpilman “You must hang on, do you hear?”

Thứ bảy, Wilm tiếp thức ăn và thông tin. Không có ông, Szpilman có thể đã tự tử và không có phim để coi.

Thứ tám, lần gặp cuối, Wilm mang thức ăn lẫn chăn. Ông cho Szpilman áo khoác của mình trước đó chứ không phải ở lần cuối hai người gặp nhau. Đoạn đối thoại của hai người ngoài đời cảm động hơn trong phim gấp nhiều lần.

Thứ chín, đâu mất “Anh mỉm nụ cười như thường lệ của anh, nửa như phản đối, nửa bẽn lẽn và ngượng ngập” rồi hả? Đoạn thể hiện rõ con người của Wilm thế này lại cắt mất.

Thứ mười, cắt mất luôn chi tiết hai cái tên đúng là uổng, quá sức uổng.

Quá nhiều giá trị truyền tải

splendidriver 9.5 Blogger

Đã muốn xem The Pianist từ lâu nhưng tối qua mới có động lực để ngồi xem và quả thực quá choáng ngợp. Một kiệt tác tuyệt vời về đề tài chiến tranh thế giới lần thứ 2 do Đức Quốc xã phát động, có thể nói là hay nhất trong số những phim về đề tài này mà mình từng xem. Có xem thì mới hiểu tại sao nó lại được đề cừ và giành nhiều giải Oscar vào năm 2002 đến như vậy.

(*SPOILER ALERT* Review có thể spoil do viết theo dòng cảm xúc cá nhân, nếu chưa xem phim không nên đọc tiếp review này)

Phim dựa trên một câu chuyện có thật về nghệ sĩ dương cầm Wladyslaw Szpilman – một người Do Thái Ba Lan, sống lay lắt trong tuyệt vọng giữa thành phố Warsaw bị thống trị và tàn phá bởi sự hà khắc diệt chủng của Phát xít Đức. Ở đó, những người Do Thái bị đối xử không bằng con vật, bị bỏ cho chết đói chết khát, bị giết không vì lý do gì, bị đày ải, sống vật vờ, bị đưa đi các trại tập trung… . Nhưng điều mà bộ phim nhấn mạnh nhất chính là cảnh con người chết đói. Họ chết nằm giữa đường, họ đói tới độ cướp của nhau, rơi xuống đất thì lăn ra húp lấy húp để,… tất cả đều phải giằng giật, tích cóp từng chút thức ăn một để duy trì sự sống ở nơi này.

Thế nhưng đối với Wladek Szpilman thì thứ hành hạ ông không hẳn là cái đói vật chất, dạ dày, mà đó là cái đói của một người nghệ sĩ dương cầm. Ngay từ cảnh mở đầu phim khi Wladek ngồi đánh đàn trong đài phát thanh Ba Lan, cái đam mê của người nghệ sĩ đã được mô tả bằng hình ảnh khá đơn giản nhưng cực kỳ hiệu quả. Ông không hề dừng đàn khi bom rơi đạn nổ ngay trên đầu, ông không dừng khi các đồng nghiệp tắt máy thu thanh và bỏ chạy, ông không dừng khi cửa sổ vỡ toang. Ông chưa bao giờ muốn dừng đàn khi bản nhạc còn đang dang dở, và những loạn lạc xung quanh đối với ông hoàn toàn là vô nghĩa. KHông chỉ dừng ở đây, bằng một sự tinh tế đáng khâm phục, nhà làm phim đã khéo léo tiếp tục mô tả đam mê nghệ thuật cháy bỏng đó của người nghệ sĩ trong suốt chiều dài phim qua một số tiểu đoạn, lần lượt qua rất nhiều giai đoạn của cuộc chiến tranh và cũng là các giai đoạn trốn chạy và sinh tồn của ông ngay giữa thành phố Warsaw. Đó là khi ông đánh đàn trong nhà hàng ở khu Do Thái và bị yêu cầu phải dừng đàn. Đó là khi ông chuyển tới căn phòng đối diện bệnh viện của người Đức, nơi có một chiếc đàn mà ông không thể đánh thành tiếng. Đó là khi ông nhìn thấy hình ảnh Dorota kéo cello và nhớ lại một lời hứa biểu diễn chung chưa thể thực hiện giữa 2 người. Đó là những ngón tay khẳng khiu co quắp làm động tác ấn phím trong không khí. Đó là khi ông đánh đàn quên cả cơn đói cho viên sĩ quan Đức. Tất cả đều phục vụ cho một điều: Với người nghệ sĩ bên trong Wladek, thì cơn đói thức ăn, cơn sốt do ngộ độc khoai tây hoàn toàn không thể sánh nổi với cơn đói nghệ thuật luôn giày vò ông ngày qua ngày, giờ qua giờ, tháng qua tháng. Dường như những nỗ lực trong tuyệt vọng khi phải trốn chạy, khi phải ẩn mình và sinh tồn qua cuộc chiến của Wladek, chỉ để kiếm tìm một cơ hội được chạm tay vào phím đàn và đắm chìm vào những giai điệu mà cả đời ông đam mê và cống hiến. Chỉ một lần được đánh đàn đó thôi cũng đã đủ “no” cho tâm hồn người nghệ sĩ dương cầm cô đơn và khốn khổ. Với một cảnh quay con phố đổ nát vì một cuộc chiến đẫm máu, hình ảnh người nghệ sĩ dương cầm Do Thái ngồi phiêu với phím đàn cho một sĩ quan Đức nghe càng trở nên ấn tượng và giàu cảm xúc hơn gấp nhiều lần.

Một điều tuyệt vời khác mà bộ phim đã mang lại cho mình chính là sự miêu tả những ngày tháng ẩn náu, trốn chạy khốn khổ, tồn tại trong cùng cực và tuyệt vọng của Wladek hết từ nơi nọ tới nơi kia của thành phố Warsaw mà đỉnh điểm chính là khi cơn đói quằn quại và sự càn quét của quân phát xít đẩy ông tới con phố tan hoang bên kia bức tường.

Giai đoạn này trong bộ phim được miêu tả bằng rất nhiều những tiểu đoạn, cho thấy những hoạt động khác nhau của Wladek qua từng ngày sống sót hết từ nơi nọ tới nơi kia trong tâm trạng hỗn loạn, nỗi sợ hãi, hãi hùng bao trùm. Các cảnh quay cho thấy các hoạt động hết sức chậm rãi, rón rén, không hề có nhạc nền hay quá nhiều tiếng động. Thỉnh thoảng lại có một cao trào khi chỗ ở của ông bị phát hiện và lại phải trốn chạy sang nơi ở mới, và lại ngần ấy hoạt động được tiếp diễn. Người xem khi đó được cảm nhận sự kéo dài dai dẳng, hoang mang của một con người sống bí mật ngay giữa cuộc chiến tranh khủng khiếp nhất lịch sử nhân loại.

Một trong số các hoạt động chủ yếu của Wladek trong chuỗi ngày đằng đẵng trốn tranh của ông là nhìn ra ngoài cửa sổ, nơi có đầy rẫy những hình ảnh bạo lực đẫm máu, những cái chết liên tiếp, tiếng súng nổ liên hồi, khói lửa mù mịt, tiếng những con người lạnh lùng giết nhau và tiếng kẻ yếu kêu lên thảm khốc trước khi bỏ mạng trên đường phố. Tất cả các cảnh quay này đều được thực hiện thông qua con mắt của Wladek lén nhìn qua tấm rèm cửa che kín. Thủ pháp quay phim này đã khiến cho người xem có được một trải nghiệm không thể “thật” hơn về một cuộc chiến, hay chính xác hơn là một cuộc thảm sát giữa người với người, nhờ có sự khách quan mà góc máy quay mang lại trong những cảnh thế này. Cá nhân mình đánh giá rất cao cách xử lý này khi mà điện ảnh hiện đại đang lạm dụng quá nhiều những góc quay mang tính “drama” từ góc nhìn người thứ nhất đang tham gia vào hiện tượng, khiến cho tính chân thực của tình huống bị giảm đi rất nhiều mặc dù điều đó cũng có thể đem lại những cảm giác khác. Nhưng trong trường hợp này, góc quay người thứ 3 được sử dụng từ 3 khung cửa sổ khác nhau đã thành công tuyệt đối với nhiệm vụ của mình.

Và hơn hết, một sự tương phản giữa 2 nhân vật mà lẽ ra lả “quân ta” và “quân nó” đã được đưa vào hết sức nhẹ nhàng. Một người, tưởng như là “quân ta”, là người có nhiệm vụ bảo vệ và tiếp tế của Wladek, hóa ra lại là một kẻ bội tín, cơ hội, dối trá, không những bỏ mặc Wladek trong cơn đói mà còn lợi dụng tên tuổi ông để trục lợi cá nhân. Trong khi đó, Hosenfield – viên sĩ quan quân đội Đức Quốc Xã đam mê âm nhạc – lẽ ra phải là “quân nó”, thì lại trở thành vị cứu tinh cuối cùng trong chuỗi ngày chui lủi của Wladek. Và bỗng nhiên, một trong số những kẻ xâm lược quê hương ông, hóa ra không tệ đến thế, còn kẻ lẽ ra là bạn mình, thì lại chẳng ra gì. Trớ trêu thay.

Một điều thú vị mà mình nhận ra ở diễn viên vào vai Hosenfield chính là Thomas Kretschmann – một chuyên gia vào vai sĩ quan SS của quân đội Phát xít trong các phim cùng đề tài như Downfall hay gần đây nhất là Valkyrie (2009 – với Tom Cruise trong vai chính).

Có quá nhiều những thứ trong phim mà chỉ 1 lần xem khó có thể cảm nhận hết, và cũng có quá nhiều thứ mà chỉ một bài review cá nhân thế này của mình có thể diễn tả hết được bằng từ ngữ. Chỉ biết rằng, The Pianist thực sự là một trong số những kiệt tác xuất sắc nhất của dòng phim về cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2, và nó xứng đáng với mọi giải thưởng cũng như đề cử ở các giải thưởng điện ảnh danh tiếng. Một bộ phim phải xem với bất cứ ai quan tâm tới đề tài này, chỉ có một điều lưu ý rằng, đây không phải một bộ phim chiến tranh mô tả các trận chiến trên chiến tuyến với bom đạn liên hồi.

Điểm: 9,5/10

Đánh giá

Nội dung - 8.5
Diễn xuất - 8.7
Nhạc phim - 9.1
Kỹ xảo điện ảnh - 8.3
Thông điệp truyền tải - 8.9

8.7

Cảm động

Tâm hồn nghệ thuật trước thời đại đen tối.

User Rating: 3.73 ( 2 votes)

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Chín 9, 2018 | Lần cập nhật cuối: Tháng Bảy 28, 2019

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button